Người Việt - Tệ trạng tham nhũng tại Việt Nam vẫn kinh hoàng, tràn lan từ trên xuống dưới, chẳng có gì đỡ hơn những năm trước, theo một bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế.
Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) công bố hôm Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014, bản xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index 2014) tại 174 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo thông lệ họ làm cuộc khảo sát hàng năm.
Hội thảo Ðối thoại Phòng Chống tham nhũng lần thứ 13
hôm 26 tháng 11, 2014 tại Hà Nội. (Hình: Công Thương)
Trong bảng xếp hạng năm 2014, Việt Nam vẫn ở hạng rất thấp, thứ 119 chẳng thay đổi gì với những năm trước. Trong khu vực ASEAN, Minh Bạch Quốc Tế chỉ khảo sát 9 nước trừ Brunei, Việt Nam chỉ xếp hạng cao hơn Lào (hạng 145), Cambodia (hạng 156) và Myanmar (hạng 157).
Tham nhũng tại Việt Nam tồi tệ hơn ở Indonesia (hạng 107), Thái Lan (hạng 85), Philippines (hạng 85) trong khi Singapore xếp hạng rất cao, hạng 7, nằm trong số những nước ít tham nhũng nhất thế giới phần lớn là các nước ở khu vực Bắc Âu Châu.
Một tuần lễ trước, ngày 26 tháng 11, 2014, cuộc hội thảo “Ðối thoại Phòng Chống tham nhũng lần thứ 13” được tổ chức ở Hà Nội có sự tham dự chủ tọa của ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng với nhiều chức sắc của Bộ Tư Pháp và Thanh Tra Chính Phủ CSVN, đại sứ Anh quốc tại Việt Nam.
Trong cuộc hội thảo này, ông Nguyễn Xuân Phúc cả quyết vấn đề chống tham nhũng là “quyết tâm chính trị lớn của đảng và nhà nước và chính phủ” CSVN. Ông khoe rằng, “...dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Ban Chỉ Ðạo Trung Ương về phòng chống tham nhũng, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã có nhiều chuyển biến. Nhiều vụ án nghiêm trọng, dư luận quan tâm đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với sự lãnh đạo của đảng, quản lý của nhà nước.”
Tuy nhiên, trong một bài viết gửi đến đài BBC hôm 3 tháng 12, 2014, một tác giả bút danh Anh Ðức từ Hà Nội cho rằng, cái trò chống tham nhũng tại Việt Nam chỉ là trò “mị dân.” Bản chất thực của “chống tham nhũng” tại Việt Nam chỉ là sự tranh ăn, đấu đá giữa các phe cánh quyền lực theo kiểu “rừng nào cọp nấy.”
“Chống tham nhũng ở Việt Nam bản chất là cuộc chiến tương tàn giữa các tầng lớp đồng chí, dòng họ, ơn nghĩa thừa kế, có quan hệ chằng chịt về kinh tế, đã hoặc đang hoạt động chung lợi ích. Ngoài ra tham nhũng trong chính trị, từ những người làm chính sách trực tiếp hưởng lợi chớp nhoáng, cũng khó mà phát hiện và chống được.” Tác giả Anh Ðức viết.
Từ phân tích đó, tác giả Anh Ðức nhận thấy “hiệu quả của công cuộc chống tham nhũng” tại Việt Nam “cũng chỉ dừng lại ở số ít cá nhân đại diện cho một bộ máy tham nhũng có hệ thống khổng lồ ‘bị lộ’ qua phản ánh từ nước ngoài, qua doanh nghiệp phá sản, qua đấu đá nội bộ mà thôi.”
Việt Nam có hai hệ thống quyền lực song hành là đảng và nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống đảng CSVN tuy có các ban bệ song hành với nhà nước các cấp lại ngồi chồm hổm trên đầu guồng máy nhà nước. Tư pháp, hành pháp, và lập pháp tuy là ba ngành khác nhau nhưng không độc lập, mà lại do những kẻ cầm đầu đảng CSVN “lãnh đạo nhà nước và xã hội” theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” tức là độc tài đảng trị.
Vì hệ thống thông tin báo chí, truyền thanh, truyền hình hoàn toàn do nhà cầm quyền CSVN độc diễn, tin tức về các chuyện tham nhũng, ăn hối lộ cũng chỉ được báo chí loan tải rất chừng mực theo nhu cầu “ở trên.” Ký giả hăng hái tham gia chống tham nhũng thì bị nhà cầm quyền trừng trị như các ký giả Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) bị án tù năm 2008 và Hoàng Khương (báo Tuổi Trẻ) năm 2012.
Các vụ án tham nhũng lớn liên quan đến các dự án viện trợ ngoại quốc, người ta chỉ biết được khi nước ngoài kết án các công ty của họ. Hai lần chính phủ Nhật kết án hai công ty nước họ hối lộ cho quan chức CSVN (dự án xa lộ Ðông Tây ở Sài Gòn, dự án đường sắt ở Hà Nội), mới thấy đám quan chức của Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN bị lộ diện và tống giam.
Những ngày gần đây, dư luận chú ý đến khối tài sản lớn nhờ tham nhũng mà có của ông cựu tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền. Ông chiếm dụng một số “nhà công vụ” để cho thuê kiếm tiền trong khi tiền từ đâu đó ông dùng để xây một lâu đài trị giá cả triệu đô la ở Bến Tre.
Hiện đang được một số báo khai thác tin về cái biệt thự ở đường Nguyễn Chế Nghĩa ở Hà Nội mà ông cựu chủ tịch UBND thành phố, Hoàng Văn Nghiên, chiếm dụng suốt 8 năm qua không thèm trả lại. Ðây là “nhà công vụ” được giao cho các quan chức cao cấp của chế độ thuê với giá tượng trưng, khi về hưu hay thuyên chuyển sang các phần vụ khác ở nơi khác thì phải trả lại. Không những không trả, ông Nghiên cho con mình ở và ông cũng không ở đó.
Tình trạng tham nhũng của những kẻ đương chức đương quyền tại Việt Nam năm nào cũng được giới đầu tư ngoại quốc nêu ra kêu ca trước các kỳ họp để các nhà tài trợ quốc tế cứu xét viện trợ và cấp tín dụng cho Việt Nam thoát đói nghèo.
Ngày 2 tháng 12, 2014, tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam nói rằng, “Bản báo cáo của Phòng Thương Mại Mỹ (Amcham) do ông Gaurav Gupta, chủ tịch Amcham trình bày tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức sáng 2 tháng 12 tại Hà Nội đã đưa ra một nhận định có thể gây sốc.”
Bản báo cáo có đoạn viết: “Ðối với các công ty và nhà đầu tư có tính tuân thủ pháp luật cao, Việt Nam là nơi rất khó để thành công.” Họ tố cáo là “thường xuyên bị cản trở bởi sự chậm trễ trong việc đưa ra quyết định đối với các dự án và chính sách quan trọng, chẳng hạn trong thực thi quy định đối với các luật và nghị định quan trọng liên quan đến tiến độ xúc tiến các dự án cơ sở hạ tầng chủ chốt.”
Ðể có thể được việc, cách duy nhất là họ phải chung chi. Ðiều này làm cho chi phí đầu tư của họ tại Việt Nam tăng cao, đẩy giá thành sản phẩm.
“Phòng Thương Mại Mỹ cũng cho rằng bất ổn gây ra bởi sự thiếu minh bạch, tham nhũng tiếp tục là thách thức lớn nhất trong kinh doanh đối với các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam,” TBKTVN tường thuật. (TN)