Viết=OPPO A83 (Danlambao) - Ngày 18/5, dẫn theo các báo nhà nước, trong một cuộc họp, bộ trưởng y tế nói: "Nhà vệ sinh bệnh viện bẩn tức là giám đốc bệnh viện bẩn, trưởng khoa bẩn" (1).
Đọc tin, người viết thấy bộ trưởng thẳng thắn ghê. Tinh thần qui trách nhiệm trực tiếp như vậy vô cùng thiếu và yếu ở xứ ta!
Xong ngẫm kĩ thấy tội tội các thuộc cấp của bộ trưởng. Chung qui nhà vệ sinh bệnh viện bẩn là do thiếu tiền. Này nhá, nếu có tiền thì nhân viên dọn vệ sinh bệnh viện không làm hết, ta thuê nhân công bên ngoài vào làm. Phút mốt nhà vệ sinh lại chẳng sạch sẽ thơm tho ngay. Đến đây thể nào có người bắt bẻ, nói thế thì nói làm gì. Người khác sẽ cười mà rằng, thiếu tiền vậy làm sao đủ tiền. Bí à nha. Vì động đến tiền bạc tức là nhảy qua chuyện kinh tế rồi nha. Cứ tiếp tục truy vấn nhau kiểu này không bao giờ có hồi kết. Vì không có câu trả lời cuối cùng cho chuỗi câu hỏi lô gích.
Rốt cuộc, chỉ tại bộ trưởng nói chưa hết tâm ý, tấm lòng thành thực thôi.
Đây, cứ giả sử người viết là bộ trưởng y tế chẳng hạn. Cái này phải nói rõ người viết cố đặt mình vào vai trò, địa vị của bộ trưởng để thấy được nỗi vất vả cảnh đầy tớ nhân dân. Chứ thực tế người viết tốt nghiệp trung học, sao làm được bộ trưởng. Giấc mơ nghìn năm không thành hiện thực.
*
Giả bộ trưởng...
Thưa các đồng chí, thưa các đồng nghiệp, thưa các vị khách mời!
Qua thông tin báo chí, qua phản ảnh của quần chúng nhân dân, người ta than quá trời về tình hình nhà vệ sinh bệnh viện quá bẩn. Ai lại nhà vệ sinh khai, thối đến nỗi người ta vào một lần rồi không bao giờ muốn quay trở lại lần nữa. Có người định vào đó để xả thải đầu ra, ai ngờ không chịu nổi nôn thốc nôn tháo nơi đầu vào. Kinh thật, gập mấy lần khăn mù soa mà có ăn thua gì đâu. Khổ thế chứ.
Cái này tôi thì tôi nghe các đồng chí vừa phát biểu chung chung quá. Phải qui trách nhiệm đến từng phòng ban, rồi đến các cá nhân. Như thế mới hai năm rõ mười trách nhiệm thuộc về ai. Chứ bây giờ lỗi sờ sờ ra đấy mà cứ đồng chí A chuyển qua chân đồng chí B, đồng chí B tức khắc đẩy sang đồng chí C. Đùn đẩy hết bảng chữ cái vừa khi các đồng chí hết nhiệm kì. Nhà vệ sinh bệnh viện bẩn vẫn hoàn bẩn, từ nhiệm kì này sang nhiệm kì tiếp, tiếp mãi đến bao giờ... sạch? Lần này tôi... tôi nêu đích danh, nhà vệ sinh bệnh viện bẩn tức là trưởng khoa bẩn (có tiếng vỗ tay). Trưởng khoa bẩn tức là giám đốc bẩn (tiếng vỗ tay to hơn). Giám đốc bệnh viện bẩn tức là ông giám đốc sở y tế bẩn. Ông giám đốc sở y tế bẩn tức là,..., tức là không phải bà vợ ông ở nhà bẩn. Thời nay xà bông, dầu gội đầu, nước hoa các loại mua rất sẵn. Một phần tư thế kỉ hai mốt sắp qua rồi, đâu phải thời bao cấp khó khăn, thiếu thốn trăm thứ, tem phiếu nhặng xị cả lên.
Đến đây có người nghĩ tôi đánh trống lảng dừng cuộc họp chứ gì. Tôi đã thấm nhuần tư tưởng phê và tự phê từ hồi còn làm nghiên cứu viên cơ. Chưa kể, nhiều năm nay chúng ta đã học tập tấm gương đạo đức trong sáng người cách mạng, chẳng lẽ chúng ta không áp dụng vào thực tế hay sao...
Giám đốc sở bẩn tức là cấp trên trực tiếp bẩn. Cái này, mở ngoặc, tôi nói "trực tiếp" ở đây có nghĩa là quan hệ theo ngành dọc. Như thế không phải các đồng chí bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh không liên đới chịu trách nhiệm đâu. Sở y tế, bệnh viện đóng trên địa bàn tỉnh các đồng chí quản lí mà.
Tôi đang nói đến cấp trên ngành dọc của giám đốc sở y tế đúng không. Thôi khỏi dài dòng. Nói thẳng ra cấp trên là bộ trưởng y tế bẩn. Tức là tôi bẩn (tiếng vỗ tay rào rào). Cũng có sao, sống trong một đất nước mọi thứ đều bẩn thì thêm một cá nhân bẩn là chuyện bình thường.
Nói đến đây, tôi nhớ tới bài báo ngày 20 tháng 5 năm 1951, trên báo Nhân dân, giữa lúc cuộc chiến chống thực dân Pháp đang lúc cam go, quyết liệt, thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành ưu tâm hàng đầu cho công tác phê bình. Trong bài báo "tự phê bình", Người khuyên: "Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động đúng đắn."(2). Chưa hết đâu, các đồng chí cứ bô bô mình học tập tấm gương đạo đức bác Hồ, thực ra mới chỉ dừng lại ở mức độ phong trào thôi. Vừa lãng phí, tốn kém vừa ít hiệu quả thực tế. Tôi chưa bao giờ cổ súy lối học tập mang tính hình thức này.
Xin lỗi chỗ này tôi hơi đi ra ngoài lề một chút. Các đồng chí có phê bình tôi nói dài nói dai, dây cà ra dây muống, tôi xin tiếp thu. Vì chính Bác của chúng ta khi nói đến "phê bình", Người dạy: "Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà sinh ra nản chí, hoặc oán ghét". Đấy học đâu xa. Tôi vừa trích dẫn một câu trong tập 4, trang 442, tác phẩm Hồ Chí Minh toàn tập, xuất bản năm 1984. Cũng sách ấy, trang 447, vẫn đề cập tới việc "phê bình", Bác nêu: "...nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ mình, thì lại sợ địch sẽ lợi dụng mà công kích ta. Nói như vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng la lết quả dưa..."
Rõ ràng, Bác Hồ đã nói rất đúng căn bệnh của chúng ta hôm nay. Chỉ có điều không biết Bác có... bẩn không chứ chúng ta, con cháu Bác cứ sống chiến đấu học tập theo Bác mà cứ bẩn truyền thống! Và nếu có ai phê bình là Bác bẩn thì Bác có tiếp thu không!? Cái đó phải vào lăng hỏi Bác.
Lấy ví dụ mang tính thời sự gần đây nhất cho dễ hiểu. Kì họp quốc hội vừa qua, chúng ta dự tính thông qua Luật đặc khu, Luật an ninh mạng. Nhưng gặp phải làn sóng phản đối hai dự luật trên ở khắp đất nước, ở mọi giới. Thậm chí, nhiều nơi đã nổ ra biểu tình. Hai dự luật trên phải khuất tất thế nào thì người dân người ta mới phản ứng mạnh mẽ thế. Ấy vậy mà chúng ta lại dùng báo chí để vu khống cho người dân bị lợi dụng lòng yêu nước, bị xúi giục kích động gây rối biểu tình. Một số báo còn viết chi tiết người dân nhận ba trăm nghìn để tụ tập đông người... Nói cho ngay, chính chúng ta đang sợ bị phê bình, sợ phản biện công khai. Như vậy thì bệnh mỗi ngày mỗi nặng thêm, cứ mãi thế sẽ tới ngày hết thuốc chữa. Lúc ấy e mọi chuyện đã muộn mất rồi.
Nói qua tình hình thời sự để các đồng chí xác định rõ hơn tư tưởng của mình. Chúng ta vì ai, vì cái gì. Động một tí lại thấy nói đến hai chữ "nhân dân"...
Quay trở lại chủ đề buổi họp hôm nay. Tổ thư ký cho tôi xem qua biên bản cuộc họp. À, đang nói tới trách nhiệm bộ trưởng y tế. Tôi thừa nhận tôi bẩn. Mà một khi người đứng đầu một bộ bẩn, thì cả cái bộ ấy bẩn lây. Suy cho cùng sự việc nó là như thế. Vậy bộ y tế bẩn thì cấp chủ quản bên trên bộ không thể vô can. Cái này tôi nói luôn không phải tôi đùn đẩy trách nhiệm. Cấp chủ quản bộ y tế tức là bộ chính trị. Vậy thì bộ chính trị cũng bẩn. Tiếp nối nữa có người hỏi cả bộ chính trị bẩn, thì ai chịu trách nhiệm việc này. Còn ai khác, cả cái thể chế cùng toàn thể bộ máy nhà nước vận hành theo cơ chế ấy cũng bẩn thỉu, bốc mùi lắm lắm. Không ai ngửi nổi.
Vậy tiếp theo ai sẽ chịu trách nhiệm cho cái việc thể chế và bộ máy nhà nước hiện nay bẩn. Bản thân tôi không thể trả lời tiếp được nan đề này. Nó hết sức phức tạp. Hay nói theo ngôn ngữ dân gian, cái nước mình nó thế. Chính vì vậy mới có cuộc họp hôm nay. Thời gian cuộc họp không cho phép. Thành ra, thực lòng, tôi rất mong nhận được ý kiến của các đồng chí, đồng nghiệp, các vị khách mời ngồi đây. Bên cạnh đó, chúng tôi rất hy vọng nhân dân, các chuyên gia, trí thức cùng nhau thảo luận công khai đặng tìm ra đích xác nguyên nhân dẫn tới việc nhà vệ sinh bệnh viện bẩn...
*
Người viết hóa thân say sưa như mình đang thi gêm-sô "Gương mặt thân quen". Gã chỉ bị đưa trở về thực tại khi một thằng bạn gờm gờm đôi mắt. Hắn lấy tay áo quyệt thứ gì đó trên mặt. Miệng hắn muốn hét lên, bắn cả nước bọt vào mặt bố mày rồi. Thằng ngồi bên cạnh cười khùng khục, rất đắc ý, "bộ trưởng" nói văng nước bẩn vào mặt người nghe. Xong cả đám tranh luận hơn bình luận uôn cúp.
Bình luận đến mức suýt cãi nhau vẫn không đi tới kết luận. Nhưng tất cả thống nhất một điều, quốc gia chúng ta đã nhiễm bẩn vượt ngưỡng cho phép. Môi trường tự nhiên, sông núi, đất đai, cây cỏ, rừng vàng biển bạc... đều ô nhiễm, bẩn khủng khiếp. Môi trường xã hội từ văn hóa, giáo dục, tôn giáo... băng hoại đến độ những người có lương tri không thèm quan tâm. Thái độ vô cảm nhất định là thuộc tính nhiễm bẩn của nhân cách con người. Vân vân và vân vân.
Một tên bỗng nhiên thốt lên, khéo "ý thức" mỗi chúng ta cũng bẩn nốt. Có lý. Cái gì chi phối ý thức của cả một dân tộc. Quốc giáo chăng? Không, chính thứ học thuyết chúng ta du nhập về làm kim chỉ nam đưa xứ ta lên thiên đường là nguyên nhân chính yếu góp phần tạo ra hiện thực hôm nay. Một tên khác bàn thêm, hóa ra nhiều sự vật, hiện tượng bề ngoài tưởng chừng không có quan hệ gì nhưng nhờ các mắc xích liên kết trung gian chúng trở nên hữu cơ, bền chặt. CNCS, học thuyết ML và nhà vệ sinh bệnh viện bẩn là mối quan hệ như vậy.
Gã chẳng viết tiếp thì bạn đọc cũng đủ thông minh suy luận đến ngọn ngành câu chuyện. Ranh giới giữa công và tội của các nhân vật lịch sử mong manh vô cùng. Và lằn ranh giới ấy còn phụ thuộc rất nhiều vào tri thức, cảm nhận và cả lòng khoan dung của người đời mai sau.
Nếu bạn đọc nào chẳng may kiên nhẫn đọc hết bài, không vừa ý mình thì cũng nên cười xòa một cái. Tại nước mình nó thế... Người viết là người Việt, nên có đủ mọi tính xấu của xứ tiểu nông, âm tính. Mập mờ mưu mẹo miên man. Thảo nào các bộ phận trên khuôn mặt người Việt toàn vần "M", như: mắt, mũi, mi, mí, môi, miệng, mày.
Ghi chú:
(1) tuoitre. vn, ngày 18/5, mục "sức khỏe", tác giả bài viết: Lan Anh.
(2) Toàn bộ các trích dẫn lời ông Hồ Chí Minh dựa theo bài "Tư tưởng Hồ Chí Minh về phê bình -tự phê bình và sửa chữa", tác giả Lê Văn Hiếu, trang mạng "dangcongsan.vn".
26.06.2018