SunGroup khi những ông trời con lộ mặt - Dân Làm Báo

SunGroup khi những ông trời con lộ mặt

Mẹ Nấm (Danlambao) - Năm 2015 lần đầu tiên tôi đến Bà Nà, đi để cho biết, đi để tận mắt mình chứng kiến chứ không ngồi một chỗ nghe người khác nói. Tôi đi để nhìn thấy những rừng cây bị hạ gục, để nhìn thấy những đỉnh núi bị gọt nham nhở nhường chỗ cho những toà lâu đài xám xịt bằng bê tông. Và tôi đi, để tự mình tìm câu trả lời cho bản thân và những người quan tâm “Ai đã tàn phá thiên nhiên Việt Nam?!”

“Độc quyền đường lên Bà Nà, SunGroup được gì và người dân mất gì?”

Cái được đầu tiên của SunGroup đó là độc quyền kinh doanh, người tham quan và khách lưu trú không có sự lựa chọn nào khác sau khi đã trả phí. Dịch vụ mà SunGroup cung cấp không tốt như mức phí mà họ đề ra.

Với giá vé cáp treo 550k/người lớn, 450k/trẻ em, và 350k/dành riêng cho người có hộ khẩu ở Đà Nẵng (giá vé thời điểm năm 2015), SunGroup được quá nhiều thứ khi độc chiếm Bà Nà làm khu vực kinh doanh độc quyền.

Người dân mất gì?

Sau khi con đường dẫn lên Bà Nà bị đóng cửa. Người dân buộc phải trả tiền để tham quan Bà Nà và nhận lại một thứ dịch vụ không tương xứng.

Giao đất cho một công ty kinh doanh không có nghĩa là cho họ quyền độc chiếm toàn bộ cảnh quan và tước quyền được thụ hưởng thiên nhiên của cộng đồng.

Người dân Đà Nẵng nói riêng và du khách nói chung khi đến Bà Nà đã bị mất quyền lựa chọn cái mình muốn khi Đà Nẵng để  SunGroup độc chiếm thắng cảnh này làm của riêng để kinh doanh.

Để đến Bà Nà, bạn phải trả một khoản tiền không nhỏ, tại sao phải như vậy trong khi trước đó đường lên đỉnh Bà Nà là của người dân?

Giao quyền độc quyền kinh doanh cho Sun Group, Đà Nẵng đã tước đi quyền thụ hưởng thiên nhiên và lựa chọn dịch vụ của toàn bộ người dân muốn tham quan thắng cảnh này!

Không chỉ tôi mà còn có những người khác quan tâm đến câu chuyện của SunGroup từ rất lâu. Nhưng như nhiều lần khác, chúng tôi không thắng được làn sóng thích ăn chơi, selfie trong từng khoảnh khắc. 

Tôi chia tay với người bạn thân của mình sau khi anh nói: “Anh thấy SunGroup làm tốt mà, ít ra họ có sản phẩm thực tế. Họ làm cũng đẹp mà”. Bạn thân của tôi nằm trong nhóm các nhà báo được bộ phận xử lý truyền thông của SunGroup chăm sóc rất kỹ khi tham quan Hạ Long, Quảng Ninh. 

Năm 2018, khi thông tin Việt Nam lọt vào danh sách điểm đến du lịch nhờ cây cầu vàng được SunGroup quảng bá, tôi đang ở tại Trại giam số 5 Thanh Hoá. Và câu hỏi đầu tiên bật ra trong đầu tôi khi ấy là “họ đã chặt thêm bao nhiêu héc-ta rừng nữa rồi?”

Vài năm sau, phóng sự điều tra độc lập của nhóm phóng viên báo Phụ Nữ Tp HCM được công bố. Loạt bài chỉ đích danh tập đời SunGroup với thành tích phá rừng, tấn công vào các di sản theo con đường đầu tư sinh thái du lịch tâm linh. Hai bài đầu tiên trong loạt bài “Điều tra độc quyền: Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo” khiến cộng đồng mạng dậy sóng.

Người ta cảm thấy phẫn nộ và ghê tởm với chân dung của “sư thầy” Thích Thanh Toàn” - người vừa được cộng đồng mạng đặt tên là “Thích Tý Khí”. Nhưng rõ ràng đó không phải câu chuyện mới lạ trong thời đại buôn thần bán thánh này. Du lịch tâm linh, kinh doanh chùa chiền là mô hình thôn tính mới đã diễn ra ở Vinpear Land Nha Trang, Bà Nà, Bái Đính...

Những sư thầy hổ mang xuất hiện nhan nhản ở các chùa quốc doanh vốn nằm trong kịch bản “tự do tôn giáo” do Ba Đình dàn dựng. Con nhang đệ tử thì nhiều, đa phần trong số đó lại là các thiện nam tín nữ có số má trong Bộ Chính trị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hay cơ quan trung ương nào đó. Họ không ngại ngần dựng nên thần linh để tôn thờ, và đương nhiên lòng thành của họ được đổi bằng các lợi ích kinh tế khác.

Thich Tý Khí - Thích Thanh Toàn sao có thể trụ vững ở Vĩnh Phúc nếu không có tác động từ Phó Chủ tịch Tập đoàn SunGrroup, Minh Sơn?!

Chùa Địa Ngục sao có thể trở thành “ truyền thuyết” - điểm đến tâm linh nếu không có bài “mộ cổ, giếng cổ...” do sư hổ mang Thích Tý Khí vẽ ra?!

Con đường được hình thành do bạt núi, xẻ rừng đưa chuông lên Địa Ngục Tự trở thành đường dành cho xe điện đi vào dự án Tam Đảo II là kết quả hiển nhiên do liên minh ma quỷ dựng lên.

Tự thân SunGroup không thể “mặt trời nơi hạ giới” nếu không có sự chống lưng từ các ông trời con như Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư...

Vì sao khi phóng viên điều tra liên lạc với lãnh đạo Vụ Tuyên truyền, Thi đua và Khen thưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để đòi quyền đương nhiên được tiếp cận văn bản đánh giá tác động môi trường của dự án Tam Đảo II thì nữ giám đốc truyền thông của Tập đoàn SunGroup lại biết để gọi lại ngay sau đó nhằm “dàn xếp”?

Việc các tập đoàn lớn như SunGroup, VinGroup, FLC... bỏ tiền ra mua “sự im lặng” trên báo đảng bằng các hợp đồng truyền thông là không mới mẻ. Tuy nhiên lần đầu tiên một câu nhắn nhẹ từ tại đại diện của Tập đoàn Mặt trời dành cho phóng viên điều tra “Bên em không muốn dùng đến áp lực từ một cấp cao nào xuống Báo Phụ Nữ” cho thấy sự bảo kê đến từ trên cao là có thật.

Củi đây rồi, ông Trọng có dám đốt không? 

Nỗ lực của nhóm phóng viên báo Phụ Nữ Tp. HCM đưa thông tin đến bạn đọc phải trả giá bằng nhiều thứ, trong đó có cả việc nữ phóng viên chấp nhận bị “quấy rối” nhiều lần. Họ rất đáng quý, đáng trân trọng.

Nhưng lẽ ra, nếu họ không đơn độc, nếu những người chống lại “thợ săn di sản” SunGroup không cô đơn, thì mọi thứ đã khác đi rất nhiều.

Nhiều người nói tôi cực đoan, nói tôi lo xa khi có cái nhìn bi quan với những dự án của các tập đoàn như Vin Group, Sun Group, Mường Thanh, FLC,,, Họ xây dựng để thu hút khách du lịch, để kéo đầu tư đến Việt Nam... Tôi đồng ý về việc phát triển du lịch. Nhưng vấn đề quan trọng hơn, là chúng ta đi sau thế giới, chúng ta có các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Đến nay, mục tiêu cuối cùng cũng vẫn là giữ gìn thiên nhiên, phát triển gắn liền với an sinh cho người dân địa phương thì Việt Nam không thể đảm bảo. Bạn có biết vì sao Thái Lan vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ của bãi biển, không thay cát, không xây dựng, không chặt phi lao đi không? Bạn có biết họ cố gắng gìn giữ thiên nhiên ra sao trong khi quy hoạch du lịch hay không? Bạn có biết các nước có nền du lịch phát triển họ gìn giữ cuộc sống bản địa để khách tham quan có thể học hỏi văn hoá và muốn quay trở lại nhiều lần vì khao khát tìm tòi và tận hưởng sự chân phương không?

Làm du lịch cũng cần phải có văn hoá, và quan trọng hơn là phải gìn giữ thiên nhiên cho mai sau.

Ai sẽ trả được nợ cho con cháu nếu cứ tiếp tục xẻ núi, lấn biển, lấp sông, chặt cây?

Các tập đoàn do người Việt từ Đông Âu quay về Việt Nam điều hành đều có tham vọng. Họ khéo léo che giấu tham vọng của mình dưới những mỹ từ như “phát triển”, “đưa Việt Nam ra với thế giới”. Nhưng trên thực tế, họ đã huỷ hoại thiên nhiên, khai thác cạn kiệt cảnh quan môi trường để làm giàu và phục vụ cho bộ máy chính trị đã trao cho họ quyền thao túng đất đai.

Tham vọng của các nhóm lợi ích kinh tế, kết hợp với sự bảo kê của bộ máy chính trị chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh khiến du lịch Việt Nam tuy đạt được thành tích về con số khách tham quan (chủ yếu đến từ Trung Quốc) nhưng mất đi bình yên vốn có. 

Mối nguy hại lớn hơn từ tham vọng của các tập đoàn là vẻ đẹp thiên nhiên, môi trường sống của những người dân địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu bạn ở Nha Trang, hãy lắng nghe người dân Xóm Cồn nói, nếu bạn ở Đà Nẵng, hãy lắng nghe những tâm tư của cư dân Sơn Chà, Bà Nà…

Những gì xảy ra hôm nay, chúng ta sẽ phải trả lời với con cháu trong tương lai, bạn còn định im lặng đến bao giờ?

24.09.2019


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo