Những kiến thức căn bản cần có về biển đông và Hoàng/Trường Sa - Dân Làm Báo

Những kiến thức căn bản cần có về biển đông và Hoàng/Trường Sa

Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) - Đối với một quốc gia không gì quý bằng đất đai: nhân dân và của cải đều do đấy mà sinh ra. Nói rộng hơn nữa, danh từ đất đai còn bao hàm cả vùng trời và vùng biển bao la rộng lớn vây quanh nữa.

Vùng biển của Việt Nam hiện nay đang bị xâm lăng.

Năm 1974 quần đảo Hoàng Sa đã lọt vào tay Trung Cộng. Sau đó 14 năm, tức năm 1988, Trường Sa cũng đã bị Trung Cộng xua quân xâm lấn trắng trợn, chiếm cứ hàng loạt hải đảo của ta. Nguy cơ mất tất cả các hải đảo ngoài Biển Đông về tay Trung Cộng cũng có thể không còn xa nữa. 

Cho nên, mọi người Việt Nam chúng ta cần được trang bị ngay những kiến thức địa dư căn bản về Biển Đông, và nhất là về hai quần đảo nói trên. Những kiến thức này là sức mạnh của dân tộc để giữ gìn lãnh thổ như ông cha ta đã từng làm trong dĩ vãng.

Biển Đông xưa và nay

Biển Đông là một bán-nội-hải (semi enclosed sea) nằm về phía Đông của VIệt Nam. Biển được bao quanh tới 90% bởi một số nước của Đông Nam Á trong đó có Việt Nam và phần bờ biển dài nhất của Việt Nam là 2828 hải lý. Diện tích biển Đông rộng vào khoảng 1.091.642 hải lý vuông, bao gồm hai vịnh khá lớn là Vịnh Bắc Việt 46.961 hai lý vuông và Vịnh Thái Lan 85.521 hải lý vuông.

Thời xưa cũng như ngày nay, bao quanh biển Đông là nhiều thương cảng quốc tế quan trọng. Thời xưa, hải cảng xầm uất nhất của biển Đông nằm trong vịnh Bắc Việt, vùng Hòn Gay, mà các nhà hàng hải quốc tế gọi là Cattigara. Các thương nhân và các nhà ngoại giao Tây Phương sang Á Đông đều ngừng chân tại Cattigara ở xứ ta.

Hiện nay, nhờ nằm trong vùng địa thế đặc biệt phát triển, các quốc gia láng giềng với ta như Mã Lai Á, Tân Gia Ba, đang trở nên giàu có nhất nhì thế giới. Việt Nam tuy hơi chậm nhưng không phải là không có cơ hội tiến lên nếu Việt Nam trở thành dân chủ.

Tài nguyên thiên nhiên

Về ngư nghiệp, hàng năm vùng biển Đông trung bình thu hoạch được 5,6 triệu tấn hải sản. Khả năng thu hoạch còn có thể cao hơn tại một vài nơi. Hai vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa là đối tượng tranh chấp về ngư trường. 

Việt Nam phải đối đầu nhiều nhất với Thái Lan và hai nước Trung Cộng và Đài Loan trong những tranh chấp liên quan đến hải phận đánh cá. Hải sản trong vịnh Thái Lan đã bị khai thác quá đáng nên gần như cạn kiệt. Ngư phủ Thái Lan rất thèm khát nguồn lợi biển Việt Nam.

Về phốt phát (phosphate). Khối phosphate dự trù ở Hoàng Sa có thể tới hơn 4 triệu tấn. Ở Trường Sa số lượng phosphate chưa được tính toán đầy đủ nhưng ước lượng cũng hàng triệu tấn. Công việc khai thác ở Trường Sa nhiều lần bị dang dở.

Dầu khí biển Đông. Theo những thăm dò của Liên Hiệp Quốc vào những năm cuối của thập kỷ 1960 thì biển Đông không có dầu lửa. Gần đây, niềm tin tương lai lại khác hẳn: trữ lượng dầu khí ở biển Đông không thua gì trữ lượng toàn thể vùng Trung Đông.

Dầu khí trong hải phận do Việt Nam kiểm soát. Hai vùng giếng dầu khí đã được thăm dò đầy đủ và đang được khai thác, có trữ lượng như sau: Bạch Hổ 175.200 triệu thùng, Đại Hùng 300-600 triệu thùng. Những tin tức lạc quan vào cuối năm 1994 cho hay sản lượng dầu khí của Việt Nam đã vượt qua mặt Trung Quốc và số trữ lượng dầu khí của Việt Nam hiện nay đứng vào hàng thứ tư trên thế giới (The International Lawyer, Winter 1994).

Theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều tài nguyên qúy giá khác cũng sẽ được khai thác từ lòng biển. Con người sẽ lấy được nhiều loại quặng mỏ cần thiết cho kỹ nghệ. Thế giới biển cả trong tương lai sẽ trở nên sinh động không thua gì thế giới trên đất liền. 

Các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa 

Từ ngàn xưa, quần đảo Hoàng Sa đã mang tên Việt Nam là Bãi Cát Vàng. Tên này xác định rõ ràng sự sở hữu của người Việt. Trên hải đồ quốc tế Bãi Cát Vàng được ghi là Paracel Islands: Paracel là tên một thương thuyền Hòa Lan bị đắm vào thế kỷ 16 tại đảo Cát Vàng.

Sách cổ Việt Nam trong những thế kỷ trước cho biết là quần đảo này có 100 đảo. Dân Trung Hoa cho rằng Hoàng Sa chỉ gồm có 7 đảo nên tên gọi là Thất Châu. Có nhiều người lại nói là có tới 9 đảo nên tên gọi là Cửu Đảo Dương. 

Các đảo Hoàng Sa không cao. Có thể xếp theo thứ tự cao thấp như sau: đảo Hòn Đá 50 ft; đảo Hoàng Sa 30ft; đảo Hữu Nhật 26 ft; đảo Quang Ảnh 20 ft: đảo Hòn Tháp 17 ft; đảo Linh Côn 15 ft; đảo Quang Hòa 13 ft; đảo Tri Tôn 10 ft. 

Hai bãi ngầm Macclesfield Bank và Scarborough Shoal nằm về phía Đông của quần đảo Hoàng Sa và luôn luôn chìm dưới mặt nước. Macclesfield Bank với chiều dài 100 hải lý, rất tiện cho việc neo tàu mỗi khi tàu cần sửa máy hoặc cho thủy thủ nghỉ ngơi. Phía Đông của Macclesfield Bank còn có một bãi ngầm khác, nhỏ hơn, gọi là Truro Shoal.

Bãi ngầm thứ hai là Scarborough Shoal nằm xa ơn một chút về phía Đông. Xa hơn chút nữa, cũng về phía Đông, là bãi ngầm Steward Bank. Cả Trung Cộng lẫn Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền trên hai bãi ngầm Macclesfield và Scarborough. 

Các đảo hợp thành hai nhóm: nhóm Trăng Khuyết và nhóm An Vĩnh. Nhóm Trăng Khuyết hay nhóm Lưỡi Liềm có 7 đảo chính: Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quỷ, Tri Tôn. Nhóm An Vĩnh thuộc xã An Vĩnh, tỉnh Quảng Ngãi gồm các đảo sau đây: Phú Lâm; đảo Cay; đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đào Nam, đảo Tây, đảo Hòn Đá. 

Hiện nay, Trung Cộng đặt bộ chỉ huy toàn thể quân trú phòng tại quần đảo Hoàng Sa. Căn cứ quân sự này trở thành kiên cố nhất biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa đã bị thủ tướng cộng sản Bắc Việt Phạm Văn Đồng ký tên vào văn thư chính thức giao nộp cho Trung Cộng vào ngày 14/9/1958 để đối lấy một số vũ khí đánh miền Nam. 

Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Quần đảo Trường Sa gồm hơn 500 đảo nằm về phía Nam của Biển Đông. Trường Sa cách Vũng Tàu 305 hải lý và cách Cam Ranh 250 hải lý. Các đảo Trường Sa nằm trong một khu biển chiếm tới 360.000 km2, rộng bằng lãnh thổ Việt Nam trên lục địa. 

Ông cha ta gọi Trường Sa là Vạn Lý Trường Sa. Người Anh gọi là Spratley Island, người Pháp gọi là Iles Spratly, người Trung Hoa gọi là Nansha, người Nhật gọi là Shin-Nan Guto. Nếu chỉ nói đến các đảo quan trọng, ta có thể chia quần đảo Trường Sa thành ba vùng như sau:

1/ Vùng Việt Hoa tranh chấp. Vùng này gồm có: 

Bãi Tứ Chính hay Vanguard Bank
Bãi Phúc Nguyên hay Prince Comsort Bank
Bãi Quế Đường hay Grainger Bank
Bãi Phúc Tân hay Prince of Wales Bank
Bãi Huyền Trân hay Alexandra Bank
Bãi Vũng Mây hay Rifle Man 
Đá Lát hay Ladd Reef
Đảo Trường Sa hay Spratley Island

Hầu hết địa danh vùng này được đặt theo các tên lịch sử. Tứ Chính là tên một phường trước kia thuộc Cù Lao Ré. Phúc Nguyên và Phúc Tần là tên hai vị chúa anh hùng của nhà Nguyễn. Quế Đường là tên hiệu của nhà bác học Lê Quý Đôn. Huyền Trân là tên công chúa, con gái vua Trần Nhân Tôn gả cho vua Chiêm Thành Chế Mân. 

Đảo lớn nhất trong vùng là đảo Trường Sa mà người Pháp gọi là đảo Bão Tố (Ile De Tempête). Từ Trường Sa xuống Tứ Chính là vùng tranh chấp gay gắt giữa Việt Cộng và Trung Cộng vì việc khai thác dầu lửa. Khu vực về phía Tây bải Tứ Chính, nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam có trữ lượng dầu rất lớn. Thanh Long là tên gọi túi dầu này, chứa tới 500 triệu thùng. Trung Cộng đang cản trở không cho Việt Nam khai thác và có thể tấn công quân phòng thủ Việt Cộng ở đây trước khi tiến chiếm thêm đảo trong khu trung ương.

2/ Vùng Việt Nam và một số nước Đông Nam Á tranh chấp. Vùng tranh chấp này gồm: Việt Cộng, Trung Cộng, Đài Loan, Phi Luật Tân, Brunei, Mã Lai Á. Đối tượng tranh chấp là:

Bãi Luconia Shoals
Đảo An Bang tức Amboyna Cay
Đảo Thuyền Chài tức Barque Canada Shoals
Đá Kỳ Vân hay Maniveles Reef
Đá và bãi Kiệu Ngựa hay Ardasier Reefs
Bãi Thám Hiểm hay Investigator Shoal
Đá Công Đo hay Commodore Reef
Đá Hoa Lau hay Swallow Reef
Đá Sắc Lốt hay Royal Charlotte Reef
Đá Lousia Reef

Đảo An-Bang là đảo lớn nhất, cách Trung Cộng gần một ngàn hải lý vậy mà Trung Cộng không ngừng lên tiếng lạm nhận chủ quyền. Quân Việt Cộng đóng trên đảo An Bang và bãi Thuyền Chài. Quân Mã Lai Á đóng trên các đá Kỳ Vân, Kiệu Ngựa, và đá Hoa Lau. Quân Phi Luật Tân đóng trên đá Công Đo. 

3/ Vùng Việt-Trung-Phi tranh chấp. Vùng này rộng lớn nên được chia làm bốn khu:

Khu Nam: Khu này nằm ở phía Nam của quần đảo Sinh Tồn (Union Reefs) gồm: đá Tây (West Reef); đá Giữa (Central Reef); đá Đông (East Reef); đá Châu Viên (Cuarton Reef); đá Núi Môn (Maralie Reef và Bittern Reef); đá Hòn Síp (Pearson Reef); đá Tốc Tan (Alison Reef); đá Núi Le (Cornwallis South Reef); đá Tiên Nữ (Tennant Reef hay Pigeon Reef). 

Vùng này không có đảo hoặc bãi nào lớn. Quân đội Việt Cộng đóng trên đá Đông, đá Tây, đá Giữa và một số đá khác. Quân Trung Cộng đóng trân đá Châu Viên từ 1/1988.

Khu Trung. Khu này gồm hầu hết các đảo lớn vì vậy tập trung đông đảo quân trú đóng. Các đảo quan trọng kể từ phía Nam đi lên gồm có: 

Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) là chỗ cao nhất của một bãi cạn dài 25km rộng chừng 6̉ km. Trung Cộng đặt Bộ Chỉ Huy toàn thể quân trú phòng trên đá Chữ Thập.

Nhóm đảo Sinh Tồn gồm có: đá Gạc Ma (Johnson Reef South); đá Collins (Johnson Reef North), đảo Len (Lawson Reef); đảo Sinh Tồn (Sin Cowe Island) đảo Sinh Tồn Đông (Sin Cowe East Island); đá Ken (Nam Remnant Reef); đá Ba Đầu.

Năm 1970 quân VNCH đồn trú ở đây. Vùng biến này là nơi đã diễn ra trận đánh năm 1988 làm hải quân CSVN bị đắm ba chiến hạm và chết hơn 70 người.

Nhóm Nam Yết - Ba Bình gồm có: đá Nhỏ (Discovery Small Reef); đá Lớn (Discovery Great Reef); đá Đền Cây Cỏ (Western Reef); đảo Nam-Yết (Namyit Island); đảo Ga Ven (Gaven Reef ); đảo Thái Bình (Itu-Aba Island); đảo Sn Ca (Sin Cowe Island); đá Đô Thị (Petley Reef).

Khu này có đảo Ba Bình là đảo rộng nhất và cũng có đảo Nam Yết là đảo cao nhất. Mật độ quân trú phòng cũng đông nhất trong một vùng biển nhỏ hẹp. Pháp và VNCH đã thiết lập tại Ba Bình một đài khí tượng. Đài Loan chiếm đảo này tháng 6 năm 1946 nhưng lại rút quân về năm 1950. Khi người Phi Luật Tân tuyên bố khám phá Trường Sa họ lại gửi quân trở lại đảo Ba Bình ngày 20/5/1956. 

Khu Bắc gồm có: đảo Loại Ta (Loaita Island); đảo Lankiam Cay; đảo Subi; đảo Thị Tứ;

Đảo Sandy; đảo Men Di; đảo Bến Lộc (West York Island); đảo Nam; Song Tử Tây; Song Từ Đông.

Quân phòng thủ Phi Luật Tân đóng trên bốn đảo Loại Ta, Lankiam Cay, Bến Lộc và Thị Tứ. Họ đã xây phi đạo nối dài ra biển. Quân Trung Cộng chiếm đá Subi. Quân Việt Cộng chiếm Song Tử Tây và đảo Nam. 

Khu Đông là một vùng biển rộng nằm gần quần đảo Phi Luật Tân và cách bờ biển Việt Nam 500 hải lý. Trong khu này chỉ có quân trú đóng là quân Phi Luật Tân. Trung Cộng giả dạng ngư dân lặng lẽ lấn chiếm vùng này kể từ tháng 2 /1995. 

Hai đảo Bình Nguyên và Vĩnh Viễn (Flat Island và Nansha Island) là hai đảo quan trọng nhất. Chính phủ Phi cho biết đã thiết lập được phi trường trên đảo Vĩnh Viễn. Vùng này có nhiều bãi cạn không sâu lắm (200m) như Vành Khăn, Jackson, Half Moon, Sabina. Khởi sự từ 1994 Trung Cộng đã cho quân đội giả dạng thường dân đánh cá, bất thần đáng chiếm bãi cạn Vành Khăn làm chính phủ Phi lo ngại và tình hình biển Đông thêm căng thẳng.

Kiến thức về Biển Đông và về hai quần đảo Hoàng/Trường Sa 

Người Việt đã hải hành ngang dọc biển Đông từ nhiều thế kỷ trước Công Nguyên. Trống đồng Đông Sơn của ta đã được phân phối đi nhiều nơi tại Đông Nam Á. 

Khác với người Việt, người Tàu là giống dân lục địa với các thói quen và cách suy nghĩ của những người sống trên đất liền. Kiến thức của họ về biển cả thật là ít ỏi. 

Sách sử Việt Nam ghi chép về Hoàng Sa từ thế kỷ thứ 17 là cuốn “Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư” của Đỗ Bá. Sau này ta có “Phụ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn tường thuật những công tác thi hành chủ quyền Việt Nam trên các đảo Hoàng/Trường Sa. Các đội Hoàng Sa trách nhiệm các đảo Cát Vàng và các đội Bắc Hải trách nhiệm Trường Sa/Phú Quốc, tuân hành theo lệnh chúa Nguyễn. 

Thời Pháp thuộc toàn quyền Paul Doumer cho xây cất hải đăng trên Hoàng Sa. Một hải học viện được dựng nên tại Nha Trang. Theo tiến sĩ Krempt, giám đốc ngành Hải Học Đông Dương thì Hoàng Sa là một hành lang nối dài của dãy núi Trường Sơn chạy ra biển.

Dưới chính thể VNCH, công tác nghiên cứu khoa học NAGA với sự hợp tác của Hoa Kỳ và Thái Lan đã diễn tiến tốt đẹp. Nhiều kiến thức về địa chất tại biển Đông trong khu vực VNCH và Thái Lan đã được cập nhật hóa.

*

Biển Đông là cái nôi khai sinh và nuôi dưỡng nền văn hóa Việt tộc. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không những về phương diện vị trí gần Việt Nam hơn Trung Hoa, mà về phương diện địa lý hình thể, cả hai quần đảo rõ ràng là nằm gọn trong phần đất nối dài của lục địa Việt Nam.

Cho đến nay, Trung Cộng vẫn bất cần luật pháp, nhất là luật pháp quốc tế. Bắc Kinh cho rằng Tòa án quốc tế chỉ là sản phẩm của các đế quốc phương Tây. Vì thế cho nên, họ đang phô trương sức mạnh để hăm dọa các nước nhỏ hơn. 

Các nước nhỏ nói trên đang liên hiệp với Hoa Kỳ để tự bảo vệ. Vậy thì tại sao Việt Nam không làm như vậy mà vẫn cứ rụt rè do dự. Thỏa ước Thành Đô đã là một bước dại dột chứ không phải là một ước tính khôn ngoan. Giờ đây, chỉ có liên hiệp với Hoa Kỳ thì mới có thể thoát hiểm và giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ trong lúc này và mãi mãi về sau./.

Tháng 9 năm 2016




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo