Phạm Văn (Danlambao) - Vào những ngày này chúng ta - những con người Việt Nam yêu nước-thương nòi đều trân trọng kỷ niệm dưới hình thức nào đó tròn một năm sự kiện lớn lao chưa từng có trong những ngày tháng 6 năm 2018 diễn ra dưới chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Và cũng thật tự hào đối với tôi vào ngày mai 25 tháng 6 năm 2019 sẽ tròn một năm tôi viết bài đầu tiên cho trang Dân Làm Báo “Lòng yêu nước mới của nhân dân Việt Nam”. Bài viết ấy và nhiều bài viết sau đó cho phép tôi tự thấy mình xứng đáng đứng vào đội ngũ của những con người dũng cảm, ngày càng trở nên mạnh mẽ và đầy tài năng, đó là Nhân dân Việt Nam, những con người sẽ sáng tạo ra một nước Việt Nam mới. Nhưng điều tôi muốn nói hôm nay là sự kiện nói trên và thêm nữa ngay ở thời điểm này cuộc nổi dậy-xuống đường của người dân Hồng Kông, đã đem lại cho tôi những cảm xúc và suy tư mới về Tổ quốc và nhất là về Nhân dân.
Tôi thấy bồi hồi, có lúc nghẹn ngào mỗi khi tưởng tượng ra những hình ảnh thanh niên nam nữ, những người còn trẻ, những người già, cả những em bé cầm trên tay, dương lên những biểu ngữ khi đi ở hàng đầu đoàn biểu tình, hoặc theo dòng người cuốn đi, miệng hát vang những bài ca, hô vang những khẩu hiệu yêu nước nồng nàn, tràn đầy ý chí kiên quyết chống lại bạo quyền-tà quyền cộng sản và âm mưu xâm chiếm đất nước của kẻ thù truyền kiếp Tàu Cộng. Đồng thời, tôi cũng thấy bừng cháy và trĩu nặng những suy tư về một điều, những điều rất mới mẻ đã và đang diễn ra. Lòng tôi đầy tự hào và chứa chan hy vọng vào tương lai tươi sáng của Tổ quốc, giống nòi Việt Nam. Tôi thêm yêu Tổ quốc của mình hơn bao giờ hết khi hiểu ra và bội phần yêu kính Nhân dân hơn.
Người ta đã và có thể sẽ còn đặt ra và chắc chắn đã và sẽ tìm được câu trả lời rõ ràng và dứt khoát cho câu hỏi về một sự lựa chọn: “Hoặc đảng và chế độ cộng sản, hoặc Nhân dân và Tổ quốc?”, nhưng không thể và không được phép đặt ra câu hỏi “Hoặc Tổ quốc hoặc Nhân dân?”, vì đặt câu hỏi ấy là tận cùng của sự ngu tối, có thể còn là một tham vọng với đầy tính hoang tưởng muốn kéo lùi lịch sử!
Nhân dân là gì? Nhân dân đã từng là Nhân dân của ai đó, của kẻ nắm trong tay vận mạng của họ, xem họ chỉ như vật sở hữu của mình, “cao quý hơn” thì được xem là con cái của những kẻ đứng trên được coi là cha mẹ. Đó là Nhân dân của chế độ quân chủ gia trưởng dưới những hình thức và mức độ khác nhau từ xa xưa. Trong điều kiện ấy, Nhân dân là số đông, đối lập với số ít còn lại, với chế độ đang cai trị họ. Mặc dù Nhân dân ấy cũng đã từng làm nên sức mạnh vô địch trong các cuộc chiến tranh oanh liệt chống và chiến thắng giặc ngoại xâm phương Bắc bao đời nay, nhưng khi chiến tranh-chiến thắng xong rồi thì Nhân dân lại bị coi thường, những phát ngôn cho Nhân dân, những khao khát, đòi hỏi phần lớn rất đơn giản, tự nhiên của Nhân dân lại bị vùi dập nhiều khi trong những oan khiên, tức tưởi nhiều đời không, hoặc chưa rửa được. Trong chế độ quân chủ nói chung Nhân dân vẫn chưa trưởng thành, không hoặc chưa có khát vọng làm người, khát vọng tự do, trái lại chỉ quan tâm đến điều cơ bản duy nhất là sự tồn tại thể xác của mình. Cho nên, sự sợ hãi trước việc mất đi cái ăn, trước cái chết của thân xác của mình và người thân trở thành đặc tính bản chất của người dân, của con người nói chung trong chế độ này, vì thế chế độ cai trị tìm-bằng mọi cách giam hãm, cầm tù Nhân dân trong vòng tăm tối, chia cắt họ để duy trì sự sợ hãi ấy.
Hiện nay chế độ cộng sản độc tài toàn trị vẫn đang thực hiện sự cai trị Nhân dân, là sự tiếp tục của chế độ quân chủ xưa kia. Chúng tiếp tục chia rẽ Nhân dân, đối với chúng, nhân dân chỉ là thành phần dễ bảo, chỉ biết cúi đầu tuân phục, là thành phần chỉ nên làm cái việc là “ca ngợi” thậm chí cả cái xấu xa, bốc mùi xú uế của chúng, hoặc cùng chúng che đậy đi. Còn cái thành phần Nhân dân mà phê phán chúng, vạch ra cái sai, cái ác, cái xấu xa, tội lỗi của chúng và kiên quyết chống lại, chúng coi đó là “phản động” khi chúng chụp cho cái mũ - quy cho trọng tội là chống lại chính quyền “nhân dân”. Đối với chế độ cộng sản, “đồng bào” không phải là giống nòi-dân tộc Việt Nam, mà là chỉ là thành phần Nhân dân được phân định theo giai cấp, cho nên “đồng bào” mà chống lại chúng thì là “ngụy”, là “tay sai” của đế quốc, thậm chí ủng hộ chúng khi khó khăn thì vẫn có thể bị giết chết khi cần.
Thực ra, chế độ cộng sản, nhất là cộng sản giả hiệu hiện nay rất coi thường, thậm chí khinh bỉ người dân. Chúng luôn nói nhân danh, đại điện cho lợi ích của Nhân dân để lãnh đạo Nhân dân, cai quản mọi tài nguyên, cả đất nước, nhưng trái tim-tâm hồn chúng rất chật hẹp, đen tối, hèn nhát và hung bạo, trí tuệ của chúng thì ngắn tũn, không hiểu được thế nào là con người, là tự do, vì chúng không, chưa phải là con người. Chúng không lãnh đạo-quản lý, mà cai-trị dân, đất nước dựa vào bộ máy quyền lực đã “cướp” được theo đúng nghĩa của từ này nhờ sự giúp sức có tính quyết định của Liên Xô-Nga cộng và nhất là Tàu cộng. Vì không thực sự có năng lực quản lý đất nước, cho nên chúng cai trị bằng sự dối trá và bạo lực và bị chi phối bởi ngoại bang, hèn hạ và sẵn sàng bán rẻ lương tâm và do đó, đất đai, sông núi, biển trời của Tổ quốc, cam tâm làm nô lệ. Bởi vậy, quan niệm về nhân dân (đồng bào) và cả Tổ quốc của cộng sản, chế độ cộng sản về căn bản là dối trá, bịp bợm. Chỉ có bộ phận nhân dân còn tăm tối, sợ hãi mới “tin” vào chúng.
Nhưng hiện giờ Nhân dân đã không phải, không còn như bộ phận đối lập với số ít những kẻ cầm quyền, đối lập với nhà nước, chế độ cai trị như trước kia nữa, Nhân dân không còn hoàn toàn là những người mà những kẻ cai trị cho rằng chúng phải có trách nhiệm trông coi, chăm sóc như con. Ngày nay chỉ trong những chế độ quân chủ còn “sót lại” mới tồn tại một nhân dân như thế, xem như một mặt, còn mặt khác là Nhân dân đang vượt ra ngoài cái trật tự ấy. Một Nhân dân khác, thật sự mới đang hình thành, đang lớn lên, mạnh mẽ từng ngày.
Có thể ở những thời xa xưa khi con người mới xuất hiện trên trái đất, Tổ quốc chưa hình thành, nên họ chưa có ý niệm về Tổ quốc, đất nước như ngày nay, nhưng những yếu tố hoang sơ, tiền thân mà bây giờ ta gọi là Tổ quốc đã có, đó là tổ tiên-giống nòi với những đất đai được khai khẩn, là nơi khởi nguồn, “phát tích” của một hoặc các triều đại và ngôn ngữ v.v..., lúc đó “nhân dân” không tách rời những yếu tố hoang sơ ấy. Còn hiện thời người ta đang nói đến “trái đất - ngôi nhà chung”, nghĩa là nói đến một “nhân dân” không hoàn toàn chỉ còn là những con người của một quốc gia nữa. Người ta không chỉ nghĩ, nói mà còn thực hành làm “công dân toàn cầu”. Dẫu vậy, cho đến lúc này, ngay ở thời điểm này, nói chung Nhân dân vẫn là tất cả những con người có cùng chung một cội nguồn-tổ tiên, một ngôn ngữ, một truyền thống, một nền văn hóa, một lãnh thổ, tóm lại là tất cả những con người có cùng chung một Tổ quốc, phần lớn sống trên một lãnh thổ quốc gia nhất định. Đó là điều không thể nghi ngờ.
Có thể, đối với nhiều người, nhất là ở những nước phát triển-văn minh, quan niệm về Nhân dân như nói trên không còn mới mẻ, xa lạ nữa. Nhưng đối với chúng ta, những con dân Việt Nam, đây là sự sáng tạo mới ra quan niệm, khái niệm Nhân dân bắt đầu với cuộc nổi dậy-biểu tình trong những ngày tháng 6 năm 2018. Người dân Việt Nam đã chứng tỏ rằng họ là số đông đối lập với số ít những kẻ cầm quyền và chế độ của chúng, nhưng không còn hoàn toàn lệ thuộc vào chế độ ấy nữa, người dân muốn xóa bỏ, thoát khỏi chế độ ấy đề trở thành chính mình, trở thành Nhân dân với chế độ nhà nước của mình, chế độ Tự do - Dân chủ. Đấy là chế độ mà Nhân dân không hề nghi ngờ sự tồn tại của nó cũng chính là sự tồn tại của bản thân họ, là chính bản thân họ.
Theo nghĩa ấy, Nhân dân là tập hợp của-với rất nhiều thành phần về mặt nghề nghiệp, địa vị như công nhân, nông dân, nhà doanh nghiệp, những người buôn bán, các kỹ sư, các nhà khoa học, những người hoạt động chính trị, quân nhân, công an, những người làm công việc quản lý, học sinh, giáo viên, trí thức, những nghệ sĩ, nghệ nhân, những người thuộc các dân tộc-sắc tộc, tôn giáo khác nhau, về giới tính như nam nữ, về lứa tuổi như người lớn tuổi, người già, thanh niên, trẻ em v.v.. Nhân dân là tất cả, vừa là cái số đông, cái toàn thể, vừa là cái bộ phận, cả hai vừa phân chia, vừa liên kết tạo nên cái lực lượng, sức mạnh vừa hiện thực, vừa tiềm tàng của một dân tộc, đất nước mà ở đó đã, đang và sẽ không ngừng sản sinh ra những con người ưu tú trong các cuộc đấu tranh và dựng xây đất nước.
Có nên xác định hay phân biệt trong “khối” Nhân dân ấy có một hoặc những thành phần quyết định sức mạnh, sự tồn tại, phát triển của Nhân dân, đất nước không? Không thể! Đừng mắc lại một lần nữa sai phạm chết người của chủ nghĩa duy vật lịch sử xem Nhân dân, nhất là những người lao động trực tiếp là người sáng tạo ra, quyết định lịch sử. Cũng đừng mắc những sai phạm theo kiểu tuyệt đối hóa một mặt nào đó của xã hội như “trí tuệ”, “con người”, “công nghệ” hoặc “chính trị” v.v... Với quan niệm mới về Nhân dân, chúng ta hiểu chỉ trong cái khối chung vĩ đại ấy thì mỗi thành phần, bộ phận mới có vị trí và vai trò thực sự. Dù vẫn có thể nói kinh tế là nền tảng của đời sống xã hội, nhưng ta không thể nói đến một thứ, một nền sản xuất, kinh tế có vị trí, vai trò như thế mà không có tri thức, không trí tuệ, phi-vô đạo lý, đạo đức, không có cái đẹp, đặc biệt không có Tự do.
Đã là con người thì Nhân dân có cả ưu điểm, nhược điểm, có mặt tích cực và tiêu cực. Nhân dân là những con người can đảm, tài năng trong đấu tranh, chinh phục thiên nhiên, xã hội, chống ngoại xâm để dựng xây đất nước, nhưng Nhân dân cũng có thể là, bao gồm cả những kẻ hèn nhát, nhu nhược, những kẻ ăn cắp, ăn cướp, giết người v.v... Nhân dân có thể bị lầm lạc, còn lầm lạc và tồi tệ hơn chừng nào họ vẫn thuộc sở hữu của chế độ độc tài. Tuy vậy, Nhân dân không phải là từng mặt ấy tách riêng ra, trái lại cả hai mặt ưu điểm và khuyết nhược, tích cực và tiêu cực, tiến bộ và bảo thủ, đều có thể đặc trưng cho một Nhân dân, tạo nên một Nhân dân, một truyền thống văn hóa mang tính lịch sử. Nhân dân vừa là chân - thiện - mỹ, vừa là giả - ác - xấu. Đấy là nghịch lý tự nhiên của tồn tại con người, của Nhân dân, nhưng Nhân dân luôn hướng theo chân - thiện - mỹ và không ngừng đấu tranh chống lại giả - ác - xấu trên hành trình hạnh phúc của mình.
Nhân dân không tách rời Tổ quốc. Có thể hiểu Nhân dân là con người, còn Tổ quốc thì bao gồm cả Nhân dân, đất đai, sông núi, biển trời, là tổ tiên, giống nòi, văn hóa v.v... Nhưng nói như vậy chỉ rất tương đối, chỉ đúng với một góc nhìn, hoàn cảnh, quan hệ nào đó thôi. Bởi vì, chính Nhân dân đã khai khẩn đất đai, làm chủ những con sông, ngọn núi, cánh rừng, cả biển khơi với những hòn đảo xa tít nơi đại dương, cả khoảng không bao la. Nói cách khác và tóm quát hơn, Nhân dân hóa thân vào tất cả những gì họ tạo nên, vào văn hóa của mình. Họ là chủ nhân của những gì mình tạo nên. Cho nên, Nhân dân và Tổ quốc, đó là những thực thể không thể chia cắt, tách rời nhau cả về hiện thực, thực tế, cả về nhận thức, tư tưởng và tinh thần. Nhân dân và Tổ quốc là một, càng là một về văn hóa. Vì thế, tôi xin được phép kể từ hôm nay trong các bài viết của mình, sẽ viết hoa chữ “Nhân dân”. Lẽ nào Tổ quốc thì viết hoa, còn Nhân dân thì không! Nhân dân là Tổ quốc và ngược lại, và đó đều là những danh từ riêng.
Có thể đây là một câu hỏi “khó” chăng: “Liệu Tổ quốc có tâm linh, còn Nhân dân thì không?” Nhưng thực ra câu hỏi này chứa đựng điều vô lý, nó đơn giản như chẳng khác gì nói đến tổ tiên, gia đình mà lại không nói đến những con người cụ thể là cụ kĩnh, ông bà, cha mẹ, con cái; nó chẳng khác gì nói đến quê hương, xóm làng mà lại không nói đến con người sống ở đó; và nó cũng chẳng khác gì khi nói: “Yêu Tổ quốc và yêu đồng bào”. Bởi vì, Nhân dân cũng chính là giống nòi, dân tộc. Quả thực, nếu hiểu Tổ quốc tách rời, ở ngoài Nhân dân và ngược lại, thì cả Tổ quốc và Nhân dân sẽ trở thành những tồn tại không thể tin cậy được, đưa đến những cảm xúc, nhận thức mơ hồ, thậm chí giả tạo, những ý niệm, khái niệm trừu tượng, không có nội dung. Hiểu như thế chỉ có “tác dụng” nào đó khi gắn chặt với sự nhồi nhét, áp đặt. Điều này có thể tha thứ khi nó là một sự ấu trĩ lịch sử. Nhưng đáng nói là nó có thể và thậm chí đã làm cơ sở cho một, cho những sự lừa bịp, để người ta sẵn sàng nhét bất cứ thứ gì vào những tồn tại ấy, kể cả những điều bậy bạ, xấu xa nhất, đáng khinh bỉ nhất, chẳng hạn có thể đồng nhất Nhân dân, Tổ quốc với một, với những kẻ đạo đức giả, những kẻ rất thiếu năng lực điều hành, lãnh đạo quốc gia, nhưng dám nhân danh-đại diện cho Nhân dân, Tổ quốc, cho dân tộc-giống nòi.
Cũng như Nhân dân, Tổ quốc là một thực thể hay tồn tại có tính lịch sử, nghĩa là không ngừng thay đổi, không ngừng được sinh ra cả về hiện thực và về nhận thức, ý thức. Đã từng có Tổ quốc, những Tổ quốc của các thế hệ cha ông chúng ta và có Tổ quốc của chúng ta. Nhưng Tổ quốc của chúng ta bao gồm tất cả những Tổ quốc đã, đang có và sẽ còn được sản sinh ra.
Cho nên, đến đây nếu có thể nói một cách ngắn gọn nhất thay cho một định nghĩa về Nhân dân và nếu có thể phân biệt Nhân dân và Tổ quốc ở góc độ, mức độ, phạm vi nào đó, thì xin được nói rằng nhân dân chính là người đã sinh ra Tổ quốc của mình. Sinh ra Tổ quốc của mình, Nhân dân tồn tại đúng nghĩa, với nghĩa đầy đủ nhất của nó. Nhân dân phân biệt với Tổ quốc chỉ trong chừng mực nhất định: Tổ quốc là do Nhân dân sinh ra. Nhân dân là người sản sinh ra Tổ quốc, đất nước cả về tư tưởng, tinh thần và hiện thực-thực tiễn. Nhân dân là người chủ đầu tiên và vĩnh viễn của Tổ quốc, đất nước, tất cả những tài nguyên, sản phẩm, con người thuộc về một quốc gia nhất định. Nhân dân đã, đang và luôn là lực lượng lớn lao, duy nhất để bảo vệ tất cả những gì mình đã tạo ra, [dù rằng có cả một lịch sử họ phải nói rằng đó là đất đai, tài sản, mọi thứ đều là của nhà vua]. Nhân dân là người tạo ra tiếng nói, chữ viết của một dân tộc, ngay cả khi chúng do một hoặc những bậc tài năng cụ thể tạo dựng về hình thức và kỹ thuật. Bởi vì hơn thế, Nhân dân là linh hồn của ngôn ngữ. Một ngôn ngữ xét về cội nguồn, bản chất không phải của Nhân dân là một ngôn ngữ vô hồn, là một thứ ngôn ngữ phản bội, xúc phạm Nhân dân.
Tóm lại, Nhân dân là người tạo nên nền văn hóa của chính dân tộc, giống nòi của mình. Nhân dân sinh ra Tổ quốc, nhưng nhân dân cũng chính là Tổ quốc, vì khi sinh ra Tổ quốc, Tổ quốc đã làm cho nhân dân trở thành chính mình đặc biệt về văn hóa. Có thể nói, đây là điều tuyệt vời nhất cả về nhận thức và giá trị của quan niệm-khái niệm mới về Nhân dân và Tổ quốc, một quan niệm-khái niệm, một từ ngữ kép “Nhân dân-Tổ quốc”.
Đương nhiên, nói về Nhân dân, về Tổ quốc cũng là nói về con người, do đó là nói về văn hóa, một nền văn hóa, những nền văn hóa. Không có quá trình lao động, đấu tranh để tạo nên một đất nước, dân tộc, cộng đồng, thì con người chưa thể là con người theo đúng nghĩa, vì thế nó cũng không thể, chưa thể là một Nhân dân. Nhưng tại sao nói Nhân dân trước hết và cũng chính là con người, thì tại sao lại không nói, viết trực tiếp về con người hay “con người và Tổ quốc”? Quả thế, con người là một tồn tại cao quý, được biểu đạt trong một khái niệm triết học nhân sinh lớn lao, nó vừa gần gũi với mỗi con người chúng ta, nhưng lại cũng có thể là rất xa khi ta nói, nghĩ về Tổ quốc, đất nước mình. Một đứa trẻ không thể thành con người nếu trước hết nó không được sinh ra, lớn lên trong gia đình của nó, với những người thân yêu nhất của nó là cha, mẹ, ông bà và anh em nó, sau đó là xóm thôn, phố phường, quê hương của nó, vì đó chính là những cội nguồn, những cái cấu thành, tạo dựng nên Nhân dân, Tổ quốc. Một nhà văn Nga đã từng viết: “Những dòng suối đổ vào sông Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Bởi thế, có Nhân dân, Tổ quốc thì mới có con người - nhân loại, mới có “trái đất - Tổ quốc chung”. Một cá nhân, cộng đồng, một Nhân dân không thể nhảy “phóc” một cái thành nhân loại-con người. Không có Nhân dân, Tổ quốc thì không thể tự hào nói về chúng ta - Nhân dân ta - Tổ quốc ta trong các quan hệ quốc tế rộng lớn, nhiều mặt, với các Nhân dân, Tổ quốc khác. Thực ra, mối quan hệ giữa các quốc gia, đất nước khác nhau là quan hệ giữa Nhân dân của nước này với Nhân dân của nước kia. Phi điều đó, tiếng nói, việc làm của các cá nhân, tổ chức xã hội, chính phủ nhân danh Nhân dân, Tổ quốc là giả dối, vô nghĩa và thậm chí là tai họa không chỉ đối với Nhân dân - Tổ quốc của mình mà cả đối với Nhân dân - Tổ quốc khác, với nhân loại nói chung. Vì vậy, để trở thành con người-nhân loại trước hết phải trở thành Nhân dân và điều này có thể diễn ra trong bối cảnh-thời đại mà Nhân dân khẳng định-sáng tạo mới ra Tổ quốc của mình không tách rời quá trình hình thành con người-nhân loại.
Điều cuối cùng rất quan trọng là nói về Nhân dân là nói cái số đông, là hầu hết con người của một đất nước mà chính ta là một, là một thành phần, một thành viên hữu cơ-xã hội của nó. Theo nghĩa ấy, Nhân dân vừa là cái số đông ở ngoài ta mà ta có thể “tách ra” một cách tương đối để nhận thức, quan niệm, cảm xúc, nhưng đó không phải là tập hợp mà ta đối lập với họ và gọi họ là “nhân dân”, rồi xem ta như kẻ phải có trách nhiệm với họ, lấy việc quan tâm đến họ làm “tiêu chuẩn” đánh giá, xác nhận về đạo đức, đạo lý của mình. Không phải thế, bởi vì điều cốt yếu ở đây là Nhân dân - cái khối đông đảo ấy mà ta là thành phần, vừa là cái ở bên ngoài ta, nhưng cũng là cái ở trong ta, là chính bản thân ta.
Nhân dân không phải là cái xa lạ, đối lập với tôi, với bạn, với chúng ta. Cả tôi, bạn, chúng ta đều là Nhân dân, là những phần máu thịt của Nhân dân. Nhân dân là cái cơ thể rất lớn lao, vô cùng mạnh mẽ của tôi, của bạn, của chúng ta. Thực ra, ta chỉ nhận thức được thế nào là Nhân dân khi cái khối lớn lao ấy ở trong ta, là chính ta, là khi ta thấy yêu kính Nhân dân, có trách nhiệm với Nhân dân như với chính mình. Sẽ là rất tuyệt vời, nếu như có khi, nhiều khi ta nghĩ về mình, về những công việc lớn lao mà mình sẽ phải làm, ta thấy có Nhân dân ở bên cạnh, ở trong ta, thấy ta chính là Nhân dân và Nhân dân cũng chính là ta. Vì thế, nếu như tôi, bạn, chúng ta trở nên yếu đuối, nhu nhược, thiếu, mất đi hoặc không có cái sức mạnh của lòng can đảm lớn lao, khi đó tôi, bạn, chúng ta cần xem lại mình. Hẳn ta sẽ thấy chắc chắn đây là sản phẩm của lối nhận thức, ý thức tách mình khỏi Nhân dân, xem Nhân dân như một đối tượng-khách thể hoàn toàn ở ngoài ta - chủ thể nhận thức, ý thức và lối tách rời ấy có thể còn bị những thế lực đen tối cố tình duy trì. Hẳn rằng lúc đó, nếu có lương tâm, không nói đến những kẻ vô lương tâm, ta sẽ thấy mình chưa từng ở trong Nhân dân, chưa từng có, chưa từng là Nhân dân hoặc đã và đang xa rời Nhân dân. Và đó là nỗi bất hạnh của mỗi con người chúng ta, cũng là bất hạnh của chính Nhân dân, vì Nhân dân không có tôi, không có bạn, không có chúng ta thì cũng không còn là Nhân dân nữa. Nó hoặc bị chia cắt thành từng mảnh vụn vô nghĩa, hoặc trở thành một tập hợp chết và lúc đó, Tổ quốc đối với chúng ta cũng trở nên mơ hồ, xa lạ. Lúc đó, thử hỏi sự tồn tại, cuộc sống của tôi, bạn, chúng ta trên cõi đời này còn có ý nghĩa gì, ta có phải là con người không, khi ta không thấy có trách nhiệm gì đối với Nhân dân, Tổ quốc, khi ta có Nhân dân - Tổ quốc mà như không có? Nhưng có thể còn là điều may mắn nếu bạn biết rằng hiện vẫn có những kẻ đang rất cần bạn, chúng ta là những kẻ vô tình-vô cảm như thế.
Bởi vậy, những đứa trẻ cần phải được giáo dục sao cho nó sớm hiều rằng nó sẽ và đang đứng vào tập hợp Nhân dân của nó, rằng sức mạnh của nó chỉ có thể được hình thành cùng với sức mạnh của Nhân dân, trong tập hợp Nhân dân của nó và cùng với Nhân dân, nó biết gia đình, tổ tiên của mình sẽ ngày càng trở nên, gắn chặt với điều vô cùng thiêng liêng là Tổ quốc. Những người tuổi trẻ chỉ có thể làm cho cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa thực sự khi tìm ra lẽ sống lớn lao chân chính là đứng vào đội ngũ Nhân dân hùng mạnh của mình. Vì chúng ta - Nhân dân, đó là sự kết hợp, hội vào mình sức mạnh dân tộc-thời đại, chính là chủ thể quyết định hình hài mới của Tổ quốc, đất nước-giống nòi Việt Nam với một nền văn hóa Tự do - Dân chủ mới, không còn bóng tà quyền cộng sản.
Ngày 24 tháng 6 năm 2019.