Phạm Đình Trọng (Danlambao) - Những ngày giữa tháng giêng Kỷ Hợi vòm trời bâng khuâng, tiết trời se se lạnh gợi cảm, tôi vào facebook tìm sự đồng cảm, sự phát hiện của những facebooker về cái đẹp của đất trời mùa xuân nhưng đã bị hụt hẫng khi phải gặp khá nhiều hình ảnh về hội thơ giữa tháng giêng của mấy nhà thơ quốc doanh. Có xã viên thơ hí hửng khoe cả giấy mời dự hội thơ như vị chủ nhiệm hợp tác xã văn chương của họ hí hửng khoe: Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta.
Nhiều xã viên thơ đưa hình ảnh đứng hiên ngang vung tay, ưỡn ngực diễn thơ trên sân khấu lòe loẹt, chói chang sắc màu, chật chội, xô bồ chữ viết, tối tăm, kệch cỡm chữ ta chữ tây. Và hàng chữ bự nhất, hợm hĩnh nhất nhưng cũng nhỏ bé, chật chội, kệch cỡm nhất là tên chủ đề hội thơ: SÔNG NÚI TRÊN VAI.
Sông núi luôn là khái niệm, luôn đồng nghĩa với đất nước, với tổ quốc, với quốc gia. Sông núi trên vai là trách nhiệm của công dân với đất nước. Sông núi trên vai là hình tượng lẫm liệt, là vóc dáng sừng sững, là vẻ đẹp vĩnh hằng của người lính cầm súng bảo vệ đất nước. Sông núi trên vai đâu phải là sứ mệnh, đâu phải là hình tượng tiêu biểu của nhà thơ.
Không chỉ có trách nhiệm với đất nước, nhà thơ đích thực nói tiếng nói của thân phận cá thể con người nhưng những cá thể đó đều mang bóng dáng, mang tầm vóc của cả loài người. Văn chương gọi dậy, đánh thức phần Người, phần lương tri trong mỗi con người. Văn chương là hồn vía của con người, là tiếng nói của thân phận con người trong xã hội ở tầm nhân loại.
Không chỉ diễn tả công việc của cô gái tát nước đêm trăng, câu ca dao: “Cô kia tát nước bên đàng / Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” là sự phát hiện bất ngờ về giá trị của lao động sáng tao. Lao động sáng tạo tát nước cấy cày làm ra hạt lúa của một cô gái quê đã làm đẹp cả thiên nhiên, làm lung linh cả đất trời, làm lộng lẫy cả vũ trụ.
Tiểu thuyết Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố không phải chỉ kể về cuộc sống cùng cực bế tắc của người đàn bà nông dân Việt Nam thời phong kiến thối nát, quan lại nhiễu nhương. Chị Dậu là thân phận người đàn bà nông dân trong đêm dài phong kiến trung cổ của cả một giai đoạn lịch sử loài người.
Tiểu thuyết Eugénie Grandet của nhà văn Honoré de Balzac không phải chỉ là câu chuyện của nước Pháp ở thế kỷ 19, Eugénie Grandet là thân phận con người ở nước Pháp, ở nước Anh, ở Trung Quốc, ở Việt Nam, ở mọi nơi trên trái đất thời con người bắt đầu bước vào xã hội công nghiệp đòi hỏi tích lũy tư bản. Con người khao khát kiếm tiền đến mức tham lam, keo kiệt, nhẫn tâm, mất tính người, trở thành nô lệ của đồng tiền. Người nghèo làm thuê phải sống khốn cùng đã đành mà ông chủ giầu có, kiếm được rất nhiều tiền cũng trở thành khốn cùng về nhân cách.
Xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa là xu thế tất yếu của mọi đất nước, mọi xứ sở. Đô thị hóa sẽ làm phai nhạt, làm mất đi hồn dân dã từ ngàn đời của mọi miền quê: “Hôm qua em đi tỉnh về / Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Cảm hứng luyến tiếc, níu kéo hồn dân dã của nhà thơ Nguyễn Bính trong bài thơ Chân Quê: “Nói ra sợ mất lòng em / Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa”, cũng là cảm hứng của mọi con người ở mọi miền quê đang đô thị hóa.
Thơ là hồn nhân văn, là nỗi khát khao cái đẹp của con người nhân loại. Nhà thơ đích thực không thể bị giới hạn bởi không gian địa lý, càng không thể bị giới hạn bởi thời gian sự vụ.
Sông núi trên vai mà cả hợp tác xã văn chương với hàng ngàn xã viên chế tạo thơ và sản xuất văn nhưng không cất được một lời về nỗi đau của giống nòi Việt Nam khi nhà nước cộng sản Việt Nam kí hiệp định biên giới cắt hàng ngàn kilomet đất biên cương của cha ông dâng cho giặc Tàu.
Sông núi trên vai mà cả một tổ chức văn chương quốc doanh mỗi năm tiêu tốn hàng chục tỉ tiền thuế của dân cho trợ cấp sáng tác, cho giải thưởng văn chương nhưng không có được một chữ viết về máu của người dân Việt Nam đánh cá trên biển của cha ông người Việt bị giặc Tàu cướp biển giết hại. Không viết được một chữ về đất nước đang bị giặc Tàu thôn tính và giống nòi đang trở thành nô lệ của giặc Tàu xâm lược.
Dù “Sông Núi Trên Vai” đã làm chật chội, hạn hẹp không gian của nhà thơ, đã thô thiển cơ bắp hóa nhà thơ nhưng với những “nhà thơ” của hội văn chương không tồn tại bằng tài năng, không tồn tại bằng tác phẩm văn chương mà chỉ tồn tại ở cái danh hão, tồn tại nhờ sự nuôi nấng chăm bẵm bằng đồng tiền thuế của dân, phải ngửa tay xin tiền nuôi nấng của quyền lực chính trị và khi nhận được đồng tiền tủi nhục đó thì sung sướng reo lên: Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta! "Nhà thơ" phải làm công cụ của chính trị, phải tự nguyện làm đội quân canh giữ mặt trận văn hóa cho một quyền lực chính trị nhất thời. Những “nhà thơ” đó có đủ tư cách, có đủ dũng khí để “sông núi trên vai”, để gánh vác trách nhiệm với non sông đất nước không? Và nhân dân có dám tin cậy trông chờ ở những “nhà thơ” tài năng và nhân cách như vậy gánh vác sông núi trên vai không?
20.02.2019