Vũ Đông Hà (Danlambao) - Có nhiều suy luận về ý đồ xâm lược của Bắc Kinh tại Bãi Tư Chính. Chuyên gia Mỹ Derek Grossman cho rằng Bắc Kinh muốn nắn gân quan hệ Việt-Mỹ (1). Theo chuyên gia người Úc Carl Thayer thì Bắc Kinh muốn biến Việt Nam thành một nước "nghe lời", đồng ý với Bộ quy tắc Ứng xử (COC) tại biển Đông với những điều kiện của Bắc Kinh đưa ra, phải từ bỏ thăm dò dầu khí đơn độc, chấp nhận thương lượng về khai thác chung với Trung Quốc (2).
Để có một góc nhìn khác về biến động Tư Chính và ý đồ của Bắc Kinh, chúng ta thử nhìn lại quan hệ giữa thành phần chóp bu của 2 đảng cộng sản, quan hệ giữa hai quốc gia và mức độ thống trị của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Quan hệ giữa lãnh đạo 2 đảng
Tại đại hội đảng 12, với sự hỗ trợ ngấm ngầm nhưng mạnh mẽ của Bắc Kinh, Nguyễn Phú Trọng đã lật ngược bàn cờ chính trị, loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng đang ở thế thượng phong ra khỏi chính trường và đắc cử chức vụ Tổng Bí thư. Sau đó, với sự chống lưng của thiên triều, Nguyễn Phú Trọng thống lĩnh luôn chức vụ Chủ tịch nước, trở thành nhân vật quyền lực nhất trong lịch sử đảng CSVN và là tay sai trung thành đắc lực của Bắc Kinh. Đó là Tổng Bí thư và Chủ tịch nước.
Sang đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Chuyến đi Trung Quốc của Nguyễn Thị Kim Ngân vào tháng 7/2019 cho thấy quan hệ vô vàn khắng khít, nồng ấm và tuân phục của bà Chủ tịch Quốc hội với các lãnh đạo lớn nhỏ của Bắc Kinh (3). Hình ảnh bà Ngân tươi cười, thoải mái tại các buổi "tiếp khách" trong khi chủ nhà đang kéo quân xâm phạm chủ quyền VN tại Bãi Tư Chính cho thấy hoặc là Tư Chính không là một mối âu lo đối với bà Ngân, hay bà ta đã thần phục thiên triều, hoặc cả hai.
Về phần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vào cuối tháng Tư, 2019 thay vì Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng - "phó tổng bí thư bán chính thức" thì Nguyễn Xuân Phúc là người sang Tàu dự Hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến Một vành đai, Một con đường do Bắc Kinh tổ chức. Cho đến trước "biến cố Bãi Tư Chính" Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa có một chỉ dấu nào đi ngược lại hay làm phật lòng Bắc Kinh.
Tổng Bí thư kiêm Chủ nước sẵn sàng làm tay sai. Chủ tịch Quốc hội sẵn sàng làm nô tì. Thủ tướng thì chưa ngoẹo đầu sang phương Tây, vẫn dẹo cổ về hướng bắc. Cả 3 người đứng đầu bộ máy quyền lực của đảng và nhà nước CSVN đều là những kẻ đang thần phục thiên triều tuyệt đối. Như vậy tại sao Bắc Kinh lại tấn công Bãi Tư Chính, gây khó khăn cho những tay sai đắc lực và biết nghe lời?
Quan hệ giữa 2 nước
Cho đến khi Hải Dương Địa Chất 8 cùng với lực lượng tàu hải cảnh, tàu cá và tàu dân quân biển cày nát khu vực Bãi Tư Chính thì quan hệ Việt-Trung vẫn là "đại cục", là "di sản". Mối tương giao Việt Nam - Trung Quốc vẫn là "Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" trên cơ sở phương châm 16 chữ vàng - "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt - "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt". Đây không phải chỉ là khẩu hiệu trên giấy tờ, biểu ngữ. Hợp tác toàn diện đã được thực hiện trên mọi lãnh vực. Từ đấu thầu dự án, vay mượn nợ, thông thương cửa khẩu, chính thức hoá việc sử dụng Mao tệ tại các tỉnh biên giới, kết hợp hoạt động giữa công an, quân đội, toà án với nhau... Không có một quốc gia nào trên thế giới lại khắng khít, lệ thuộc và giới cầm quyền biết nghe lời, hợp tác ngoan ngoãn đối với Bắc Kinh như nước CHXHCNVN. Vậy tại sao lại... Bãi Tư Chính?
Mức độ thống trị của Trung Quốc đối với Việt Nam
Kể từ sau Mật ước Thành Đô, Việt Nam từng bước rơi vào quỹ đạo thống trị của Tàu cộng. Cho đến bây giờ, Bắc Kinh đã thành công trong chiến lược từng bước xâm lược mềm Việt Nam mà không cần kéo quân vượt biên giới. Hà Nội đã từng bước ký nhượng, cho phép sự hiện diện - từ người đến dịch vụ, hàng hoá, công trình, dự án, gián điệp của Tàu trên toàn lãnh thổ và trong từng ngỏ ngách của hệ thống chính quyền. Trung Quốc không cần phải đánh Việt Nam để chiếm Việt Nam. Xin xem bài "Tàu cộng: không cần phải đánh VN chúng nó!" (4)
Tay sai đã có, chư hầu đã nằm phục dưới chân, cả nước gần như nằm trong tay, tại sao Bắc Kinh lại phải sinh sự và gây hấn với "láng giềng hữu nghị" của mình?
Vậy nhu cầu nào dẫn đến những hành động của Bắc Kinh tại Bãi Tư Chính?
Đó là nhu cầu chính trị của Tập Cận Bình và các chóp bu tay sai Ba Đình đang tham gia vào vở tuồng Bãi Tư Chính của đạo diễn họ Tập.
Những khó khăn mà Tập Cận Bình đang đối diện
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không chỉ đem đến những thiệt hại về kinh tế cho Trung Quốc. Đằng sau những con số 10%, 25%, 30% áp thuế lên hàng hoá Tàu, đằng sau cuộc đua về "ý chí" xem dân nước nào chịu đựng được những thử thách là những thành phần thật sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc chiến thuế quan này. Đó là thành phần những chủ nhân ông đang nhìn tài sản, trương mục nhà băng đi xuống. Đó là những đại gia đỏ. Đó là những cán bộ quan chức và vợ chồng con cái đang làm chủ các công ty lớn tại Hoa Lục. Tất cả cộng lại làm nên thành phần "elite" của xã hội Hoa Lục, là xương sống của chế độ. Đó là thành phần mà biểu đồ lên xuống của sự nghiệp chính trị Tập Cận Bình phụ thuộc vào.
Biến động tại Hong Kong cũng đang thách thức quyền uy của "hoàng đế" Tập Cận Bình. Tình trạng leo thang phản kháng của hơn một triệu người Hong Kong, từ phản đối đạo luật dẫn độ, bước sang đòi hỏi tự do, dân chủ và có cơ hội tiến lên thành một cuộc cách mạng giành lại độc lập, tự chủ cho bán đảo nhỏ bé này. Hong Kong đang làm lung lay hình ảnh cai trị tuyệt đối của kẻ cầm đầu hơn 1,4 tỉ người, trong một quốc gia nhiều sắc dân và hiểm họa đòi tự trị luôn luôn ngấm ngầm hiện hữu.
Thành phần nội bộ đảng đã đứng cùng phe với Tập Cận Bình để làm giàu và thành phần bị Tập Cận Bình loại ra khỏi vị trí quyền lực đang có những vọng động thách đố vị trí quyền uy tột đỉnh của hoàng đế họ Tập.
Tập Cận Bình tìm cách giải quyết nguy cơ tiềm ẩn đến từ 2 vấn nạn trên bằng cách tạo ra một vấn nạn lớn hơn: Chủ quyền và giấc mơ Trung Hoa đang bị đe doạ. Kẻ thù là tên láng giềng hung hãn, phản bội Việt Nam đang xâm lấn chủ quyền của Trung Quốc. Từ đó, màn kịch Bãi Tư Chính ra đời.
Vở tuồng Tư Chính
Diễn viên phù hợp nhất, sẵn sàng đóng theo phiên bản kịch không thể là Malaysia, Phillippines mà phải là một quốc gia với tập đoàn cai trị sẵn sàng thi hành bất kỳ chuyện gì mà Bắc Kinh muốn. Quốc gia đó không ai khác hơn là Việt Nam Cộng sản. Quốc gia đó đang là chư hầu số một, bộ phận lãnh đạo là tập đoàn tay sai số một của Bắc Kinh.
Đối tượng khán giả của vở kịch mà đạo diễn Tập Cận Bình nhắm tới không phải là người Việt Nam. Họ chẳng có ảnh hưởng gì đến vị trí quyền lực của họ Tập. Cũng không phải là người dân của các nước Đông Nam Á khi lãnh đạo các nước này chỉ muốn yên thân hợp tác với Bắc Kinh và sẵn sàng im lặng, không liên quan đến chuyện Việt Nam. Đối tượng khán giả chính là thành phần elite, quân đội, đến quần chúng Tàu mà Tập Cận Bình muốn củng cố tinh thần bằng cách đưa ra một vấn nạn mới để đánh lạc hướng cơn khủng hoảng kinh tế gây ra bởi chiến tranh thương mại và cơn khủng hoảng niềm tin vào khả năng thống trị đến từ vấn nạn Hồng Kông.
Cuốn phim Bãi Tư Chính được chiếu cho khán giả Tàu hoàn toàn khác với những gì người Việt chứng kiến. Bằng sự kiểm soát tuyệt đối đối với truyền thông lẫn mạng xã hội, đảng viên lẫn dân Tàu chỉ được nghe, xem, đọc những gì mà Tập Cận Bình muốn. Đối với dân Tàu, đó là tàu khảo sát của Trung Quốc bị hải quân Việt Nam xách nhiễu khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đó là thái độ hung hăng, ngang ngược, vừa ăn cướp vừa la làng của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đó là hành vi khiêu khích và thách đố niềm tự hào của Trung Hoa vĩ đại khi quân thù nghịch đưa 2 tàu hải quân vào lãnh hải của Trung Quốc. Đó là thái độ xảo trá, phản bội của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khi vừa thăm viếng Trung Quốc, được tiếp đón trọng thị, lại vừa xâm lấn chủ quyền của "nước ta". Đó là thông điệp "sơn hà nguy biến" đang được tung ra và chiến lược dùng chủ nghĩa quốc gia, niềm tự hào đại Hán để người dân Trung Hoa thần phục chế độ đang được tái diễn.
Trong màn kịch này, chuyến đi của Nguyễn Thị Kim Ngân, thái độ im lặng của "tam trụ" Trọng, Phúc, Ngân, lúc nào người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng lên tiếng và lên tiếng ở mức độ nào, ngay cả nếu có chiến hạm hải quân Việt Nam có được điều động ra khu vực... tất cả đều có sự trao đổi giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Trong vở tuồng này, dứt khoát không có tiết mục Việt Nam kiện Trung Quốc ra trước toà án quốc tế để kịch bản không còn hoàn toàn nằm trong phần chủ động của đạo diễn Tập Cận Bình và phụ tá tay sai Nguyễn Phú Trọng. Nhất định không có xuống đường biểu tình rầm rộ tại Việt Nam vì không thể để nguy cơ chống Tàu từ trong và ngoài đảng có cơ hội vượt ra khỏi tầm kiểm soát của kịch bản.
Kết
Bắc Kinh không cần thực sự xâm lược Bãi Tư Chính. Bãi Tư Chính đã nằm sẵn trong tay của Tàu Cộng, tuy chưa chính thức. Cũng như lãnh đạo đảng CSVN đã ngoan ngoãn đội lên đầu vòng kim cô của Bắc Kinh, tuy chưa bao giờ xác nhận. Cũng như Việt Nam đã trên đà trở thành một đặc khu "tự trị" của Bắc Kinh, tuy chưa ký văn bản. Số phận của toàn cõi Việt Nam cũng giống như số phận của Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Nó là một "đại đặc khu" mà bản dự thảo mang tên "Đặc khu Việt Nam" đã được soạn sẵn từ thời Mật ước Thành Đô, chờ ngày tung ra và một tên thái thú người Việt sẽ đặt bút ký.
Vấn đề nghiêm trọng không chỉ nằm ở Bãi Tư Chính. Đại nạn của chúng ta là đang đối diện với thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ 4. Đại nạn lớn hơn của dân tộc là đại đa số người Việt Nam vẫn nhỡn nhơ như đang sống trong một nước "độc lập - tự do - hạnh phúc".
Như những con tàu Hải Dương mang cờ đỏ 5 sao thoải mái đến lúc nào thì đến, đi lúc nào thì đi, sự kiện Bãi Tư Chính sẽ bùng lên, hạ xuống theo nhu cầu chính trị và tính toán của Tập Cận Bình. Tập đoàn tay sai Hà Nội lại được Bắc Kinh cho phép tuyên bố chiến thắng để làm mát lòng đám dân đen và đảng viên đỏ. Nhiều người Việt vỗ tay hoan hô. Nhiều người Việt thở phào nhẹ nhỏm. Nhiều người Việt vẫn ngày qua ngày... đâu có chuyện gì nghiêm trọng!
Nhưng đối với những công dân Việt Nam yêu nước còn nặng lòng với tổ quốc thì cuộc trường kỳ kháng chiến chống Bắc Thuộc lần thứ 4 phải khởi sự ngay từ bây giờ. Chúng ta không chỉ chống hành vi xâm lược Bãi Tư Chính dù đó là mưu đồ phục vụ Tập Cận Bình; Chúng ta phải chống lại cuộc xâm lăng đã được tiến hành trên toàn bộ đất liền và lãnh hải Việt Nam từ ngày các chóp bu Hà Nội đặt bút ký Mật ước Thành Đô. Nhưng mọi nỗ lực chống quân xâm lược đều vô vọng nếu chính quyền lại là một tà quyền cúi đầu thần phục, tiếp tay bán nước cho giặc. Không thể chống xâm lăng khi Lê Chiêu Thống vẫn ngồi ở ngai vàng. Loại trừ Nguyễn Phú Trọng và bầy đàn bán nước của tên thái thú người bản xứ này phải là mục tiêu đi trước của dân tộc Việt Nam.
Chú thích:
26.08.2019