Hồn Mao da Nghệ - Dân Làm Báo

Hồn Mao da Nghệ

Nguyễn thị Cỏ May (Danlambao) - Trương Ba, tuổi còn trẻ, lại giỏi tài đánh cờ tướng, tiếng tăm bay tới bên Tàu. Lúc bấy giờ, bên Tàu có ông Kỵ Như cũng nổi tiếng là vua cờ, nghe danh Trương Ba, bèn qua Việt Nam, tìm tới Trương Ba để thi tài cao thấp.

Trương Ba đưa đối thủ lâm vào thế bí, nên có vẻ tự đắc: nước cờ này, Đế Thích cũng phải chịu thua! 

Trên Thiên Đình, Đế Thích nghe được lời kiêu ngạo của Trương Ba, tức giận, bèn hạ giới. Ông giúp Kỳ Như gỡ thế bí, chuyển bại thành thắng. 

Trương Ba biết người giúp Kỳ Như chắc phải là Đế Thích nên sụp lạy tạ tội xúc phạm bực tiên thánh. Đế Thích bỏ qua và còn cho một thẻ nhang với lời dạy: khi cần ta, hảy đốt lên một cây nhang. 

Thời gian sau, Trương Ba bỗng ngã ra chết. Ma chay xong, một hôm, chị vợ dọn dẹp nhà cửa, bắt gặp thẻ nhang, bèn lấy ra một cây, đốt lên, đem cắm vào bàn thờ chồng. 

Trên Thiên đình, bắt được mùi hương, Đế Thích liền hạ giới. Biết Trương Ba đã chết cả tháng rồi, Ngài tạm dùng xác anh hàng thịt vừa mới chết, gọi Nam Tàu, để sửa sai, hãy trả hồn Trương Ba vào xác anh hàng thịt để cứu người bạn cờ. 

Hồn vừa nhập vào xác, anh hàng thịt vụt ngồi dậy, sống lại. Nhưng con người trong anh hàng thịt, giờ đây, là Trương Ba. Sự xung đột mãnh liệt giữa hồn, tức con người nho nhả với cái thân xác kịch cởm, thô bỉ bắt đầu nhưng không có kết thúc nào khác hơn là hồn dần dần bị biến chất theo áp lực thân xác. 

Chuyện dân gian được nhà viết kịch Luu Quang Vũ dựng thành kịch nói năm 1981 và năm 1984, đem trình diẽn nhiều nơi rất thành công. 

“Hồn Mao da Nghệ” là phỏng theo “Hồn Trương Ba da hàng thịt” để nói về một con người thật, tim óc là Mao Trạch Đông, tức cộng sản đặc sệt tuy da, nhân diện sắc tộc là người xứ Nghệ An. 

Hồ Chí Minh là đệ tử chân truyền của Lê Nin?

Ngày nay, đang có hiện tượng bênh vực Hồ Chí Minh đi theo cộng sản vì chỉ có Đệ Tam Quốc tế mới chống lại Đế quốc Thực dân. Trước đây có nhiều tổ chức, nhiều phong trào, cũng bôn ba tìm đường cứu nước, nhưng đều thất bại. Mà Hồ Chí Minh đi theo cộng sản là theo Lénine, không theo Staline vì cho rằng Staline là cộng sản cực tả. Cũng như Mao và Mao-ít là cực tả (Trần Đĩnh gọi là Mao-nhiều). Cánh cực tả ác ôn trong cai trị. Nên ngày nay, Hà Nội vẫn kiên quyết đi theo Mác-Lê và thêm tư tưởng Hồ Chí Minh cho hùng hậu, là đúng và sáng suốt. 

Vậy Lê Nin có gì mà Hồ Chí Minh học được? 

Tháng Mười 2017, Lê Nin cướp được chính quyền bằng một cuộc đảo chính - đúng ra chỉ một cuộc binh biến nhỏ. Lập tức, Lê Nin dựng lên mô hình cai trị bằng bạo lực. Ông tuyên bố làm chiến tranh thường trực. 

Học Mác, ông lý thuyết hóa nội chiến làm thành phương tiện cướp chính quyền. Và giữ chính quyền. Đó là bài học cách mạng mà cộng sản khắp thế giới không ở đâu không học theo. 

Lý thuyết khủng bố hàng loạt của Lê Nin có 2 ý nghĩa: khủng bố do quần chúng làm theo sự xách động của cán bộ cộng sản và khủng bố là tư tưởng trung tâm của Lê Nin. Khái niệm này được Lê Nin đưa ra rất sớm. Vì theo Lê Nin, khủng bố là động cơ lịch sử, hoàn toàn do đấu tranh giai cấp thực hiện. Nó làm nổi bậc tương quan lực lượng. Nó là sự thật chính trị. Vai trò của bạo lực là thanh toán xã hội cũ. 

Trong chính trị, Lê Nin đã từng dạy “Thi hành bạo lực triệt để thì chế độ ta không bao giờ bị cướp mất”

Cái ác ôn của Staline là do học được ở Lê Nin. Có người hỏi Ngoại Trưởng Molotov: Lê Nin và Staline, ai ác hơn ai? Ông trả lời không ngần ngại: Lê Nin là bậc đại gian đại ác, là đại sư phụ của Staline. 

Theo Victor Sebestyen, sử gia Anh, trong quyển (“Lenin - The Dictator; An Intimate Portrait” của ông, xuất bản ở Anh), để đạt mục đích, Lê Nin "nói dối trắng trợn" và sẵn sàng bỏ qua lời hứa, cũng vì "mục tiêu Cách mạng". 

Victor Sebestyen cho rằng sự tàn bạo của chế độ Liên Xô bắt đầu từ chính Lê Nin chứ không phải từ Staline. 

Điểm mấu chốt là từ chỗ lãnh đạo nhóm Bolshevik giành được chính quyền năm 1917, Lê Nin đã giữ được chính quyền qua cuộc Nội chiến Nga và tạo ra nhà nước cộng sản đầu tiên bằng bạo lực. Staline chỉ là người kế tục chính sách bạo lực do Lê Nin dựng lên lúc ông cầm quyền. 

Dù lấy cảm hứng từ lý tưởng cộng sản của Karl Marx và tư tưởng xã hội của Friederic Engels, chủ nghĩa do Lê Nin tạo ra cả về lý luận và trên thực tiễn được cho là "nhà nước toàn trị hiện đại đầu tiên" (sau quân chủ với bạo chúa). Những người Bolshevik (cộng sản) đã đem chủ nghĩa xã hội vào thực tế và áp dụng các biện pháp chuyên chế, độc đoán nhằm bẻ gãy sự phản kháng của người dân. Vì thế, mọi mặt của cuộc sống kinh tế, xã hội, văn hóa, trí tuệ và sinh hoạt chính trị tại Liên Xô đều bị Đảng Cộng sản kiểm soát triệt để và mang tính trại lính, không chấp nhận bất cứ phê phán hay dấu hiệu đối lập nào. 

Xã hội xã hội chủ nghĩa được xây dựng bằng quyền lực độc đoán của quan chức Đảng Cộng sản và bộ máy quan liêu. Khủng bố được áp dụng không khoan nhượng và các suy nghĩ nhân đạo hoặc tư tưởng cá nhân đều bị gạt đi. 

Lớp trí thức cũ và cả sinh hoạt đạo đức bị cải tạo. Sự thật, luân lý, công lý, sự tử tế... dần dần không còn là những giá trị được xã hội qui chiếu nữa. 

Tình trạng xã hội ở Việt Nam kể từ lúc cộng sản cướp chính quyền cho đến ngày nay phản ánh rất trung thực xã hội Nga dưới thời Lê Nin cai trị. 

Hồ Chí Minh làm cách mạng dân tộc hay cách mạng cộng sản? 

Tại Đại hội II, Hồ Chí Minh đọc báo cáo do Trường Chinh soạn “Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội”. Và cũng từ đây, đảng cộng sản chính thức đổi ra thành “Đảng Lao Động”. Đảng vẫn khẳng định “đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn và chuẩn bị những tiền đề đi lên chủ nghĩa xã hội sau khi kháng chiến thành công”. Ngoài ra, đảng còn xây dựng ở mỗi nước Đông Dương một đảng cộng sản riêng. Và sau này, Trung Ương Cục Miền Nam đặc trách luôn cộng sản ở Miên. 

Hồ Chí Minh xác định làm cách mạng ở Việt Nam là đánh đuổi xâm lược, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở vật chất-kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Con đường tiến đến chủ nghĩa xã hội trải qua một thời gian dài gồm 3 giai đoạn, kế tục nhau và quan hệ mật thiết: kháng chiến tiêu diệt đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, củng cố Nhà nước Dân chủ nhân dân, cải cách ruộng đất triệt để, phát triển nông nghiệp, công nghiệp dưới hình thức hợp tác hóa, kỹ nghệ hóa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. 

Cương lĩnh đảng Lao Động xác định mục đích, tôn chỉ, nhiệm vụ lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân đến thắng lợi và nhiệm vụ xây dựng đảng là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân Lao Động, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê Nin theo nguyên tắc tập trung dân chủ, sau cùng là chế độ xã hội chủ nghĩa và chế độ cộng sản. 

Trường Chinh từng chỉ dạy đảng viên “Chiến tranh giải phóng Việt Nam là một bộ phận của chiến lược giải phóng toàn thế giới theo cộng sản”

Như vậy, Hồ Chí Minh tuyên bố cách mạng giành độc lập là chỉ để vận động quần chúng đánh giặc giúp cách mạng thành công cho mục tiêu cộng sản. 

Còn tư tưởng Hồ Chí Minh? 

Hà Nội từ năm 1991, Đại hội VII (6/1991), đưa ra cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” là một cách bắt chước rập khuôn theo Tàu. Ở đây, họ đề cao tư tưởng Mao Trạch Đông. Thực chất là theo Tàu, nhưng khi nói tư tưởng Hồ Chí Minh, ý của Hà Nội muốn trét lên một chút son phấn “bản sắc dân tộc” sau khi khối cộng sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. 

Khi nói “tư tưởng Hồ Chí Minh”, đảng cộng sản gán cho ông cái “tư tưởng” giả tạo vì chính ông đã từng nói “Tôi không có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê cả”. Vì đã lỡ nghe nói tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thử tìm hiểu coi đó là gì? 

Về mặt chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự đề cao Mao và Staline của ông ở Đại hội II, lúc thành lập đảng Lao Động. Quan điểm của Staline mà Hồ chí Minh vô cùng tâm đắc là “Đảng cộng sản là công cụ của chuyên chính vô sản” và “chuyên chính vô sản, về thực chất, được thay thế bởi chuỳên chính của đảng cộng sản”. Hơn nữa, trong thực tế, chuyên chính của đảng cộng sản là chuyên chính của một người, tức của Tổng Bí thư đảng. Boris Souvarine từng khen ngợi Hồ Chí Minh là đệ tử tuyệt trần của Staline. 

Còn Mao ảnh hưởng Hồ Chí Minh, thì tưởng không có gì rõ hơn là ý mà Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội II “Cách mạng Việt Nam phải học nhiều của cách mạng Trung Quốc, kinh nghiệm và tư tưởng Mao Trạch Đông đã giúp chúng tôi hiểu thấu hơn học thuyết Mác-Anghen-Lênin-Stalin. Những người cách mạng Việt Nam phải luôn luôn ghi nhớ và biết ơn Mao Trạch Đông về sự cống hiến to lớn đó”. 

Và cũng tại Đại hội II này, Hồ Chí Minh tuyên bố “Ai đó thì có thể sai, chớ đồng chí Staline và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể nào sai được”. Có thể còn sự sùng bái nào hơn dược chăng? Và ngày nay, Tàu lấy trọn nước Việt Nam thì cũng đúng thôi! 

Nói rõ hơn, theo Phạm Văn Đồng, tư tưởng Hồ Chí Minh gồm có 5 yếu tố chủ yếu: chủ nghĩa Mác-Lê, sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản, chuyên chính vô sản, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và tinh thần quốc tế vô sản. 

Ngoài ra, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định "chủ nghĩa Mác-Lê là học thuyết đúng đắn nhất, cách mạng nhất, là kim chỉ nam cho hành động” của người cách mạng"

Người cộng sản vẫn khẳng định rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh là một sự vận dụng nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác-Lê vào điều kiện cụ thể của nước ta”, nhưng trong thực tế, từ xưa nay, họ chỉ biết áp dụng rập khuôn, một cách máy móc kinh nghiệm của Liên Sô và Trung Quốc mà không quan tâm tới hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam nên gây ra hậu quả vô cùng thảm hại như cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, cải tạo tư sản, chính sách kinh tế mới... 

Ngoài ra, khi ở Nga, Staline thanh trừng Trostky, ở Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng nhiệt tình hưởng ứng, đi lùng tiêu diệt nhóm Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Văn Ngà, Trần Văn Thạch... mà Hồ Chí Minh gọi “đàn chó trốt-kít, bọn phản động, gián điệp, tay sai đế quốc, những kẻ đầu trâu mặt ngựa, những kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ...” 

Về mặt kinh tế, Hồ Chí Minh cũng chủ trương tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, tức xóa bỏ các hình thức sở hữu không xã hội chủ nghĩa, làm cho nền kinh tề gồm nhiều thành phần phức tạp trở nên một nền kinh tế thuần nhất, dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Và Hồ Chí Minh còn nói thêm “Kinh tế quốc doanh là hình thức sở hữu của toàn dân, nó lãnh đạo nền kinh tế quốc dân, Nhà nước phải bảo đảm cho nó phát triển ưu tiên, tạo nền tảng vững chắc cho chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy cải tạo xã hội chủ nghĩa”

Tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn là chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Mao Trạch Đông mà ông học được. Ở Hồ Chí Minh không có bản sắc dân tộc. Trên báo Thanh Niên phát hành tại Quảng Châu, số 22/12/1926, Hồ Chí Minh nói rõ quan điểm của ông về Dân tộc, Tổ quốc “Cái danh từ Tổ quốc là do các chính trị gia đặt ra để đè đầu nhân dân, để buộc những người vô sản phải cầm vũ khí bảo vệ tài sản của địa chủ và quyền lợi của giai cấp tư sản. Thực ra, chẳng có Tổ quốc, cũng chẳng có biên giới...”

Hồ Chí Minh từ lúc chọn theo Quốc Tế Đệ Tam cho tới ngày chết, trước sau, tự tu luyện để trở thành người cộng sản tinh ròng. Những biểu hiện độc lập dân tộc chỉ là thứ "vạn biến" để phục vụ cho cái "bất biến" là cộng sản. Trong di chúc, Hồ chúc cho vô sản thế giới thắng lợi để thế giới trở thành cộng sản. Và khi chết, Hồ sẽ hạnh phúc đi gặp cụ Mác, cụ Lê chớ không phải đi gặp cụ Sắc, bà Loan hay anh Đạt, chị Thanh. 

Câu truyện dân gian "Hồn Trương Ba da hàng thịt" thể hiện rất chính xác vào Hồ, đội lốt người Nghệ An, tức người Việt Nam, nhưng tim óc hoàn toàn là Mao, là Staline. 

17.10.2019




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo