Bạo lực chốn công cộng và cách hành xử của chế độ CSVN - Dân Làm Báo

Bạo lực chốn công cộng và cách hành xử của chế độ CSVN

Thạch Đạt Lang (Danlambao) - Chuyện dùng bạo lực để hành hung, tấn công người khác, giải quyết mâu thuẫn, xích mích ở nơi công cộng như trường học, chợ búa, ngoài đường phố... trong xã hội Việt Nam hiện nay là chuyện thường ngày ở xã (trước đây là chuyện thường ngày ở huyện, nay lan xuống tới xã).

Chỉ cần gõ mấy chữ “nữ sinh đánh nhau” trên Google search thì trong 0.35 giây sẽ có 2.700.000 kết quả với những hình ảnh nữ sinh trung học bị bạn đánh hội đồng, tuột quần áo, nắm tóc, đấm đá túi bụi hoặc “chém nhau giữa phố” sẽ có ngay 1.810.000 tin tức, hình ảnh về bạo lực với hung khí trong 0.33 giây. Không thấy giới chức, lãnh đạo chế độ CS nào quan tâm tới chuyện này.

Thế tại sao một chuyện thường ngày ở xã lại được từ bí thư thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải đến thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải lên tiếng nhắn nhe, đe nẹt “xử lý nghiêm” như chuyện vừa xảy ra tại phi trường Nội Bài cách đây ít ngày?

Chuyện 2 thanh niên dùng bạo lực tấn công một nữ nhân viên của Hàng Không Việt Nam vào khoảng 14 giờ ngày 18.10.2016 tưởng đâu chỉ là một chuyện nhỏ, chẳng có gì đáng gọi là ầm ĩ, không ngờ đã bùng nổ lớn vói sự chỉ đạo chính thức “cần phải xử lý nghiêm” của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (1) (2)

Chắc chắn không phải là do vụ hành hung xảy ra chốn công cộng dưới mắt nhiều người, có thể cả người ngoại quốc, có tính cách nghiêm trọng, gây thiệt mạng, tài sản người bị hành hung. Đoạn video quay lại nội vụ được phổ biến đầy dẫy trên mạng, facebook… cho thấy người bị hành hung là một cô gái, bị một thanh niên kẹp cổ và một người thứ hai dùng một vật màu đen đánh liên tiếp 2-3 cái vào đầu. Cô gái sau đó được chở đi bệnh viện vì bị nôn mửa, nhức đầu nhưng đã về nhà an toàn.

Cho rằng vì nạn nhân bị hành hung là phụ nữ nên bí thư thành ủy lẫn thủ tướng cảm thấy “bức xúc” phải lên tiếng, không đúng. Trước đây ít lâu, vào ngày 29.09.2016 cũng đã xảy ra vụ một người “mặc quần áo giống công an” nắm tóc một phụ nữ bán hàng rong ở Hồ Chí Minh, lôi kéo và đánh đập gây chảy máu đầu trên lề đường khu vực hồ Con Rùa, nhưng không thấy các lãnh đạo như ông Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải phát biểu điều gì liên quan đến nội vụ. (3)

Người “mặc sắc phục giống công an” này sau đó đã “bị xác minh” là thiếu úy công an Bùi Xuân Hải, công tác ở phường 6, quận 3, Hồ Chí Minh. Người bị nắm tóc là một phụ nữ bán hàng rong tên Nguyễn Thị Thu Thảo sinh năm 1977. Hải bị tạm đình chỉ công tác chờ các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. Làm rõ như thế nào và bao giờ công bố xin chờ đến ngày 31.11.2016 (4) 

Một vụ sử dụng vũ lực tấn công người khác cũng gây chấn động xã hội không kém là chuyện phóng viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ vào ngày 23.09.2016 bị công an mặc thường phục thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội tấn công khi đang thu thập thông tin, tác nghiệp theo đúng quy trình của pháp luật, nhưng sau đó phía công an cũng chỉ xin lỗi, không thấy bộ trưởng bộ 4 T lên tiếng bênh vực báo chí hay phiền trách gì bộ công an. Cũng không có lãnh đạo nào của chế độ cộng sản lên tiếng đòi “xử ly nghiêm”.(5)

Cô gái bị hành hung ở phi trường Nội Bài được xác nhận là Nguyễn Lê Quỳnh Anh, đội phó đội dịch vụ hành khách dưới đất của phi trường Nội Bài, hai người hành hung cô được (hay bị?) xác minh là Trần Dương Tùng và Đào Vịnh Thuấn, Thuấn là cán bộ thanh tra sở Giao Thông Vận Tải Hà Nội. Lời khai của Thuấn và Tùng rất phù hợp với đoạn phim video phổ biến trên mạng và facebook, Thuần chỉ nhẹ nhàng ôm cổ Quỳnh Anh, còn Tùng vỗ nhẹ lên đầu Quỳnh Anh 2 cái. (6) 

Quỳnh Anh sau hai cái vỗ nhẹ vào đầu bị nôn mửa, nhức đầu nên được chở đi bệnh viện khám, điều trị, nhưng sau đó đã ra về an toàn.

Sở Giao Thông Vận Tải Hà Nội vào ngày 24.10.2016 đã chính thức lên tiếng sa thải Đào Vịnh Thuấn bắt đầu từ ngày 01.11.2016 vì tội “âu yếm” ôm cổ Quỳnh Anh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cán bộ, công chức bộ GTVT. (7)

Còn Trần Dương Tùng do lỡ tay “vỗ nhẹ 2 cái” vào đầu Quỳnh Anh, nên cũng ân hận, phải khệ nệ xách quà đi xin lỗi, nhưng không gặp được Quỳnh Anh vì... không tìm thấy nhà nên đành phải xách đi rồi lại xách về. (8)

Ngộ há! Một người “mặc sắc phục giống công an” nắm tóc kéo lê một phụ nữ bán hàng rong chỉ bị tạm đình chỉ công tác để điều tra rồi... chìm xuống, không thấy lãnh đạo đảng, lãnh đạo công an nào đòi xử lý nghiêm. Hơn thế nữa, trong lúc người phụ nữ bị nắm tóc kéo lê trên đường phố còn phải nhận lỗi đã hành xử không đúng thì cô đội phó phục vụ hành khách được kẻ hành hung tìm đến nhà xin lỗi, tặng quà, người thứ hai bị mất việc vì làm xấu hình ảnh cán bộ, công chức nhà nước.

Chuyện Trần Dương Tùng đi tìm nhà nạn nhân Quỳnh Anh xin lỗi, tặng quà cũng không có chi để thắc mắc, coi như Tùng “thật sự ân hận” vì hành hung phụ nữ. Tuy nhiên việc sa thải Đào Vịnh Thuấn với lý do làm xấu mặt cán bộ, công chức nhà nước thì e rằng (hơi bị) vô lý và quá lố. Hình ảnh thiếu úy công an Bùi Xuân Hải nắm tóc bà Thu Thảo kéo lê trên đường bỉ mặt chế độ Hà Nội nặng nề hơn nhưng vì Thu Thảo chỉ là dân đen, nghèo kiết xác, mưu sinh bằng cách bán hàng rong, không thế lực, không quen biết ai nên Bùi Xuân Hải vẫn an nhiên tự tai, không rụng mất một sợi lông.

Trường hợp Đào Vịnh Thuấn lại khác, Thuấn không mặc sắc phục sở GTVT, không đang làm việc phục vụ dân chúng, không trên đường công tác, việc đi máy bay của Thuấn hoàn toàn vì chuyện cá nhân, riêng tư. Sa thải Thuấn với lý do làm xấu mặt cán bộ, viên chức nhà nước nghe cực kỳ vô lý, không hợp nhĩ. Thay vì công an (hoặc cá nhân Quỳnh Anh) phải đưa Thuấn ra tòa, để xử phạt hành chánh, lại giao banh qua cho sở GTVT sa thải Thuấn. Cách giải quyết như vậy không dựa trên nền tảng phát luật rõ ràng, nói lên sự bất minh của nền hành pháp chế độ CS, một nền hành pháp rất ư tùy tiện, được áp dụng lệ thuộc hoàn toàn vào nhân thân, địa vị, chức vụ của nạn nhân và thủ phạm.

Hơn nữa hình ảnh cán bộ, viên chức nhà nước dưới mắt người dân hồi nào tới giờ như thế nào thì khỏi cần bàn tới, ông Nguyễn Sinh Hùng, cựu chủ tịch quốc hội khóa 13 đã từng phát biểu: “Thủ tục hành chính đối với dân giờ cay nghiệt, độc ác lắm đấy. Có tiền là cấp, không có tiền là không cấp.” Vậy nếu chỉ sa thải một mình Đào Vịnh Thuấn, liệu có thể làm cho bộ mặt cán bộ, viên chức nhà nước đẹp đẽ, sạch sẽ hơn không? (9)

Việc Trần Dương Tùng, Đào Vịnh Thuấn hành hung phụ nữ chỉ có thể xảy ra ở phi trường Nội Bài hoặc một nơi nào đó ở Việt Nam. Nếu hành động này xảy ra ở một phi trường quốc tế, Thuấn và Tùng chắc chắn phải ra tòa, có thể phải ngồi gỡ lịch một thời gian trước khi bị tống lên máy bay về nước. Ngoài ra còn phải trả phí tổn bệnh viện, tiền thuốc và các lệ phí khác như tiền luật sư, tiến tòa án, tiền cảnh sát làm biên bản…

Thuấn là cán bộ thanh tra sở GTVT Hà Nội, cũng là em của đại tá Đào Vịnh Thắng, trưởng phòng cảnh sát giao thông, chắc cũng thuộc loại con ông cháu cha nhưng chưa ở mức trung ương đảng, đã từng đánh CSGT, còn Trần Dương Tùng, không biết dựa vào đâu, sau khi hành hung Quỳnh Anh, (có lẽ quen thói côn đồ) còn tuyên bố: - Tôi không làm gi sai. (10)

Tuy nhiên, sau khi bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh “xử lý nghiêm” thì Thuấn và Tùng xìu thấy rõ. Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao 2 nhân vật hàng đầu của chế độ lại để mắt vào một chuyện hành hung phụ nữ nhỏ xíu, bé như mắt muỗi và tại sao chỉ nói đến chuyện Quỳnh Anh mà không nói luôn vụ Nguyễn Thị Thu Thảo ở hồ Con Rùa?

Phải chăng vì Quỳnh Anh có một liên hệ gia đình ruột thịt, họ hàng thân thuộc với một nhân vật quyền lực nào đó trong trung ương đảng, bộ chính trị nên hai ông, bí thư Hải và thủ tướng Phúc phải đích thân ra lệnh xử lý nghiêm? Việc sa thải Đào Vịnh Thuấn cũng như việc Trần Dương Tùng ân hận, tự mang quà đi tìm Quỳnh Anh xin lỗi, có lẽ chỉ để làm vừa lòng nhân vật đầy quyền lực này.

27.10.2016



___________________________________

Chú thích:









Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo