Bức công hàm bán đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Dân Làm Báo

Bức công hàm bán đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Đại Nghĩa (Danlambao) - Hoàng Sa, Trường Sa đang từng ngày nhắc lại chuyện đau buồn của người dân Việt Nam. Tôi không quên Hoàng Sa và Trường Sa, một lần nữa viết lại đề tài này qua bức công hàm bán biển đảo của thủ tướng Việt cộng Phạm Văn Đồng năm 1958. Bức công hàm đã gây một hậu quả tai hại nghiêm trọng đến chủ quyền của đất nước khiến ngày nay người dân Việt Nam phải mất đi biển đảo và ngư trường đánh bắt. Do cái công hàm này khiến Trung cộng lấy đó làm bằng cớ để giành chủ quyền và ngày đêm lấn chiếm, bồi đắp biển đảo của tổ quốc ta.

Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận giá trị của bức công hàm với sự ngụy biện ấu trĩ, khó bề chối cãi, báo điện tử VNExpress cho rằng bức công hàm chỉ:

“Ghi nhận và tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, nội dung công thư 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có một chữ nào công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc”. (VNExpress online ngày 23-5-2014)

Sau bao nhiêu năm hữu nghị, bao nhiêu năm ngậm đắng nuốt cay, theo báo mạng của đài RFI đưa tin: “Việt Nam chính thức tuyên bố công hàm Phạm Văn Đồng là vô giá trị”. Một sự phủ nhận không thuyết phục vì ngoài bức công hàm này CSVN còn nhiều tài liệu khác công nhận chủ quyền của Trung cộng trên quần đảo của ta.

“Sau nhiều năm im lặng, mãi đến những năm gần đây, chính quyền Việt Nam mới lên tiếng giải thích về công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, nhưng lần đầu tiên, Hà Nội vừa chính thức tuyên bố công hàm đó là vô giá trị, tức là không hề nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. (RFI online ngày 24-5-2014)

Muốn biết rõ sự việc, cần xem lại cả hai văn bản, một của Trung cộng, hai của Việt cộng, chúng ta sẽ thấy rõ Việt cộng đang cố tình chối quanh.

- Bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Ttrung cộng Chu Ân Lai (bản dịch tiếng Việt của Trần Đông Đức)

“Công bố của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về lãnh hải
Ngày 4 tháng 9 năm 1958

Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc (Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa)

Đại biểu ủy viên thường vụ đại hội nhân dân toàn quốc liên quan việc phê chuẩn quyết nghị công bố lãnh hải của chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

(Ngày 4 tháng 9 năm 1958 đại hội ủy viên thường vụ đại biểu nhân dân toàn quốc hội nghị thứ 100 thông qua)

Quyết nghị:

Ngày 4 tháng 9 năm 1958 đại hội ủy viên thường vụ đại biểu nhân dân toàn quốc hội nghị thứ 100 thông qua quyết định phê chuẩn về tuyên bố lãnh hải của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Đính kèm: Công bố của chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa về lãnh hải.

Chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố:

* Một: Lãnh hải của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa rộng 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, bao gồm Trung Quốc đại lục cùng với duyên hải của các đảo, với Đài Loan cùng với các hòn đảo xung quanh cách đại lục bằng hải phận quốc tế, những hòn đảo của khu vực Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc hải đảo của Trung Quốc…”

- Công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 của thủ tướng Việt cộng Phạm Văn Đồng.

“Thủ tướng phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.

Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí lời chào rất trân trọng./.

Kính gửi: Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958”. (x-cafevn online ngày 19-5-2009)

Phạm Văn Đồng nói tôn trọng 12 hải lý của Trung cộng, như vậy 12 hải lý đó xuất phát từ đâu, có phải từ quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) hay không?

Bức công hàm năm 1958 đồng thời đã xác nhận lời của Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Ung Văn Khiêm trong lần gặp đại biện lâm thời của Trung cộng là Lý Chí Dân tại Hà Nội năm 1956 như sau:

“Theo trang web của Bộ Ngoại giao TQ, vào giữa năm 1956, Ung Văn Khiêm đã nói với đại biện lâm thời của TQ rằng Hoàng Sa và Trường Sa về mặt lịch sử đã thuộc về lãnh thổ TQ”. (BBC online ngày 24-1-2008)

Việt cộng đừng cãi chối, không chỉ có cái công hàm này không đâu, còn nữa, còn nhiều điều mà Việt cộng đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung cộng.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Mạnh Cầm, trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 2-12-1992 đã giải thích một cách gượng ép phải công nhận một sự bất đắc dĩ, cũng như còn có một mưu mô xảo trá vì biết rằng lúc ấy Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc chủ quyền của VHCN nhưng cũng cứ nhận vơ là của đồng chí hữu hảo để xin một ít bom đạn. Sau năm 1975 Hoàng Sa và Trường Sa thực tế thuộc về Việt cộng thì họ lại chối quanh là “tạm công nhận” chớ trước đó không tính được hậu quả ngày nay. Ông Cầm nói:

“Các nhà lãnh đạo của ta lúc trước xác nhận về Hoàng Sa và Trường Sa như vậy là do Hiệp định Genève năm 1954 về vấn đề Đông Dương tất cả lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam là thuộc về chính quyền miền Nam, kể cả hai quần đảo này.

Thêm vào đó, vào lúc ấy Việt Nam phải tập trung hết mọi lực lượng vào cuộc chiến chống Mỹ nên cần bạn bè khắp nơi. Tình hữu nghị Việt-Trung đang thắm thiết và hai nước hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Việt Nam xem Trung Quốc là một nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị.

Trong thinh thần đấy thì do tính cấp bách, quan điểm của lãnh đạo ta (tức ủng hộ Trung Quốc công bố chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là cần thiết vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ tổ quốc.

Đặc biệt việc này còn nhắm vào nhu cầu cấp thiết lúc đó là ngăn đế quốc Mỹ không sử dụng quần đảo để tấn công chúng ta. Việc lãnh đạo ta tạm công nhận như thế với Trung Quốc không có can hệ gì đến chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cả”. (RFA online ngày 12-12-2007)

Những chứng cớ cho thấy Việt cộng trước đây đã công nhận chủ quyền của Trung cộng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà sau này Trung cộng lấy đó làm bằng chứng là một cuốn sách dạy cho học sinh lớp 9 xuất bản cách đây 40 năm đã công nhận chủ quyền của Trung cộng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa …

“Trả lời ban Việt ngữ đài VOA, một nhà sử học đã bảo vệ luận án tiến sĩ xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, xác nhận là sách giáo khoa liên hệ dành cho học sinh lớp 9 của Việt Nam có công nhận rằng quần đảo Hoàng Sa, mà TQ gọi là Tây Sa. Là thuộc chủ quyền của TQ… (VOA online ngày 13-6-2014)

Chứng cớ thứ 2 là của Bộ Giáo dục Việt Nam mà tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung cộng dựa vào đó cho rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của họ ở biển Đông.

“Từ một tuần lễ nay, dư luận báo chí tại Việt Nam đã sôi nổi hẳn lên sau phát hiện của báo Thanh Niên, theo đó, Bộ Giáo dục Việt Nam, từ năm 2007, đã bắt học sinh phải sử dụng phần mềm tin học bản đồ công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Sau khi vụ việc bùng lên, Bộ Giáo dục Việt Nam đã ra lệnh cấm, nhưng vụ này đã lập tức bị báo Trung Quốc khai thác để nhấn mạnh rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền Trung Quốc tại biển Đông”. (RFI online ngày 29-12-2013)

Bằng chứng hùng hồn nhất là một cuốn sách của Bộ Ngoại giao CSVN viết bằng chữ Anh mang tựa đề: “U.S Intervention and Aggression in Viet Nam during the last twenty years”. Trần Quốc Việt cho biết trong bài “Thêm một bằng chứng bán nước rõ ràng của đảng CSVN” đầy đủ chi tiết.

“Một cuốn sách của Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ấn hành ở Hà Nội vào năm 1965 khẳng định rất rõ ràng quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc

…hải phận của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xung quanh quần đảo Hoàng Sa là ‘khu vực chiến đấu’ của lực lượng vũ trang Mỹ”. (DanLamBao online ngày 24-1-2014)

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một người bất đồng chính kiến tại Hà Nội thường lên tiếng phản biện một cách cam đảm. Trong bài “TQ xâm lược Việt Nam” có đoạn Tiến sĩ viết:

“Bội phản cha ông, thời đảng CSVN trị vì, các cuộc xâm lược từ phương Bắc đều do lãnh tụ đảng CSVN ‘mời’.

Thời Hồ Chí Minh có công hàm 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Thời Lê Duẩn, không biết có mời không nhưng, năm 1974, khi binh lính đồng bào mình (Việt Nam Cộng Hòa) bị TQ diệt để chiếm Hoàng Sa thì lãnh đạo CSBV chỉ đứng nhìn và vỗ tay”. (DanChimViet online ngày 4-7-2012)

Với bao nhiêu chứng cứ Việt cộng khó mà chối quanh với bọn bá quyền nước lớn Trung cộng, Việt cộng có đưa ra bao nhiêu bằng cớ về lịch sử cũng không thuyết phục bằng những tài liệu mà mình đã mặc nhiên công nhận trước đây. Sở dĩ Việt cộng không dám đưa Trung cộng ra tòa là vì há miệng mắc quai và nhất là đối đầu với đồng chí 16 chữ vàng và 4 tốt đang nắm “lý lẽ của kẻ mạnh”.

Ngày nay người dân Việt Nam muốn hóa giải cái hậu quả tai hại của cái công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng năm 1958 cũng như hủy bỏ mật ước nô lệ của Nguyễn Văn Linh tại Thành Đô năm 1990 chỉ còn có cách duy nhất là: giải tán đảng cộng sản Việt Nam và điều này chỉ có đảng viên cộng sản tự diễn biến.

24.10.2015



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo