Nhóm Pv LĐV - Chỉ trong thời gian từ tháng 7 đổ lại đây, đã liên tục xảy ra các cuộc đình công rải rác khắp các tỉnh thành. Cũng theo số liệu thống kê của cơ quan chính phủ là tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (LĐLDVN) trong 3 tháng 5, 6 và 7, mùa cao điểm của ngành dệt may và da giày, hai ngành có số cuộc đình công cao nhất ở Việt Nam, 3 tháng trên chiếm tới 28,3% các cuộc đình công. Sau đó tăng mạnh vào thời gian trước và sau Tết Nguyên Đán, có tới 41,2% các cuộc đình công. Đây là thời gian NSDLĐ phải điều chỉnh bảng lương theo mức lương tối thiểu mới, cũng là thời điểm thưởng Tết, ngày lễ nghỉ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam.
Đình công tại công ty Panko (nguồn: LĐV)
Nguyên nhân và sức mạnh
Ngày 09/07/2016, tại công ty may Panko Korea thuộc khu kinh tế mở Chu Lai nằm tại địa bàn xã Tam Thăng thành phố Tam Kỳ đã xảy ra vụ việc giải quyết không thỏa đáng quyền lợi của người lao động dẫn đến sự bức xúc và bùng nổ vụ đình công của 1000 công nhân may tại công ty
Theo tìm hiểu nguyên nhân nhân dẫn đến đình công thì một nữ công nhân làm ở bộ phận QC trong công ty Panko cho hay: “Công nhân lên tiếng vì lương và các khoản Bảo hiểm không được Công ty (Cty) làm hợp đồng nghiêm túc, bên cạnh đó công nhân cũng phản đối việc ăn uống không được tử tế: Suất ăn theo công ty báo là 20.000 đồng nhưng đồ ăn quá tệ, công nhân ý kiến thì bộ phận cấp dưỡng tiết lộ suất trưa chỉ 9.500 đ kèm nước uống là 10.000 đ.Mức lương tối thiểu khi đăng kí trên bản thông báo tuyển dụng là 4.000.000VND/ 1 tháng thì công nhân chỉ được 2.950.000VND.”
Có thể nói có một nguyên nhân sâu xa, đó là Việt Nam chưa có các công đoàn độc lập để thực sự đứng ra thay mặt công nhân dàn xếp, đàm phán với giới chủ ngay khi bắt đầu xảy ra vấn đề, cho nên công nhân thường giải quyết vấn đề bức xúc của họ bằng cuộc đình công.
Trong vụ đình công, còn có các lực lượng an ninh trên địa bàn thành phố Tam Kỳ, khi phóng viên Lao Động Việt trực tiếp đến công ty, đã tiếp xúc 1 chị bán nước gần đó, họ cho biết: "công an và cảnh sát cơ động đã được huy động đến, 2 bên có xảy ra xô xát, tình hình phức tạp hẳn", người dân bán hàng nói tiếp "Cháu đến xin việc làm à, phức tạp và đánh nhau ghê lắm cháu” – điều đó khiến nhiều công nhân nơi đó đặt nghi vấn rằng thực sự có sự tác động của lực lượng an ninh dẫn đến xô xát giữa công nhân với lực lượng an ninh hay không? Tại sao lại có xô xát khi người lao động chỉ đang thực hiện quyền chính đáng của mình hết sức ôn hòa? Có lẽ không ai quên được chuyện mật vụ tại Pon chen tấn công công nhân bằng dao cắt giấy dẫn đến 4 người bị thương phải đưa đi bệnh viện. Và câu hỏi tại sao họ gây ra sự hỗn độn, có lẽ không lý do nào khác là muốn cuộc đình công sớm chấm dứt bằng cách biến cuộc đình công ôn hòa bằng cuộc xô xát bằng bạo lực
Sau cuộc đình công, công nhân đã đi làm trở lại. Hôm 15/07/2016 vì công ty hứa sẽ chỉnh mức lương tối thiểu lên thành 3.1 triệu VND. Ngoài ra, còn có các chế độ khác như: – Bảo hiểm y tế, tăng khẩu phần, chất lượng buổi ăn trưa, làm tăng ca sẽ có tiền thêm.
“Mục đích đình công còn để cho người chủ thấy được rằng cần biết tôn trọng công nhân chúng tôi, chứ không phải chỉ biết trục lợi và lợi dụng sức lao động của công nhân mà đối xử sao với họ cũng được. Mong lãnh đạo công ty sẽ không hứa suông, nhưng sẽ thật sự vì quyền và lợi ích của công nhân mà đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, để đa số công nhân tin tưởng mà làm việc toàn tâm toàn ý” nữ công nhân tại Cty Panko tâm sự.
Việc xảy ra đình công liên tiếp cho thấy sự quản lí lỏng lẻo và việc vi phạm vào quyền lợi của người lao động ở các KCN ngày càng gia tăng. Và đồng thời cho thấy hiệu năng hết sức mạnh mẽ của các cuộc đình công, hầu như đa số các cuộc đình công, công nhân đều đạt được kết quả khả quan.
Biểu tình tại công ty Pouyuen
Cũng tháng 7 vừa qua, bức xúc tiền công thấp, hàng trăm công nhân bốc xếp hàng hóa tại Cảng Thị Nại (TP Quy Nhơn, Bình Định) nghỉ làm đòi yêu sách đòi tăng đơn giá bốc xếp hàng hóa tại cảng. Sau đó thì vào ngày (26/72016) cơ quan đã có buổi đối thoại với các công nhân, phía công ty đã thống nhất tăng 10% giá bốc xếp tại cảng và công nhân đã đồng ý.
CT TNHH Tosok Precision, một công ty chuyên về thiết bị linh kiện cho điện tử, dụng cụ ở đường 16 KCX Tân Thuận, P. Tân Thuận Đông, Q.7, TP. HCM, công ty này thường xảy ra đình công vào dịp gần tết, vì thời gian này thường điều chỉnh mức lương tối thiểu, nhưng phía lãnh đạo không làm theo như vậy, một nữ công nhân nơi đây cho biết:
"Thời gian trước, công nhân không được tăng lương mặc dù nhà nước đã báo về mức tăng lương tối thiểu hàng năm, tuy nhiên, công ty này giấu nhẹm đi quy định này, khi các công nhân biết được, họ bắt đầu bức xúc và thống nhất đình công, sau đó thì đạt được mức lương tăng thêm 5%"
Cách công nhân tiến hành một cuộc đình công
Khi được hỏi về việc ai là người khởi xướng, hoặc thủ lĩnh cuộc đình công, nữ công nhân tại Tosok Precision nói: "cách thức họ đình công tại công ty này thường là họ bắt đầu tìm đến các tổ trưởng, và nêu lên những yêu cầu, bức xúc về mức lương tối thiểu còn thấp nhưng công ty cố tình không tăng dù nhà nước đã quy định, sau đó, các tổ trưởng cũng thấy mình là nạn nhân mà chưa ai dám nói. Các tổ trưởng liên kết với nhau, báo đến công nhân ngày giờ đình công để đòi tăng mức lương tối thiểu, đình công sau đó nổ ra, trong những trường hợp như vậy, các tổ trưởng, hay chuyền trưởng nghiễm nhiên là thủ lĩnh của cuộc đình công."
Công ty Chingluh, thường gắn các camera dọc các hành lang, cũng để phát hiện ra ai là người dám đứng ra quậy, hoặc kêu gọi đình công, họ sẽ lập tức cho người xuống gặp công nhân đó, và ngăn chặn ngay từ đầu. Nhưng giờ các công nhân đã thông minh hơn trước các camera, một nữ công nhân nói: "tụi em thường dò hỏi ý nhau, nếu thấy ai cũng cùng nỗi bức xúc thì một số viết các lời kêu gọi trong nhà vệ sinh và nhắn tin trên facebook cho nhau, kế đó là báo cho các chị tổ trưởng thân tín, nếu các chị mà cùng phối hợp thì thế nào cũng rĩ tai nhau và sẽ có đình công".
Một chính sách lao động bất công nào đó thường sớm muộn gì cũng dẫn đưa đến cuộc đình công, dù cho ở đó người lãnh đạo có tự tin kiểm soát chặt chẽ người công nhân đến đâu. Trong một cuộc đình công tại Pon chen phản đối chính sách chấm điểm xếp loại của công ty xảy ra đầu năm 2016, một nữ công nhân có mặt trong buổi đình công chia sẻ:
“Thời điểm diễn ra đình công lẽ ra trước tết, vì khi đó ai cũng hừng hực, và chất chứa đầy sự bức xúc, tuy nhiên các tổ trưởng đã không cho công nhân đình công trước tết Nguyên Đán, vì muốn lãnh tiền thưởng tết được êm xuôi. Mọi người quyết định đợi và nghĩ ngơi dịp tết, vào làm trở lại mới bắt đầu tiến hành cuộc đình công. Cuộc đình công đó diễn ra vào những ngay đầu năm, sau 3 ngày đình công, công nhân xóa bỏ được chính sách chấm điểm xếp loại A,B,C”
Nhìn lại cuộc tổng đình công ở Pháp và vai trò của nghiệp đoàn độc lập
Điều đáng nói, công đoàn chưa 1 lần đứng ra tổ chức đình công, cho dù đây là vài trò tổ chức của họ. “Công đoàn tổ chức cuộc đình công nào thành công chưa?" Câu hỏi của Bí thư Thành ủy TP.HCM, Đinh La Thăng đặt ra ở buổi làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, sáng 23/8, đã được chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Kim Yến trả lời: “Chưa bao giờ!”
Câu trả lời của bà Kim Yến cho thấy công đoàn tình nguyện làm cái bóng của sự yếu thế trước các ông chủ, để các cuộc đình công nổ ra theo sự tự phát từ trong công nhân. Và các quy định quá khắt khe trong đình công đã đẩy các cuộc đình công trở nên bất hợp pháp cho dù họ đình công là để phản đối những chính sách sai lầm, hay những vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động.
Là nhà hoạt động nghiệp đoàn, cũng là người có mặt trong cuộc Tổng Đình Công tại Pháp ngày 9/4/2016 để phản đối cải tổ luật lao động. Chị Ca Dao cho biết sự khác nhau với các cuộc đình công trong nước và hải ngoại cũng như vai trò của Nghiệp đoàn như sau:
1- Tại Pháp cũng như các nước tự do, khi công nhân bất đồng với chính sách của công ty, đại diện nghiệp đoàn sẽ đứng ra thương thuyết với chủ doanh nghiệp để đi tới một giải pháp có lợi cho cả hai bên. Nếu sau vài lần thương thuyết cả hai bên không đồng thuận thì sẽ tiến tới đình công, biểu tình
2- Tất cả những cuộc biểu tình, đình công ở hải ngoại đều do Nghiệp đoàn khởi xướng, dĩ nhiên trước đó phải xin phép chính phủ, nhưng đó chỉ là thủ tục hành chánh, hầu như chưa bao giờ chính quyền từ chối biểu tình của Nghiệp đoàn.
3- Mọi cuộc biểu tình, đình công đều có sự bảo vệ an ninh của cảnh sát để tránh xảy ra bạo động và cũng là bảo vệ an ninh cho biểu tình viên.
4- Các cuộc đình công tại Pháp đều được tổ chức rất chu đáo từ nhân sự, biểu ngữ, truyền thông.v.v… và kéo dài cho đến khi nào đạt được mục tiêu, trong khi đó tại VN hầu hết các cuộc đình công thường là tự phát, không có sự chuẩn bị, tổ chức chu đáo, người tham gia đình công không được thông tin đầy đủ, không kiên trì nên các cuộc đình công dễ bị bẻ gãy.
“Do nhiều nghiệp đoàn kết hợp lại với nhau, tạo ra một cuộc đình công lớn như vừa qua tại Pháp, cho thấy tiếng nói của các nghiệp đoàn rất mạnh, đó là sức mạnh của sự đoàn kết trong các nghiệp đoàn.” chị nói .
Chị chia sẻ cảm xúc khi có mặt trong cuộc tổng đình công: "Đứng giữa đám động biểu tình với cờ quạt, biểu ngữ, giữa tiếng reo hò, hô vang của hàng ngàn người xuống đường đòi quyền lợi cho mình, tôi ngậm ngùi, xót thương cho tình trạng nghiệp đoàn tại Việt Nam: một bên thì được luật pháp che chở, được hoàn toàn tư do nói lên tiếng nói của mình, một bên thì có quá nhiều quyền Nghiệp đoàn còn một bên thì hầu như không có quyền gì cả, chỉ có quyền bị đàn áp!"
Cuộc biểu tình ngày 9/4/2016 của các Nghiệp đoàn Pháp
Sau cuộc tổng đình công ngày 9/4 tại Paris, chính phủ Pháp đã phải sửa đổi rất nhiều cho bản dự thảo luật về lao động, và cuối cùng bản dự thảo được chỉnh sửa nhiều đến độ bản dự thảo cuối cùng hầu như không có gì thay đổi, vẫn giữ nguyên những quyền lợi như ban đầu cho người lao động.
Cuộc biểu tình ngày 9/4 tại Pháp, ngoài việc phản đối chính phủ thay đổi luật lao động, còn để phản đối chính phủ đã không tư vấn các Nghiệp đoàn về những việc liên quan đến quyền lao động mà tự ý sửa đổi. Cuộc biểu tình còn để cho chính phủ thấy vai trò quan trọng của Nghiệp đoàn, đòi chính phủ phải tham vấn các Nghiệp đoàn về những quyết định có liên quan đến Nghiệp đoàn.
Có thể nói, cuộc đình công tại Pháp và Việt Nam có nhiều điều không tương đồng, nhưng có một sự tương đồng là họ đều chung là một nỗi bất mãn, và ức chế trước các chính sách của lãnh đạo… và nếu công nhân không dám lên tiếng, thì không ai dám đứng dậy và tổ chức đình công cả, tất cả mọi cuộc đình công đều có một quy ước ngầm đi từ những bức xúc trong mỗi người công nhân, sau đó dẫn ra một hành động cụ thể như là lời kêu gọi đình công, và sau đó là một sự cộng hưởng có chủ ý từ mỗi cá nhân mà tạo ra thành một tập thể cùng ngưng làm việc.
Chị Ca Dao cũng cho biết vì sao đa số các giới chủ thường phải nhượng bộ khi công nhân đình công: "các cuộc đình công thường được thông báo rất sớm cho các công nhân cũng như truyền thông do đó có nhiều người tham gia và gây ảnh hưởng mạnh. Các cuộc biểu tình đình công tại Pháp gây tê liệt công ty, giảm sản phẩm, làm ảnh hưởng nhiều về mặt kinh tế cũng như tai tiếng cho công ty" do đó cuộc đình công bao giờ cũng thường đạt được kết quả mong muốn.
Ông Đinh La Thăng cũng yêu cầu Liên đoàn Lao động TP.HCM nếu chưa tổ chức thành công thì cứ mạnh dạn tổ chức cho thành công. Ông cũng cho rằng chưa thành công là do tổ chức công đoàn chưa mạnh dạn.
Nhưng để các tổ chức công đoàn dám mạnh dạn là điều không thể trong một cơ cấu công đoàn theo hệ thống của nhà nước như hiện nay. Cho tới hôm nay, các cuộc đình công vẫn còn là tự phát. Tổng Liên Đoàn Lao Động VN chỉ xuất hiện sau khi cuộc đình công nổ ra để xoa dịu công nhân, làm giảm thiểu thiệt hại cho công ty chứ không đấu tranh thực sự cho quyền lợi của công nhân.
Mặc dù gặp khó khăn trở ngại về luật pháp để tiến hành một cuộc đình công nhưng sức mạnh của những cuộc đình công tự phát không ai phủ nhận, trong tình cảnh công nhân không có được bất kỳ sự trợ giúp nào của công đoàn, chị Ca Dao muốn nhắn gửi đến công nhân trong nước: "Trong xã hội, giới công nhân bao giờ cũng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nếu không đoàn kết lại để đứng lên đòi quyền lợi của mình thì sẽ mãi mãi chấp nhận thân phận thiệt thòi. Hình thức Nghiệp đoàn là một tổ chức hợp pháp ở khắp nơi trên thế giới để bảo vệ quyền lợi công nhân. Và phải là những Nghiệp đoàn do chính công nhân bầu ra chứ không phải do ai chỉ định đồng thời cũng không phục vụ cho bất cứ cơ chế chính trị nào. Công Nhân hãy mạnh dạn tự thành lập những Nghiệp đoàn để bảo vệ cho quyền lợi của chính mình. Cho đến bao giờ VN chưa có những Nghiệp đoàn độc lập và nhà nước chưa rõ ràng về luật biểu tình thì việc tổ chức một cuộc đình công hợp lệ để dẫn đến thành công chỉ là một giấc mơ xa vời."
Nhóm Pv LĐV