Tìm đến dân chủ (Phần 3) - Dân Làm Báo

Tìm đến dân chủ (Phần 3)

Trần Duy Sơn (Danlambao) - Tôi không phải nhà chiến lược hay học giả uyên thâm gì, chỉ đơn thuần nghiên cứu lịch sử, sách báo, quan sát thực tế và suy nghĩ giải pháp. Qua giai đoạn "cách mạng CÁ", chúng ta đã tốn nhiều thời gian, công sức để biểu tình quan sát và suy ngẫm, tuy nhiên đã học được rất nhiều bài học bổ ích từ thực tế. Từ thực tế đó, tôi mạnh dạn viết tiếp những suy nghĩ của tôi về tác động của PTDC, để mong chúng ta có những chiến lược nào đó phục vụ đất nước, đập tan CS.

Những nguyên lý cơ bản để lật đổ bất cứ chế độ độc tài nào rất đơn giản.

Nguyên lý 1: Đưa nhân dân về cùng một ý nghĩ, một mục đích. 

Thật sự để lật đổ CS hay bất kỳ chế độ độc tài nào rất dễ. Đơn giản chỉ cần toàn bộ người dân cùng nhau xuống đường, đồng loạt cùng một sức mạnh, ầm ầm, quyết liệt thì không có chế độ độc tài nào chịu được, dù có đàn áp dã man đi nữa, sức mạnh súng ống cũng không bằng sức mạnh của toàn dân.

Đó là một nguyên lý không thay đổi, một lý thuyết muôn đời của nhân loại mà thế giới đã trải qua. Một nguyên tắc rất đơn giản như vậy, nhưng các nước đã phải bỏ ra 30-40 năm để làm cuộc CM là tại sao? Vậy, bản chất thật sự của nguyên tắc trên là gì? Cuối cùng, nghĩa là làm sao để tất cả người dân quy về cùng một ý nghĩ: phải thay đổi chế độ này bằng một chế độ khác, nó là nguyên nhân của tất cả các vấn nạn trong xã hội hiện tại, chúng ta phải biểu tình, đó là sức mạnh duy nhất của người dân, chúng ta phải làm tê liệt xã hội, thì không một chế độ nào chịu nỗi. Do đó, công việc của lực lương đối lập trong nhiều chiến lược, chiến thuật khác nhau, tận dụng tình hình khách quan và chủ quan, vận động, tuyên truyền, biểu tình, hô hào diễn thuyết, là để làm sao người dân quy về một ý nghĩ duy nhất đó: phải lật đổ chế độ độc tài. Nếu khi cả triệu người dân có cùng một ý nghĩ, cùng một mục đích: phải lật đổ, phải biểu tình, phải thay đổi xã hội, thì chắc chắn thời điểm sụp đổ đã bắt đầu.

Từ Thánh Gandhi đòi độc lập đến Nelson Mandela đến Aung San Suu Kyi, đến phong trào Optor của Sebia đều giải quyết trên cơ sở này. Mặc dù phản đối chế độ phân biệt chủng tộc Apathied, nhưng không phải chỉ đòi hỏi tôn trọng màu da hay quyền lợi chính trị trong xã hội, mà Nelson luôn luôn kêu gọi người dân mục đích cuối cùng: phải thay đồi cấu trúc chính quyền. "Chúng tôi chống phân biệt chủng tộc. Chúng tôi đấu tranh cho một xã hội mà trong đó, con người sẽ không quan tâm đến màu da nữa… Đây không phải vấn đề chủng tộc mà là vấn đề tư tưởng". "Chúng tôi yêu cầu một nước Nam phi dân chủ, không còn áp bức màu da, và tất cả người Nam phi, bất kể chủng tộc, tín ngưỡng, đều chung sống hòa hợp trên cơ sở công bằng" (Nelson Mandela). 

Aung San Suu Kyi luôn luôn khẳng định mục tiêu dân chủ Miến Điện, lập đi lập lại mục tiêu này khắp nơi, Bà vẫn tin tưởng ở quân đội truyền thống trước kia do Ngài Aung San tạo ra sẽ đứng về nhân dân, xã hội dân chủ trở thành mục đích đấu tranh: "Tôi tin tưởng rằng tất cả những ai tụ tập ở đây, hoàn toàn đều có lòng khát khao không gì lay chuyển nỗi, đó là nỗ lực và quyết giành được một hệ thống dân chủ đa đảng. Để đạt được mục tiêu này, tất cả dân chúng đều phải cùng bước trong sự đoàn kết, bằng một thái độ kỷ luật, để hướng đến mục tiêu dân chủ". 

Hoặc: "Cuộc mưu cầu dân chủ tại Miến Điện là cuộc đấu tranh của một dân tộc muốn được sống một cuộc sống đầy đủ, có ý nghĩa, với tư cách những thành viên tự do và bình đẳng của cộng đồng thế giới. Đó là một phần của sự nỗ lực nhân bản không ngừng để chứng tỏ rằng tinh thần của con người có thể vượt qua được những mặt còn yếu kém trong bản tính của mình".

Hoặc cương lĩnh rất rõ ràng của Optor: "Nó độc tài nó phải đổ". 

Nguyên lý 2: Phải có lực lượng. Tấn công vào hệ thống cầm quyền, tấn công cá nhân lãnh đạo, hay tấn công vào những giá trị nào khác trong xã hội? Đây là câu hỏi mà nhiều người đã suy nghĩ. Để tấn công vào chính quyền, chính là những chiến lược, chiến thuật ngắn hạn hợp lý, đập tan hệ thống tuyên truyền của chế độ độc tài, tấn công vào những chính sách sai lầm, tệ nạn tham nhũng, cá nhân lãnh đạo gây thiệt hại cho đất nước. Rất tốt, nhưng thật sự những điều này cũng không làm cho chế độ độc tài suy yếu xuống, bởi vì nó vẫn có khả năng phục hồi, (mặc dù, bản thân nó, độc tài, đã luôn tự suy yếu). Song, chính những điều này nếu được người dân ủng hộ, thời gian sẽ làm cho lực lượng đối kháng mạnh lên. Do đó phải hiểu rằng: khi lực lượng quần chúng mạnh lên, tương ứng, lực lượng của chính quyền sẽ yếu xuống, chứ không phải chúng ta ngồi chửi rủa phê phán chính quyền suốt ngày mà làm nó suy yếu và tấn công được nó. Trên thế giới chưa có nước nào sụp đổ bởi những bài viết hay lời nói. Trong hệ thống chính trị, lực lượng này mạnh lên nghĩa là lực lượng kia yếu xuống, cho nên một vài cá nhân sẽ không làm được gì cả, mà nó phải là cả một nhóm, một hệ thống có tổ chức cùng lớn lên. Tương tự, dù chế độ độc tài có yếu xuống, sắp tan rã đến nơi, nhưng lực lượng đối lập không có thì cũng về lại zero. Đây là trận chiến tư tưởng, trận chiến tâm lý, làm sao để thu hút người dân, xây dựng lực lượng mới là nhiệm vụ hàng đầu, là nền tảng để thành công. Phải nhớ rằng, căm thù chưa bao giờ lật đổ được chế độ độc tài. Chính việc xây dựng lực luợng mạnh lên có tổ chức, mới là nền tảng để lật đổ chế độ CS. 

Công đoàn Đoàn kết, tấn công CS Balan bằng một tổ chức độc lập, bất kỳ một tổ chức độc lập nào bất kỳ, tồn tại thực chất trong lòng chế độ CS luôn luôn là mầm mống hiểm nguy cho chế độ CS. Nó tạo được niềm tin cho quần chúng, từ đó họ tổ chức nhiều cuộc biểu tình, đình công làm áp lực để chính quyền phải nhượng bộ chấp nhận họ ứng cử vào quốc hội và đã thành công.

Vậy làm sao để xây dựng lực lượng?

Đương nhiên có rất nhiều cách để xây dựng lực lượng, nhưng không thể bỏ qua những nguyên lý sau:

Nguyên lý 3: Phải có mục tiêu ngắn hạn rõ ràng và lập đi lập lại nhiều lần, nhấn mạnh liên tục. Thoạt nhìn, chính sự sợ hãi của người dân, có vẻ như nguyên nhân của tất cả mọi vấn đề. Nhưng theo tôi, với nhiều bài viết trước, sự sợ hãi là một quy luật tất yếu trong chế độ độc tài, chế độ CS còn tồi tệ hơn, hãy nhìn dân tộc Đức, Do Thái, chế độ Phát xít đã khủng bố họ ra sao, sự sợ hãi của dân tộc Xô Viết không thua gì người Việt hiện tại. Vậy vấn đề nằm ở đâu, và tại sao họ đã thành công? Riêng nước Việt, sự sợ hãi bản thân nó đã có từ thời phong kiến, ảnh hưởng Nho giáo người Việt sống khép kín thụ động ra sao, nhưng tại sao chúng ta cũng dũng cảm chống sự xâm lược của Trung Hoa, hình thành nên nhiều cuộc khởi nghĩa trong lịch sử. Phải chăng yếu tố sợ hãi là yếu tố phụ, chính việc bằng cách nào đó huy động được quần chúng, lôi cuốn được họ mới là yếu tố quyết định. Ai cũng sợ hãi cả, nhưng không ai chấp nhận mình làm nô lệ, không ai chấp nhận mình đi vào cõi chết vô nghĩa. Vì vậy, ngoài mục đích tối hậu cuối cùng đúng nguyện vọng nhân dân, công việc của những người tranh đấu là phải tìm cho ra những mục tiêu ngắn hạn, phù hợp với thực tế, tạo thành cái tần số chung nào đó mà tác động đến toàn bộ người dân. Nó sẽ trở thành sức mạnh lôi kéo mọi người, nối kết những người xa lạ với nhau, sống chết cùng nhau. Người dân còn sợ hãi, nghĩa là chúng ta chưa tìm ra tần số đó.

Lịch sử chống ngoại xâm của đất nước ta, ai cũng biết rồi, khỏi cần nói nhiều, xét từ thời chống Pháp, phong trào Đông kinh nghĩa thục, "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" được nhiều người hưởng ứng, nhưng không tạo được sự chuyển biến trên toàn xã hội, bởi vì nó không đưa ra mục tiêu rõ ràng. CS chỉ cần một chiêu trò, đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân nghèo, (mặc dù địa chủ không phải là nguyên nhân của xã hội thực dân và phong kiến), chỉ vậy thôi đánh đúng vào tâm lý tầng lớp bần cố nông của 90% dân tộc Việt. Qua giai đoạn chống Mỹ, miền Bắc thì hoàn toàn bị nhồi sọ bởi CS, "miền Nam rên xiết dưới gót giày xâm lược Mỹ", toàn tâm toàn ý phúc vụ cho công cuộc giải phóng, trong khi đó miền Nam vẫn có người "ăn cơm quốc gia thờ ma CS", tại sao vậy? CS hô hào đánh đuổi Đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ, đưa ra ý tưởng cứu lấy dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ rất nhiều người đi theo, mặc dù họ đánh Mỹ là đánh dùm cho Liên xô, cho Tàu và bành trướng chủ nghĩa CS. Ngày nay, CS luôn đề cao sự hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, mặc dù bán nước, bán đảo nhưng nhiều người cũng nghĩ rằng mục tiêu ổn định là đúng, thực chất một sự ổn định dối trá giả tạo, chính nó đè nén sự phát triển của đất nước, do đó biểu tình, đa đảng là hổn loạn. 

Nói vậy để thấy rằng, không phải chúng ta giả dối như CS, nhưng chiến lược tâm lý đúng, mục tiêu rõ ràng sẽ thu hút được quần chúng, chứ không phải ngồi kêu gọi khơi khơi vượt qua sợ hãi mà họ đứng lên. 

Nguyên lý 4: Đẩy mạnh lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Bản chất của tất cả các cuộc CM trên thế giới, chưa bao giờ thoát ra khỏi lòng yêu nước, chống lại áp bức bất công. Và chưa có quốc gia nào trên thế giới, xuất hiện những lãnh tụ, anh hùng dân tộc, mà không xuất phát từ lòng yêu nước, yêu dân tộc. Lòng yêu nước là bản năng của con người trong đời sống xã hội, nó có thể lôi kéo một người bình thường trở thành lãnh tụ, hoặc một trí thức chấp nhận dấn thân cho quê hương, và rất nhiều người anh hùng sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc... Do đó, muốn người dân tham gia, phải triệt để kêu gọi, kích thích yếu tố này. Chỉ có lòng yêu nước, yêu quê hương người dân mới chấp nhận từ bỏ tất cả, gia đình, ruộng vườn tài sản để đi theo tiếng gọi đất nước, khi đó họ bước qua sợ hãi chứ không thể gọi là vượt qua sợ hãi, mặc dù sợ hãi vẫn luôn còn đó, nhưng chính yếu tố tinh thần, vinh dự dân tộc và ý nghĩa của một hành động thiêng liêng, giúp họ vượt qua tất cả. "Tham vọng lớn mới có hành động lớn."

Hãy xem CS và Phát xít Đức tuyên truyền, lấy chủng tộc Aryan thượng đẳng làm mục tiêu, tìm thêm không gian sống cho dân tộc Đức để phát động cuộc chiến. Đã qua 40 năm chiến tranh nhưng các loa phường ngày nào cũng ra rả yêu nước, yêu đảng, yêu CNXH, đồng hóa đảng và tổ quốc để thấy sức mạnh của lòng yêu nước đến dường nào.

Nguyên lý 5: Phải tạo được niềm tin trong dân chúng. Ngoại trừ nhiều anh em tự nhận thức được hiện tình đất nước, cất lên tiếng nói cá nhân, chấp nhận đau thương khủng bố của chính quyền, còn lại đa số dân chúng khi và chỉ khi nhìn thấy tia hy vọng sẽ thắng lợi, hoặc bị dồn vào chân tường, nô lệ hay là chết, ngay cả việc cơm áo gạo tiền, cũng chưa chắc lôi kéo được họ, nếu chưa chết hoặc nếu chưa thấy được ánh sáng hy vọng. Người Việt khổ cỡ nào cũng chịu được, nhưng lại dễ bị lường gạt, đầu óc tư hữu rất cao, cho nên ánh sáng tương lai dễ lôi kéo người Việt hơn. 

Người dân họ cũng đắn đo, so sánh thiệt hại chứ, tài sản ruộng vườn, con cái, tù đày, tội vạ, phiền phức, chọn cái nào? Phải thành công từ những mục tiêu nhỏ, phát triển dần, đấu tranh thành công, nhìn thấy tia hy vọng, tạo niềm tin chiến thắng. Đây mới chính là động lực phát triển lực lượng nhanh nhất.

So sánh với Miến Điện

Từ những nguyên tắc trên, kết hợp phân tích ở những bài viết trước, "mỗi quốc gia có một đặc tính dân tộc, nó có tính di truyền và sẽ thức tỉnh khi đất nước chạm ngưỡng sống còn", chúng ta thử nghiên cứu cách thức Bà Aung San Suu Kyi huy động quần chúng như thế nào? Liệu có ra khỏi những nguyên tắc trên hay không? Miến Điện đất nước có nền văn hóa Á đông, đạo Phật, chế độ độc tài, gần giống với VN nhất. Tuy nhiên, nền tảng đất nước này trước đây vẫn là chế độ đa đảng, bị quân đội đảo chính chiếm quyền. Tụ tập đông người trên đường phố vẫn có thể bị tù, không khác gì VN.

Trước nhất phải thấy rằng Bà Aung San Suu Kyi luôn khai thác đặc tính dân tộc của Miến Điện là Phật giáo nguyên thủy (Theravada), gần như mọi tinh hoa, sức mạnh tâm linh của đạo Phật, Mười bổn phận của Vua, Bảy sự bảo vệ chống lại suy vong, Bốn trợ giúp cho dân chúng, cùng những luật lệ quy tắc khác về bổn phận, Bà đều khai thác để tấn công vào bộ máy cầm quyền và tạo sức mạnh tinh thần cho dân tộc Miến.

"Để mang đến cho dân chúng bóng mát bảo vệ là sự bình yên và an toàn, nhà cầm quyền phải biết vâng theo lời Phật dạy. Cốt lõi của những lời này chính là các khái niệm chân lý, liêm chính và lòng tử tế. Chính quyền mà biết dựa trên những phẩm chất này chính là điều mà dân chúng Miến Điện đang tìm kiếm trong cuộc đấu tranh giành dân chủ của họ."

Đề cao khái niệm giá trị nhân quyền, đưa niềm tin đến với người dân: "Phật giáo nền tảng của văn hóa truyền thống Miến Điện, lại hết sức đề cao giá trị của con người, loài duy nhất trong mọi loài có thể đạt được trạng thái tối thượng, đó là thành Phật. Mỗi người đều có trong mình tiềm năng để nhận ra chân lý thông qua ý chí và nỗ lực của bản thân, và để giúp người khác cũng nhận ra được điều đó. Do đó mạng sống con người thật vô cùng quý giá: "Làm cho cây kim ở chổ Brahma (Đấng Phạm Thiên) rớt xuống cái đế cắm kim trên trái đất còn dễ hơn là chuyện sinh ra làm người." 

Mục tiêu xã hội dân chủ, Bà đặt ra rất rõ ràng và kêu gọi lòng yêu nước: "Một cuộc CM chỉ nhắm đến chuyện sửa đổi các đường lối và định chế chính thức, bằng cái nhìn cải thiện điều kiện vật chất chẳng có mấy cơ hội thành công thật sự. Không có cuộc CM tinh thần, những thế lực đã gây ra những điều bất công, thuộc trật tự cũ, vẫn sẽ tiếp tục hoành hành, tạo nên mối đe dọa thường xuyên cho tiến trình canh tân và phục sinh. Chỉ đòi hỏi có tự do dân chủ, nhân quyền không thôi, vẫn chưa đủ. Phải có một sự quyết tâm nhất trí để kiên trì trong cuộc đấu tranh, để hy sinh vì chân lý trường tồn, chống lại những ảnh hưởng tha hóa của lòng thèm muốn, ác tâm, sự ngu dốt và nỗi sợ hãi"

Liên hệ với phong trào dân chủ ở Việt Nam

Vậy đặc tính dân tộc người Việt là gì? Chắc chắn không ai thể phủ nhận lòng yêu nước, chống ngoại xâm. Tuy nhiên dân tộc này không có nền tảng từ một xã hội đa nguyên, vẫn còn nặng phong kiến, tầm nhìn ngắn và nước tới chân mới nhảy. Chính vì vậy tôi vẫn tin rằng sẽ có một cuộc CM dân chủ từ dưới lên của người Việt vào phút cuối.

Nói thật, từ đáy trái tim, từ sau cuộc "Cách Mạng Cá", từ những nghiên cứu ở trên, theo tôi PTDC trong nước hiện tại dao động ở số không.? Nếu tính từ thời điểm trước Formosa, PTDC còn có nhiều vấn đề chấp nhận được, sự việc Formosa đến quá nhanh đã bộc lộ những yếu kém đúng thực tế của PTDC trong nước. Chúng ta chỉ mỗi một việc là chửi, và chửi CS, hoàn toàn không có quần chúng. Nếu so sánh với những nguyên lý ở trên PTDC hầu như chưa đạt yêu cầu nào, cho nên dù vụ án Formosa là một lợi thế vô cùng to lớn, có thể hất tung CS, chúng ta cũng không làm được việc gì. Và dù CS có chết nằm la liệt ra đó, tôi tin rằng cũng không có một lực lượng nào thay thế được, rồi CS cũng cưỡi trên đầu trên cổ người dân và tiếp tục cầm quyền. Vì sao vậy?

Hướng đi của PTDC lưng chừng. 

Trước hết tôi xin nhấn mạnh rằng, PTDC ở đây nghĩa là tất cả chúng ta, tất cả những người Việt quan tâm đến đất nước, chứ không nhằm ám chỉ hay lên án, chỉ trích bất kỳ một ai, bởi vì chúng ta không có một tổ chức, người lãnh đạo nào cả, tất cả chúng ta cùng nhận lãnh trách nhiệm trên con đường căm go này. 

Quyền con người chỉ có giá trị trong thời bình, khi đất nước lâm nguy Quyền công dân phù hợp hơn. Kêu gọi Quyền con người chỉ có chức năng thức tỉnh quần chúng, nhưng không giúp họ đứng dậy, hay vượt qua sợ hãi, và nó không tác động đến toàn bộ người dân. Quyền con người không tác động đến tầng lớp đảng viên dù bị trị hay cai trị. Đảng viên không cần quyền con người họ vẫn có thể sống phây phây trong xã hội, dù người dân có nghèo đói, xã hội có bất công như thế nào đi nữa. Quyền con người không tác động đến giới học sinh hay sinh viên, thậm chí thành phần trí thức có công ăn việc làm ổn định, biết đó, nhưng không ảnh hưởng đến họ bao nhiêu. Quyền con người không tác động đến nông dân, bởi vì nông dân Việt nam họ không cần những điều này, họ cần ruộng vườn thôi, thậm chí xa lạ, ở đâu đâu, không quan tâm. Quyền con người chỉ tác động đến một thiểu số người nghèo thành thị, công nhân, dân oan, những người đã đi làm, trực tiếp va chạm với xã hội, lứa tuổi từ 30- 50, còn đa số "miễn nhiễm" khi chưa đụng sự việc. 

Chính QUYỀN CÔNG DÂN mới là yếu tố tác động đến toàn xã hội, không loại trừ một ai, dù là đảng viên. Chính quyền không thể bắt người dân khi đang ngồi nhậu hay uống café. Chính quyền không thể bắt người dân khi đang đi trên lề đường hay trong công viên. Chính quyền không thể ngăn cấm người khác đi ra khỏi nhà. Đảng viên cũng phải im miệng, ăn cá bị nhiễm độc, nếu Formosa còn đó, không lên tiếng. Chính quyền CSVN luôn luôn vi phạm luật lệ, ngồi xổm trên pháp luật, và chế độ CS luôn "sản xuất" ra bất công xã hội, cho nên đấu tranh vì Quyền công dân là cuộc chơi dài hạn, là tần số chung cho toàn xã hội. Chỉ có Quyền công dân mới giúp người dân ý thức được rằng: phải thay đổi thể chế này, bằng một thể chế khác thực thi đúng pháp luật, tôn trọng quyền công dân, quyền con người. 

Hơn nữa trong chế độ CS làm gì có Quyền con người mà đòi. Chúng ta đòi cái không có, vậy thì làm sao thành công, dù là thành công nhỏ, cho nên mãi mãi thất bại, như vậy liệu có huy động được quần chúng hay không? Thêm nữa, Việt nam chưa thoát khỏi tư tưởng Phong kiến, Khổng giáo đâu coi trọng quyền con người, cuộc sống của người dân đã quen như vậy rồi, không có nó họ vẫn sống được.! Cho nên nhân quyền là giá trị phổ cập của thế giới, nhưng dân Việt họ không quan tâm. Quyền con người CS chỉ ký vào Công ước Quốc tế 1992 không có giá trị pháp lý cao, ngược lại Quyền công dân, BẮT BUỘC CS phải thi hành, vì nó đã được chính Hiến pháp và luật pháp CS quy định. Đấu tranh bắt buộc CS phải thi hành đúng Hiến pháp, không chấp nhận những luật lệ vi hiến, đó là hướng đi hợp lý, dù điều 4 có còn đó, không quan trọng, tự luật pháp đã lật đổ CS rồi.

Phổ biến quyền con người, phản đối đường lưỡi bò, xong rồi ngồi chửi CS tiếp, không có những mục tiêu chiến lược hành động tiếp theo, hóa ra chúng ta không có mục đích, để đó quần chúng tự hành động, vì thế PTDC chỉ làm mỗi một việc thức tỉnh người dân, khi Formosa xảy ra, đấu tranh quờ quạng, chứng tỏ phong trào nhiều lỗ hổng, và đã chậm với thời cuộc. Không lẽ chúng ta chấp nhận làm "phản động", chấp nhận đánh đập, hy sinh, bỏ tù, cô lập kinh tế…. chỉ để thực hiện những điều trên hay sao? Chắc chắn không ai làm như vậy nếu không có mục đích hằng ấp ủ: lật đổ CS? 

Tôi không tin rằng chúng ta yếu đuối đến nỗi không dám kêu gọi lật đổ CS. Tôi không tin rằng toàn bộ người dân không nhìn thấy bản chất của vấn đề, và tôi cũng không tin rằng anh em đấu tranh sợ tù tội, sợ điều 79, 88 hay 258. Anh em sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho lý tưởng quốc gia, đất nước, nhưng vì chiến lược lưng chừng, chỉ dừng ở mức độ khai dân trí, đòi, phản đối, nên không khai thác được sức mạnh toàn dân và không giúp được người dân vượt qua sợ hãi. 

Tôi tôn trọng và đánh giá rất cao những anh em đã công khai lâu nay, không sợ bạo quyền CS, chấp nhận hy sinh mất mát cho cuộc đấu tranh này, nhưng chúng ta cần phải dấn thân thêm một bước nữa, một bước nữa, đi vào đúng trọng tâm của vấn đề. Đó là con đường duy nhất cho phong trào Dân chủ Việt nam, đúng nguyện vọng của người dân.

Đàn áp ư? Biểu tình ôn hòa cũng đàn áp vậy, xuất hiện công khai phê bình CS cũng đàn áp vậy, kêu gọi lật đổ CS cũng sẽ đàn áp như vậy thôi. Vấn đề là, CS sợ ai sẽ hốt người đó, dù người đó làm gì, nhưng chúng ta đã đi đúng hướng.

Bài học lịch sử 1945 đã thấy, nếu chỉ khai dân trí thôi, không có mục tiêu chiến lược tiếp theo, không có mục đích rõ ràng, sẽ thất bại. Khai dân trí chỉ là phương tiện, chung chung, chưa bao giờ là mục đích, nó là giải pháp bắt buộc phải có, thuộc hệ tư tưởng, để dẫn đến lật đổ chế độ độc tài. Khai dân trí đến bao giờ là đủ? Campuchia, Miến Điện, trình độ dân trí có hơn VN không, tại sao họ vẫn có xã hội tự do dân chủ? Dân chủ không phụ thuộc vào dân trí, mà phụ thuộc vào cấu trúc chính quyền, và nó sẽ tạo ra dân trí. Vì vậy PTDC cần phải ý thức vấn đề này, cần thiết phải đẩy sâu thêm một bước nữa, đi vào đúng quỹ đạo của thế giới, phải đi vào cấu trúc những cuộc CM truyền thống, liên kết, tổ chức, kêu gọi lòng yêu nước, đấu tranh trên những mục tiêu nhỏ, tận dụng tình hình khách quan, phát động những phong trào biểu tình, đình công, kêu gọi nghỉ học trên toàn quốc, để dẫn đến mục đích cuối cùng lật đổ CS. 

Quan trọng nhất, phải làm cho xã hội sôi lên, sôi lên, sôi lên, nóng lên liên tục, một không khí tấn công CS liên tục, đưa CS vào thế bị động, chính điều này mới thức tỉnh dân Việt sợ hãi và thích nhàn hạ. Nếu chỉ Facebook thôi không thể làm được điều này. 

Thời đại internet, có rất nhiều thuận lợi về thông tin, dễ dàng đập tan chiến lược tuyên truyền giả dối của CS, nhưng ngược lại rất dễ bị quản lý, theo dõi. Lâu nay chúng ta lầm tưởng về vấn đề này, chỉ thấy mặt lợi về truyền thông mà quên đi rằng, CS quản lý chúng ta đền từng chi tiết, muốn theo dõi một ai đó, chỉ cần số điện thoại, email, facebook…, biết địa chỉ IP, địa chỉ MAC là họ có thể biết chúng ta đang ở đâu, gặp những ai, chuẩn bị công việc gì, âm mưa gì…do đó, hiểu biết về mạng, rành về vi tính, mã hóa thông tin, để vượt qua những kiểm soát này, là yêu cầu tối thiếu cho những người đấu tranh. Vì vậy tôi không tin tưởng rằng thành lập một cái đảng là giải pháp thành công trong chế độ CS hiện tại, ngoại trừ đảng đó bí mật, và không sử dụng điện thoại. Cũng như vậy tôi cũng không tin rằng những người đấu tranh công khai sẽ dẫn đến thành công. Nhưng chúng ta cần sự phối hợp giữa họ, cần rất nhiều người công khai "diễn", dẫn dắt, biểu tượng sống cho mọi người noi theo, và dưới chân họ, những nhóm nhỏ 10-20 người bí mật bên dưới, trong bóng tối, ủng hộ, cung ứng, tài chính, bàn thảo kế hoạch, bảo trợ cho họ tồn tại và phát triển. Không thể có một đảng đối lập, nhưng chúng ta cần giải pháp và liên kết, để cung ứng cho anh em facebooker "diễn". 

Một đặc tính khác của giai đoạn internet là thông tin đến với chính quyền, công an, trực tiếp và trước khi đến với người dân. Tại sao chúng ta không tấn công CS bằng cách này, làm cho AN, mật vụ, CA, chính quyền hoang mang, xao động, CS sẽ mất đi sức mạnh. Đây cũng là lãnh vực còn hay hơn ngồi chửi CS, tấn công chính quyền bằng tâm lý trước khi lật đổ chúng. 

Tôi vẫn tin tưởng ở một cuộc CM từ dưới lên, nhưng để hình thành nó chúng ta phải đi đúng hướng ngay từ bây giờ, đừng để người dân mất niềm tin vào phong trào. Trước Formosa khai dân trí, sau Formosa phải hành động. Formosa là tử huyệt của CS, một điều kiện khách quan bất ngờ, kết quả từ cách quản lý ngu dốt của CS, và nằm trong chiến lược thôn tính VN của TQ, đảng sẽ không bao giờ giải quyết được những chiến lược"tằm ăn dâu" của Trung Cộng, và người dân Việt, chờ "nước tới chân mới nhảy" thì đã mất nước rồi. 

Để cứu nước, lật đổ CS là mục đích trước nhất trên con đường tìm đến dân chủ.

Tại sao mục đích đấu tranh không là: Đảng CS bán nước, phải sụp đổ, người dân không chịu làm nô lệ.

Và những mục tiêu trước mắt: Formosa cút khỏi Việt Nam - trả lại biển sạch cho dân - biểu tình là quyền hiến định - luật pháp vi hiến là luật rừng - chúng tôi không là nô lệ - đảng và Formosa tàn sát môi trường Việt Nam.

Bài đã đăng:


Sài Gòn 28/7/2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo