Nguyễn Ngọc Già ( Danlambao) - Đài RFA cho hay [1] bà Huỳnh Thục Vy bị “tạm giữ để điều tra” vào sáng ngày 9 tháng 8 năm 2018 tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc, kèm theo một ảnh chụp "Lệnh khám xét khẩn cấp", ngoài ra không có một hình ảnh nào cho thấy thêm "văn bản quy phạm pháp luật" xung quanh sự việc mà ông Lê Khánh Duy (chồng bà Vy) cho RFA biết: "Sáng nay vào lúc 7 giờ, có 2 công an ở trên phường đập cửa nhà mình, họ xin vào nhà để đưa giấy triệu tập lần thứ 6 cho Vy (Huỳnh Thục Vy đã nhận 5 giấy triệu tập). Sau đó có khoảng 30 người công an thường phục, sắc phục và các đoàn thể ở phường ập vào và áp giải Vy đi. Khoảng 1 - 2 tiếng sau họ ập vào thêm 1 đoàn nữa khoảng 30 - 40 người để khám xét mọi ngõ ngách trong nhà lấy đi laptop, máy ảnh, iPhone, điện thoại, sách vở, quần áo, đĩa nhạc… Họ khám xét khoảng 2-3 tiếng đồng hồ mới kết thúc”.
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định tại Điều 110 về việc "giữ người trong trường hợp khẩn cấp"
1. Khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người:
a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Song song đó, tại điều 117 quy định về việc "tạm giữ" như sau:
1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
2. Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ.
Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm giữ.
3. Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.
Và điều 59 của BLTTHS quy định về "người bị tạm giữ" gồm:
1. Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
2. Người bị tạm giữ có quyền:
a) Được biết lý do mình bị tạm giữ; nhận quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
d) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
g) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ.
3. Người bị tạm giữ có nghĩa vụ chấp hành các quy định của Bộ luật này và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự không có bất kỳ điều khoản nào như ông Phạm Lê Vương Các viết [2]: "... Khi xác định được đối tượng liên quan đến một vụ án hình sự đã được khởi tố thì Cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền triệu tập họ lên làm việc. Khi triệu tập đến lần thứ 3 mà đối tượng bị triệu tập vẫn không tự nguyện chấp hành lên làm việc theo yêu cầu, thì công an có thể sử dụng đến biện pháp áp giải đối tượng đến địa điểm làm việc theo giấy triệu tập. Sáng nay, công an thị xã Buôn Hồ (Đắc Lắc) đã tiến hành áp giải Huỳnh Thục Vy lên làm việc sau khi đã gửi giấy triệu tập lần thứ 4 mà Vy vẫn không chấp hành...".
Trong Luật Thi Hành Tạm Giữ, Tạm Giam cũng hoàn toàn không đề cập đến thuật ngữ "Giấy Triệu Tập".
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 192 mà trung tá Trần Quang Vinh dùng làm căn cứ để ký "Lệnh khám xét khẩn cấp" đối với bà Vy, được BLTTHS quy định như sau:
Điều 192. Căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử
2. Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử.
Tóm lại, "giấy triệu tập" (dù có phát hành bao nhiêu lần chăng nữa) không phải là một trong các điều kiện để "tạm giữ" bà Huỳnh Thục Vy. Bộ Luật Hình Sự cũng không có tội danh gọi là “không chấp hành yêu cầu triệu tập gây cản trở cho công tác điều tra” như ông Phạm Lê Vương Các cho biết. Cũng không có điều khoản nào trong BLTTHS nói về mối liên hệ buộc phải xảy ra song song giữa việc "khám xét" luôn phải đi đôi với việc "tạm giữ".
Thêm nữa, khoản 2 điều 192 có sử dụng thuật ngữ "liên quan đến vụ án" - điều này có nghĩa cho đến thời điểm hiện nay, chưa có bất kỳ "một vụ án" nào mà liên quan đến bà Huỳnh Thục Vy được khởi tố, cho nên căn cứ vào khoản 2 điều 192 như trung tá Trần Quang Vinh áp dụng là hoàn toàn sai luật.
___________________________________
Chú thích: