Thế giới tuần qua - Dân Làm Báo

Thế giới tuần qua

CTV Danlambao - Trong tuần qua thế giới có nhiều biến động, Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn trong thôn, cập nhật các tin chính đáng chú ý sau đây. Hong Kong - thành phố hơn 7 triệu dân vẫn là tâm điểm chính của thế giới. Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Nga. Anh, Ý là những quốc gia có những tin tức đáng quan tâm.

Hơn 1 triệu người Hong Kong xuống đường biểu tình dưới mưa

Cuối tuần trước, thời tiết xấu không ngăn được người Hong Kong xuống đường biểu tình. Các nhà tổ chức cho biết, ít nhất 1,7 triệu người tham gia tuần hành ôn hoà trong ngày 18/8, con số phía cảnh sát đưa ra thấp hơn nhiều.
“Người dân Hồng Kông đang phẫn nộ với chính phủ và cảnh sát”. Đại diện Mặt trận Nhân quyền Dân sự, ông Jimmy Chan nói rằng cuộc chiến sẽ không kết thúc ngay cả khi cuộc biểu tình kết thúc vào ngày hôm nay.

Lãnh đạo Hồng Kông cam kết đối thoại với người biểu tình, nhưng từ chối rút lại hoàn toàn luật dẫn độ

Trong cuộc họp báo vào thứ Ba, bà Carrie Lam tuyên bố chính quyền sẽ có giải pháp cho tình trạng bất ổn của đặc khu, đồng thời tuyên bố “Tất cả các quan chức và tôi cam kết lắng nghe những gì mọi người nói”. Bà nhấn mạnh, “đó là biểu hiện chân thành của hy vọng được đối thoại với những thành phần khác nhau trong xã hội”.

Bà Lam cho biết sẽ bắt đầu tiếp cận những người mà trước đây đã đề xuất đối thoại. 

Khi được hỏi liệu chính quyền đặc khu có đáp ứng 5 yêu cầu chính của người biểu tình hay không, trưởng đặc khu cho biết Hội đồng Xử lý Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (ICPC), cơ quan giám sát lực lượng cảnh sát Hồng Kông, sẽ tiến hành một cuộc điều tra để tìm hiểu những gì thực sự đã xảy ra. Tuy nhiên, một lần nữa, bà Lam loại trừ việc rút toàn bộ dự luật dẫn độ.

Người Hồng Kông phát động chiến dịch #Eye4HK và kêu gọi thế giới ủng hộ
Chiến dịch với từ khóa #Eye4HK có liên quan tới con mắt một nữ sinh đã trúng đạn trong cuộc biểu tình bên ngoài đồn cảnh sát Tiêm Sa Thủy (Tsim Sha Tsui) vào ngày 11/8. Viên đạn bắn trúng cô gái này đã được tìm thấy trong kính bảo hộ của cô. Nhãn cầu mắt bên phải của cô đã bị hủy hoại. Vụ việc đã khiến người biểu tình kêu gọi nhau che mắt phải, và kêu gọi trên các phương tiện truyền thông xã hội ủng hộ cô gái. Đến ngày 22/8, đông đảo cư dân mạng đã “cùng nhau che mắt phải”.

Người dân Hồng Kông tiếp tục công bố kế hoạch biểu tình tại ga tàu điện ngầm Cửu Long 

Kế hoạch cho cuộc biểu tình chống chính phủ tại ga tàu điện ngầm Cửu Long được đưa ra trong khi ngân hàng cảnh báo về nguy cơ sụp đổ kinh tế do biểu tình.

Ngân hàng Đông Á (BEA) có trụ sở tại Hồng Kông đã công bố lợi nhuận ròng sáu tháng đầu năm sụt giảm 75%, đồng thời cũng cảnh báo bầu không khí căng thẳng ở đặc khu có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp và cả du lịch nếu không có giải pháp sớm.

Trung Quốc gửi thư yêu cầu truyền thông quốc tế khách quan về biểu tình Hồng Kông

Trên các phương tiện truyền thông, Bắc Kinh kêu gọi truyền thông nước ngoài đưa tin khách quan về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Trung Quốc đã gửi một bức thư đến hàng chục cơ quan báo chí nước ngoài nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận quốc tế. Quyết định của Bắc Kinh đưa ra sau khi Hồng Kông bước vào tháng thứ ba bất ổn chính trị và xã hội chưa từng có.

Trung Quốc cảnh cáo Đài Loan: ‘Ngừng dung túng tội phạm’ trong biểu tình Hồng Kông

Thứ Hai, ngày 19/8,Trung Quốc đả kích Đài Loan về đề nghị cấp tị nạn cho những người biểu tình Hồng Kông đang đối mặt với việc bị truy tố. Bắc Kinh yêu cầu Đài Bắc “ngừng can thiệp”.

Người phát ngôn của Văn phòng Sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang), cảnh báo đảng Dân tiến cầm quyền Đài Loan “ngừng xâm phạm thượng tôn pháp luật ở đặc khu, ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông, và ngừng dung túng những kẻ tội phạm bằng mọi cách”.

Ông Mã nói, chính quyền Đài Loan “phớt lờ sự thật và đảo ngược trắng đen, không chỉ che giấu tội ác của một số ít ngươi biểu tình Hồng Kông, mà còn kích động sự kiêu ngạo của họ khi họ phá hủy Hồng Kông.”

Việc Đài Loan cho phép người biểu tình Hồng Kông tị nạn khiến mối căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan ngày càng leo thang. Từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016, mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc trở nên tồi tệ, vì đảng Dân tiến của bà Thái từ chối công nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

Báo chí Trung Quốc dùng cụm từ “bè lũ 4 tên” để chỉ mặt các nhà dân chủ Hồng Kông 

Tin tức từ tờ Hoa Nam Tảo Báo Buổi Sáng cho hay truyền thông Bắc Kinh ví bốn nhà dân chủ Hồng Kông là “Tứ nhân bang” (Bè lũ bốn tên), cụm từ từng được dùng để ám chỉ những kẻ lũng đoạn nhất trong Cách mạng Văn hóa, chiến dịch do Đảng CS Trung Quốc phát động từ năm 1966-1976 khiến hàng triệu người chết. “Tứ Nhân Bang” là nhóm 4 người tích cực hoạt động nhất trong chiến dịch Cách mạng Văn hóa, nhưng cuối cùng đã bị đưa ra xét xử trước tòa với tội danh chống Đảng.

Truyền thông Bắc Kinh đang tìm cách đổ lỗi cho các nhà ủng hộ dân chủ hàng đầu ở Hồng Kông với cáo buộc họ thao túng giới trẻ tham gia vào các cuộc biểu tình quy mô lớn ở thành phố trong thời gian gần đây.

Tỷ phú Jimmy Lai, nhà sáng lập Đảng Dân chủ, ông Martin Lee, cựu Thư ký Hội đồng điều hành Hồng Kông, bà Anson Chan, và cựu nghị sỹ Albert Ho là những người bị "điểm danh".

Facebook, Twitter khóa tài khoản giả ở Trung Quốc có liên quan đến biểu tình Hồng Kông

Twitter và Facebook đã dỡ bỏ một chiến dịch truyền thông xã hội do nhà nước Bắc Kinh hậu thuẫn nhằm tìm cách tuyên truyền chống các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Có 936 tài khoản Twitter bị khoá, và Facebook cũng xóa một số tài khoản và các trang mạng xã hội, sau khi hãng này phát hiện chúng có các các mối liên kết đến những cá nhân có liên quan đến chính phủ Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng từ chối bình luận trực tiếp về các hành động của Twitter và Facebook. Tuy nhiên, ông này cho rằng người Hoa và du học sinh có quyền bày tỏ quan điểm của họ.

“Những gì đang xảy ra ở Hồng Kông, và sự thật là gì, mọi người sẽ tự nhiên có phán đoán của riêng họ. Tại sao bài viết trên phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc thì chắc chắn là tiêu cực hay sai?”- Cảnh Sảng phát biểu và cho biết ông không hiểu vì sao một số công ty và mọi người phản ứng mạnh như vậy.

Một nhân viên lãnh sự Anh ở Hồng Kông bị mất tích tại Trung Quốc

Bộ Ngoại Giao Anh hôm 20/08/2019 tuyên bố "vô cùng quan ngại" về thông tin một nhân viên lãnh sự quán Anh ở Hồng Kông có thể đã bị bắt ở Trung Quốc, khi đi từ Hồng Kông đến Thâm Quyến. Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, chỉ cách Hồng Kông nửa tiếng đồng hồ xe hơi, vì có một cuộc hẹn làm ăn. Người này đã mất tích từ đó đến nay, dù đã mua vé tàu cao tốc trở về Hồng Kông trong cùng ngày.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Anh cho biết thêm sẽ tích cực hỗ trợ gia đình của nhân viên này, và đang tìm kiếm thêm thông tin từ phía chính quyền Quảng Đông và Hồng Kông.

Simon Cheng là nhân viên lãnh sự phụ trách về đầu tư và thương mại của bộ phận phát triển quốc tế Scotland, thuộc lãnh sự quán Anh.

Cảnh sát Hồng Kông xác nhận đã mở điều tra về một trường hợp mất tích từ hôm 09/08. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói không biết gì về việc này.

Đến ngày 21/8/2019, Trung Quốc xác nhận bắt giữ nhân viên Lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận hôm thứ Tư rằng một nhân viên lãnh sự quán Anh đã bị giam giữ tại Thâm Quyến vì vi phạm luật pháp.

“Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, nhân viên này là một công dân Hồng Kông, không phải là công dân Anh, và anh ta là người Trung Quốc. Và đây hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc”, Cảnh Sảng nói.

Tờ Hoàn cầu Thời báo ngày 22.8 dẫn lời nguồn tin cảnh sát ở Thẩm Quyến tiết lộ ông Cheng bị tạm giữ hành chính 15 ngày vì dính líu đến mại dâm.

Theo luật Trung Quốc, người mua dâm hoặc bán dâm bị tạm giữ hành chính 10-15 ngày cùng mức phạt 5.000 tệ (16 triệu đồng).

Ngày 24/8, gia đình và lãnh sự quán Anh tại Hong Kong xác nhận, nhân viên bị bắt giữ đã trở về nhà an toàn. Và trên trang Facebook cá nhân của Simon Cheng anh này cho biết, tất cả các thông tin đưa ra từ phía cảnh sát đều là “dàn dựng”

Trung Quốc diễn tập ngắm bắn tàu khu trục Nhật

Ngày 19/8, các nguồn tin của Nhật cho biết máy bay quân sự của Trung Quốc đã sử dụng các tàu khu trục Nhật Bản gần đó làm mục tiêu diễn tập khi tiến hành một cuộc tập trận tên lửa ở biển Hoa Đông hồi tháng 5.

Chính phủ Nhật Bản xem đây là "hành động quân sự vô cùng nguy hiểm", có thể diễn biến thành một tình huống bất ngờ.

Tokyo không gửi công hàm phản đối hay công bố thông tin trên sớm hơn vì không muốn tiết lộ năng lực thu thập và phân tích tình báo của mình.

Dựa trên phân tích thông tin liên lạc vô tuyến, đường bay của máy bay Trung Quốc, nhờ đánh chặn được liên lạc từ máy bay, phía Nhật nắm được nội dung trao đổi giữa các phi công Trung Quốc. Theo đó, họ nói rằng sẽ sử dụng tàu chiến Tokyo làm "mục tiêu giả định".

Một số quan chức Nhật Bản xem rằng hành động này là một sự khiêu khích, trong khi các chuyên gia quốc phòng cho rằng cần phân tích thêm vụ việc.

Trung Quốc dọa trả đũa nếu Mỹ áp thuế quan

Theo tuyên bố của Trung Quốc, bất kỳ mức thuế mới nào của Mỹ cũng sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng giữa hai nước, mặc dù việc áp thuế đang trì hoãn. Người phát ngôn của bộ này nói, Trung Quốc sẽ trả đũa nếu Mỹ khăng khăng hành động.

Trung Quốc 'tung đòn' áp thuế trả đũa lên 75 tỉ USD hàng Mỹ

Khi kế hoạch áp thuế bổ sung lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Trump chưa chính thức có hiệu lực, Trung Quốc đã tung ra đòn thuế trả đũa với 75 tỉ USD hàng Mỹ.

Ủy ban Chính sách Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 23-8 thông báo Bắc Kinh sẽ áp gói thuế bổ sung lên số hàng hóa trị giá 75 tỉ USD nhập khẩu từ Mỹ - một động thái nhằm đáp trả đòn thuế mới của Washington.

Gói thuế mới sẽ ở mức từ 5-10%, áp lên 5.078 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực với một số hàng hóa từ ngày 1-9 và với số hàng hóa còn lại từ ngày 15-12.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng nối lại việc áp thuế bổ sung 25% lên xe hơi Mỹ và 5% lên các phụ tùng, linh kiện ôtô nhập khẩu từ Mỹ từ ngày 15-12.

Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho đăng tải một bài xã luận với giọng điệu gay gắt ngày 24-8, tuyên bố Bắc Kinh "sẽ chiến đấu tới cùng", và gọi các biện pháp thuế quan mới của Mỹ là "man rợ".

Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo Mỹ sẽ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu không chấm dứt "các hành vi sai trái".

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tăng thuế nhập khẩu lên 550 tỉ USD hàng Trung Quốc ngày 24-8.

Trong khi đó, China Daily, một tờ báo chính thống tiếng Anh của Trung Quốc, tuyên bố Bắc Kinh sẽ "chiến đấu để bảo vệ lợi ích cốt lõi và lợi ích quốc gia".

Trung Quốc không hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới

Hôm thứ Tư (21/8), một phát ngôn viên của Quốc hội Trung Quốc cho biết, pháp luật Trung Quốc không hợp pháp hóa kết hôn đồng tính nam và đồng tính nữ. Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra sau khi Đài Loan cho phép kết hôn đồng giới hồi tháng 5.

Trung Quốc cấm hơn 2,5 triệu công dân đi máy bay vì ‘điểm tín nhiệm xã hội’ thấp

Thời báo Toàn cầu đã đăng thông báo về việc chính phủ Trung Quốc đã cấm hơn 2,5 triệu công dân mua vé máy bay và 90.000 người khác cũng không được phép đi bằng tàu cao tốc trong tháng 7.

Một công dân Trung Quốc có thể bị mất điểm nếu chỉ trích chính phủ, truy cập các trang web trái phép hoặc duy trì liên lạc với người khác có điểm số thấp. Điều này có thể dẫn đến một loạt các hình phạt như hạn chế quyền truy cập vào Internet, không được di chuyển xa hoặc cấm con cái họ học ở các trường cấp một.

Các nhà phân tích nói rằng những lệnh cấm và trừng phạt này chỉ mới bắt đầu, và cuối cùng chúng sẽ bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống ở Trung Quốc.

Úc ngừng chương trình dạy tiếng Quan Thoại ở 13 trường công tại New South Wales

Bang New South Wales (Úc) đưa ra thông báo trên vào cuối ngày 22-8.

Chương trình dạy tiếng Quan Thoại (thuộc chương trình của Học viện Khổng Tử) được triển khai tại 13 trường công lập khắp New South Wales. Chương trình Học viện Khổng Tử do Hanban, một tổ chức phi chính phủ liên kết với Bộ Giáo dục Trung Quốc tài trợ.

Về lý do ngừng, chính quyền New South Wales tiết lộ: "Qua quá trình xem xét, chúng tôi phát hiện nhiều yếu tố cụ thể giúp củng cố nhận định rằng Học viện Khổng Tử đang hoặc có thể tạo ra các ảnh hưởng không phù hợp từ nước ngoài".

Bà Sarah Mitchell, người đứng đầu Sở Giáo dục New South Wales, cho biết chương trình Học viện Khổng Tử sẽ được thay thế bằng các lớp dạy tiếng Trung do chính phủ quản lý.

Hiện tại đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra chưa có phải hồi sau thông tin nêu trên.

EU kêu gọi "đối thoại rộng rãi" trước tình hình Hong Kong

Ngày 17/8, Liên minh Châu Âu (EU) kêu gọi tất cả các bên ở Hồng Kông khởi đầu một cuộc đối thoại mở rộng nhằm làm dịu bớt tình hình.

Lãnh đạo EU, bà Federica Mogherini, cho rằng điều quan trọng là biết kiềm chế, không chấp nhận bạo lực, và có những biện pháp khẩn cấp để giải quyết. Bà cũng nhấn mạnh rằng các quyền tự do căn bản và "quyền tự trị cao độ" của Hồng Kông được ghi trong luật pháp và các thỏa thuận quốc tế "cần phải tiếp tục được tôn trọng".

Thống đốc Ngân Hàng Trung ương Anh Quốc từ chối tham dự dạ tiệc phát triển quan hệ với Bắc Kinh 

Buổi dạ tiệc do Trung tâm tài chính Luân Đôn tổ chức vào ngày 03/09, dự kiến sẽ có mặt thống đốc Mark Carney cùng tham dự với đại sứ và một số quan chức Trung Quốc. Tuy nhiên, sáng 19/08/2019, trong bối cảnh tình hình Hồng Kông căng thẳng, ban tổ chức đã tiết lộ thông tin cho biết thống đốc "bận việc khác" không thể tham dự.

Nhật Bản xét duyệt thêm lô hàng vật liệu công nghệ cao xuất sang Hàn Quốc

Chính phủ Nhật Bản đã cho phép xuất khẩu sang Hàn Quốc lô hàng vật liệu công nghệ cao thứ hai kể từ khi áp đặt hạn chế xuất khẩu từ tháng 7 vừa qua. Theo đó, Nhật Bản cho phép xuất khẩu chất cản quang (photoresist) cho nhà sản xuất chip Samsung Electronics của Hàn Quốc.

Phát ngôn viên của Samsung Electronics và phát ngôn viên của bộ thương mại Hàn Quốc đã từ chối bình luận. Một lãnh đạo Nhật Bản phụ trách vấn đề này cũng vậy.

Nhật- Hàn đồng ý đối thoại giải quyết mâu thuẫn

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, phát biểu bên lề cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha hôm 21/8 cho biết, hai nước đồng ý về sự cần thiết có cuộc đối thoại giải quyết tranh chấp xoay quanh việc bồi thường cho các công nhân thời chiến của Hàn Quốc. Đây là vấn đề gây ra căng thẳng thương mại giữa hai nước đồng minh của Mỹ thời gian gần đây.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono phát biểu: “Tôi muốn kiên quyết tiến tới giải quyết vấn đề này”, đồng thời cho biết thêm ông muốn giữ liên lạc chặt chẽ và mong muốn đối thoại.

Một quan chức Hàn Quốc cho biết cuộc gặp có ý nghĩa trong việc khôi phục đối thoại ngoại giao và hai bên đã đồng ý tiếp tục nói chuyện.

Nhật Bản tìm cách “đối đầu” với Trung Quốc ở châu Phi

Cuộc cạnh tranh lâu dài giữa Trung Quốc và Nhật Bản một lần nữa diễn ra ở châu Phi, khi Tokyo có kế hoạch đổ thêm viện trợ vào lục địa và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng.

Ấn Độ phong trào kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc lan mạnh

Một chiến dịch kêu gọi tẩy chay kinh tế và đánh thuế thật nặng lên hàng hóa Trung Quốc đang được triển khai sau khi Trung Quốc lên tiếng ủng hộ Pakistan.

Liên minh các Thương nhân Ấn Độ (CAIT) với hơn 70 triệu doanh nhân là thành viên đã kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi tăng thuế lên 500%, và đề xuất đó được ủng hộ mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Phong trào này cũng phản đối cho phép hãng viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia phát triển mạng 5G của Ấn Độ.

“Trung Quốc là mối đe dọa với Ấn Độ mỗi ngày, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và an ninh quốc gia. Vì thế, Huawei phải bị cấm hoàn toàn”. Tổ chức CAIT cho rằng chiến dịch tẩy chay sẽ hiệu quả, để trừng phạt cả Trung Quốc và Pakistan.

Canada ra lệnh dừng các chuyến công tác đến Hong Kong của nhân viên Lãnh sự quán 

Lãnh sự quán Canada tại Hồng Kông đã đình chỉ tất cả các chuyến công tác đi Trung Quốc đại lục của nhân viên địa phương, sau khi nhân viên lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông bị Trung Quốc bắt giam tại biên giới Thâm Quyến.

Tàu chiến Hạm đội Phương Bắc của Nga tiến vào Địa Trung Hải

Văn phòng Báo chí của hạm đội phương Bắc cho biết: “Một nhóm tàu Hạm đội Phương Bắc và tàu hỗ trợ do tàu tuần dương tên lửa Marshal Ustinov dẫn đầu đã đi vào Biển Địa Trung Hải qua eo biển Gibraltar”.

Các thủy thủ Nga sẽ đến thăm một số bến cảng ở nước ngoài và tiến hành nhiều cuộc diễn tập, trong đó có tập trận nhằm tăng khả năng phối hợp với tàu chiến thuộc những hạm đội khác trong Hải quân Nga. Họ cũng sẽ tập trận chống tàu ngầm và chống phá hoại để bảo vệ một nhóm tàu chiến trong quá trình neo đậu tại một vũng tàu nguy hiểm.

Tàu Marshal Ustinov rời căn cứ Severomorsk ngày 3/7. Trong thời gian này, thủy thủ tàu đã tham gia cuộc Duyệt binh Hải quân Nga tại St. Petersburg ngày 28/7 và tập trận quy mô lớn Lá chắn Đại dương năm 2019. 

Tổng thống Nga công bố đáp trả sau khi Mỹ thử tên lửa gần biên giới Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu yêu cầu Bộ Quốc phòng và các cơ quan chính phủ khác phân tích mối đe dọa về vụ thử tên lửa mới của Mỹ và chuẩn bị đáp trả. Trước đó, ngày 19/8, Lầu Năm Góc cho biết đã thử nghiệm một tên lửa hành trình có cấu hình bắn trúng đích với tầm xa hơn 500km. Đây là thử nghiệm đầu tiên kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga vào ngày 2/8.

Khủng hoảng chính trị tại Ý: Thủ tướng tuyên bố từ chức và chỉ trích phó thủ tướng 

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ngày 20-8 tuyên bố từ chức, chỉ trích nỗ lực kêu gọi bầu cử sớm của phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Matteo Salvini nhằm leo lên ghế thủ tướng.

Tổng thống Matterella sẽ là người lãnh đạo đất nước trong tình hình hiện nay. Việc ông Conte từ chức cũng sẽ mở đường cho việc thành lập một liên minh chính phủ mới.

Trong bài phát biểu kéo dài một giờ đồng hồ, ông Conte chỉ trích bộ trưởng Salvini đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia.

Chính trường Ý rơi vào khủng hoảng sau khi ông Salvini rút khỏi liên minh cầm quyền.

Quân đội Syria chiếm cứ điểm thánh chiến Khan Cheikhoun

Quân đội chính phủ Syria ngày 18/08/2019, đã vào được thành phố chiến lược Khan Cheikhoun, phía tây bắc nước này. Theo tổ chức Đài Quân Sát Nhân Quyền Syria, lực lượng thánh chiến đã « kháng cự mãnh liệt ». Chiến sự đã làm hơn 100 người chết trong 24 giờ qua.

Syria: Quân nổi dậy rút khỏi một khu vực chiến lược ở Idleb

Quân nổi dậy Syria hôm 20/08/2019 rút lui khỏi thành phố Khan Cheikhoun ở tỉnh Idleb và các khu vực khác ở tỉnh Hama kế cận, trước đà tiến của quân Assad có sự yểm trợ của Nga. Trước đó vài giờ, quân chính phủ đã phong tỏa xa lộ nối liền Aleppo với Damas, tấn công một đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cảnh cáo Damas "không nên đùa với lửa".

Afghanistan: Khủng bố ở lễ cưới, 63 người chết, Daech nhận là tác giả

Một vụ tấn công khủng bố vào một đám cưới ở phía tây Kabul vào tối hôm qua 17/08/2019, đã khiến 63 người chết và 182 người bị thương. Vào trưa nay, trong một thông cáo, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daceh đã thừa nhận là thủ phạm. Đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất tại Afghanistan từ đầu năm đến nay.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo