Lê Minh Khôi (Danlambao) - Dù chấp nhận hay chống đối, dù kính trọng hay khinh ghét, Hồ Chí Minh vẫn là một nhân vật lịch sử đương đại. Viết về Hồ Chí Minh, khen cũng nhiều, chê cũng lắm, thần thánh hóa cũng không ít mà bôi bác cũng không thiếu.
Những người từng đứng dưới trướng Hồ Chí Minh thì ra sức bào chữa và che đậy tội ác của Hồ Chí Minh, không phải vì họ thương tiếc kính trọng con người này, mà là để bảo vệ chính họ. Càng che đậy được tội ác của Hồ Chí Minh càng chứng tỏ con đường đi của họ trong quá khứ không có gì sai lầm. Ngược lại, tội ác của Hồ Chí Minh càng bị lột trần thì họ càng bị nhục nhã vì đã tiếp tay cho một tên ác quỷ hại dân hại nước và cuộc đời của họ hiện nguyên hình chỉ là cuộc đời của những tên thời cơ, hoạt đầu, cuồng tín, ngu si, hại dân hại nước.
Với người chống Cộng, ngoài việc mong muốn trả lại sự thật cho lịch sử còn muốn lột trần thủ đoạn và tội ác của Hồ Chí Minh. Trong việc làm này, nhiều sự thật phũ phàng tới độ khó tin đã được phát hiện, đẩy người viết đến những cảm xúc và những bài viết quá mạnh. Cũng chính vì vậy mà một số người cho rằng người viết mang nặng định kiến.
Nhớ lại, năm 1954 cả triệu đồng bào Miền Bắc di cư vào Nam, khi kể lại những chuyện đấu tố, công an trị, xiết bao tử hoặc ngăn sông cấm chợ của Cộng Sản Hà Nội thì rất nhiều người nghi ngờ cho là “dân Bắc Kỳ di cư xạo sự”. Cho đến tháng 4 năm 1975, không ít người Miền Nam vẫn còn tỏ ra vui mừng lúc “đàn bò vào thành phố”. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, sau khi chứng kiến tận mắt cộng sản sục sạo từng góc nhà, lập trạm kiểm soát dọc đường, chận bắt từng ký gạo lạng thịt, bày trò đánh tư sản mại bản, cưỡng bức dân thành phố lên các vùng rừng rú hoang địa được mệnh danh là các vùng kinh tế mới để cướp đoạt tài sản nhà cửa thì chính những kẻ một thời từng mơ ước Cộng Sản và từng lên đường xuống đường chống phá Miền Nam mới mở mắt và tìm cách vượt biên bất kể sống chết. Lúc này mọi người mới nhận ra rằng mọi câu chuyện kể về tội ác của Cộng Sản đều là sự thật, và “nếu cái cột đèn biết đi thì nó cũng đi”.
Vì vậy, để có một nhận định đúng về Hồ Chí Minh chúng ta không thể căn cứ hoàn toàn vào những gì thấy trên các mạng truyền thông hay trên một trang sách mà cần phải phân tách tìm hiểu các bài viết đó từ nhiều góc độ. Hơn thế nữa, chúng ta còn phải so sánh lời nói và việc làm của chính Hồ Chí Minh mới có thể nhận diện được mặt thật của con người muôn mặt này.
Việc đấu tố tại Miền Bắc trong những năm 1953-1956 do Hồ Chí Minh phát động giết oan hàng trăm ngàn người là có thật. Việc triệt hạ các đảng phái đối lập và bắt bớ tù đày hàng triệu người dân vô tội chỉ vì nghi ngờ những người này sẽ gây nguy hiểm cho chế độ là có thật. Hình ảnh Hồ Chí Minh khóc lóc lau nước mắt trong màn kịch sửa sai ngày 29-10-1956 tại quãng trường Ba Đình- Hà Nội cũng là có thật. Nhưng những giọt nước mắt của Hồ Chí Minh chỉ là những giọt nước mắt cá sấu bởi vì hàng trăm ngàn nạn nhân bị đấu tố cùng thân nhân của họ vẫn tiếp tục bị truy sát lý lịch, quản chế, cô lập, hành hạ, đầy đọa cho đến ba đời con cháu vẫn không ngóc đầu lên được. Ông Nguyễn Văn Thiệu, cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, từng có một câu nói để đời: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”.
Có hai tập sách của hai tác giả biết rất nhiều, biết rất rõ ràng, biết chi ly, biết hết những góc cạnh uẩn khúc cuộc đời và hoạt động của Hồ Chí Minh từ tuổi ấu thơ cho đến ngày Hồ Chí Minh “đi gặp cụ Các Mác cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” theo bản di chúc. Hai tập sách này do Hà Nội xuất bản: Tập thứ nhất có tựa đề “Những Mẫu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch” tác giả Trần Dân Tiên, nhà xuất bản Sự Thật, Cơ Quan Tuyên Huấn Trung Ương Đảng, in lần thứ nhất năm 1949 và tái bản nhiều lần. Tập thứ hai có tựa đề “Vừa Đi Vừa Kể Chuyện” của tác giả T. Lan do nhà xuất bản Thanh Niên Hà Nội ấn hành.
Về phía ngoại quốc, ngoài Jean Lacouture, Bernard B. Fall, Jean Francois Revel, Oliver Tood... còn có ba tác phẩm nặng ký là “Vietnam A History” của Stanley Karnow, Viking Press, 1983, “Ho Chi Minh - The Missing Years 1919-1941” của Sophie Quinn-Judge, Bekeley, University of California 2003 và “Ho Chi Minh” của William J. Duiker.
Stanley Karnow viết về Việt Nam giống như phò mã cỡi ngựa xem hoa hay một anh thợ chụp hình, chỉ thấy được những gì “bên ngoài” chứ không biết được “bên trong”. Lại nữa, tài liệu của Stanley Karnow phần lớn dựa theo tài liệu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cùng các nguồn tin của Cộng Sản nên hời hợt, không cân bằng. Tuy nhiên dù một chiều và nhiều thiếu sót, “Vietnam A History” của Stanley Karnow lại là “A Companion to the PBS Television Series” nên ảnh hưởng không ít đến giới trẻ và những người không biết gì về Việt Nam. Hai tác phẩm còn lại, “Ho Chi Minh The Missing Years 1919-1941” của Sophie Queen Judge và “Ho Chi Minh” của William J. Duiker, nhờ ra đời sau khi đế quốc Liên Sô và các nước Cộng Sản Đông Âu sụp đổ vào năm 1989 nên đã thu thập và khui ra được một số bí mật. Tuy nhiên cũng còn vô số bí ẩn chưa tìm được lời giải.
Ở trong nước sách báo viết về Hồ Chí Minh nhiều hơn lá mùa thu, để câu cơm, để giữ ghế, để chạy chức chạy quyền, để mỗi tháng trong sổ lương thực được bồi dưỡng thêm nửa lạng thịt hay vài trăm gam bột ngọt nên đầy dẫy những tâng bốc và thần thánh hóa, đại loại như “Tác Phẩm Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh” của Hà Minh Đức, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội 1984, “Thời Niên Thiếu Của Bác Hồ” của Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng, “Bác Hồ Trên Đất Pháp”, “Bác Hồ Trên Đất Nước Lê Nin” của Hồng Hà hay “Di Tích Chủ Tịch Hồ Chí Minh” của Trần Minh Siêu... Những tập sau này tuy thêm một số chi tiết và mang nội dung như những tập biên khảo nhưng thực chất chỉ là dựa theo hai quyển sách của Trần Dân Tiên và T. Lan rồi vẽ cọp thêm râu, vẽ rắn thêm chân, bịa đặt, khuếch đại. Những tập sách tâng bốc ngu si và nhảm nhí này không đáng để mắt tới.
Dưới đây là nguyên bản hai trang mở đầu của Chương I trong tập “Những Mẫu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch”, tác giả Trần Dân Tiên, ấn bản đầu tiên 1949, tái bản tại Hà Nội 1976:
Nhiều nhà văn, nhà báo Việt Nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhưng mãi đến nay, chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất giản đơn: Chủ Tịch Hồ Chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình.
Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, lần đầu tiên tôi trông thấy Hồ Chủ tịch. Đó là một ngày lịch sử. Ngày hôm ấy, đứng trước rất đông quần chúng hoan hô nhiệt liệt, Hồ Chủ tịch trang nghiêm đọc bản TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa.
Ngày thứ hai tôi viết thư xin phép được gặp Hồ Chủ tịch. Ngay chiều hôm ấy, tôi rất sung sướng tiếp được thư trả lời của Hồ Chủ tịch viết như thế này:
“Ngày mai 7 giờ 30 mời chú đến”
Ký tên HỒ-CHÍ MINH
Thư trả lời chóng, nội dung thư giản đơn và giờ hẹn gặp sớm khiến cho tôi rất băn khoăn.
“Sáng ngày 4-9-1945, đúng 7giờ 25 tôi đến dinh Chủ Tịch. Đúng 7 giờ 30, một người thanh niên đến phòng khách, lễ phép nói với tôi: “Hồ Chủ Tịch đang đợi anh ở phòng làm việc”. Phòng làm việc của Chủ Tịch là một gian phòng rất rộng, một bên có nhiều cửa sổ lớn. Trong phòng có một cái bàn làm việc, một chiếc giường, một tủ sách nhỏ kê sát vào tường, và hai bàn nhỏ của hai thư ký. Phía trên lò sưởi có một lọ hoa. Đây là tất cả những đồ trang trí trong phòng làm việc, không có trang trí một thứ gì khác.
Hồ Chủ tịch thường mặc bộ quần áo ka-ki, đi giày vải đen. Tóc Người đã hoa râm, trán rộng và cao, đôi mắt sáng ngời, mũi thẳng, râu che nửa miệng, mặt gầy, da ngăm ngăm đen, khiến người ta nghĩ đến sương gió dãi dầu trong rừng sâu và những nỗi gian khổ của chiến tranh du kích...
Không cần mất công suy nghĩ, chỉ đọc một trích đoạn ngắn trên chúng ta đã thấy ngay có những điều không ổn:
Theo tác giả Trần Dân Tiên, sau khi đến quảng trường Ba Đình chiêm ngưỡng Hồ Chủ Tịch đọc diễn văn vào ngày Chủ Nhật 2-9-1945 thì ngày hôm sau, Thứ Hai 3-9-1945, ông về nhà lập tức viết ngay một lá thư xin được gặp để làm cuộc phỏng vấn. Thư viết gửi đi buổi sáng thì ngay chiều hôm ấy, nghĩa là cũng vào ngay chiều Thứ Hai 3-9-1945 ông đã nhận được thư phúc đáp viết ngắn gọn như thế này: “Ngày mai 7 giờ 30 mời chú đến” Ký tên Hồ Chí Minh.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như sự việc xảy ra vào thời buổi tin học hiện đại, hai người có địa chỉ điện thư của nhau, chỉ cần một cái nhấp chuột là người kia nhận được điện thư và trả lời. Tiếc thay, vào thời điểm 1945, phương tiện truyền tin tối tân nhất chỉ nhờ vào tín hiệu tạch tạch tè tè của ông Samuel Morse, và phương tiện này chỉ dành cho các cơ quan công quyền hay sở bưu điện, còn đám dân thường thì chỉ trông cậy vào người đưa thư.
Ông Trần Dân Tiên là một nhà báo, đâu có phương tiện như một cơ quan công quyền, còn Hồ Chí Minh thì mới sáng hôm qua còn bận bịu đọc Tuyên Ngôn Độc Lập, bề bộn công việc, đâu có thì giờ ngồi ở phòng nhận, đọc và trả lời điện tín. Như vậy chuyện một nhà báo buổi sáng gữi thư đi, buổi chiều nhận được thư trả lời của một vị Chủ Tịch Nước, nhanh đến như thế là một chuyện bịa đặt bá láp, cực kỳ vô lý, cực kỳ ngu xuẩn.
Bây giờ chúng ta cùng xem hai bác cháu gặp nhau rồi nói với nhau những gì!
Nhà báo Trần Dân Tiên viết nơi trang 6:
... Lúc mới gặp, tôi có cảm giác người như một thày giáo ở nông thôn. Tóc người hoa râm, trán rộng và cao, đôi mắt sáng ngời, mũi thẳng, râu che nửa miệng, mặt gầy, da ngăm ngăm đen,...
Người bô trai quá! Vừa bô trai vừa phong sương gấp trăm lần anh chàng Dũng trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh! Chưa hết! Người còn nhiều cái hay kinh hãi khác nữa. Khi nhà báo Trần Dân Tiên muốn được biết tiểu sử của Người thì Người cười và đáp:
“Tiểu sử. Đấy là một ý kiến hay. Nhưng hiện nay còn nhiều việc cần thiết hơn. Chúng ta phải làm những công việc hết sức cần kíp đi đã! Còn tiểu sử của tôi... hong thả sẽ nói đến...”
Và ký giả Trần Dân Tiên đưa ra nhận xét của mình nơi trang 7:
“Một người như Hồ Chủ Tịch của chúng ta với đức khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc làm sao có thể kể lại cho tôi nghe bình sinh của Người được?”
Trời đất ơi là trời đất! Bác thì trán rộng và cao, đôi mắt sáng ngời, mũi thẳng, không chỉ đẹp trai hết sẩy lại còn thêm đức khiêm tốn không muốn nói về mình. Còn cháu thì thông minh giỏi giang (bởi vì không giỏi giang làm sao có được cuộc phỏng vấn và viết được quyển Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động của Hồ Chủ Tịch cho chúng ta đọc).
Hai bác cháu khen nhau rối rít.
Có điều sau này vỡ lẽ ra trên mảnh đất Việt Nam hình cong chữ S này từ thời Hồng Bàng lập quốc đến nay chẵng có một ai mang tên Trần Dân Tiên làm nghề viết báo. Hồ Chí Minh đã dựng lên một Trần Dân Tiên không có thật và dựng lên cuộc phỏng vấn không có thật để tự khen mình bô trai, thông minh, con nhà giàu, học giỏi, khiêm nhượng. Hồ Chí Minh đã tự đề cao mình, tự đánh bóng mình, hay nói một cách đúng hơn là để tự sướng. Điều này đã được chính thức xác nhận bởi ông Nguyễn Khánh Toàn, Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục Hà Nội. Trong bài đề tựa quyển “Tác Phẩm Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh” của tác giả Hà Minh Đức, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1984, ông Nguyễn Khánh Toàn viết: “Trần Dân Tiên là bút danh của Hồ Chủ Tịch ghi lại những sự kiện lớn đã đi qua cuộc đời của Người do chính Người miêu tả...” Một số tác phẩm khác do Hội Nhà Văn Việt Nam tại Hà Nội ấn hành từ giữa những năm 1990 về sau cũng xác nhận tác giả tập “Vừa Đi Vừa Kể Chuyện” là T.LAN cũng là một bút hiệu khác của Hồ Chí Minh.
Bởi vì Trần Dân Tiên là một nhân vật không có thật nên cuộc phỏng vấn đương nhiên là không có thật và những sự việc được kể ra trong quyển Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động của Hồ Chủ Tịch hoàn toàn không có thật. Cũng như vậy, những mẫu chuyện trong tập Vừa Đi Vừa Kể Chuyện của T.LAN viết về Hồ Chí Minh cũng chỉ là những chuyện Hồ Chí Minh tưởng tượng tô vẽ về mình. Nói trắng ra là bịa đặt, là phịa, là dối trá, là bịp bợm. Như vậy, các bài viết và những quyển sách của một số tác giả tại Hà Nội cũng như của một vài cây viết ngoại quốc dựa theo mấy quyển sách này thì lấy đâu ra sự thật. Vì thế, muốn biết về Hồ Chí Minh không gì hơn là đi tìm tài liệu, đi tìm nhân chứng và bằng chứng để đối chiếu.
Sáu tháng sau vụ khủng bố 9-11-2001, cựu Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Nga Sô và cũng là cựu tổng thống Liên Bang Xô Viết Mikhail Gorbachev đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm nạn nhân tại Trung Tâm Thương Mại New York. Sau đó ông có một buổi nói chuyện với thính giả và sinh viên Columbia University. Tại đây ông xác nhận: "Đảng Cộng Sản mà tôi phục vụ cả đời chỉ biết tuyên truyền. Chúng tôi, trong số đó có tôi, từng nói 'Tư bản đang dãy chết. Trên thực tế, chúng tôi bị bỏ rơi lại đàng sau và chế độ đã tan rã..."
Cộng Sản Việt Nam là tay sai của Cộng Sản Nga Sô nên việc tuyên truyền và dối trá là điều đương nhiên. Kỹ thuật tuyên truyền của Cộng Sản là dựa trên một số sự kiện có thật để phịa ra những điều không thật, nhất là trong việc bịp bợm và thần thánh hóa lãnh tụ. Những bịp bợm này được lồng qua những bài viết trên các cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản như Tạp Chí Cộng sản, Tạp chí Học Tập, trên báo chí, trên các trang mạng, và đầy dẫy trên Wikipedia...
Đó là lý do tại sao chúng tôi cho đăng nguyên văn dưới đây một số trích đoạn tài liệu của Cộng Sản để chúng ta dễ dàng phân tích, đối chiếu, lựa chọn, trong việc đi tìm sự thật.
Xuất thân và quê quán:
Theo tài liệu của Hà Nội:
Gia phả của dòng họ Nguyễn ở làng Sen xã Kim Liên tại huyện Nam Đàn, Nghệ An thì Hoàng sơ tổ khảo là Nguyễn Bá Phụ, tổ đời thứ hai là Nguyễn Bá Bạc, tổ đời thứ ba là Nguyễn Bá Ban, tổ đời thứ tư là Nguyễn Văn Dân, tổ đời thứ năm là Nguyễn Sinh Vật giữ chức giám sinh đời Lê Thánh Đức (tức Lê Thần Tông năm thứ ba), tổ đời thứ sáu là Nguyễn Sinh Tài đỗ hiếu sinh khi 17 tuổi, năm 34 tuổi đỗ tam trường khoa thi Hội..., tổ đời thứ 10 là Nguyễn Sinh Nhậm. Cả bốn đời đầu tiên của dòng họ đều chưa lấy đệm là "Sinh" và không rõ năm sinh, năm mất.
Chủ Tịch tên thật là Nguyễn Sinh Cung (giọng địa phương phát âm là Công), tự là Tất Thành. Quê nội là làng Kim Liên (tên Nôm là làng Sen). Ông được sinh ra ở quê ngoại là làng Hoàng Trù (tên Nôm là làng Chùa, nằm cách làng Sen khoảng 2 km) và sống ở đây cho đến năm 1895. Hai làng này vốn cùng nằm trong xã Chung Cự, thuộc tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn. Quê nội của ông, làng Kim Liên là một làng quê nghèo khó. Phần lớn dân chúng không có ruộng, phải làm thuê cấy rẽ, mặc quần ít, đóng khố nhiều, bởi thế nên làng này còn có tên là làng Đai Khố. Vào đời ông, phần lớn dòng họ của ông đều cơ hàn, kiếm sống bằng nghề làm thuê, và cũng có người tham gia các hoạt động chống Pháp.
Thân phụ ông là một nhà nho tên là Nguyễn Sinh Sắc, từng đỗ phó bảng. Thân mẫu là bà Hoàng Thị Loan. Ông có một người chị là Nguyễn Thị Thanh, một người anh là Nguyễn Sinh Khiêm (tự Tất Đạt, còn gọi là Cả Khiêm) và một người em trai mất sớm là Nguyễn Sinh Nhuận 1900-1901, tên khi mới lọt lòng là Xin...
Trên đây là lai lịch của Hồ Chí Minh trên trang mạng Wikipedia. Sự thật quan trọng đầu tiên là Hồ Chí Minh không hề mang huyết tộc họ Nguyễn và Hồ Chí Minh cũng không phải là con của ông Nguyễn Sinh Sắc (sau này dổi tên là Nguyễn Sinh Huy) mà là con hoang dâm của bà Hoàng Thị Loan và Hồ Sĩ Tảo.
Chúng ta có bằng chứng:
Cuộc tình duyên của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan được Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng Tỉnh Ủy Nghệ Tĩnh ghi lại nơi trang 15 trong “Những Mẩu Chuyện Về Thời Niên Thiếu của Hồ Chủ Tịch”, nhà xuất bản Hà Nội, nguyên văn:
...Vào thời bấy giờ quan niệm “môn đăng hộ đối” trong hôn nhân phong kiến ràng buộc chặt chẽ mọi người, nhất là đối với tầng lớp nho sĩ. Song bởi hết lòng yêu mến một học trò có đức có tài nên ông bà Đường đã gã bà Hoàng Thị Loan, con gái đầu lòng của mình cho ông Nguyễn Sinh Sắc. Năm ấy bà Loan mới 13 tuổi...
Quả thật vào thời buổi ấy tại một vài nơi có hủ tục tảo hôn, nghĩa là cha mẹ dựng vợ gã chồng cho con ở lứa tuổi rất sớm. Có thể cha mẹ đôi bên là bạn bè thân thiết nên hứa hẹn với nhau khi bào thai còn nằm trong bụng mẹ. Có thể gã con để trừ nợ. Có thể vì “Làm lẽ mà đắp chăn bông. Còn hơn chánh thất mà không chiếu nằm”. Trường hợp chồng lớn tuổi vợ nhỏ tuổi là rất thường vì đàn ông ai cũng thích có vợ trẻ. Tuy nhiên không hiếm trường hợp người chồng rất nhỏ tuổi nhưng lại lấy vợ rất lớn tuổi. Chú rể hãy còn mặc quần thủng đáy, hỷ mũi chưa sạch đã được cha mẹ cưới về cho một cô vợ mười tám đôi mươi. Chuyện ngược đời xảy ra có thể vì nhà trai muốn có thêm người làm hay vì công việc gia đình không thể trao cho người ngoài, còn nhà gái vì thương con, muốn con được vào chỗ có cơm ăn áo mặc không phải chịu cảnh nghèo đói khổ cực. Người con trai cũng chẵng thiệt thòi gì vì khi trưởng thành có thể cưới thêm nhiều bà vợ thứ.
Chồng già lấy vợ trẻ là để hưởng thụ. Chồng trẻ lấy vợ già là để gia đình nhà chồng có người làm. Tuy nhiên dù ở vào trường hợp nào đi nữa cả hai đều rơi vào một mẫu số chung duy nhất là người vợ luôn luôn phải ở vào lứa tuổi mười tám đôi mươi, một lứa tuổi sẵn sàng cáng đáng ông việc nhà chồng, sẵn sàng làm vợ và làm mẹ.
Ở đây câu chuyện hoàn toàn trái ngược. Bà Hoàng Thị Loan chỉ mới 13 tuổi, một cái tuổi chưa đủ khôn ngoan để biết giúp đỡ và lo lắng công việc nhà chồng, một cái tuổi quá nhỏ để biết làm vợ và làm mẹ. Vậy thì ông Nguyễn Sinh Huy rước về làm gì? Câu trả lời chỉ có thể nằm một trong ba trường hợp: Thứ nhất: Ông Nguyễn Sinh Huy là người không đường hoàng, mắc bệnh ấu dâm. Thứ hai: Thầy đồ Hoàng Xuân Đường nhìn thấy tương lai sáng sủa của ông Nguyễn Sinh Huy nên đã hành động như quan phủ họ Trần trong chuyện tình Lan và Điệp. Thứ ba: Bà Hoàng Thị Loan có máu đa tình quá độ và quá sớm.
Cân nhắc kỹ càng ta thấy giả thiết thứ nhất không thể chấp nhận được bởi vì trong suốt cuộc đời, từ lúc hàn vi thư sinh tới khi ra làm quan và cho tới khi bị sa thải sống đời phiêu bạt cũng không tìm thấy nơi ông Nguyễn Sinh Huy có một chuyện tình lăng nhăng nhảm nhí nào.
Sở dĩ phải phân tích dài dòng chuyện vợ chồng của ông Nguyễn Sinh Huy vì nó là đầu mối của nhiều bí ẩn: Việc bà Hoàng Thị Loan sinh thêm một đứa con tên Xin. Việc ông Nguyễn Sinh Huy thất chí rồi mất chức. Việc Hồ Chí Minh cư xử bạc bẽo với ông Nguyễn Sinh Huy cùng hai người anh chị cùng chung máu mủ là bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Tất Đạt. Đây cũng là đầu mối dẫn đến cuộc đời gian tặc của Hồ Chí Minh.
Về đứa con mang tên Nguyễn Sinh Xin sách Những Mẫu Chuyện Về Thời Niên Thiếu Của Hồ Chủ Tịch do Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng Tỉnh Ủy Nghệ An ấn hành năm 1976, trang 17, ghi rõ như sau:
...Xa mẹ, xa em, xa bà con làng xóm ấm áp nghĩa tình và rời bỏ ruộng vườn với những công việc quen thuộc là điều mà bà Loan không muốn. Nhưng vì đường học hành thi cử của chồng, với tấm long yêu chồng và thương con sâu sắc, bà Loan đã gữi cô Thanh lại cho bà ngoại, rồi cùng chồng dắt díu hai anh em cậu Thành, cậu Đạt vào kinh đô Huế...
Trang 19 viết tiếp:
... Khóa thi Hội năm 1898 ông Sắc vẫn không đỗ. Cũng thời gian ấy bà sinh thêm cậu Nguyễn Sinh Xin.
Trang 20 viết:
Được một người bạn làm việc ở Huế giới thiệu, ông Sắc đưa hai anh em cậu Thành đi theo và đến dạy học ở nhà cụ Nguyễn Sĩ Độ tại làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, ngày nay là huyện Hương Phú, cách thành phố Huế khoảng 7 ki lô mét. Bà Loan ở lại Huế tiếp tục làm nghề dệt vải thuê và nuôi con nhỏ...
Trang 21 viết:
...Theo học với cha ở làng Dương Nỗ chưa được hai năm thì bà Hoàng Thị Loan lâm bệnh. Mặc dù ông Sắc và bạn bè hết lòng chạy chữa nhưng vì bịnh tình quá nặng lại không đủ thuốc thang nên bà Hoàng Thị Loan đã qua đời ngày 10-2-1901.
Những sự kiện nói trên trong quyển Những Mẫu Chuyện Về Thời Niên Thiếu Của Hồ Chủ Tịch do Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng Tỉnh Ủy Nghệ An đưa ra đã tạo nên nhiều dấu hỏi và càng giải thích càng khó hiểu.
Nói rằng bà Loan theo chồng vào Huế là để có thể lo lắng giúp chồng ăn học, vậy thì thời gian ở Huế tại sao ông Nguyễn Sinh Huy không ở với vợ mà dẫn hai con đến nhà ông Nguyễn Sĩ Độ tại bến Hương Trà cách Huế hơn 7 cây số. Ông Nguyễn Sinh Huy đã từng một mình ở Huế trước khi đón vợ con vào, điều này chứng tỏ ông Nguyễn Sinh Huy rất thương vợ thương con và muốn có vợ con bên cạnh. Vậy thì lý do nào đã khiến ông Nguyễn Sinh Huy bỏ đi ở chỗ khác trong khi bà Hoàng Thị Loan mới sinh nở một đứa con mọn rất cần sự có mặt của người chồng. Lúc này bà Loan ở đâu và ở với ai? Chẵng lẽ bà Loan ở một mình trơ trọi. Với đứa con mọn trên tay cảnh sống chồng một nơi vợ một nẻo lại càng thêm tốn kém. Tự nuôi lấy thân đã rất khó mà có ở lại Huế cũng không được ở bên chồng, tại sao bà Loan không ẵm đứa nhỏ trở về Nghệ An mà vẫn ở lại Huế để đến nỗi cả hai mẹ con đều chết tức tưởi vì bệnh tật thiếu thốn.
Như ta đã biết ông Nguyễn sinh Huy là một tay khoa bảng nên mọi việc đều rất cẩn trọng để xứng đáng với danh phận ưu đãi của xã hội dành cho giới sĩ phu thời bấy giờ. Hãy nhận xét việc ông đặt tên cho ba người con trước. Nguyễn Thị Thanh tự Bạch Liên vì quê ở làng Kim Liên. Rồi Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung và sau đó đổi ra Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành. Bốn chữ Khiêm Cung Thành Đạt tự nó đã nói lên đức tính cẩn trọng của một nhà nho đồng thời cũng nói lên kỳ vọng của một người cha gửi gấm vào các con. Với cả một sự cẩn trọng như vậy thì tại sao lại lọt vào một cái tên Xin nôm na mách qué lọt vào phả hệ họ Nguyễn. Xin có nghĩa là gì?
Xin của ai? Xin ở đâu? Xin lúc nào?
Trong quyển Chân Tướng Hồ Chí Minh nơi trang 37 và 38 giáo sư Cao Thế Dung đã ghi lại:
... Dòng cử nhân Hồ Sỹ Tảo nguyên quán làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, sau di sang làng Thái Nhã, tổng Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Ông là một người ngang ngược, theo tư liệu của Hồng Liên Lê Xuân Giáo thì ông Hồ Sỹ Tảo lại có tật nghiện rượu, thiếu cốt cách nho phong, vì vậy cho dù là đồng môn và đồng hương với Hoàng Cao Khải, ông cử Tảo vẫn không được Khải đề bạt làm quan nên Cử Tảo chung thân bất mãn. Câu chuyện phòng the oan trái vỡ lỡ, tiếng đồn lan khắp một tổng Lâm Thịnh qua lời nói đầy độc địa “Tảo đúc cốt, Sắc tráng men”. Đây là một biến cố đối với nho sĩ Nam Đàn, vi phạm nghiêm trọng đến nho phong và danh giá. Cử Tải bị Nho lâm và đồng môn Nghệ An mặc nhiên không nhìn nhận. Do vật gốc gác thụ sinh ra ông Hồ không phải là điều quá bí mật với lớp cao niên Nghệ Tĩnh.
Lớn lên lúc 7, 8 tuổi cậu Cung tức ông Hồ cũng đã biết gốc gác không đẹp trong việc sinh ra mình cho nên thuở thiếu thời, theo lời cụ Cao Xuân Ôn người làng Hương Khê, Hà Tĩnh, cậu Cung rất ít nói, trong lòng cũng như mang mối hận mênh mang...
Câu chuyện Tảo đúc cốt Sắc tráng men lan tràn khắp làng Quỳnh Đôi và làng Sen đất Nghệ An, ai ai cũng biết nhưng không dám hó hé đả động, cho mãi tới thập niên 1990 một sử gia Miền Bắc là ông Trần Quốc Vượng mới kín kín hở hở đề cập tới trong bài viết Thật Mà Chưa Chắc Là Thật và sau đó triển khai thêm trong quyển “Trong Cõi”. Nối tiếp sự khám phá của sử gia Trần Quốc Vượng là các bài viết của hai ông Sơn Tùng (sử gia miền Bắc) và ông Phạm Xuân Cần.
Tuy nhiên bài viết mập mờ “Thật Mà Chưa Chắc Là Thật” của ông Trần Quốc Vượng lại tiết lộ rằng ông Hồ Sỹ Tảo thông dâm với cô Đèn tức là thông dâm với bà Hà Thị Hy là vợ của ông Nguyễn Sinh Nhậm rồi đẻ ra ông Nguyễn Sinh Sắc (sau này ông Sắc tự đổi tên là Nguyễn Sinh Huy). Như vậy là Hồ Sỹ Tảo gian dâm với bà nội của Hồ Chí Minh chứ không phải gian dâm với mẹ Hồ Chí Minh, và cũng vì vậy ông Nguyễn Sinh Sắc tức Nguyễn Sinh Huy và tất cả các con của ông là Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Tất Đạt cũng như Nguyễn Tất Thành đều mang giòng máu Hồ Sĩ Tảo.
Sử gia Trần Quốc Vượng hoặc đã lầm hoặc không dám viết đúng sự thật, vì theo lời người dân hai làng Quỳnh Đôi và Kim Liên truyền miệng thì chỉ có một mình Hồ Chí Minh mang dòng máu Hồ Sĩ Tảo mà thôi, và người hoang dâm với Hồ Sĩ Tảo là mẹ ruột Hồ Chí Minh tức là bà Hoàng Thị Loan chứ không phải bà Hà Thị Hy. Điều này còn được ông Đào Bình Giang trong Phụ Nữ Diễn Đàn số 115, xuất bản tháng 8-1993, trưng dẫn cuốn sách cổ Quốc Triều Đăng Khoa Lục của cụ đại thần Cao Xuân Dục làm minh chứng. Theo sách này cử nhân Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862 còn cử nhân Hồ Sỹ Tảo sinh năm 1869. Hồ Sĩ Tảo kém cha của Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Sắc đến bảy tuổi, không thể nào là cha của Nguyễn Sinh Sắc được.
Hồ Chí Minh có nhiều năm sinh khác nhau. Ngay cả ngày chết cũng ghi khác nhau. Theo lý lịch chính thức, Hồ Chí Minh có tên đầu đời là Nguyễn Sinh Cung sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890. Tuy nhiên, căn cứ theo nhiều tài liệu khả tín thì ngày sinh 19-5 cũng chỉ cũng là một sự ngụy tạo. Theo nhiều tài liệu thì khi thế chiến thứ hai kết thúc, Nhật bại trận nên bị giải giới và Pháp lại nuôi ý định quay trở lại Đông Dương. Ngày 19-5-1946 một phái bộ Pháp do tướng D’Argenlieu cầm đầu đến Hải Phòng rồi lên Hà Nội. Để tiếp đón phái đoàn này Hồ Chí Minh cho treo cờ hai bên dọc đường, nhưng sợ nhân dân phản đối nên nhận vơ đó là ngày sinh của mình.
Một sự việc khác, ngay cả ngày chết của Hồ Chí Minh cũng bị Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng cộng sản sửa đổi. Hồ Chí Minh chết ngày 2-9-1969 nhưng ngày 2-9 lại trùng với ngày Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn tại Ba Đình 2-9-1945, mà theo niềm tin của dân chúng người khai sinh chế độ lại chết trùng vào ngày này thì đây là một điềm bất tường có ảnh hưởng gây nguy hại cho chế độ. Vì vậy Bộ Chính Trị đảng cộng sản Hà Nội quyết định ra công bố ngày từ trần của Hồ Chí Minh là 3-9-1969. Sau này vì che đậy không được nên Bộ Chính Trị Tung Ương Cộng Đảng Hà Nội lại phải ra thông báo chính thức công nhận là Hồ Chí Minh chết ngày 2-9-1969.
Điều này cho thấy từ ngày tháng năm sinh cho đến ngày chết của Hồ Chí Minh do Hà Nội đưa ra đều vì lý do chính trị chứ không đúng sự thật
Theo lý lịch chính thức, Nguyễn Sinh Cung sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890, tuy nhiên có những thông tin khác không đồng nhất.
- Năm 1911 trong đơn xin học trường Hành Chính Thuộc Địa để ra làm quan cho thực dân Pháp, Hồ Chí Minh tự ghi là sinh năm 1892.
- Năm 1920, ông khai với một quận cảnh sát tại Paris ngày sinh của mình là 15 tháng 1 năm 1894.
- Theo một tài liệu do Phòng nhì Pháp lập năm 1931, có sự xác nhận của một số nhân chứng làng Kim Liên, quê nội của ông, thì ông sinh tháng 4 năm 1894.
- Trong tờ khai của ông tại Đại sứ quán Liên Xô ở Berlin, vào tháng 6 năm 1923, thì ngày sinh là 15 tháng 2 năm 1895.
- Lý lịch lần đầu đến Nga Sô khai sinh năm 1892.
- Lý lịch sau cái chết vào năm 1933 tại Hương Cảng, khi trở lại Nga Sô Hồ Chí Minh khai sinh năm 1903. Lý do có sự sai biệt hơn 10 năm (lúc 1890, lúc 1892, lúc 1894, lúc 1895, cuối cùng là 1903) vì sự thật có hai Hồ Chí Minh (?)
- Trong cuốn Chân Tướng Hồ Chí Minh, Giáo sư Cao Thế Dung ghi rằng Hồ Chí Minh sinh năm Tân Mão (1891), có tên thánh là Gioan Bao Ti Xi Ta, cha là Hồ Sỹ Tảo chứ không phải Nguyễn Sinh Huy. Giáo sư Cao Thế Dung trích các tác giả Hoàng Văn Chí, Hồng Liên Lê Xuân Giáo cho biết Hồ Chí Minh là con hoang dâm của ông Hồ Sỹ Tảo với bà Hoàng Thị Loan, vợ ông Cử Sắc.
- Trong kỳ thi Tiểu học niên khóa 1949-1950 tại Liên Khu 4 gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, đề thi môn luận văn ra như sau: “Em hãy viết thư dâng lên Hồ Chủ Tịch nhân dịp “60 tuổi của Người”. Như vậy là Hồ Chí Minh sinh vào năm 1890.
Với những năm sinh mù mờ nói trên ta chỉ có thể phỏng đoán Hồ Chí Minh sinh vào khoảng thời gian 1890-1895.
Về phần ông Nguyễn Sinh Sắc, sau này tự đổi tên là Nguyễn Sinh Huy, trên danh nghĩa là cha của ba người con: Con trai đầu lòng, thường gọi con trưởng hay con cả, là ông Nguyễn Sinh Khiêm tục gọi Cả Khiêm sau đổi tên là Nguyễn Tất Đạt, con thứ hai là bà Nguyễn Thị Thanh hiệu Bạch Liên vì quê ở làng Sen, và con út là Nguyễn Sinh Cung sau đổi tên là Nguyễn Tất Thành. Nghiệt ngã thay, đứa con thứ ba mang tên Nguyễn Sinh Cung, tức Nguyễn Tất Thành, tức Hồ Chí Minh, lại là đứa con gian dâm của bà Hoàng Thị Liên với Hồ Sĩ Tảo. Sau này bà Hoàng Thị Loan, con gái của ông đồ Hoàng Đường, tức là mẹ ruột của Hồ Chí Minh lại còn hoang dâm với một kẻ vô danh khác đẻ ra một đứa nhỏ đặt tên là Xin và chết tại Huế. Bà này được báo chí cộng sản ca tụng là bậc nữ lưu trinh tiết.
Viết về một người đúng lẽ chỉ nên viết về cá nhân người đó nhưng vì Cộng Sản đã đưa ra một sự mạo nhận huyết thống để lừa bịp mọi người. Đã có nhiều bài viết của rất nhiều tác giả khác nhau, trong đó có bài vở của một số sử gia, kể cả sử gia Trần Quốc Vượng của Cộng sản Hà Nội nói về sự kiện “Tảo đúc cốt Sắc tráng men”. Chúng ta cũng đang đi tìm sự thật, vì vậy phải hiểu rằng những dẫn chứng được đưa ra ở đây không hàm chứa bôi bác mà chỉ là để đóng góp và soi sáng vấn đề. Hơn thế nữa, cho dù Hồ Chí Minh có là giọt máu của ông Nguyễn Sinh Huy hay chỉ là giọt máu rơi của Hồ Sỹ Tảo thì cũng không có gì đáng chê trách. Xã hội dẫu nghiêm khắc cách mấy cũng chỉ có thể lên án việc làm dâm loạn của bà Hoàng Thị Loan chứ không thể chê trách Hồ Chí Minh bởi lẽ con cái không thể chọn lựa được cha mẹ.
Luân lý Á Đông thoạt nhìn có vẻ khó khăn chật hẹp nhưng thật ra lại rất cởi mở. Lịch sử Trung Hoa chép rằng ông Cổn rất hung ác nhưng có con trai là vua Vũ được người đời ca tụng là bậc thánh quân, vua Thuấn là bậc nhân đức nhưng lại có người cha là Cổ Tẩu hung tàn bạo ngược. Lịch sử nước ta cũng ghi rằng vua Lê Đại Hành vốn là con không cha, bà mẹ đi tắm sông gặp con rái cá rồi thụ thai. Trường hợp vua Thái Tổ nhà Lý cũng rất mập mờ. Ngoại sử chép rằng bà mẹ vua Lý Thái Tổ một đêm nằm mộng gặp thần nhân rồi sinh ra Lý Công Uẩn. Đứa nhỏ được nhà sư Lý Khánh Vân nuôi dưỡng sau này lớn lên đã sáng lập ra triều đại cực thịnh nhà Lý. Có người còn suy luận rằng Lý Công Uẩn chính là con của nhà sư Lý Khánh Vân. Nói một cách khác, gia thế nhân thân của hai vị hoàng đế Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ có nhiều nghi vấn. Tuy nhiên công đức của hai vị minh quân vẫn được người dân Việt Nam đời đời ghi nhớ chứ không vì thế mà suy giảm.
Ở nhiều nơi tại Miền Bắc và Miền Trung nước ta có tục lệ thờ Thành Hoàng. Vị thần không nhất thiết phải là người trong làng mà có thể là một người không biết từ đâu đến nằm chết đói bên cạnh bờ tre bụi rậm được dân làng chôn cất và thắp cho vài nén nhang. Đền Bảo Hà dưới chân đồi Cấm, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai thờ thi thể một xác chết trôi trên sông Hồng dạt vào bờ sông chảy qua làng. Từ ngày an táng thi thể người chết tại đây dân trong làng cảm thấy có nhiều linh ứng thay đổi: Người trong làng khỏe mạnh không bệnh tật, nhà nhà làm ăn phát đạt nên tin tưởng là người chết đã chết nhằm giờ thiêng (?) và có công phù trợ dân làng nên tôn là Thành Hoàng, quanh năm lễ bái nhang khói. Có địa phương còn thờ cả Cá Ông như trường hợp làng Kiến Phước, quận Hòa Tân, tỉnh Gò Công, vì từ ngày có một con cá ông chết trôi lạc vào vùng này được dân làng chôn cất đường hoàng thì từ đó ngư dân trong làng ra biển làm ăn đều được bình an, không có tai nạn.
Kể lại những chuyện trên để thấy rằng con người Việt Nam vốn rất nhân ái khoáng đạt, có tình, có nghĩa. Truyền thống ngàn đời của người Việt Nam là luôn luôn tôn kính và ghi ơn công đức những ai đã giúp đỡ mình. Cho dù Hồ Chí Minh có là con hoang dâm của bà Hoàng Thị Loan với Hồ Sĩ Tảo hay là một đứa bé trôi sông lạc chợ của một ai khác từ xứ Hẹ bên Tàu trôi qua xứ Việt Nam mà có công với đất nước Việt Nam thì cũng vẫn được người dân Việt Nam kính trọng, tôn thờ. Ngược lại, bất cứ ai dù mang huyết thống hoàng tộc quyền quý cao sang nhưng làm điều hại dân hại nước như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Mạc Đăng Dung... Cũng sẽ bị muôn đời nguyền rủa khinh khi phỉ nhổ.
Trở lại huyết thống của Hồ Chí Minh. Từ 7, 8 tuổi Hồ Chí Minh đã biết gốc gác của mình, và chỉ có riêng mình mang dòng máu Hồ Sĩ Tảo nên khi có uy quyền trong tay Hồ Chí Minh đã bất nhân với ông Cử Sắc và cư xử rất bạc bẽo với hai người anh chị cùng mẹ khác cha là ông Cả Khiêm tức Nguyễn Tất Đạt và bà Nguyễn Thị Thanh hiệu Bạch Liên. Mộ ông Nguyễn Sinh Huy tại Cao Lảnh mặc cho lau sậy và cỏ hoang phủ kín. Em làm Chủ Tịch Nước mà anh là ông Nguyễn Sinh Khiêm phải đi coi bói và chị là Nguyễn Thị Thanh phải đi bán trầu bán cau tại chợ Sa Nam để kiếm sống. Ông Nguyễn Sinh Huy tuy không có công sinh nhưng có công dưỡng. Nguyễn Sinh Cung hay Nguyễn Tất Thành hay Hồ Chí Minh được nuôi dưỡng và được học hành hiểu biết là nhờ công ơn của ông Nguyễn Sinh Huy. Vậy mà Hồ Chí Minh đã bất hiếu bất nhân bất nghĩa với ngay cả người cha của mình. Rạch Cái Tôm là một vùng đất ban đêm do Việt Cộng kiểm soát. Việc đem cây vú sữa từ Miền Nam ra Miền Bắc còn làm được thì việc Hồ Chí Minh ra lệnh bốc mộ cha mình tại xẻo rạch Cái Tôm hẻo lánh đem ra Nghệ An hay đem ra Hà Nội để thờ phụng cho trọn tình hiếu thảo là điều không khó. Nhưng Hồ Chí Minh không làm chỉ vì Hồ Chí Minh nghĩ mình mang giòng máu của Hồ Sĩ Tảo, đâu có mắc mớ gì đến ông Nguyễn Sinh Huy. Thật đáng thương cho ông Nguyễn Sinh Huy đã uổng công dưỡng dục một tên lưu manh bất nhân bất hiếu. Có điều làm mọi người vô cùng kinh ngạc và bội phục là vào năm 1956 chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh cho Bộ Trưởng Bộ Kiến Thiết là kỹ sư Hoàng Hùng tái tạo ngôi mộ này. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cho tái tạo ngôi mộ cho bố Hồ Chí Minh trong lúc Hồ Chí Minh lại không thèm nhòm ngó đến mồ mã của người đã dày công nuôi dưỡng mình.
Về lai lịch của Hồ Chí Minh chỉ riêng phần tên họ cũng đủ nhức đầu. Theo cuốn sách “Những bí danh, bút danh của Hồ Chủ Tịch” nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2001, thì Hồ Chí Minh có tới 169 tên họ, bí danh, bút danh khác nhau: Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Paul Tất Thành là những tên của Hồ Chí Minh từ thời ấu thơ đến khi xuống tàu sang Pháp. Sau đó là Nguyễn Ái Quốc 1919, Cheng Vang 1923, Lin 1924, Lý Thụy 1924, Vương Sơn Nhi 1925, Tống Văn Sơ 1931, Hồ Quang 1938, P.C.Lin (PC Line), 1938, ông Trần, 1940, Cúng Sáu Sán 1941, Già Thu 1941, Hoàng Quốc Tuấn, 1941, Hồ Chí Minh, X.Y.Z 1947, Trần Lực 1949, CB 1950...
Tuổi ấu thơ
Gia cảnh Hồ Chí Minh ở tuổi ấu thơ không được suôn sẻ. Tuy nhiên, dù cho khó khăn đến mấy ông Nguyễn Sinh Huy cũng đã hết sức vượt mọi chướng ngại để lo cho con cái, nhất là đường học vấn.
Nguyên văn một đoạn nơi trang trang 36 quyển “Những Mẫu Chuyện Về Thời Niên Thiếu Của Bác Hồ” của Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng Tỉnh Ủy Nghệ Tỉnh ghi lại:
Trong lúc còn bận sắp xếp việc gia đình sau ngày bà Loan từ trần ông Phó Bảng gữi hai anh em cậu Thành đến học tại nhà thày đồ Trần Thân ở làng Ngọc Đình bên cạnh Kim Liên. Là một nhà nho khẳng khái sống trong xã hội đen tối đạo lý đổi thay vàng thau lẫn lộn bất mãn trước thời cuộc nên thày đồ Trần Thân chọn nghề dạy học và làm thuốc chữa bệnh để giữ tròn khí tiết. Tuy vậy thầy là một nhà nho bảo thủ, một mực trung thành với lễ giáo phong kiến và những điều răn dạy trong sách vở nho giáo. Trong các buổi học với thầy cậu thường nêu ra các câu hỏi trái với ý nghĩ của thày. Vì vậy học chưa đầy một tháng cậu Thành đã bị thầy Thân trả lại cho ông Phó Bảng. Cậu trở về học với cha...
Như vậy cụ đồ Trần Thân đã được chính Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng Tỉnh Ủy Nghệ Tỉnh xác nhận là một nhà nho khí tiết khẳng khái bất mãn với thời cuộc. Trước khi qua đời cụ còn di ngôn cho con cháu: “Độc thị môn tâm hạ vấn. Hào vô kim hắc chi tâm” nghĩa là “Phải biết lòng tự nhủ lòng. Đừng để đồng tiền làm hoen ố lương tâm”. Một người thầy như thế mà gặp người học trò có chí lớn cùng khắc khoải với thời cuộc như mình thì tất hẵn thày trò tâm đầu ý hợp. Từ ngàn xưa đến nay chưa có một người thầy nào lại đuổi khỏi cửa một học trò thông minh giỏi giang lại cùng có tâm tư khắc khoải như mình. Vậy thì tại sao cậu Thành không được thầy đồ giữ lại rèn luyện thêm để sau này có người tiếp nối chí hướng. Tại sao đến khi học thì cả hai anh em nhưng cậu Thành chỉ học với thầy chưa đầy một tháng thì bị đuổi. Thầy Nhan Uyên học trò của Đức Khổng Phu Tử qua đời lúc mới 30 tuổi. Nghe tin người học trò của mình mất vị Vạn Thế Sư Biểu ngửa mặt lên trời than: Y! Thiên táng dư! Thiên táng dư! Có nghĩa: Ôi! Trời lấy mất người truyền đạo của ta!
Biết rõ con không ai bằng cha mẹ. Biết rõ trò không ai hơn được thầy. Sự việc này do Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng tỉnh Nghệ Tỉnh tiết lộ tự nó xác nhận là ngay từ lúc còn nhỏ Hồ Chí Minh đã là một hạng người bất trị và không ra gì. Cái bản chất “mất dạy”, xin cố gắng hiểu là không thể dạy được, trong con người Hồ Chí Minh càng được biểu hiện rõ rệt khi Hồ leo lên bàn độc.
Vì gia cảnh rối rắm cộng thêm hoạn lộ quan trường trắc trở nên ông Nguyễn Sinh Huy thường say sưa mượn rượu tiêu sầu. Rất nhiều bài viết, trong đó có cả bài viết của cựu Đại Tá bộ đội Bắc Việt Bùi Tín, cũng ghi nhận trong lúc nóng giận ông đã sai thủ hạ đánh chết một nông dân nên bị cách chức. Tuy nhiên sách vở tài liệu của Hà Nội thì vẫn một mực viết rằng ông Nguyễn Sinh Huy bị cách chức vì giúp đỡ nhân dân chống thuế và thường ghi lại một câu nói gán cho là của ông: Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ, có nghĩa “Những người làm quan là kẻ nô lệ trong đám nô lệ lại càng nô lệ hơn”.
Lập luận này cần được xét lại vì ở vào cái thời buổi mà thực dân Pháp và triều đình phong kiến coi người dân rẻ như bèo, ông nghè Trần Quý Cáp vì lãnh đạo phong trào chống thuế mà bị xử yêu trảm nghĩa là bị xử chém ngang lưng, Ông Nguyễn Hàng Chi anh ruột ông Nguyễn Hiệt Chi người tỉnh Bình Định cũng vì tội chống thuế mà bị xử trảm. Một số vị khoa bảng trước hay cùng thời với ông Nguyễn Sinh Huy như ông nghè Ngô Đức Kế sinh năm 1879 quê làng Trảo Nha đỗ Tiến Sĩ khoa Tân Sửu 1901, ông Đặng Nghiêm Cẩn sinh năm 1867 quê làng Lương Điền huyện Thanh Chương đỗ Phó Bảng khóa Ất Mùi 1895, ông Đặng Ngiêm Bá hiệu Nghiêm Giang đậu Cử Nhân cùng khoa với cụ Phan Bội Châu, ông Lê Văn Nghiêm hiệu Lâm Ngu đậu Giải Nguyên năm 1875 tại làng Lạc Thiện huyện Đức Thọ, Hà Tỉnh, ông Phan Châu Trinh đậu Phó Bảng cùng khóa với ông Nguyễn Sinh Huy, tất cả đều bị triều đình Huế bắt đày ra Côn Đảo chỉ vì bị tình nghi chống đối. Ông Nguyễn Sinh Huy đang là quan lại của triều đình mà lại dám yểm trợ dân chống thuế mà chỉ bị cách chức thì thật là điều khó hiểu. Cũng may, người tìm ra câu trả lời cho điều khó hiểu của chúng ta là ông Bùi Tín, nguyên Phó Tổng Biên Tập báo Nhân Dân Hà Nội. Theo ông Bùi Tín thì “Ông Cụ (tức là ông Nguyễn Sinh Huy) là tri huyện Bình Khê vì đánh chết một nông dân nên bị đuổi ra khỏi ngành quan lại”. (RFA 18-5-2007). Sau khi bị cách chức vì tội say rượu đánh chết người thì ông Nguyễn Sinh Huy vào Nam làm nghề bốc thuốc Bắc tại các tiệm thuốc bắc Thiên Phúc Đường và Tế Xuyên Đường nằm trên phố Lagrandiere và Rue d’Espagne ngày nay rồi sau đó đến ở nhờ nhà ông Năm Giáo bên cạnh rạch Cái Tôm quận Cao Lãnh và chết tại đó.
Như chúng ta đã biết, thời niên thiếu Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế. Ông sống và theo học tại đây cho đến khi cha bị cách chức vào năm 1909 thì phải thôi học. Đầu năm 1910 ông vào Phan Thiết. Nhờ sự quen biết trước đây giữa ông Nguyễn Sinh Huy và ông Hồ Tá Bang nên Nguyễn Tất Thành được vào dạy Pháp Văn lớp Ba (Cour Elementaire) tại trường Dục Thanh. Hiệu trưởng trường này là cụ Nguyễn Thông. Ban sáng lập gồm có các ông Trần Lê Chất (867-1970), Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh, Hồ Tá Bang (thân phụ Bác Sĩ Hồ Tá Khanh, Tổng Trưởng Kinh Tế của nội các Trần Trọng Kim) và ông Nguyễn Hiệt Chi quê ở Can Lộc Hà Tĩnh (anh ruột của ông Nguyễn Hàng Chi, người bị chém đầu vì lãnh đạo dân Hà Tĩnh chống thuế). Nhưng lương lậu của trường tư thục không có là bao nên đến cuối năm 1910 Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Saigon kiếm sống. Thất bại, Hồ Chí Minh tìm đường sang Pháp.
Trong tập Những Mẫu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch, tác giả “Trần Dân Tiên” cũng chính là Hồ Chí Minh đã viết về mình như sau:
“Vì muốn chống lại sự cai trị của thực dân Pháp mà cha ông là Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy đã từ chức Tri Huyện Bình Khê. Nối chí cha, và nhất là thấy những nhà cách mạng trong nước như Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh... lúng túng trong việc chống lại bọn thực dân đế quốc nên năm 1911 Nguyễn Tất Thành dưới tên Văn Ba xin được một chân làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latouche-Tréville sang Pháp tìm đường cứu nước.”
Đây cũng là một sự vẽ rắn thêm chân. Tài liệu ghi rõ bà Hoàng Thị Loan chết ngày 10-2-1901 nhằm ngày 12 tháng 12 năm Canh Tý. Ông Nguyễn Sinh Huy sau khi thi trượt các khóa Ất Mùi 1895 và Mậu Tuất 1898, mãi đến khóa Tân Sửu 1901 mới đậu Phó Bảng, cùng khóa với cụ Phan Châu Trinh, nghĩa là mấy tháng sau khi vợ chết ông mới thi đậu. Cả hai đều làm việc ở bộ Lễ dưới quyền ông Ngô Đình Khả nhưng đến năm 1904 cụ Phan Châu Trinh rũ áo từ quan. Vào các năm 1907-1908 liên tiếp có những vụ biểu tình chống thuế rầm rộ ở Quảng Nam, Quảng Ngải, Phú Yên, Thừa Thiên, cụ Phan Chu Trinh bị thực dân Pháp nghi ngờ là kẻ chủ mưu nên bị bắt và bị xử tử hình, sau được đổi thành bản án lưu đày Côn Đảo, trong khi Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc vẫn tiếp tục hoạn lộ với chức vụ tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, cho đến khi bị cách chức vào năm 1909. Như vậy việc ông Nguyễn Sinh Huy từ quan chỉ là một sự bịa đặt trắng trợn và thô bỉ.
Ông Bùi Tín, cựu đại tá Quân Đội Miền Bắc có hơn 40 năm tuổi đảng và 37 năm tuổi lính và cũng là người tiếp thu dinh Độc Lập từ tên hàng tướng Dương Văn Minh ngày 30-4-1975. Hơn thế nữa ông Bùi Tín lại là con trai của ông Bùi Bằng Đoàn, cựu Chủ Tịch Quốc Hội Việt Cộng, người đã đứng ngang hàng với Hồ Chí Minh trao quân hàm Đại Tướng cho Võ Nguyên Giáp vào năm 1948. Tuy chỉ mang cấp bậc Đại Tá nhưng ông Bùi Tín lại nắm giữ chức vụ Phó Tổng Biên Tập báo Nhân Dân Hà Nội (tương đương với cấp Trung Tướng) và là người từng gặp và làm việc với Hồ Chí Minh, từng giao tiếp thường trực với Võ Nguyên Giáp nên có cơ hội biết được nhiều chuyện thuộc loại thâm cung bí sử. Đây là lời ông Bùi Tín trong một cuộc phỏng vấn được ghi âm đài RFA ngày 18-5-2007 do phóng viên Trà Mi thực hiện:
“Ông Hồ Chí Minh là một nhà chính khách, một nhân vật lịch sử mà hiện nay trong và ngoài nước có những đánh giá trái ngược hẳn nhau. Một số người ca ngợi ông ta đến mức như thần thánh, như một con người tuyệt đối không bao giờ có sai lầm. Trong khi đó, cũng có những người xem ông ta là một nhân vật tiêu cực và gây ra những tàn phá ghê gớm cho đất nước. Càng về sau, ông Hồ càng trở thành một nhân vật thực hiện sứ mạng do quốc tế cộng sản giao cho, tức là gây dựng và phát triển phong trào cộng sản ở Việt Nam, Đông Dương, và mở rộng chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á. Con đường ấy, theo tôi bây giờ, đó là con đường sai lầm, đưa đất nước vào tình hình khó khăn sau này.
Sự đánh giá của tôi về ông Hồ là cả một quá trình thay đổi khác nhau. Trước đây khi còn ở trong nước thì khác. Dần dần, qua sự so sánh và nghiền ngẫm thì cách nhìn của mình trở nên đúng mức hơn, công bằng và khoa học hơn. Theo tôi, khi ông Hồ sang Pháp năm 1911 lúc đầu không phải vì mục đích đi tìm đường cứu nước. Lúc bấy giờ ông ta gặp phải một bi kịch gia đình tha phương ở phía Nam. Mất chỗ dựa, ông Hồ quyết định ra đi tìm kế sinh nhai và giúp đỡ gia đình...”
Như vậy, điều khẳng định đầu tiên về những bài viết cho rằng Hồ Chí Minh xuống tàu Latouche Treville xuất dương tìm đường cứu nước chỉ là sản phẩm của tuyên truyền lừa bịp. Hồ Chí Minh xuất dương là để tìm đường cứu mình và cứu gia đình.
(còn tiếp)
15.04.2016