Lê Thiên (Danlambao) - Trong bài viết “Giáo dân Công giáo VN không thích sử dụng danh xưng “Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh” của Nguyễn Văn Nghệ, tác giả đề nghị nên thống nhất với danh xưng “Tổng Giáo phận Sài Gòn” hoặc “Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh” chứ không “Tổng Giáo phận Thành phố Sài Gòn”. Tuy nhiên, qua nhan đề bài viết, Nguyễn Văn Nghệ cũng lưu ý rằng “Giáo dân Công giáo VN không thích sử dụng danh xưng 'Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh'”.
Tác giả trưng dẫn bức hình minh họa:
(Ảnh từ Giáo phận Bà Rịa do tác giả Nguyễn Văn Nghệ đưa lên)
Phần chúng tôi mạn phép được góp đôi lời thô thiển sau đây.
Sau 30/4/1975, người dân Sài Gòn uất nghẹn về chuyện Sài Gòn mất tên, thay vào đó là “Thành phố Hồ Chí Minh”. Trong Công giáo, danh xưng “Tổng Giáo phận Sài Gòn” cũng biến đi, để rồi xuất hiện tên gọi mới: “Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.”
Một thẩm quyền Công giáo tại VN, qua bài giảng, quả quyết rằng tên gọi “Tổng Giáo Phận Thành phố Hồ Chí Minh” là hợp tình, hợp lý và hợp luật, chính danh. Bởi không còn nữa tên “Sài Gòn” thì cũng phải bỏ đi cái tên gọi “Tổng Giáo Phận Sài Gòn”. Thay thế vào đó bằng danh xưng: “Tổng Giáo phận TP/HCM!” là việc làm chính đáng!
Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay cái tên gọi “Thành phố Hồ Chí Minh” dù đã gần nửa thế kỷ tiếm ngôi Sài Gòn, người dân “Sài Gòn” và người dân cả nước, thậm chí cả làng báo VN xem ra vẫn mặn mà với tên gọi “Sài Gòn”thân thương. Sài Gòn mãi mãi là Sài Gòn, trên miệng dân cũng như trong lòng dân.
Về phía Công Giáo, cho đến nay, chưa thấy có luật lệ nào bắt buộc phải đổi tên một tên địa dư Công giáo phù hợp với tên hành chánh mới do phía nhà cầm quyền đặt ra theo nhu cầu chính trị của họ.
Tên hành chánh Ban Mê Thuột của thời trước năm 1975, nay sau 30/4/1975 đổi thành Buôn Ma Thuột. Nhưng Giáo phận Ban Mê Thuột của thời trước năm 1975 vẫn là Giáo phận Ban Mê Thuột sau 30/4/1975 cho tới ngày nay, không bao giờ là “Giáo phận Buôn Ma Thuột”. Trang web Giáo phận Ban Mê Thuột http://www.gpbanmethuot.com/ minh định: “Giáo phận Ban Mê Thuột (tiếng Latin: Dioecesis Banmethuotensis, (không gọi là Buôn Ma Thuột theo tên hành chính) là một giáo phận Công giáo Việt Nam.”
Bùi Chu, Phát Diệm, hai Giáo phận kỳ cựu ở Miền Bắc Việt Nam xưa nay vẫn tồn tại tên gọi thân thương “Bùi Chu”, “Phát Diệm” dù đó không hề là tên gọi của thành phố hay tỉnh lỵ nào! Thành phố của Bùi Chu, Phát Diệm là Nam Định, Ninh Bình! Nhưng Bùi Chu, Phát Diệm vẫn mãi là Giáo phận Bùi Chu, Giáo phận Phát Diệm, không đổi tên dù trải qua bao biến động!
Tại Miền Nam Việt Nam, đã từng có môt Giáo phận thành lập năm 1965 không mang tên thành phố, mà chỉ mang tên môt xứ đạo, một phường của một thành phố. Đó là Giáo phân Phú Cường. Lịch sử Giáo phận Phú Cường xác định danh xưng Giáo phận Phú Cường được chọn từ tên gọi phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương... Nhưng khu vực địa lý Giáo phận Phú Cường bao gồm nhiều tỉnh thành: Tây Ninh, Bình Dương, với huyện Lộc Ninh, Bình Long, Hớn Quản, Chơn Thành và Bù Đốp của tỉnh Bình Phước và cả huyện Củ Chi tuy Củ Chi thuộc thành phố Sài Gòn. Đâu nghe ai gọi đó là “Giáo phận phường Phú Cường’’ hay “Giáo phận thành phố Thủ Dầu Một!”
Giáo phận Công giáo không co cụm trong phạm vi ranh giới của một phường hay một thành phố, dù nó mang tên phường hay thành phố (như Giáo phận Phú Cường nêu trên). Huống hồ là ranh giới địa lý của một Tổng Giáo phận càng rộng lớn hơn, bao trùm cả một miền. Cụ thể, cả Việt Nam chỉ có ba Tổng Giáo phận Hà Nội, Huế, Sài Gòn cho ba miền Bắc, Trung, Nam!
Thế nên, hai cách gọi “Tổng Giáo phận thành phố Sài Gòn” hay “Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh” đều vừa bất cập, vừa khập khiểng!
Giáo phận Ban Mê Thuột vẫn mãi là Ban Mê Thuột, chứ đâu là Buôn Ma Thuột! Giáo phận Phú Cường, Giáo phận Bùi Chu, Giáo phận Phát Diệm cũng mãi mãi chính danh như vậy cả!
Sài Gòn, hay Giáo phận Sài Gòn hoặc Tổng Giáo phận Sài Gòn, tên gọi lịch sử hàng trăm năm ấy, người ta có thể giết nó, nhưng không dễ diệt nó được đâu!
“Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!...” Sài Gòn bất tử!
30.10.2019