Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Mặc dù Chủ tịch Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đưa ra lời đề nghị trước Liên Hiệp Quốc vào ngày 26 tháng Chín về một khoản tiền tài trợ các nước nghèo lên đến 12 tỷ Mỹ kim nhằm xóa bỏ nạn nghèo đói trên toàn cầu, nhưng các nhà phân tích cho rằng đây chỉ là hành động của Trung Cộng cố che đậy chính sách thực dân của mình mà thôi.
Có số dân sống nghèo đói đến cùng cực nhiều nhất trên thế giới, lên đến gần hai trăm triệu người, Trung Quốc vẫn là một quốc gia còn cần phải làm rất nhiều để cải thiện mức sống và an toàn sinh thái của chính quốc gia mình.
Dù có nền kinh tế lớn chỉ đứng sau Hoa Kỳ, mức sống nghèo đói tại Trung Quốc vẫn là một hiểm họa có thể lan rộng bất cứ lúc nào và đang có khuynh hướng ngày càng thêm tồi tệ trước những bất ổn kinh tế trước mắt và bất công trong lòng nội tại xã hội Trung Quốc.
Bởi vậy, Trung Cộng rộng rãi với các nước nghèo chậm phát triển khác chỉ là một hành động đóng kịch để che đậy dã tâm lan rộng ảnh hưởng tài chánh của mình lên các quốc gia nghèo đói nhằm để hút tài nguyên đến cạn kiệt từ những nước này cho nền kinh tế của mình mà thôi.
Molly Jackson trong bài viết: "Should poor countries take Chinese aid money?" đưa ra dẫn chứng là Trung Cộng đã cho Ecuador mượn 11 tỷ Mỹ kim để rồi đất nước này bị trói chặt trong quỹ đạo quyền lợi kinh tế của Trung Cộng mà cụ thể là nước này đã phải mất 90 phần trăm lượng dầu hỏa xuất khẩu của mình cho các công ty dầu hỏa quốc doanh của Trung Cộng để bù trừ nợ nần.
Trung Cộng đẩy mạnh sách lược kinh tế thực dân của mình ra toàn thế giới - tức là khai thác tối đa tài nguyên của các nước nghèo thông qua các ràng buộc nợ nần khi cho vay.
Trung Cộng tìm đủ mọi thủ đoạn để thâu tóm sở hữu toàn bộ dự trữ tài nguyên và cơ sở hạ tầng kinh tế của các nước nghèo mà mình cho vay; đồng thời gia tăng ảnh hưởng kinh tế, trong đó có gia tăng xuất khẩu hàng hóa ở mọi mặt của đời sống khiến các nước nghèo này lệ thuộc hoàn toàn về kinh tế vào Trung Cộng, nhất là trong lãnh vực cung ứng cho tiêu thụ.
Bằng chứng là ngành kỹ nghệ khai thác mỏ quặng và khai thác dầu hỏa của Trung Cộng hiện diện mạnh mẽ ở mọi quốc gia nghèo khó. Ngoài Ecuador, người ta thấy đầu tư của Trung Cộng trong khai thác khoáng sản và dầu hỏa chiếm gần 90% ở Angola, 82% ở Zimbabwe, 79% ở Afganistan, 70% ở Sierra Leone, 38% ở Irag, 13% ở Iran, 12% ở Venezuela,… vân vân.
Ngành khai thác mỏ quặng và khai thác dầu hỏa của Trung Cộng bóc lột nhân công một cách thậm tệ, buộc nhân công phải làm việc trong điểu kiện vô cùng độc hại và các công ty khai thác Trung Cộng ít khi quan tâm đến những thiệt hại về môi trường tại những nước nghèo khó này. Sự lan rộng đầu tư của những công ty khai thác Trung Cộng đang là mối lo lắng về hiểm họa tàn phá môi trường.
Xin lưu ý là nền công nghiệp kỹ nghệ của Trung Cộng đang làm môi trường của chính đất nước của mình đi xuống thậm tệ thì việc gì các công ty khai thác khoáng sản và dầu hỏa Trung Cộng lại quan tâm đến môi trường của những nước nghèo khó khác mà các công ty này đến đầu tư!
Mỗi năm, Trung Quốc có gần bốn ngàn người tử nạn do ô nhiễm không khí mà khói bụi thải ra từ các nhà máy luôn luôn là thủ phạm hàng đầu. Đó là chưa tính tỉ lệ công nhân Trung Quốc tử nạn trong ngành thác than do có bụi trong phổi là 240 người / tỷ tấn than.
Trung Cộng là một quốc gia có gần 200 triệu người sống đói khổ cùng cực và chịu nhiều bất công mà lại đi đem tiền giúp giảm đói nghèo trên toàn thế giới thì rõ ràng chỉ là để che đậy cho sự bành trướng khống chế tài nguyên toàn cầu cho mục tiêu phát triển kinh tế theo kiểu thực dân của mình.
Các quốc gia nghèo đói lại lọt vào tròng thực dân của Trung Cộng một cách tự nguyện để rồi hứng chịu tàn tạ về môi trường, suy sụp về an ninh y tế, cạn kiệt về tài nguyên và không còn có hy vọng thoát ra tìm cho mình một hướng phát triển vững chắc an toàn và hiện đại đầy nhân bản bởi tiếp tục lún sâu trong nợ nần cho vay từ Trung Cộng như những con nghiện lún sâu trong thuốc phế.
Và đương nhiên, vụ khai thác bauxite ở cao nguyên Lâm Đồng cũng không là ngoại lệ trong đối sách thực dân của Trung Cộng.
29/9/2015