Hoàng Minh Hải (Danlambao) tổng hợp và lược dịch - Trong thời gian gần đây có thể bạn đã nghe Facebook bị nhiều tai tiếng vì nhiều lý do. Đôi lúc dường như chúng ta cũng đã tỏ ra quá khó tính đối với Facebook. Thật lòng mà nói, đây là một công cụ hữu ích để kết nối mọi người trên thế giới vả cũng là một công cụ tuyệt vời để chia sẻ thông tin miễn phí và cởi mở mà không bị công ty hay chính phủ ảnh hưởng.
Mọi thứ diễn tiến tốt đẹp theo chiều hướng này cho đến khi căn bệnh dịch “tin tức giả” bùng phát khiến Facebook phải thay đổi thuật toán và cuối cùng đi đến quyết định những thông tin nào người xử dụng Facebook được phép truy cập, không cho họ truy tìm nguồn gốc và lập luận suy nghĩ riêng. Người ta cho rằng có thể một thế lực lớn hơn, như Ủy Ban Truyền Thông Lien Bang (Federal Communication Commission) đứng sau Facebook đã ảnh hưởng đến các quyết định của nó, nhưng chẳng ai biết được.
Kiểm duyệt thông tin luôn ở mức độ gắt gao và không còn là bí mật nữa. Giờ đây chúng ta đòi hỏi sự minh bạch nhiều hơn, thông tin phong phú hơn, giáo dục tốt hơn với ý hướng dạy con người biết cách phê phán trong suy nghĩ. Chúng ta không cần có thêm sự kiểm duyệt và cũng không cần chính phủ, các cơ quan hữu trách quyết định hộ chúng ta những gì là thật hay giả, đáng tin hay không đáng tin. Chúng ta có thể tự mình làm được việc đó.
Cuối cùng nỗi ưu tư lớn nhất của công dân là quyền riêng tư của họ. Ngày nay chuyện quyền riêng tư thật ra không hề tồn tại cũng chẳng phải là điều bí mật. Các cơ quan tình báo và các tập đoàn truyền thông thu thập dữ liệu của dân cư toàn cầu bằng nhiều phương tiện, một trong những phương tiện đó có thể là Facebook. Kiểu thu thập dữ liệu và việc theo dõi giám sát được hợp pháp hóa bằng một trong nhiều lý lẽ: bảo vệ an ninh quốc gia.
Edward Snowden viết trên Twitter mới đây:
Facebook kiếm tiền bằng cách khai thác và bán các chi tiết thầm kín trong cuộc sống riêng tư của hàng triệu người, vượt quá những chi tiết nhỏ mà bạn tự nguyện đăng tải. Họ không phải là nạn nhân. Họ là kẻ đồng lõa. Những công ty kiếm tiền bằng cách thu thập và bán hồ sơ chi tiết về cuộc sống riêng tư đã từng bị vạch mặt gọi là "công ty giám sát". Cách cải danh để trở thành "mạng xã hội" là mánh khoé lường gạt thành công nhất từ khi cái tên Bộ Chiến Tranh (Department of War) đổi thành Bộ Quốc Phòng (Department of Defense).
Khi chuyện này được nói ra không có nghĩa đây là những thông tin bí mật. Giống như những rò rỉ của Snowden, thông tin và chứng cứ ngoài luồng đã đủ để người có kiến thức dự đoán được chúng. Nhưng nhiều người vẫn không nhận thấy được sự theo dõi tập thể quần chúng là “thuyết âm mưu”. Điều tương tự cũng xảy ra với các hiện tượng UFO. Tiết lộ chính thức mới đây của hàng chục chính phủ các nước cùng với các cảnh phim gần đây nhất được công bố bởi Ngũ Giác Đài, chúng ta biết là chúng có thật. Nhưng nhiều người đã biết từ trước rồi. Tại sao họ có thể biết trước như vậy?
Bởi vì chúng ta không cần truyền thông chính phủ/chính thống nói ra cái gì là đúng trước khi nó được coi là đúng bởi quần chúng. Chúng ta có thể tự suy nghĩ. Đó là điểm quan trọng cần phải nhớ và điều quan trọng cũng cần phải lưu ý là phương tiện truyền thông chính thống đã thao túng thông tin liên quan đến các sự kiện có thật trong nhiều năm.
Thêm một điều quan trọng cũng cần nêu ra là chúng ta có cơ hội bảo vệ bản thân mình trước việc thu thập dữ liệu truyền thông xã hội, nhưng đồng thời câu hỏi được đặt ra là chuyện một công ty thu thập quá nhiều dữ liệu cá nhân của người dùng có thật sự cần thiết không. Vâng, chính từ quan điểm lợi nhuận, vì họ bán thông tin này cho các công ty khác. Dựa vào các dữ liệu đã thu thập được, các công ty này biết chúng ta ưa thích những gì, đang nói về những vấn đề gì, thường xuyên truy cập các trang mạng nào và nhiều thứ khác nữa. Từ đó họ rất dễ dàng vạch mục tiêu và tác động gây ảnh hưởng đến những gì chúng ta được thấy hay không được thấy và tập trung chọn lọc các loại quảng cáo và thông tin nhắm vào chúng ta.
Hơn nữa, gần đây công ty phân tích dữ liệu của Anh, Cambridge Analytica, bị phát giác đã truy cập thông tin cá nhân của hơn 50 triệu người xử dụng Facebook trong năm 2014, phần lớn không có sự đồng ý của người dùng.
Chamath Palohapitiya, phó chủ tịch chuyên trách về số lượng người dùng tại Facebook trước khi ông rời khỏi công ty năm 2011 cho biết: "Liều dopamine ngắn hạn, vòng lặp phản hồi do chúng tôi tạo ra đang phá hủy cách vận hành của xã hội... Không có những bài diễn thuyết nâng cao nhận thức.Không có sự hợp tác. Thông tin sai lệch và những lời dối trá".
Vì vậy chúng ta không những bị theo dõi mà còn bị thao túng theo nghĩa nào đó.
*
THAY ĐỔI CÁCH CÀI ĐẶT FACEBOOK ĐỂ BỎ QUA ỨNG DỤNG CHIA SẺ API
Bạn không cần phải làm việc này. Bạn không cần phải lội qua các cài đặt bảo mật phức tạp để bảo đảm rằng các công ty mà bạn đã ủy thác thông tin cá nhân của mình đang nỗ lực hợp lý và hợp pháp để bảo vệ nó. Nhưng Facebook đã cho phép các bên thứ ba vi phạm quyền riêng tư của người dùng với quy mô chưa từng thấy và trong khi các nhà lập pháp và nhà quản lý nỗ lực để hiểu các ẩn ý và tìm cách hạn chế thì người dùng có trách nhiệm thiết lập đúng cấu hình của ho.
Cuối tuần qua, Cambridge Analytica, một công ty phân tích dữ liệu bị phát hiện đã truy cập dữ liệu cá nhân của hơn 50 triệu người dùng Facebook trong năm 2014. Một khối dữ liệu khổng lồ đã được truy cập, chia sẻ và lưu trữ mà không có sự đồng ý của người dùng. Quy mô xâm phạm quyền riêng tư của người dùng này phản ảnh các điều kiện phục vụ và API của Facebook được cấu trúc vào thời gian đó. Đừng nhầm lẫn: đây không phải là vi phạm dữ liệu.Đây là cách cơ sở hạ tầng của Facebook được thiết kế để hoạt động.
Ngoài việc đưa ra câu hỏi về vai trò của Facebook trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, tin tức này là lời nhắc nhở đến những rủi ro về quyền riêng tư mà người dùng gặp phải khi thông tin của họ bị lấy cắp, phân tích, lưu trữ vô thời hạn và chia sẻ bởi giới mối lái dữ liệu, con buôn và các công ty truyền thông xã hội.
Các công ty công nghệ có thể và nên làm nhiều hơn để bảo vệ người dùng, bao gồm cả việc giúp người dùng rộng đường kiểm soát các dữ liệu cá nhân đã bị thu thập và được xử dụng như thế nào. Việc này phải bắt đầu với đầy đủ sự minh bạch và cho phép các nhà nghiên cứu độc lập - không vì lợi nhuận riêng hay lợi ích của công ty – tiến hành công việc thử nghiệm hộp đen và kiểm tra hệ thống của họ. Cuối cùng người dùng cần có khả năng rời bỏ một ứng dụng nền tảng không đáp ứng nhu cầu và lấy lại các dữ liệu đã đăng nhập.
Tất nhiên bạn có thể chọn rời bỏ hoàn toàn Facebook. Nhưng đối với nhiều người, đây không phải là giải pháp khả thi. Bây giờ nếu muốn dữ liệu của mình bỏ qua API của Facebook, bạn có thể thay đổi cách cài đặt. Hãy nhớ rằng việc làm này sẽ vô hiệu hóa TẤT CẢ các ứng dụng nền tảng như Farmville, Twitter hay Instagram và bạn không thể đăng nhập vào các trang Web khác bằng cách xử dụng thông tin đăng nhập Facebook của mình.
Đăng nhập vào Facebook rồi truy cập trang App Settings page (hoặc tự chuyển đến đó bằng cách thông qua Settings Menu > Apps)
Từ đó nhấn nút Edit phía dưới Apps,Websites and Games. Nhấn nút Disable Platform
Nếu không muốn vô hiệu hóa ứng dụng nền tảng (platform), bạn nhấn vào Edit phía dưới Apps Others Use. Sau đó chọn bỏ các loại thông tin mà bạn không muốn người khác có thể truy cập bằng ứng dụng của họ
Nguồn: Arjun Walla, Alternative News, Collective-Evolution.com và Gennie Gebhart, eff.org, Electronic Frontier Foundation.
Hoàng Minh Hải
danlambaovn.blogspot.com
Hoàng Minh Hải
danlambaovn.blogspot.com