Mahima A. Jain - Hoàng Oanh (Danlambao) dịch - Ô nhiễm môi trường do rác thải, nguồn nước tại các địa điểm du lịch được xếp loại di sản của Việt Nam như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam) đang trở thành vấn đề nghiêm trọng của ngành du lịch.
*
Một người phụ nữ sinh sống ở làng chày nhỏ thuộc Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh bắt đầu công việc của mình vào lúc sáng sớm. Hàng ngày bà ấy cùng chiếc thuyền câu của mình bơi xuyên qua những dãy núi đá vôi hùng vĩ trên làn nước xanh thẫm. Công việc của bà ấy là đưa đón những du khách tham quan cảnh sắc hùng vĩ của Vịnh Hạ Long, một kỳ quan thế giới được UNESCO công nhận với diện tích 1.553 Km bao gồm các quần thể hòn đảo lớn nhỏ và các hang động đẹp tuyệt vời.
Như thường lệ bà ấy đón những du khách từ lúc sáng sớm và kết thúc công việc của mình vào lúc mặt trời lặn sau khi những du khách cuối cùng đã quay về du thuyền an toàn, ngay sau đó bà ấy quay trở lại làng bè của mình. Người phụ nữ cho biết rằng bà đang trăn trở về vấn đề sinh kế của gia đình có khả năng bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ việc ô nhiễm trầm trọng nguồn nước sinh hoạt ở Vịnh Hạ Long.
Trong tháng 7 vừa qua, các chuyên gia về môi trường đã tổ chức các cuộc thảo luận về vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực Vịnh Hạ Long tại Hội đồng Nhân dân Tỉnh Quảng Ninh. Các chỉ tiêu quản lý chất thải không được bảo đảm và các biện pháp xử lý yếu kém, mang tính chất tạm thời của ngành du lịch là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, những vấn đề tiêu cực này làm gây thiệt hại có tầm ảnh hưởng lan tỏa trên cả nước Việt Nam chứ không chỉ là vấn đề của riêng khu vực Vịnh Hạ Long.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về tình hình Việt Nam trong năm 2018, vấn nạn ô nhiễm nguồn nước có thể khiến Việt Nam mất 3,5% GDP vào năm 2035. Trong đó những quan ngại về vấn đề ô nhiễm nguồn nước là chủ đề trọng tâm. Báo cáo này được lưu ý rằng chỉ có 46% hộ gia đình có kết nối với hệ thống thoát nước, 1/3 lượng nước thải công nghiệp và hơn 87% chất thải đô thị hoàn toàn không được xử lý khi thải vào môi trường.
Lượng du khách đổ về nơi được mệnh danh là kỳ quan thế giới này trở nên quá tải, vô hình chung phơi bày sự yếu kém trong công tác quản lý hệ thống xử lý rác thải. Trong năm 2018, lượng du khách đến Việt Nam tăng đột biến, thu hút đến 15,49 triệu người, trong đó có gần 12 triệu lượt du khách đã đến tham quan Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh. Các chuyên gia cảnh báo rằng ô nhiễm nguồn nước không chỉ đe dọa đến địa lý, sinh kế của những người dân trong khu vực làng chà i như lời kể của người phụ nữ trên, tệ hơn nữa là những biến đổi khí hậu có thể khiến họ mất luôn công việc mưu sinh.
Điểm bùng phát?
Ông Jake Brunner - Phó giám đốc của Hiệp Hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết “Các vấn nạn ô nhiễm tại khu vực Vịnh Hạ Long là sự thật không thể chối cãi và ngày càng được đề cập nhiều trong các diễn đàn của các trang mạng xã hội về du lịch như “TripAdvisor”, một mặt ca ngợi cảnh quan hùng vĩ tại Vịnh Hạ Long nhưng mặt khác lại phơi bày sự thật là “kỳ quan thiên nhiên” này đang bị bao phủ bởi nước bẩn và bãi biển đầy rác”
Jake Brunner giải thích trong một cuộc phỏng vấn qua email rằng “Việc ô nhiễm nguồn nước tại Vịnh Hạ Long được xem như là điểm mấu chốt của các góc nhìn tiêu cực, một điểm bùng phát như ngòi nổ khiến lượng khách tham quan giảm đột biến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, doanh thu và nền kinh tế Việt Nam.
Vịnh Hạ Long hiện nay đã không còn là một bức tranh thủy mặc đẹp đến nao lòng như trước đây nữa, phía trên mặt nước là những tiếng ồn chói tai liên tiếp nhau của gần 500 động cơ tàu, thuyền du lịch trải dài trên biển; phía bên dưới, những động cơ đó âm ỉ xã thải trực tiếp vào nguồn nước của Vịnh. Không khó để có thể thấy rác và túi ni lông tại nơi này.
Chỉ có 20 du thuyền có đặt hệ thống xử lý nước thải và số du thuyền còn lại thải ra khoảng 500 mét khối nước bẩn không được xử lý vào Vịnh mỗi ngày. Khảo sát dựa trên tổ chức có quan hệ đối tác nhiều bên có tên là “Liên đoàn Vịnh Hạ Long-Cát Bà”, một dự án của IUCN có trụ sở đặt tại Thụy Sĩ
Một câu chuyện ô nhiễm khác cũng đồng thời diễn ra tại phố cổ Hội An, khu vực miền trung Việt Nam. Nơi này cũng là một điểm du lịch nổi tiếng khác được UNESCO công nhận. Trên những con phố nhỏ chạy dài đến khu vực sông Thu Bồn mọc lên chi chít những ngôi nhà nhỏ và các cửa hàng san sát nhau. Hằng đêm khách du lịch thả đèn hoa đăng trên sông, sau vài phút giây giải trí ngắn ngủi những chiếc đèn lồng bốc khói nồng nặc thải khí bẩn vào môi trường cho đến khi chiếc đèn lồng được thiêu rụi hoàn toàn.
Xét theo một khía cạnh tích cực thì những ánh đèn hoa đăng rực rỡ trên sông này có khả năng thu hút các tín đồ mạng xã hội Instagram, thì ngược lại mùi hôi thối của khí đốt được thải ra trong không khí lại gây ô nhiễm trầm trọng. Hội An có mức độ ô nhiễm nước và không khí cực kỳ cao, tương đương với Hà Nội - Thủ đô Việt Nam, và sự thất trách của các cơ quan chức năng trong việc xử lý rác thải trong thành phố (được trích nguồn từ dữ liệu dựa trên nguồn lưu trữ dữ liệu toàn cầu của Numbeo). Khu phố cổ này không được trang bị hệ thống quản lý chất thải rắn và lỏng theo đúng tiêu chuẩn dành cho 150.000 người dân địa phương nơi này, chứ chưa nói đến 5 triệu khách du lịch đã đến tham quan vào năm 2017. Các hộ gia đình, chợ, nhà hàng và khách sạn đã thải ra khoảng 75 tấn chất thải rắn mỗi ngày vào năm 2018 , trích nguồn từ “cơ sở môi trường toàn cầu”.
Trong năm 2015, Nhật Bản viện trợ khoản 10,2 triệu đô la mỹ cho một cơ sở xử lý nước thải gần cây cầu nổi tiếng ở Hội An được Nhật xây vào thế kỷ 18. Sau những đợt trì hoãn cuối cùng dự án đã diễn ra cho đến cuối năm 2018. Trong khi có nhiều mức đầu tư quan trọng và vẫn chưa hoàn chỉnh, thời gian để hoàn thành dự án không còn nhiều. Ông Brunner cho rằng “chúng ta có tin mừng là khoa học, công nghệ và lượng tiền mặt có thể giải quyết những vấn đề nêu trên. Điều duy nhất còn thiếu cho đến nay là sự quyết định lãnh đạo đúng đắn của chính phủ Việt Nam”, ông Brunner nói.
Nguồn:
Người dịch: