Tại sao Hà Nội không làm sáng tỏ vấn đề:
Lê Minh Khôi (Danlambao) - Sau khi quyển “Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo” của giáo sư Hồ Tuấn Hùng in ra thì cả trong lẫn ngoài nước đã có một số tiếng nói về vấn đề này. Trước hết xin được góp ý với hai tác giả từng sống nhiều năm với chế độ Cộng Sản Hà Nội, từng đóng góp công sức cho chế độ Cộng Sản, và có thể nói cả hai một thời là những nhân vật được chế độ ưu đãi, có chức có quyền.
Ông Vũ Thư Hiên là quý tử của ông Vũ Đình Huỳnh, người một thời là Vụ Trưởng Vụ Lễ Tân, đôi lúc sát bên Hồ Chí Minh như hình với bóng. Ông Vũ Thư Hiên còn từng được ngủ chung với Hồ Chí Minh đã viết như sau trong bài “Tác phẩm giả tưởng về Hồ Chí Minh”
...Tôi không biết nhiều về ông Hồ Chí Minh, tuy nhiên cũng đủ để thấy chuyện ông Hồ là người Tàu là chuyện tào lao. Mà chẳng phải chỉ mình tôi nghĩ thế. Nếu ông Hồ là người Tàu thật thì tất tần tật những ai từng gặp ông, từng làm việc với ông (có cả nghìn, cả vạn người đấy), tạm kể từ thời Quốc dân Đại hội Tân Trào 1945 cho tới khi ông qua đời năm 1969, hoá ra đều mù dở - khốn nạn, ông là Hồ Tập Chương đấy, là người Tàu đấy, người Khách gia đấy, thế mà không một ai phát hiện...
Người thứ hai là cựu Đại Tá Cộng Sản Phạm Quế Dương:
Trong bài “Lại thêm tài liệu viết Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Trung Quốc”, đăng trên Thông Luận ngày 30.6.2014. Ông Phạm Quế Dương viết:
...Tôi rất quí trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn tự hào 45 năm được làm “Người lính Bác Hồ”. Tôi đã nhiều lần vào Nghệ An thăm quê Bác và lễ mộ thân mẫu Bác. Đọc quyển sách của Hồ Tuấn Hùng đã rất bất bình. Nay lại đọc tập tài liệu này của Huỳnh Tâm tôi càng bức xúc. Tại sao Trung Quốc cho phổ biến công khai những tài liệu này! Ý đồ của họ là gì? Thời nay là thời đại thông tin, trẻ già trong nước ngoài nước rất nhiều người biết, chắc hẳn bộ máy của Đảng và Nhà nước cũng phải biết rõ. Nhưng, sao lại lặng im vô trách nhiệm đến thế. Tôi đề nghị các vị lãnh đạo và cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ và công bố rộng rãi để sự thực được bảo vệ và tôn trọng...
Về bài viết của ông Vũ Thư Hiên, thú thật, ông là người từng sống trong chế độ gian dối lật lọng, ông cụ thân sinh và ông từng cúc cung theo Đảng để rồi cả hai cùng bị Đảng trù dập tống vào nhà tù Hỏa Lò, vậy mà không hiểu sao ông vẫn còn ngây thơ dễ tin đến thế.
Hồ Chí Minh (Nguyễn Tất Thành) đã chết từ năm 1932-1933 rồi. “Tất tần tật những ai từng gặp ông (HCM), từng làm việc với ông (có cả nghìn, cả vạn người đấy), tạm kể từ thời Quốc dân Đại hội Tân Trào 1945 cho tới khi ông qua đời năm 1969, không phải là họ đều mù dở mà vì họ chưa được gặp Nguyễn Tất Thành trước năm 1931, hoặc có thể có một số rất ít biết được nhưng không dám nói ra vì kỷ luật Đảng và... chắc chắn sẽ bị bỏ rọ dìm sông như Lâm Đức Thụ hay bị tai nạn ô tô như Đinh Bá Thi.
Cũng như một số người khác, ông có thể cho rằng một người Tàu như Ba Tàu Hồ Tập Chương không thể nói tiếng Việt và viết tiếng Việt sành sỏi như thế. Xin thưa với ông: Có lẽ ông đã nghe tiếng hát của ca sĩ Lynn và Công Thành. Nhiều người ngoại quốc tuy không hát tiếng Việt bằng Lynn nhưng nói và viết tiếng Việt rất sành sỏi. Đôi khi trong câu chuyện họ còn chơi chữ, nói lái, và dùng cả tiếng lóng. Đến vùng Washington DC nếu có cơ duyên ông có thể nghe ông Richard Armitage hay nghe một vài người Mỹ ngâm Kiều, ngâm Lục Vân Tiên, bằng cả 3 giọng Trung Nam Bắc. Vùng chúng tôi định cư tại Virginia, Hoa Kỳ, cứ ba bốn tuần lại có hai thanh niên tuổi hơn hai chục, cả hai đều là nam, hoặc một nam một nữ, đến nhà gõ cửa xin được gặp chúng tôi để nói chuyện. Họ hỏi chúng tôi người nước nào? Chúng tôi đáp: Người Việt Nam. Lập tức họ chào chúng tôi bằng tiếng Việt và khuyến dụ chúng tôi vào đạo Mormon dù rằng có đôi chỗ không được trôi chảy. Nếu không nói được tiếng Việt thì họ trao tặng chúng tôi quyển Kinh Thánh hay một số tài liệu tiếng Việt.
Những người này chỉ là nghiệp dư mà còn làm được vậy huống hồ chi một cán bộ quốc tế được trui rèn trong lò luyện thép suốt 5 năm trời chỉ để đóng vai kịch quan trọng này thì chuyện nói hay viết tiếng Việt chắc không khó gì. Hơn nữa, giọng nói hai xứ Nghệ An, Hà Tĩnh trọ trẹ rất dễ bắt chước. Ông mà ở Huế, nghe mấy cô gái Huế nói, khó có thể phân biệt ai ra ai. Còn một điều khác mà hẳn ông chưa quên: Báo chí Nhân Dân và báo Quân Đội từng đăng những bài tuyên dương anh hùng trong số đó có cán bộ vì nhu cầu cách mạng đã đóng vai đồng bào Thượng, cũng cà răng căng tai, cũng đóng khố cởi trần, ăn ở và nói tiếng Thượng như là người Thượng chính gốc. Vậy thì Hồ Tập Chương đóng vai Nguyễn Ái Quốc có gì là khó!
Về phần Đại Tá Phạm Quế Dương chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Ngày nay chỉ cần một một ít tàn thuốc lá hoặc một miếng bánh ăn bỏ sót lại là đủ tìm ra thủ phạm. Vật dụng Hồ Chí Minh để lại không thiếu nên chẳng cần phải đào mồ ông Nguyễn Sinh Huy hay bà Hoàng Thị Loan.
Vì vậy việc chế độ hoàn toàn ngậm câm được hiểu như sau:
- Người Cộng Sản Việt Nam không biết gì về Hồ Chí Minh. Họ theo Cộng Sản vì ước muốn cải thiện cuộc sống. Họ được dạy rằng họ không có gì để mất. Nếu mất thì chỉ mất ngục tù, xiềng xích và sự nghèo khổ. Nếu được thì được tất cả! Bây giờ họ có tất cả, ngu gì lại lôi chuyện này ra.
- Nhờ theo Hồ Chí Minh (Hồ Tập Chương) mà cán bộ đảng viên băng đảng Cộng Sản Việt Nam có trong tay quyền lực và giàu sang. Nếu khui chuyện này ra không khác gì mình tự giết mình.
- Người Cộng Sản Việt Nam nhờ Cộng Sản Trung Hoa mới có ngày nay. Mất chỗ dựa Trung Hoa họ sẽ mất tất cả. Vì vậy, Hồ Chí Minh có là người Hẹ bên Tàu cũng không thành vấn đề.
- Nếu đem thử nghiệm DNA thì sẽ lòi ra sự thật và như thế băng đảng Cộng Sản Hà Nội sẽ không còn thần tượng làm chỗ dựa.
Phụ bản:
Để cân bằng và bạn đọc có thêm dữ kiện chúng tôi xin được trích đăng một số tài liệu dưới đây:
- Lý Bằng tiết lộ hội nghị Thành Đô 1990
*
Tàn ác bất công dưới chính thể Hồ Chí Minh
Để có thể so sánh chế độ Cộng Sản Xã Hội Chủ Nghĩa của Hồ Chí Minh với các chế độ khác chúng ta có ngay một bằng chứng về sự tàn ác của chế độ phong kiến: Đó là bài Thạch Hào Lại của thi hào Đỗ Phủ (杜甫, 712 - 770) thời đại nhà Đường.
Thạch Hào lại (chữ Hán: 石壕吏) được làm theo thể thơ "ngũ ngôn cổ phong", thường được xem một trong những bài thơ hiện thực tiêu biểu. Năm 755, biến cố An Lộc Sơn nổ ra. Sau khi đưa gia đình đi lánh nạn, Đỗ Phủ tìm cách đến Phượng Tường, tỉnh Thiểm Tây để bái kiến Đường Túc Tông. Giữa đường, bị quân nổi dậy bắt đem về giam lỏng ở Trường An. Ít lâu sau, ông vượt vòng vây về với triều đình nhà Đường, được làm chức tả thập di (giám quan). Vì thẳng tính nên ông bị nhà vua ghét bỏ, treo chức, cho về thăm nhà. Nhờ sự giúp đỡ của lính Hồi Ngột, tháng 2 năm 759, quân Đường lần lượt lấy lại Trường An và Lạc Dương. Đỗ Phủ được giữ chức cũ nhưng không lâu, ông lại bị biếm đi Hoa Châu. Nhưng chỉ một tháng sau (tháng 3 năm 759), bộ tướng của An Lộc sơn là Sử Tư Minh lại phản công, quân triều đình thua to ở Nghiệp Thành, chết trên mười vạn. Tướng nhà Đường là Quách Tử Nghi phải lui về cố thủ ở Hà Dương, vua Đường Túc Tông hốt hoảng sai nha lại đi vét lính bắt phu ở các châu huyện. Trên đường từ Lạc Dương về Hoa Châu nhận chức mới, chứng kiến những cảnh bắt bớ bừa bãi cùng cảnh trấn lột dân Đỗ Phủ cảm tác viết bài thơ Thạch Hào Lại:
Bản dịch của Ngô Tất Tố:
Chiều hôm tới xóm Thạch hào,
Đương đêm có lính lao xao bắt người.
Vượt tường ông lão trốn rồi,
Cửa ngoài mụ vợ một hai mời chào.
Lính gầm mới dữ làm sao!
Mụ kêu như tỏ biết bao khổ tình.
Lẳng nghe lời mụ rành rành:
“Ba con đóng ở Nghiệp thành cả ba,
Một con mới nhắn về nhà,
Rằng: hai con đã làm ma chiến trường!
Kẻ còn vất vưởng đau thương,
Nói chi kẻ dưới suối vàng thêm đau!
Trong nhà nào có ai đâu?
Có thằng cháu nhỏ dưới bầu sữa hoi.
Cháu còn mẹ nó chăn nuôi,
Ra vào quần áo tả tơi có gì?
Thân già gân sức dù suy,
Cũng xin theo lính cùng về đêm nay,
Hà Dương tới đó sau này,
Cơm canh hầu bữa sớm ngày, còn trôi”
Đêm khuya tiếng nói im rồi,
Vẫn nghe nức nở tiếng người khóc thương.
Sáng mai khách bước lên đường,
Chỉ cùng ông lão bẻ bàng chia tay.
Nguồn: Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc, NXB Trẻ, 1997
GS. Nguyễn Khắc Phi phân tích:
Thông qua việc miêu tả và tường thuật một cuộc bắt lính, bắt phu ban đêm ở thôn Thạch Hào, bài thơ đã phần trần chính sách tàn bạo của triều đình, phản ảnh sâu sắc nổi khổ của dân chúng và phần nào nói lên lòng yêu nước của nhân dân cũng như của chính tác giả
Văn học Trung Quốc tập I có lời bình:
Chỉ một từ "tróc" (bắt) ở câu 2, Đỗ Phủ đã lột trần được bộ mặt trái của nhà Đường lúc bấy giờ. " Bắt" chứ không "tuyển", cũng không phải "mộ", và lại bắt " ban đêm" để người dân trở tay không kịp. Việc làm ấy diễn ra thường xuyên tới mức đã tạo ra " phản xạ" của ông lão (hốt hoảng, vượt tường trốn nhanh) trái với tư thái ung dung của bà lão. Vì bà nghĩ rằng mình là "đàn bà", lại đã "già", tất không thể bị bắt. Đây chính là một nét bút tuyệt diệu có tác dụng nâng cao hẳn giá trị tố cáo và ý nghĩa hiện thực của tác phẩm. (Nguồn: Wikipedia)
Tuy nhiên cảnh loạn lạc nhiễu nhương thời Đỗ Phủ cũng không bằng cảnh thu thuế hay cảnh bắt người đi nghĩa vụ dân công của thời độc lập tự do ấm no hạnh phúc của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa dưới bàn tay ác độc Hồ Chí Minh:
Những sự thực và mấy câu truyện dưới đây chứng minh điều đó:
- Bài 1: Không được chết vì nợ thuế nhà nước
- Bài 2: Cái đêm hôm ấy đêm gì
* Phùng Gia Lộc
Tiểu sử tác giả qua Wikipedia, Tuổi Trẻ Online và Việt Báo: Phùng Gia Lộc quê quán tại huyện Thọ Xuân Thanh Hóa và là hội viên Hội Văn Học Nghệ Thuật của tỉnh. Sau khi bút ký “Cái đêm hôm ấy... đêm gì?” xuất hiện trên báo Văn Nghệ tác giả bị cán bộ địa phương truy bức hành hạ nên phải bỏ trốn ra Hà Nội sống trốn lánh trong nhà bạn bè và cuối cùng chết tại Hà Nội. Tác giả Phùng Gia Lộc tâm sự “Cái đêm hôm ấy... đêm gì?” không phải là truyện hư cấu mà là chuyện thật ở nhà tôi đêm 26-11-1983. Anh nói thêm: Đăng được Cái đêm hôm ấy đêm gì có chết cũng cam lòng!.
- Bài 3: Chuyện đau thương của gia đình tôi
Nạn nhân VŨ DUY THÁI đọc tại nhà thờ trại tỵ nạn Songkhla Thái Lan ngày 14-4-1980, vào buổi lễ giỗ 100 ngày vợ và 4 đứa con của ông bị chết vì hải tặc.
Nếu trên trái đất này có nhiều chuyện thương đau thì hoàn cảnh của gia đình tôi nên kể như một hoàn cảnh đau thương. Tôi đã trải qua những đau đớn thảm sầu đến cùng cực, nhưng sở dĩ tôi còn đứng vững được đến ngày nay là vì tôi quan niệm rằng mọi sự ở trên đời này đều đã do bàn tay của Chúa sắp đặt.
Tôi tên là Vũ Duy Thái, sinh ngày 2 tháng 10 năm 1936 tại Hoa Lộc, Tuyên Sơn, Ninh Bình (Bắc Việt). Thuở nhỏ rất nghèo phải đi chăn trâu cắt cỏ từ lúc 5 tuổi. Mồ côi cha năm 10 tuổi, mẹ đau ốm thường xuyên. Nhưng lần hồi tới năm 23 tuổi thì đời sống tương đối dễ chịu hơn với nghề thợ may. Tôi di cư vào Nam năm 1954 và lập gia đình vào ngày 6-4-1958 ở xứ An Lạc, Gia Định. Nhà tôi tên Đinh Thị Bang, sinh năm 1940 tại Phú Nhai, Nam Định (Bắc Việt). Nhà tôi cũng thuộc thành phần di cư 1954.
Lúc mới lấy nhau, chúng tôi rất nghèo. Tiền đám cưới có sáu ngàn đồng chúng tôi cũng lo không nổi, phải đem bán cái máy may và vay mượn bạn bè thêm bốn ngàn nữa mới tạm đủ. Như thế, nhà tôi đã khởi sự chia sẻ với tôi mọi nỗi gian nan vất vả của đời sống ngay từ lúc mới bước chân về nhà chồng. Những năm đầu sống thiếu thốn cực nhọc trôi qua trong sự đảm đang tần tảo của nhà tôi. Là một phụ nữ yếu đuối về thể chất nhưng rất mạnh mẽ về tinh thần, nhà tôi đã phấn đấu hy sinh rất nhiều cá nhân mình để lo cho chồng con. Gần như cả cuộc đời nhà tôi không được hưởng chút gì sung sướng. Nhà tôi không ham thích một thứ giải trí nào ngoài niềm vui lo toan công việc tề gia nội trợ, chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho chồng con. Lúc nào nhà tôi cũng cố gắng sắp xếp cho chồng con được ăn ngon, ngủ yên. Dưới mắt tôi, nhà tôi là một mẫu người Phụ Nữ Việt Nam đảm đang trung hậu, luôn luôn là niềm an ủi khích lệ và là chỗ nương tựa vững chắc cho toàn thể gia đình.
Chúng tôi sinh hạ được bảy con, tuần tự gồm có:
1. Giuse Vũ Duy Thành, sinh năm 1959
2. Vinxente Vũ Duy Trung (1961)
3. Phero Vũ Duy Tuấn (1963)
4. Maria Vũ Thị Thanh Thủy (1966)
5. Maria Vũ Thị Thùy Trang (1968)
6. Martin Vũ Duy Tài (1971)
7. Phero Vũ Duy Trí (1975)
Gia đình tôi được kể như hoàn toàn hạnh phúc nếu như không có sự sụp đổ miền Nam, đất nước rơi vào tay Cộng Sản. Là một gia đình Thiên Chúa Giáo ngoan đạo, các con tôi được hưởng một nền giáo dục nằm trong tình thương của Thiên Chúa, do đó không bao giờ chúng tôi có thể sống nổi dưới ách độc tài, đàn áp của Cộng Sản cả. Vì thế chúng tôi đành quyết định bỏ nước ra đi.
Chuyến vượt biên thứ nhất vợ chồng tôi cho 3 cháu trai đầu đi trước. Tàu khởi hành từ bến Bạch Đằng Saigon ngày 01-10-1978 chở theo 130 người nhưng chỉ được 4 ngày thì chết máy. Ghe lạc vào một đảo san hô đầy đá ngầm thuộc đảo Bành Hồ Đài Loan. Sống 50 ngày liền, thực phẩm không có, số người bị chết đói cứ tăng dần và những người sống sót đành xẻ thịt người chết để ăn cho đỡ đói. Hai cháu lớn của tôi Vũ Duy Thành và Vũ Duy Trung đã bị rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát này. Các cháu đã chết và đã bị người đồng ghe ăn thịt.
Mãi tới sáng ngày thứ 50 mới có tàu đánh cá Đài Loan tình cờ ghé qua trông thấy tới cứu thì cả ghe 130 người chỉ còn sống sót có 60 người nhưng trên đường từ đảo San Hô vào Đài Loan thêm một số người chết nữa vì quá kiệt sức. Rút cục khi đặt chân lên đất Đài Loan chỉ còn 34 người sống sót, trong đó có con trai thứ ba của tôi là Vũ Duy Tuấn và một đứa con đỡ đầu của tôi là Trần Vĩnh Thúy. Hiện nay cháu Tuấn đang sống ở Đài Bắc, còn cháu Thúy nhờ có thân nhân ruột thịt bảo lãnh nên đã đi định cư tại tiểu bang California, Hoa Kỳ.
Trước thảm kịch có hai anh ruột bị chết thảm cháu Tuấn vì sợ bố mẹ buồn nên dấu biệt tin tức. Mãi tới ngày 20-12-1979 một người bạn tôi tên Đỗ Minh Ngữ ở Mỹ viết thư về cho gia đình tôi mới biết rõ tin tức về chuyến đi kinh hoàng đó.
Vào đúng thời điểm này gia đình chúng tôi lại đang chuẩn bị chuyến vượt biển lần thứ hai. Chúng tôi làm lễ cầu nguyện 3 ngày liền cho hai cháu ở nhà thờ An Lạc, Chí Hòa, rồi mặc dầu vô cùng đau đớn chúng tôi vẫn tiếp tục xúc tiến cuộc hành trình vượt biển với cả gia đình.
Chúng tôi rời Saigon vào ngày 28-12-1979 lúc 4 giờ sáng để xuống Rạch Giá. Khoảng 9 giờ sáng ngày 29-12-1979 thì chúng tôi ra khỏi hải phận. Chiếc ghe mang số VNKG 0980, dài 13 mét ngang 2.50 mét chở 120 người. Ghe chạy tới 7 giờ chiều ngày 30-12 thì gặp hải tặc Thái Lan (trên tàu cướp có treo cờ Thái Lan) xáp lại cướp lần đầu. Cướp xong chúng bỏ đi.
Qua 8 giờ sáng ngày 31-12 lại gặp một tàu cướp khác. Lần này cướp xong chúng phá máy tàu. Một chuỗi 8,9 tiếng nổ phát ra ở hầm máy làm cho chiếc ghe lập tức chao đi và chìm lĩm ngay 5 phút sau đó. Tất cả mọi người trên ghe đều la khóc kinh hoàng. Vào giây phút cực kỳ khiếp đảm này vợ chồng tôi không nói được với nhau câu nào. Tôi chỉ kịp nhìn thấy nhà tôi với vẻ mặt hết sức hoảng sợ, thảng thốt. Nhà tôi cúi xuống hôn hai con út là cháu Tài và cháu Trí. Tôi cũng có nghe tiếng cháu Thủy la lên: “Cha ơi! Chú Tuynh kìa....” và tiếng Trang kêu lên: Cha ơi! Chết rồi...” Cuối cùng chiếc ghe chìm lỉm.
Lúc đó nhà tôi vẫn ở bên cạnh tôi, nhưng nhà tôi không hề níu kéo lấy tôi. Đây là cử chỉ hy sinh cuối cùng của nhà tôi dành cho chồng con. Nhà tôi không muốn tôi bận bịu vướng mắc giữa sóng biển để tôi có cơ hội cứu các con. Khốn thay một cơn sóng độc ác đã ùa tới nhận chìm tất cả những người thân yêu của tôi. Tôi không còn thấy ai nữa. Chỉ có sóng nước ngập đầu. Ngay lúc đó tôi được một người cháu tên Phương níu tôi lại và cho tôi bíu vào một cái can nước. Tôi ôm cái can hoàn toàn theo bản năng và lúc tôi mở được mắt ra thì tôi thấy nhà tôi nổi vật vờ ngay trước mắt. Rồi sau đó tôi ngất đi không biết gì nữa.
Khi tỉnh dạy tôi thấy mình nằm trên tàu của hải tặc. Bên cạnh tôi là hai em Hùng và Châu đang làm hô hấp nhân tạo cho nhà tôi, chắc là vừa được các em vớt lên. Tôi cũng cố gượng dạy để ra phụ giúp, nhưng bọn hải tặc ra hiệu bắt phải hất nhà tôi xuống biển. Thật không còn gì tan nát hơn lòng tôi lúc đó. Tôi nhào lại, ôm nhà tôi vào lòng, đau dớn nhìn hai mắt nhà tôi còn mở nhưng thân hình đã bất động. Bọt ở mép sùi ra. Tôi đã dùng tay vuốt hai mắt nhà tôi khép lại, rồi tôi khiêng ở đầu, hai em Hùng và Châu khiêng ở chân, hạ nhà tôi xuống biển.
Đó là lần cuối cùng tôi ở cạnh nhà tôi. Những giây phút đau đớn nhất của một đời người. Một con sóng lớn lại ập tới. Biển xanh bao la đầy sóng dữ đã vĩnh viễn lôi cuốn đi người vợ thân yêu nhất của đời tôi. Không bao giờ tôi còn gặp lại. Không có một nấm mồ để tôi lui tới viếng thăm. Một thoáng lay động trên biển cả rồi vĩnh viễn chia lìa. Vĩnh viễn không còn thấy nhau. Ôi còn đau đớn nào bằng đau đớn tôi phải chịu đựng. Tất cả vợ con thân yêu của tôi đã mất đi trong khoảnh khắc. Khi chết, nhà tôi bận một chiếc quần đen, một cái áo montagu đen. Nét mặt nhà tôi không tỏ vẻ đau đớn gì. Chỉ có nét thảng thốt thoáng qua trên khuôn mặt bình thản. Đó là hình ảnh cuối cùng của nhà tôi mà tôi ghi nhớ được trước giây phút ngàn năm vĩnh biệt.
Kiểm điểm lại, chẳng những nhà tôi chết trên biển mà tất cả các đứa con của tôi cũng đều chết đuối hết. Cháu Thanh Thủy, cháu Thùy Trang, cháu Duy Tài, cháu Duy Trí. Những người thân yêu của tôi đã đi vào lòng biển sâu. Tôi tưởng rằng nếu trên đời này có những thảm họa đớn đau nào thì thảm họa giáng xuống gia đình tôi phải kể là một trong những thảm họa lớn nhất, khủng khiếp nhất, vượt quá sức chịu đựng của một con người. Cùng số phận với vợ con tôi còn có 65 người nữa đi cùng ghe đã bị chết chìm. Cả thảy 70 sinh mạng đã chết dưới bàn tay bạo tàn của hải tặc. Số còn lại được đưa vào đảo Kra, một hòn đảo nằm chơ vơ giữa biển cả trong vịnh Thái Lan. Đảo này bây giờ trở thành địa ngục của dân Việt Nam tỵ nạn bằng thuyền. Bởi vì bất cứ ai bị đưa vào đây đều trở thành nạn nhân của hải tặc bạo hành. Đàn ông thì bị tra tấn để khảo của và bắt chỗ trốn của phụ nữ, còn phụ nữ thì trốn trong hốc núi rừng sâu hay dưới vách đá ngầm ngoài biển, nếu họ bị phát giác thì sẽ bị hải tặc hãm hiếp tập thể, liên tục cả ngày lẫn đêm. Trên đảo có nhiều dấu tích thảm thương của đồng bào đi trước để lại như những hàng chữ viết trên vách đá, những mớ tóc đàn bà vương vãi khắp mọi nơi (chắc là hớt tóc để giả trai) và cả những xác thuyền, những ngôi mộ của những người bỏ xác tại đó.
Chúng tôi được đưa lên đảo vào lúc 6 giờ chiều ngày 31-12-1979. Lòng đau đớn và xác thân rã rời, bệnh hoạn. Các em tôi đã phải đi kiếm cỏ khô để trải thành nệm cho tôi nằm, lo kiếm thức ăn cho tôi ăn, và vì tôi quá ốm đau nên chú Chiến đã chịu khó đi mày mò ở khắp mọi nơi, bòn nhặt những vật dụng vương vãi của đồng bào đi trước bỏ lại để tìm kiếm những viên thuốc cho tôi uống, bất cứ là thuốc gì, miễn nó là thuốc. Có những viên thuốc đã rữa nát vì nắng mưa, có những viên mòn vẹt chỉ còn lại một phần tư nhưng tôi vẫn cố uống vì sức khỏe của tôi vô cùng suy sụp.
Sáu ngày trên đảo là sáu ngày buồn thảm kinh hoàng. Đói lạnh và những nỗi nhớ thương đau đớn đến tận cùng cực của tâm hồn. Trong khi ấy các phụ nữ đi cùng ghe vẫn phải lẫn trốn như những con vật vô phương tự vệ trước những cuộc lùng sục tàn bạo của hải tặc.
Đến ngày 06-01-1980 chúng tôi được Cao Ủy Tỵ Nan Liên Hiệp Quốc đưa vào quận Pakphanang thuộc tỉnh Nakorn Sri Thaniaraj. Ở đó 18 ngày làm thủ tục với cảnh sát Thái thì tôi được đưa về trại Songkhla ngày 23-01-1980.
Tôi thấy cần phải ghi thêm ở đây lòng biết ơn của tôi đối với các em Hùng, Châu đã tận tình săn sóc tôi, an ủi tôi trong cuộc hành trình đầy gian khổ mà chúng tôi vừa trải qua. Sự ân cần giúp đỡ của hai em tôi sẽ ghi nhớ mãi không bao giờ quên.
Hôm nay là ngày 14-4-1980, ngày thứ 100 nhà tôi và các con chết trên biển trong vịnh Thái Lan trên đường vượt thoát Cộng Sản đi tìm tự do. Tôi đang ở trại tỵ nạn Songkhla. Cách đây 50 ngày cha Tuyên Úy Devlin đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho nhà tôi và các con tôi tại nhà thờ trong trại. Hôm nay Cha cũng dâng lễ cầu nguyện nhân dịp 100 ngày. Tôi vô cùng đau đớn, vô cùng chua xót, nhớ lại những người thân yêu nhất của đời tôi. Vợ và sáu con của tôi. Những người đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại. Thời gian, dù là một liều thuốc nhiệm màu giúp cho tâm hồn người ta bớt thương đau, nhưng không bao giờ tôi quên được nhà tôi, người phụ nữ đảm đang hiền thục, suốt một đời tận tụy bên chồng bên con, không hề được hưởng một ngày nhàn hạ.
Lạy Chúa, xin Chúa xót thương cho những linh hồn đớn đau đã chết đau đớn trong thảm họa chung của cả dân tộc Việt Nam chúng con.
Xin Chúa hãy cứu vớt linh hồn vợ con, các con của con để đưa tất cả về nơi an nghỉ bình an, hạnh phúc, đời đời nơi nước Chúa.
Xin Chúa hãy giúp con đầy đủ can đảm để đứng vững sau cơn gió bảo khủng khiếp nhất của đời người, để cho con còn đủ minh mẫn, đủ sức khỏe để lo lắng cho đứa con trai duy nhất của con hiện đang còn sống tại Đài Loan.
Con đã chịu đau đớn tang thương quá nhiều. Con cầu nguyện ơn Chúa ban xuống cho tất cả thân nhân còn lại của con, các đồng bào của con, những người vượt biển ra đi đều được bình an tới bờ biển an toàn.
Con cầu xin, rồi một ngày kia, con cũng sẽ gặp lại đầy đủ mọi người thân yêu ở nơi nước Chúa trên Thiên Đàng
Vũ Duy Thái
- Bài 4: Chị cả Bống - https://phamluuvu.wordpress.com/ch%E1%BB%8B-c%E1%BA%A3-b%E1%BB%91ng/
*
Thay lời kết cho tập sách này, người viết xin được ghi lại bài thơ “Xưa Lý Bạch” của ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện trong thi tập Hoa Địa Ngục:
Xưa Lý Bạch
Xưa Lý Bạch ngửng đầu nhìn trăng sáng
Rồi cúi đầu thương nhớ quê hương
Nay tôi ngẩng đầu nhìn nhện giăng bụi bám
Cúi đầu giết rệp, nhặt cơm vương
Lý Bạch say gác chân lên bụng vua Đường
Tôi đói lả gác chân lên cùm rỉ xám
Lý Bạch sống dưới thời độc tôn u ám
Phong kiến bạo tàn không có tự do
Tôi sống dưới thời Cộng Sản ấm no
Hạnh phúc tự do thiên đường mặt đất
Rủi Lý Bạch mà may cho tôi thật.
Nguyễn Chí Thiện
(Hết)
Những phần đã đăng: