1. Những giải thưởng văn chương theo chủ đề, theo đề tài như giải thưởng văn chương viết về công nhân, giải thưởng văn chương viết về sinh đẻ có kế hoạch... thì tiêu chí đề tài là hàng đầu. Còn với văn chương chung của nhân loại, giải văn chương nào cũng chỉ có hai tiêu chí để xem xét trao giải và chỉ hai tiêu chí mà thôi.
Một. Phát hiện cho nền văn học những tài năng mới có cá tính sáng tạo, có giọng điệu mới, có sức vóc để sẽ có một đời thơ, đời văn khỏe khoắn. Giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn phát hiện cho văn chương Việt Nam những tên tuổi, những đời thơ, đời văn bền bỉ, sang trọng Anh Thơ, Nguyên Hồng, Tế Hanh. Giải Prix des Critiques của các nhà phê bình văn học Pháp phát hiện ra Françoise Sagan qua việc trao giải thưởng cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà, Bonjour Tristesse (Chào Nhé, Nỗi Buồn).
Hai. Khuyến khích khuynh hướng tìm tòi sáng tạo. Trao giải thưởng cho tác phẩm nào là ban giám khảo nhằm khẳng định giá trị phong cách nghệ thuật của tác phẩm đó, khuyến khích khuynh hướng tìm tòi của tác giả đó.
Nhưng dường như giải thưởng thơ Văn Việt của Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam không cần, không chấp hai tiêu chí này.
Giải thưởng thơ Văn Việt quả có trình làng đôi ba cái tên mới như Phapxa Chan, Vũ Lập Nhật, Nguyễn Thị Anh Thư... Ngoài sự chào đón của ban giám khảo Văn Việt ra, những cái tên mới này chưa tạo được niềm tin và hi vọng nhưng đã tạo ra nỗi băn khoăn lo lắng khôn cùng ở những tấm lòng quan tâm đến Văn Việt.
Năm thí sinh thơ được vào chung khảo cuộc thi thơ Văn Việt lần thứ tư, năm 2018, được ban giám khảo Văn Việt đánh giá:
“Đó là năm gương mặt thơ đang trong thời kỳ sáng tạo sung mãn và có những đóng góp giá trị, độc đáo cho thơ hiện đại của Việt Nam, cả về phương diện cảm hứng sáng tác mới mẻ, giàu có; ngôn ngữ cách tân, bút pháp hiện đại, đậm chất suy tưởng. Dù đến với thơ từ những chân trời mỹ cảm khác nhau, mỗi người một phong cách, nhưng họ đều thổi một luồng gió trẻ trung, mạnh mẽ và nóng hổi của thời đại với những trăn trở, uẩn khúc hiện thực vào trong khung cửa sổ hẹp của thơ; đưa thơ đồng hành với số phận Con Người và trở về với ý nghĩa ban đầu của nó là bản anh hùng ca bất diệt của cái Đẹp trong một thế giới khắc khoải và suy tàn. Đọc các sáng tác của những nhà thơ này, chúng ta có quyền hy vọng về sự cần thiết của thơ, như sự cần thiết của một giọng nói, một gương mặt, một hơi thở ấm giữa đêm lạnh và tại sao không, hy vọng về tương lai đẹp đẽ của thơ trong lúc thơ hiện nay đang bị độc giả yêu thơ quay lưng rẻ rúng.”
Và đánh giá về người được giải nhất:
“Thơ Vũ Lập Nhật cho chúng ta một cảm giác mất thăng bằng, một thế đứng chông chênh nguy hiểm, như thể khi bước vào thế giới thơ của Vũ Lập Nhật là chúng ta đang bước vào một thế giới khác, một thế giới song song không biên giới; ở đó, trật tự, định luật vạn vật hấp dẫn, sự sáng suốt của lý tính như bị thách thức. Trong lúc nhiều nhà thơ còn say sưa triết lý ba hoa, hoặc than mây khóc gió trên một niềm tin vững chắc về tính tất yếu hiển nhiên của đời sống hữu hạn, Vũ Lập Nhật đem đến một thứ Thơ hoàn toàn khác; ở đó, cái chất liệu làm nên Thơ là ngôn ngữ bị đem ra xét hỏi và cũng qua đó, ngôn ngữ mới được trả lại bản chất đích thực ban đầu của nó: đó là tiếng vọng của sự im lặng.
Đọc thơ Vũ Lập Nhật cho chúng ta niềm vui thú của sự khám phá những cái bất ngờ, bất định giống như một người gặp những ngã rẽ không báo trước trên con đường quen thuộc, nó vừa bất trắc nhưng vừa mời mọc kêu gọi. Những du khách đã quen ngồi sau một tay lái sẽ không có được cái cảm giác của một sự hồi hộp, lưỡng lự hay liều lĩnh đó bởi khi đó, Vũ Lập Nhật đem vào trong thơ một chiều kích khác của ngôn ngữ, đó là một sự triển khai hình ảnh trong trường ngôn ngữ (Jacques Lacan), là sự mơ hồ cấu thành của thông điệp thi ca (R. Jakobson), là thứ ngôn ngữ biểu tượng của Roland Barthes. Đó là những bài thơ không viết hoa.”
Đọc lời đánh giá, khẳng định của ban giám khảo về những tài năng được giải thưởng thơ Văn Việt, người đọc vừa choáng ngợp trước ngôn từ lấp lánh, rổn rảng, đại ngôn đến sáo rỗng: “đưa thơ đồng hành với số phận Con Người và trở về với ý nghĩa ban đầu của nó là bản anh hùng ca bất diệt của cái Đẹp trong một thế giới khắc khoải và suy tàn”.
Vừa ngơ ngác trước câu chữ cao siêu như hù dọa người đọc, như trưng, như lòe thứ ngôn từ tưởng là uyên bác nhưng là ngôn từ sáo rỗng nên câu chữ trở thành lảm nhảm, tối nghĩa: “Những du khách đã quen ngồi sau một tay lái sẽ không có được cái cảm giác của một sự hồi hộp, lưỡng lự hay liều lĩnh đó bởi khi đó, Vũ Lập Nhật đem vào trong thơ một chiều kích khác của ngôn ngữ, đó là một sự triển khai hình ảnh trong trường ngôn ngữ (Jacques Lacan), là sự mơ hồ cấu thành của thông điệp thi ca (R. Jakobson), là thứ ngôn ngữ biểu tượng của Roland Barthes”.
Vừa kinh ngạc trước những tài thơ sừng sững mà bấy lâu không được ai biết đến: “sáng tạo sung mãn và có những đóng góp giá trị, độc đáo cho thơ hiện đại của Việt Nam, cả về phương diện cảm hứng sáng tác mới mẻ, giàu có; ngôn ngữ cách tân, bút pháp hiện đại, đậm chất suy tưởng.” Tài đến thế là cùng! Có lẽ Rabindranath Tagore, Pablo Neruda khi nhận giải thưởng Nobel cũng không được hội đồng giám khảo văn chương của Hoàng gia Thụy Điển đánh giá cao đến như vậy.
2. Nhưng có đúng vậy không? Đất nước đang vật vã chống trả giặc nội xâm tham nhũng và giặc ngoại xâm cướp đất, cướp biển. Người dân đang ai oán trong thân phận dân oan. Từ vài triệu dân oan vật vờ qua các thời Xô Viết Nghệ Tĩnh, thời cải cách ruộng đất, thời cải tạo tư sản, thời Nhân Văn - Giai Phẩm, thời xét lại chống đảng, thời tập trung cải tạo sau 30.5.1975 đến gần trăm triệu người dân Việt Nam hôm nay đều mang thân phận dân oan trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Dân oan chính trị. Dân oan kinh tế. Dân oan tôn giáo. Dân oan máu xương. Dân oan đất đai. Dân oan phẩm giá. Những nhà thơ được ban giám khảo thơ Văn Việt nhìn nhận là “đồng hành với số phận Con Người” và “thổi một luồng gió trẻ trung, mạnh mẽ và nóng hổi của thời đại” có đau đáu với nỗi bất an của nước, có chia sẻ với nỗi mất mát của dân không?
Câu trả lời đương nhiên phải tìm trong bài viết của người được giải nhất thơ Văn Việt 2018. Và đây, giải nhất thơ Văn Việt 2018.
10, 11, 12
Tôi ẩn náu trong những ngày cuối cùng của tháng mười
trong chiếc vỏ mỏng manh như
một tờ giấy đã bị thấm ướt nước
tôi co ro như con thú hoang sợ mất nơi cư ngụ
trước móng vuốt rình rập của kẻ thù tháng mười một
tôi đốt lửa suốt ngày để giờ của nó đừng đến
lập hàng rào dây thép gai ngăn sự thám thính của phút
xịt một mùi mà bọn giây thấy khó chịu
nhưng…
tháng mười hai như con hổ đói
đã ngồm ngoàm xơi tái con mồi tháng mười một
và nuốt luôn chút thịt vụn của tháng mười
tôi ngồi trong bụng nó
và biến thành chất tiêu hóa tháng ngày
dù tất cả đều không có vị
tựa món ăn được chế biến từ tay đầu bếp
đã mất đi chiếc lưỡi tinh tường.
Thời đại chính là thời gian chúng ta đang sống. Nhà thơ đã “thổi một luồng gió trẻ trung, mạnh mẽ và nóng hổi của thời đại” vào thơ sao lại phải lẩn trốn thời gian vậy? Đốt lửa xua đuổi giờ. Căng dây thép gai ngăn chặn phút. Xịt mùi chống trả giây. Thời gian là tài sản vô giá, là của cải, tiền bạc vật chất và mỗi người đang có mặt trong cuộc đời đều hối hả, vội vã tận dụng, khai thác thời gian để làm việc, sáng tạo, đóng góp cho cuộc đời. Sao người đã “thổi một luồng gió trẻ trung, mạnh mẽ và nóng hổi của thời đại” vào thơ lại coi thời gian đang đến như kẻ thù để rồi phải co ro ẩn nấp, dúm dó trốn vào cái tôi lạc lõng vậy?
tôi co ro như con thú hoang sợ mất nơi cư ngụ
trước móng vuốt rình rập của kẻ thù tháng mười một.
10, 11, 12 là ba tháng cuối cùng của năm. Tháng mười sợ tháng mười một đến. Tháng mười một lại sợ tháng mười hai đến. Khi bước vào tháng mười hai đương nhiên sẽ sợ năm mới đến. Chúc mừng năm mới là câu được viết bằng tất cả mọi ngôn ngữ trên thế giới. Đón chờ, mong mỏi cái mới là điều bình thường, là qui luật của tự nhiên, từ cây cỏ, muôn thú đến con người. “Tất cả của cải trên đời là của người khác. Chỉ có thời gian là của ta” Một nhà triết học Hy Lạp thời cổ đại nói như vậy. Chỉ những kẻ sống vật vờ, co ro, dúm dó, vô tích sự mới sợ thời gian, mới chối bỏ thời gian.
Những bài viết của Vũ Lập Nhật đều kể lể sự việc. Sự việc vụn vặt của hành vi. Sự việc bế tắc, lê thê của tâm trang. Không có những câu, những tứ lóe sáng của tư duy mạch lạc như “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng” (Khương Hữu Dụng) để có thể dẫn ra từng câu, từng câu. Vì vậy muốn dẫn Vũ Lập Nhật phải dẫn cả đoạn dài, cả bài
Một cuộc đối thoại
Tôi để bức thư mình vừa viết
vào một chai rượu rỗng
rồi đặt nó trong bồn tắm đầy nước và xà phòng
ngày qua ngày
chờ đợi sự phản hồi
Tôi đặt những chiếc áo nằm chồng lên nhau
và bắt đầu cho những chiếc quần làm tình với những chiếc quần
tôi chứng kiến hàng chục cuộc ái ân như thế
khi nằm trần truồng một mình và
tôi khóc...
Tôi luồn lưỡi của mình
vào lỗ tròn của những đĩa nhạc cổ điển
xuyên thủng qua Erik Satie,
xuyên thủng qua Beethoven...
...qua Rachmaninoff
Và mỗi lần tắm rửa sau những cuộc hoan lạc ấy
tôi đều nhận được một bức thư
đặt trong một chai rượu rỗng
trôi từ đại dương nào về bồn tắm đầy nước và xà phòng
ngày qua ngày
nhưng tôi chẳng bao giờ mở nắp để đọc chúng.
Cố theo dõi sự việc: Để bức thư vừa viết vào chai rượu. Đặt chai rượu trong bồn tắm. Lại đặt những chiếc áo chồng lên nhau... Nguời đọc vô cùng kinh ngạc thấy người đàn bà “đồng hành với số phận con người” lại như người hoang tưởng bệnh hoạn:
và bắt đầu cho những chiếc quần làm tình với những chiếc quần
tôi chứng kiến hàng chục cuộc ái ân như thế
khi nằm trần truồng một mình và
tôi khóc...
Tất cả những bài viết được gọi là thơ của Vũ Lập Nhật đều về cái Tôi khép kín, tù túng, quẩn quanh, bế tắc, thối rữa. Cái Tôi đó quá lạc lõng giữa thời đại văn minh tin học, quá xa lạ với cuộc sống bề bộn của đất nước, với cuộc sống tất bật của người dân làm sao có thể “đồng hành với số phận con người” được.
Cơ thể thối rữa và thành phố chết đuối
cơ thể tôi đang dần thối rữa
...
một thằng bé ném hòn đá xuống hồ con rùa
và thành phố chết đuối biến mất
cơ thể tôi vẫn đang dần thối rửa
bộ phận sinh dục thì theo cách của một vòi nước không thể khóa chặt
tuôn xối xả những dịch lỏng màu đỏ
tôi muốn thay một cái khóa tốt hơn để vặn chặt lại máu bên trong mà
vì một lí do nào đó, nó cứ kêu đòi phải chảy ra khỏi cơ thể tôi
...
ngay cả máu cũng không cần thân thể này
…
cơ thể tôi
đã thối rữa
và
thành phố này vẫn
chết đuối.
Tự mình thấy mình đang thối rữa. Tự mình cũng không chấp nhận mình. Làm sao con người đang thối rữa đó có thể “đồng hành với số phận Con Người” và “thổi một luồng gió trẻ trung, mạnh mẽ và nóng hổi của thời đại”?
Trao giải thưởng cho thứ được gọi là thơ đó, có phải Văn Việt muốn khuyến khích sự sáng tạo, tìm tòi theo khuynh hướng “Bộ phận sinh dục thì theo cách của một vòi nước không thể khóa chặt / Tuôn xối xả những chất lỏng màu đỏ”?
Rõ ràng giải thưởng Văn Việt là không đứng đắn, là lừa dối, làm hàng giả. Lừa dối từ lời quảng cáo của ban giám khảo thơ đối với món hàng giả thơ được giải thưởng Văn Việt. Hàng giả văn chương làm hỏng thẩm mĩ, gieo bệnh tật cho tâm hồn con người. Tội làm hàng giả văn chương còn lớn hơn, nặng hơn rất nhiều tội của công ty Pharma VN buôn thuốc giả trị ung thư.
3. Không phải chỉ thất vọng ở giải thưởng Văn Việt. Tôi còn thất vọng cả ở trang báo mạng Văn Việt. Từ hơn hai năm nay tôi không gửi bài cho Văn Việt và tôi cũng không đọc Văn Việt nữa. Mở trang Văn Việt ra tôi như ngửi thấy mùi ẩm mốc khi mở kho chứa sách cũ của Sài Gòn trước năm 1975.
Ngay sau 1975 lần đầu vào Sài Gòn tôi đã háo hức, thèm khát đọc đủ các tên tuổi của thứ văn chương được viết về cái Tôi mà ở miền Bắc không được viết. Từ tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng đến kí sự của Phan Nhật Nam. Từ thơ Thanh Tâm Tuyền, thơ Tô Thùy Yên, đọc cả thơ Nguyễn Bắc Sơn: “Mai ta đụng trận ta còn sống / Về ghé Sông Mao phá phách chơi / Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm / Đốt tiền mua vội một ngày vui” đến sách khảo cứu về văn hóa của Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Toan Ánh. Từ triết học Đức Ludwig Andreas Feuerbach, Friedrich Nietzsche đến tiểu thuyết hiện đại Mỹ của Mario Puzo, Ellia Kazan, Margaret Mitchell... Sau này tôi còn ngốn cả hồi kí Nguyễn Cao Kỳ, hồi kí Đỗ Mậu.
Không phải riêng tôi, những ai có chút duyên nợ với văn chương chữ nghĩa thì sau 1975 được tiếp cận với kho sách lạ và quí của xã hội có văn hóa tự do, đều không thể bỏ qua hưởng thụ thứ tự do quí giá đó. Vì vậy tôi tin còn có nhiều người cũng không vào Văn Việt để phải ngửi mùi ấm mốc của kho sách cũ của Sài Gòn trước 1975 nữa.
Điều đáng buồn hơn là tôi có cảm nhận rằng Văn Việt cố chứng tỏ rằng Văn Việt chỉ làm văn hóa để an ninh nhà nước cộng sản, nhất là an ninh xuất nhập cảnh an tâm, không gây sự, cản trở. Và những bài viết thẳng thắn, mạnh mẽ động chạm đến thể chế cộng sản đều trở thành “không có văn”, “chưa phải lúc đăng”!
Tôi xin thưa một chút xíu về cái gọi là “có văn”. Nhà báo viết bằng sự việc. Nhà văn viết bằng cảm hứng. Cảm hứng về thân phận con người, thân phận nhân dân, đất nước. Cả chiếc lá rơi trong đêm cũng lay động tâm can người viết: Chiếc lá rơi nhẹ như là rơi nghiêng. Chỉ khi có cảm hứng mới khơi mạch viết cho nhà văn, mới có trang viết. Trang sách của nhà văn lấp lánh, dấp dính cái hồn nhà văn. Cái hồn đó giữ người đọc lại với trang sách.
4. Cách nói của anh Lê Phú Khải không đúng. Nhưng điều anh Lê Phú Khải nói rằng thơ được giải thưởng của Văn Việt là thơ điên là điều có cơ sở, cần thành thực và nghiêm túc nhìn nhận lại. Cao ngạo, coi mình là chân lí, những người có trách nhiệm ở Văn Việt không trung thực nhìn lại mình mà kích cách nói không đúng của anh Lê Phú Khải lên để lấp liếm cái sai của Văn Việt và làm to chuyện anh Khải, làm căng thẳng sự việc để thí bỏ anh Lê Phú Khải cho xong chuyện. Đó là cách xử sự không đàng hoàng, không văn hóa. Đọc bài của nữ nhà văn xinh đẹp Ngô Thị Kim Cúc mạt sát anh Lê Phú Khải tôi lại nhớ đến những bài viết mạt sát Phan Khôi, mạt sát Nguyễn Hữu Đang, mạt sat Trần Dần, mạt sát tất cả những ai dám nói sự thật, dám sống ngay thẳng. Họ mạt sát không phải vì thấy những người đó là đáng mạt sát mà chỉ để làm đẹp lòng ông Lành thời Nhân Văn - Giai Phẩm 1957-1958, thời cải cách ruộng đất trong văn hóa nghệ thuật.. Như Văn Việt viện cớ “không có văn” để loại những bài ngoài kích cỡ của Văn Việt, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc cũng xỉa xói bảo anh Lê Phú Khải không phải nhà văn.
Tất cả những sự việc vừa qua cho tôi hiểu Văn Đoàn Độc Lập và Văn Việt là của ai và tôi cũng nhận ra rằng Văn Đoàn Độc Lập cũng như Văn Việt không phải chỗ của tôi.
Tôi lại nhớ đến nhà văn của những truyện ngắn thấm đẫm hồn Nam Bộ Trang Thế Hy. Dáng người gày guộc nhỏ thó nhưng khí phách Nam Bộ thì lừng lững và phóng khoáng Nam Bộ cũng mênh mang. Cả đời làm việc ở Sài Gòn nhưng khi nghỉ hưu, ông nhận ra Sài Gòn không phải nơi chốn của ông. Ông khăn gói rời Sài Gòn về ngôi nhà giữa vườn dừa ở Châu Thành, Bến Tre quê ông. Ông vui vẻ từ biệt bầu bạn Sài Gòn với câu nói: Đi chỗ khác chơi.
Bắt chước cụ nhà văn Trang Thế Hy đáng kính, tôi cùng xin thưa với Văn Đoàn và Văn Việt rằng tôi xin đi chỗ khác chơi.
11.08.2019