Vũ Đông Hà (Danlambao) - Mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc (1). Tuy nhiên, ở nước CHXHCN Việt Nam, có người được "mưu cầu hạnh phúc" trên những chuyên cơ sang trọng của Thủ tướng, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, có người phải mưu tìm sự sống trong cái chết trên những chiếc xe tải đông lạnh 25 độ âm.
Ngay sau tháng 4, 1975, những cột đèn nếu biết đi cũng tìm cách vượt thoát khỏi cái gọi là "thiên đường cộng sản". Khởi từ những chuyến vượt biên lậu, sang đến việc hối lộ công an, chuyển dần qua giai đoạn thuê mướn bãi, vượt biên lậu đã được nâng lên thành quốc sách - Vượt biên bán chính thức. Dưới tấm bình phong tổ chức cho "người Hoa" rời khỏi Việt Nam, quan chức Ba Đình đã tổ chức hàng ngàn cuộc vượt biên bán chính thức, mỗi người phải đóng từ 10 đến 15 lượng vàng. Nổi trội trong đám chủ bãi là Nguyễn Tấn Dũng. Con người đã được đem ra làm một món hàng trong dịch vụ "lấy người làm vốn đi buôn" từ dạo đó.
Bước sang thế kỷ 21, dưới thời đại Hồ Chí Minh chói mù con mắt, người dân Việt tiếp tục tìm đường bỏ chạy khỏi thiên đường XHCN. Lần này không phải chỉ là "tàn dư Mỹ Nguỵ" ở miền Nam mà ở khắp nước, kể cả những người từng là cháu ngoan, bộ đội cụ Hồ...
Nếu ngày trước, "mưu cầu hạnh phúc" được tính bằng những "cây vàng" thì ngày nay giấc mơ hạnh phúc xứ người được tính bằng đô la. Từ năm 2000, trung bình một người muốn được rời bỏ "quê hương là chùm khế ngọt" là 6000 đô. Con số này "thăng trầm" tuỳ theo quốc gia muốn đến và nhu cầu hốt bạc của những "cánh" buôn người khác nhau. Ngày hôm nay, giá cả đã tăng lên - từ 10000 đô đến 40000 đô và "địa bàn hạnh phúc" đã mở rộng từ các quốc gia Đông Nam Á sang Tàu, Trung Đông, Úc và châu Âu.
Cứ lấy 10000 đô cho một đầu người. 1000 người là 10 triệu. 100000 người là 1 tỷ đô la. Một dịch vụ không cần hạ tầng cơ sở, nhiều nhân viên, chỉ cần vốn duy nhất: con người. Dưới chế độ độc đảng toàn trị và đầy sâu tham những, không có một nhóm tư nhân, một thế lực nào ngoài bộ máy cầm quyền có thể tự tung tự tác làm giàu qua mặt đảng trong dịch vụ cả tỷ đô này. Chính các quan chức cộng sản đứng đằng sau là là thành phần chủ chốt cho những "công cuộc" buôn người ở tầm vĩ mô.
Để giải thích cho hiện tượng hàng trăm ngàn người, lên đến cả triệu người Việt Nam có mặt ở nhiều quốc gia, và cũng để phát triển công cuộc làm giàu bằng "lấy con người làm gốc" lên tầm quốc gia một cách hợp pháp, đảng và nhà nước cộng sản đã cho ra đời "chính sách xuất khẩu lao động".
"Xuất khẩu lao động" tức là lấy con người và sức lao động của họ làm món hàng để xuất cảng. "Export labor" nhưng không có human - con người thì lấy gì để có labor - lao động. Do đó, "xuất khẩu lao động" thực chất là một dịch vụ dùng con người làm món hàng để sinh lợi nhuận. Nó là một hình thức mới của buôn người.
Những gì người ta thấy và đọc được từ những chương trình xuất khẩu lao động chính thức của đảng và nhà nước chỉ là phần nổi của tảng băng. Trong phần nổi này, sẽ không có những con số từ 6000 đô đến 40000 ngàn đô. Chỉ có hình ảnh những công nhân đồng phục chỉnh tề, sạch sẽ hân hoan lên đường được trình chiếu bởi truyền thông lề đảng. Đảng và nhà nước cũng kiếm được lợi nhuận trong những cú buôn người chính thức này, nhưng rất nhỏ nếu so với những dịch vụ buôn người bán chính thức - mới là chính. Hệ thống bán chính thức này được điều hành bởi các "công ty môi giới" mà hệ thống mạng nhện rất kín của nó bao phủ từ các thôn xóm Việt Nam sang đến các quốc gia nhận người.
Để ra đi, một người phải có từ 6000 đến 40000. Những người thuộc giai cấp "vô sản" của chế độ làm gì có được trong tay chừng ấy tiền. Họ và gia đình phải vay mượn, cầm cố những gì có được để trả chi phí cho dịch vụ xuất khẩu mồ hôi nước mắt của chính mình. Và đó là vòng kim cô cột vào đầu họ. Một người qua Đài Loan, ký hợp đồng lao động 3 năm, đi làm chỉ đủ để trả nợ. Ước mơ của họ là được gia hạn hợp đồng, làm thêm 3 năm sau đó (sau khi trả được nợ), để có tiền gửi về cho gia đình. Ám ảnh của họ là bị mất việc và bị đuổi về nước trước khi hết hợp đồng lao động và chưa trả hết nợ. Các công ty môi giới và công ty Đài Loan biết rõ yếu huyệt này của những công dân Việt. Và từ đó, cho dù bị đối xử như nô lệ, người Việt lao động cũng phải cắn rằng, cúi đầu chịu nhục và trở thành những nô lệ thời đại mới.
Nhưng đó là những người tương đối còn... may mắn vì dịch vụ buôn người không chỉ nhắm vào thành phần đi làm thuê cho công ty ngoại quốc. Có những người đi làm ô sin nhưng ban ngày thì là nô lệ ở đợ và ban đêm là nô lệ tình dục cho ông chủ. Có những người bị đưa sang Xiêm Rệp, Ma Cao, Thượng Hải và bị cưỡng bức vào con đường bán thân. Có người bị đưa sang Tàu và bị bán nội tạng, hay mang bầu "giùm" và làm vú nuôi cho cả đứa con lai lẫn cha của nó. Có người bị đày tới một hòn đảo hoang vắng của Đài Loan và bị làm vợ cho đến 6 tên chồng đã hùn hạp tiền, nộp cho một công ty môi giới dịch vụ cô dâu để "mua một đứa con gái Việt Nam về làm con vợ chung". Có những người được thả xuống một thành phố sang trọng ở Châu Âu - muốn sống sao thì sống, nhưng cũng có nhiều người, với món nợ hàng chục ngàn đô la, tứ cố vô thân, rốt cuộc phải chấp nhận làm những việc bất hợp pháp mà đường dây buôn người đã dọn sẵn. Và có người đã chết trong những chiếc xe tải đông lạnh dưới độ âm, trong những chiếc xe thùng bít bùng trên 100 độ F trước khi bước vào con đường nô lệ.
Trước những thảm trạng tận đáy địa ngục này, có bạn trách móc bố mẹ của những nạn nhân. Tôi đã từng như vậy! Không phải bằng một bài viết vô hồn, vô cảm mà trước mặt một cô gái đang ngồi khóc. Sau khi nghe câu chuyện của em, tôi lỡ trách - sao ba má em lại nhẫn tâm để con gái của mình lâm vào hoàn cảnh này!?
Và em trả lời:
Trước khi đi, cả em và ba má em đều không biết thực tế nó sẽ thê thảm như vậy. Toàn là những lời hứa hẹn tốt đẹp. Qua đây em mới biết những phải giấu ba má vì sợ ba má lo. Không những giấu mà em còn nói tốt để ba má yên tâm. Khi em gửi tiền về được thì bà con hàng xóm thấy em đi làm xa vừa có tiền gửi về, sửa sang nhà cửa, vừa nghe ba má nói bên này em rất ổn thì mọi người hăm hở lo vay mượn, tìm đường để con cái mình ra đi tìm kiếm tương lai.
Trong khi đối diện với nỗi chết, hành động cuối cùng mà Phạm Thị Trà My làm là gì? Đó là xin lỗi mẹ. Em xin lỗi mẹ của em vì không thể sống để lo cho mẹ cha, để trang trải món nợ gần 40 ngàn đô. Chỉ chừng đó thôi, em đã sống xứng đáng làm người nhất ngay khi em đang dựa lưng thần chết. Nhìn ảnh của Trà My, tôi nhớ đến những số phận và con người có thật mà tôi đã kể trong bài "Lục bình trên dòng kinh đen"; nhớ lời của Trang ở Đài vào một cái tết băng giá năm nào: Anh nói tụi em khổ còn hơn nô lệ. Em thì thấy ở nhà còn khổ hơn!
Tại sao ở nhà còn khổ hơn!? Có lẽ chúng ta ai cũng biết rõ nguyên nhân và đó cũng là lý do chúng ta gặp nhau trên con đường Việt Nam khổ ải này.
Nếu Phạm Thị Trà My đã hấp hối với cái chết lạnh lùng đến với em từng phút từng giây trên chiếc xe tải tại Essex thì gần 100 triệu người Việt Nam cũng đang chết rất từ từ từng giây từng phút trong cái nồi đun chậm mang tên cộng sản, trên đất nước đang bị bức tử bởi chế độ buôn dân bán nước. Có gì khác nhau?!
(1) Trích Tuyên ngôn Độc lập của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
29.10.2019