Lời tự sự của Nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Quang Hồng Ân - Dân Làm Báo

Lời tự sự của Nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Quang Hồng Ân

Lời giới thiệu - Có một câu thơ tôi nhặt ở đâu đó: “Tưởng rằng suôn sẻ, ai ngờ đắng cay” đó là cuộc đời của nụ dương cầm tài hoa, Nguyễn Quang Hồng Ân. Sinh ra trong tình yêu thương của Cha Mẹ, niềm hạnh phúc tưởng chừng mãi mãi, nhưng ở cái tuổi đẹp nhất của thời thiếu nữ, cô đã rơi vào khoảng hụt hẩng sâu thẳm, thoáng chốc trước mặt chỉ còn là bóng đêm. Từ bóng tối đó, cô ngoi lên, đơn độc.

Những dòng tự sự này như một nốt nhạc trầm vang trong đêm tỉnh lặng, đọc xong đến dòng cuối, vẫn còn vang lại một âm buồn. Tường An.


Nguyễn Quang Hồng Ân - Cuộc sống của tôi gắn liền với tiếng đàn dương cầm từ khi tôi còn nằm trong bụng mẹ. Những ngày tháng mang thai tôi, mẹ đã chẳng rời cây đàn lấy một ngày. Mẹ vẫn chơi đàn và dạy đàn cho đến ngày đi sanh tôi. 

Tôi lớn lên bên ba mẹ từng ngày, trong một gia đình không một ngày nào im vắng tiếng đàn. Mẹ là người say mê tiếng đàn dương cầm từ bé. Ba thích viết văn và rất mê nhạc cổ điển, đặc biệt là nhạc của Bach. 


Mẹ thường kể, lúc mẹ còn là nữ sinh cấp ba, trường mẹ học (trường Thăng Long ở Đà Lạt) sát cạnh trường của các soeur (Nazareth). Hàng ngày, cứ đến giờ ra chơi, mẹ chỉ tìm đến ghế trong sân chơi ở sát vách với trường của các soeur Nazareth để nghe tiếng piano vọng lại từ bên trường Nazareth do các soeur đang dạy học trò đàn. Mẹ say mê tiếng dương cầm. 

Sau này, khi đã có một công việc ổn định để kiếm tiền. Cái đầu tiên mà mẹ tôi sắm khi đã tự mình dành dụm được tiền là chiếc dương cầm. Ngoài giờ làm việc, mẹ đã đi học đàn. Buổi tối, về nhà, mẹ lại say mê luyện tập không mệt mỏi. Tối khuya, mẹ còn đọc thêm sách về lý thuyết để nâng cao kiến thức âm nhạc. 

Sau nhiều năm luyện tập và say mê tập đàn, mẹ đã được nhận vào dạy organ cho một trường học. Mẹ đã dành hết tâm huyết của mình cho việc dạy dỗ học trò để các em có thể tự đọc được nốt nhạc, tự phân tích hiểu các tiết tấu của bản nhạc. Có những ngày mẹ dạy cả sáng lẫn chiều, buổi trưa mẹ đã không về nhà mà ở lại trường để dạy bồi dưỡng miễn phí cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà không có đàn mà ham học để không bị thua bạn bè cùng lớp. Mẹ chỉ ăn cơm sau khi đã dạy bồi dưỡng xong cho các em và các em về phòng bán trú ngủ trưa, đến giờ dạy buổi chiều, mẹ lại tiếp tục lên lớp dạy. Từng ngày như thế trôi qua, mẹ đã dành hết tâm huyết của mình để đem âm nhạc đến với các em học sinh. Những bàn tay mũm mĩm, xinh xắn của các em học sinh ngày nào còn dè dặt, bỡ ngỡ làm quen với phím đàn nay đã có thể lướt nhẹ nhàng trên từng phím trắng đen của chiếc organ, giúp các em có lòng tự tin hơn trong học tập và đem niềm vui về cho cha mẹ mình. 

Đó là thời mẹ chưa lập gia đình. 

Từ ngày lập gia đình và có tôi, mẹ rất bận rộn nên không dạy ở trường nữa mà về nhà mở lớp dạy kèm để tiện việc chăm sóc tôi. Tôi đã lớn lên từng ngày cùng tiếng đàn và tiếng xướng âm mẹ dạy học trò mỗi ngày. Mỗi tiếng đàn của mẹ, mỗi lời hát của mẹ đã ăn sâu dần vào tiềm thức của tôi lúc thức cũng như lúc ngủ; từng lời ru ngọt ngào mà tôi không thể nào quên được cho tới bây giờ. Âm nhạc đã từng ngày đi vào tâm hồn tôi như thế! Thật tự nhiên, ngọt ngào, đậm đà lời ru, câu hát, tiếng đàn của mẹ. Những lời giảng của mẹ dành cho học sinh cũng từng ngày thấm vào tâm trí tôi lúc nào không rõ, chỉ đến khi sau này các thầy cô trường nhạc giảng tới đâu, tôi đều cảm thấy như mình đã được học trước rồi. 

Tôi đã được hưởng rất nhiều điều từ ba mẹ. Tôi được đặt tay lên các phím trắng đen của chiếc dương cầm của mẹ từ lúc mới chín mười tháng tuổi. Lúc đó tôi chỉ là một em bé ốm yếu, ngồi chưa vững trên chiếc ghế piano nên ba mẹ sợ tôi té, cứ phải lấy hai tay đỡ hai bên cho tôi. Hai bàn tay nhỏ bé lúc ấy chỉ đập đập lên phím (vì ngón còn rất yếu) như một thứ đồ chơi to đùng mà sao lại phát ra thứ âm thanh làm tôi thích thú! Cứ mỗi ngày như thế, tôi làm quen dần với việc ngồi vào đàn cùng với sự giúp đỡ của ba mẹ. 


Tôi chính thức ngồi vào đàn học như một học trò của mẹ năm tôi lên bốn. Mẹ đã đi cùng tôi từ những dòng kẻ đầu tiên trên khuông nhạc, từ những nốt tròn, nốt trắng, nốt đen, nốt móc... cho đến những dấu lặng trong tình thương yêu và nhẫn nại. Lúc đó tôi cảm thấy mẹ đang cùng chơi chung một món đồ chơi với tôi mỗi ngày. Mỗi ngày mẹ lại giúp tôi nhận ra thứ đồ chơi này có thêm cái mới, có sức hút mãnh liệt đối với tôi. Lúc thì mẹ nhấn phím từng nốt để đố tôi xem đó là nốt gì, lúc thì tôi đố lại mẹ. Lúc đầu hai mẹ con chơi đố từng nốt, sau đố lên xướng âm từng câu rồi từng đoạn trong niềm vui học tập của tôi, niềm vui được dạy con gái của mẹ và trong tình yêu thương, động viên của ba. Gia đình tôi đã sống những ngày thật vui, đầm ấm và hạnh phúc như thế! 


Năm tôi lên tám tuổi, ba mẹ đã háo hức đưa tôi đến nhạc viện tham gia cuộc thi đầu vào hệ trung cấp piano 9 năm. Suốt thời gian chờ tôi thi, ba mẹ đã đứng ngoài cổng nhạc viện lo lắng, bồn chồn. Cuối cùng, kết quả cũng đã đến: tôi đậu thủ khoa vào nhạc viện trong sự vui mừng của ba mẹ. 

Gia đình tôi tuy không giàu tiền bạc và vật chất như bao bạn khác cùng trang lứa nhưng tôi đã không thua kém ai về sự thương yêu, gần gũi, quan tâm chăm sóc của ba mẹ dành cho mình. Tôi luôn sống trong tình thương yêu, hy sinh và động viên của ba mẹ nên tôi không phải bận tâm điều gì ngoài chuyện cố gắng học giỏi cho ba mẹ vui, học kỳ nào tôi cũng đem được học bổng để ba mẹ đỡ lo cho tôi về phần học phí bởi tôi đã sớm ý thức được ba mẹ đã hy sinh cho mình như thế nào. Tôi luyện tập đàn mỗi ngày cho tiếng đàn và kỹ thuật ngày một điêu luyện và giai điệu mỗi bản nhạc cứ thế thấm vào tim óc tôi lúc nào không biết! 

Mẹ là người đã truyền cảm hứng cho tôi đến với âm nhạc nên tôi cũng muốn đem cảm hứng ấy đến với mọi người. Tôi bắt đầu tham gia các cuộc thi quốc tế từ năm mười hai tuổi. Ở các cuộc thi này, tôi được dấn thân vào một sân chơi mới, rộng lớn hơn, được giao lưu, học hỏi với rất nhiều tài năng piano khác trên thế giới để mở rộng tầm nhìn và để biết mình cần vươn lên như thế nào. Cũng ngay tại sân khấu của cuộc thi này, tôi được mọi người biết đến tiếng đàn của mình, được mọi người yêu thích và động viên nhiều hơn nữa. Được thể hiện các bản nhạc cổ điển đã ăn sâu vào máu mình trên sân khấu, được đem tiếng đàn như một thông điệp gắn bó yêu thương với mọi người, gắn kết mọi người lại với nhau là niềm vinh dự và hạnh phúc cho tôi làm sao! 

Kết quả trong một cuôc tranh tài quốc tế tôi đã đoạt được ba giải piano quốc tế tại Hoa Kỳ! 


Cuộc đời tôi thật sự có sự thay đổi lớn vào năm tôi mười lăm tuổi. Năm đó tôi và ba mẹ đã đến Đức và Áo để dự thi quốc tế và đã ở lại Đức này. Qua đây, một chữ tiếng Đức tôi chưa hề biết đến! Thế nhưng, niềm đam mê tiếp tục đến với âm nhạc cổ điển và lòng quyết tâm thi đậu đầu vào đại học âm nhạc Đức đã giúp tôi vượt qua mọi trở ngại về ngôn ngữ cùng với sự giúp đỡ, động viên luôn tràn ngập lòng tin yêu của ba mẹ dành cho tôi. Việc đầu tiên là ba mẹ đã mua trả góp cho tôi một chiếc piano để tôi có đàn luyện tập mỗi ngày. Ngày nào ba cũng lội tuyết đi cùng tôi tới lớp học tiếng Đức. Có những lúc hai cha con phải leo dốc hay lên những bậc tam cấp tràn ngập tuyết, trơn trợt và hai cha con đã suýt té mấy lần. Mẹ ở nhà lo nấu ăn cho hai cha con mà lòng cũng bồn chồn lo lắng, đứng ngồi không yên. Việc học tiếng Đức của tôi cứ thế trôi qua. Cuối cùng tôi cũng lấy được các loại bằng để đủ điều kiện tham gia cuộc thi đầu vào năm nhất cử nhân khoa piano cổ điển trình diễn. 


Tôi bước vào năm nhất đại học với biết bao khó khăn của việc tuyển chọn! Nước Đức là một nước có học phí gần như thấp nhất thế giới nên đã thu hút biết bao nhiêu sinh viên trên thế giới muốn đến học, ngay cả các sinh viên từ Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Úc, Nga... cho dù ở các nước văn minh này đều có các trường nhạc nổi tiếng nhưng học phí tại các nước này lên đến vài chục ngàn đô la một năm. Đây quả là một khó khăn quá lớn cho sinh viên! Nhưng họ đâu biết rằng Đức là đất nước không chú trọng nhiều về việc thu học phí mà chú trọng đến việc thu nhận và đào tạo những nhân tài tinh tuý nhất, vì vậy, các cuộc thi không phải cứ đủ điểm là đậu mà luôn là các cuộc thi tuyển (Concourt) với số lượng chỉ là một hay hai sinh viên mỗi năm cho mỗi khoa. Họ muốn nhận vào và đào tạo ra những người thật sự được gọi là “hạt ngọc đã được rèn giũa”! Đây quả là một thử thách tôi chưa bao giờ gặp phải ở cái tuổi mười sáu của mình. Cuộc thi đầu vào năm nhất đại học này đã gây cho tôi rất nhiều áp lực bởi tuổi tôi so với các sinh viên khác cách nhau quá nhiều và họ cũng đều là những nhân tài đến từ các nước khác để dự thi. Ba mẹ tôi lại tiếp tục khuyến khích, động viên tôi vững niềm tin. Bước vào cuộc thi, tôi như quên hết mọi áp lực, chỉ nghĩ mình đang chuẩn bị mời giám khảo thưởng thức các bài cổ điển qua tiếng đàn của mình. Tôi say mê đàn như thể ba mẹ tôi cũng có mặt trong phòng thi để lắng nghe từng nốt nhạc từ tay tôi điều khiển. Tôi đã đàn bằng cả tâm hồn, trí óc và bằng những kỹ năng tôi luyện tập hàng ngày. Và điều không thể tin được đã xảy ra: tôi là sinh viên duy nhất đậu vào năm nhất khoa piano cổ điển trình diễn năm 16 tuổi. 


Bước vào đại học năm nhất, mọi thứ không dễ như tôi tưởng tượng và hy vọng! Giáo sư giảng bài các môn lý thuyết thao thao bất tuyệt bằng tiếng Đức khiến tôi ngộp thở! Và mới năm nhất mà sao đã lắm môn thế! Tôi tự nhủ. Thế nhưng, cái máu thích tự thử thách mình, thích tham gia các cuộc thi, thích đem tiếng đàn của mình đến với mọi người như một lần nữa lại mời gọi, thúc giục tôi đến với cuộc thi Steinway khi tôi vừa chập chững bước vào năm nhất đại học. Cuộc thi này dành cho toàn bộ sinh viên từ đại học năm nhất đến năm cuối cao học. Tôi cứ đắn đo suy nghĩ mãi, cuối cùng, với sự thúc giục sâu sa trong lòng mình cùng với sự động viên của ba mẹ, tôi là người cuối cùng ghi danh trong danh sách thi Steinway năm ấy. Lần này, không phải là thi với sinh viên năm nhất cử nhân như ở đầu vào nữa mà là thi cả với các anh chị năm cuối cao học, lớn tuổi hơn tôi nhiều và đang chuẩn bị ra trường để về nước nhận công tác hay làm việc ngay tại Đức này... Lo lắng tràn ngập!. Khi bước vào phòng thi, tay chạm vào phím đàn, tự dưng tôi quên tất cả, lòng tôi chỉ tràn ngập niềm say mê được gửi các bản nhạc đến tai khán giả và ba mẹ tôi cũng đang ngồi dự, theo dõi từng ngón tay tôi lướt trên phím đàn và chắc hẳn ba mẹ tôi cũng đang hạnh phúc lắm khi thấy con mình luôn tự tin, say mê với những âm thanh lúc trầm bổng, lúc thánh thót, lúc chậm rãi, khi lướt nhanh nhưng thật sâu lắng. Tôi đã hoà mình vào âm thanh trầm bổng của cây dương cầm để thể hiện các bản nhạc cổ điển bằng hết sức mình, không còn nghĩ gì đến việc thắng thua. Năm đó, tôi đã nhận được giải Steinway như thế đấy! 

Năm thứ hai và thứ ba đại học cũng là những năm mà các môn học tăng lên theo số lượng và mức độ khó. Khó về chuyên môn đã đành mà còn khó về vốn từ các thuật ngữ bằng tiếng Đức nữa. Thật may cho tôi là tôi chưa bao giờ bị nợ lại hay rớt bất cứ môn nào trong ba năm học này! 

Ngay học kỳ đầu của năm thứ hai đại học, tôi đã có ý muốn táo bạo xin thi tốt nghiệp cử nhân sớm vì ở Đức này, bất cứ sinh viên nào từ năm thứ hai trở đi, tự cảm thấy mình có đủ khả năng thi tốt nghiệp cử nhân và được giáo sư chuyên môn của mình đồng ý đều được tham dự thi tốt nghiệp. Tôi đã ngỏ ý xin với giáo sư chuyên môn và được giáo sư ký giấy đồng ý thông qua một cuộc họp của Hội đồng nhà trường cho đi thi với lời hứa của tôi là phải hoàn thành tốt tất cả các môn lý thuyết! 

Như vậy thi tốt nghiệp Cử nhân âm nhạc ở Đúc gồm hai phần riêng biệt. Một là tốt nghiệp chuyên môn như của tôi là piano cổ điển trình diễn cùng với luận án. Hai là phần lý thuyết như phân tích tác phẩm, sáng tác... 

Tấm bằng không phải là tất cả nhưng nó đánh giá cả quá trình học tập và làm việc của mình. Ba mẹ sẽ đau khổ như thế nào nếu mình thi rớt? Người khác có điều kiện kinh tế và có đầy đủ giấy tờ để tiếp tục ngồi học ở các năm sau còn mình thì sao nếu bị trục xuất về nước mà không có được gì hết! 

Ba mẹ tôi lần này còn sốt ruột hơn tôi khi nghe tin năm nay chỉ lấy một cử nhân. Tuy thế, ba mẹ vẫn hết sức động viên, khuyến khích tôi đừng nản, mọi cố gắng sẽ có kết quả. Tôi đã tăng thêm giờ luyện tập chuyên môn và học lý thuyết ở bất cứ đâu, học ngay trên xe bus hay tàu điện ngầm mỗi lúc tôi từ nhà đến trường hay từ trường về nhà. Đêm tôi chỉ ngủ hai hay ba tiếng rồi lại thức dậy làm bài tập về lý thuyết, sáng tác... Ngày thi tốt nghiệp cử nhân về chuyên môn piano cũng đến. Ba mẹ được phép cùng vào phòng dự thi để xem tôi trình bày luận án tốt nghiệp của mình. Tôi như được chắp thêm cánh vì sự có mặt của ba mẹ, vì sự cổ vũ động viên từ ba mẹ mà tôi cảm nhận được. Tôi đã bảo vệ luận án tốt nghiệp một cách tuyệt vời như chưa bao giờ làm được như vậy khi vừa chấm dứt học kỳ thứ 5 thay vì học kỳ thứ 8. Ba mẹ tôi đã thật sự vui mừng và hãnh diện khi tôi được chấm đậu cử nhân về ngành trình diễn piano cổ điển năm 19 tuổi. 

Niềm vui tốt nghiệp cử nhân chuyên môn về trình diễn piano chưa được bao lâu. 

Buổi sáng hôm ấy, cái ngày tôi không bao giờ quên, cảnh sát đã gõ cửa vào trục xuất ba mẹ tôi. Sét đánh ngang tai! Mọi thứ như sụp đổ, tối sầm trước mắt tôi. Cánh cửa tương lai chẳng lẽ đã khép chặt trước mắt tôi một cách lạnh lùng đến thế sao? Đứng nhìn ba mẹ bước lên xe cảnh sát như những tội phạm mà tim tôi như thắt lại, bị bóp nghẹt. Mọi thứ đều một màu đen ảm đạm như cuộc sống của tôi từ ngày ấy. Cuộc sống sắp tới của ba mẹ rồi sẽ ra sao? Liệu ba mẹ sẽ thế nào khi về đến Việt Nam mà còn bỏ lại đây khúc ruột duy nhất của mình? Sức khoẻ của ba mẹ liệu có vượt qua được cuộc khủng hoảng này không. Còn tôi, sẽ sống ra sao khi mười chín năm nay chưa một lần thiếu bàn tay chăm sóc, thương yêu của ba mẹ? Từ hôm nay tôi sẽ bắt đầu cuộc sống của mình như thế nào? Phải làm gì để cứu ba mẹ đây?... Tôi miên man như lạc vào thế giới của đủ thứ câu hỏi hóc búa không lời giải đáp... Đêm xuống, mọi thứ lại quay cuồng trước mắt tôi khiến tôi không ngủ được. Một tiếng động nhỏ cũng làm tim tôi thắt lại vì sợ hãi. Chả đêm nào tôi ngủ được khi vẫn bặt tin về ba mẹ. Các bài tập lý thuyết chưa thi còn đầy đó mà đầu óc tràn ngập những vấn đề phải giải quyết, con nhân sư to lớn luôn đối mặt trước mắt! 

Cho đến ngày nhận được tin ba mẹ đã về được nhà bà con và tạm sống ở đó. Phải mất cả tháng trời tôi mới yên tâm nhờ vào những lời động viên và sự giúp đỡ của các giáo sư và các bạn cùng trường, trên hết là những lời ba mẹ động viên tôi tiếp tục hoàn tất tốt các môn thi lý thuyết để gặt hái thành công tấm bằng cử nhân. Thế là tôi lại tiếp tục cuộc hành trình vượt khó để thức đêm làm bài tập, sáng tác... chuẩn bị cho kỳ thi lý thuyết. 

Song song với thời điểm thi lý thuyết, kỳ thi đầu vào cao học cũng được tổ chức. Tưởng như sau khi thi tốt nghiệp chuyên môn piano, tôi được rảnh thời gian để lo lý thuyết, thì nay lại lao đầu vào các buổi luyện tập để thi đầu vào cao học! Rồi tham gia trình diễn trong các buổi Concert mà nhà trưởng tổ chức để ủng hộ tôi về mặt tài chánh. Tôi như con quay, suốt ngày làm việc. Ngày thì luyện tập tham gia trình diễn, đêm lo làm bài tập, sáng tác với nỗi nhớ mong, lo lắng cho cha mẹ ở xa, rồi phải tự lo mọi chuyện cho cuộc sống mà hồi nào tới giờ luôn có sự giúp đỡ của ba mẹ. Nay tôi phải tự lo từ đầu tới cuối. 


Ngày thi đầu vào cao học đã đến, hàng trăm đơn xin dự thi, 70 thí sinh được xét đủ điều kiện thi và cũng chỉ lấy một, hai người đậu. Đặc biệt năm 2019 này, việc đậu đầu vào cao học trình diễn nhạc cụ, văn bằng tốt nghiệp tương đương tiến sĩ từ năm nay. Do vậy các thí sinh đã lấy xong bằng thạc sĩ piano của mấy năm trước lại nộp đơn xin thi lại cao học năm 2019 này, bởi họ muốn lấy tấm bằng tương đương với tiến sĩ của các nước! Cũng chính vì thế mà số lượng người nạp đơn thi đông như vậy. Không chỉ là các thí sinh ở Đức, mà còn có thí sinh của các nước khác tham gia thi. 

Tôi thật không thể tin được sao mà cái số tôi lại gặp nhiều thử thách và rắc rối thế! Nhưng dù sao tôi vẫn không thể phụ lòng tin của ba mẹ và các giáo sư trong trường. Với quyết tâm đó, bước vào phòng thi, tôi đã hoà quyện tâm hồn mình vào từng bản nhạc cổ điển danh tiếng của nhân loại, tôi hình dung lại cái hạnh phúc khi ngồi đàn cho ba mẹ nghe, tay mẹ thì may vá hay đan móc mà tai thì theo dõi, lắng nghe từng nốt nhạc tôi đàn, ba ngồi viết bài hay đọc sách báo. Chưa bao giờ tôi thấy hạnh phúc như những lúc đó! Những lời giảng giải, ví von, phân tích từng câu nhạc của giáo sư chuyên môn cộng thêm những âm thanh truyền cảm từ cây dương cầm đã khiến tôi quên hết là mình đang thi mà đơn thuần là đang đem âm nhạc đến tai mọi người trong niềm đam mê và hạnh phúc. Tôi đang trong giây phút cầu nguyện tuyệt vời! Tôi như quên hết bao nỗi sợ hãi thường ngày, hoà mình hẳn vào các âm thanh đang phát ra từ các ngón tay mình. Kết thúc phần trình tấu, tôi bước ra khỏi phòng thi mà lòng vẫn thấy thanh thản và hạnh phúc bởi những cảm giác vừa trải qua vẫn còn đó. 

Gần một tháng sau, tôi nhận được giấy báo đã tốt nghiệp cử nhân ngành trình diễn piano cổ điển loại giỏi và giấy báo đậu cao học 2019, thời gian học sẽ kéo dài hai năm. 

Đó là món quà vô cùng giá trị trong cuộc đời tôi! Ba mẹ ơi, như vậy là con đã không phụ công lao và lòng tin yêu của ba mẹ dành cho con suốt 19 năm qua và chắc chắn ba mẹ vẫn sẽ dành cho con suốt cuộc đời này. Con sẽ tiếp tục cố gắng vươn lên trong niềm tin yêu của ba mẹ, không phụ lòng tin của các giáo sư và bạn bè, không phụ sự giúp đỡ của các ân nhân trong suốt quãng thời gian con tưởng như mình đã rớt xuống đáy vực thẳm! 

Nay con muốn đem sự nỗ lực vươn lên này để tỏ lòng biết ơn ba mẹ, biết ơn các giáo sư đã giảng dạy cho con suốt mấy năm qua, cám ơn các bạn cùng trường đã giúp đỡ con lúc khó khăn, hoạn nạn. Con cũng đồng kính cảm ơn: 

- Quý Ân Nhân đã giúp con thành đạt. 

- Kính cảm ơn Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo. Hội đồng Giám mục Vietnam. 

- Kính mang ơn Hội Thánh Tin Lành Đức đã cưu mang con trong lúc hoạn nạn khốn cùng. 

- Cảm ơn Tổ chức Bên Em Luôn Có Ta đã thường xuyên hỗ trợ cho Nụ Dương Cầm Hồng Ân. 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo