Những thông điệp gởi đi từ vùng biển nhiễm độc: trung tâm đầu não buôn người - Dân Làm Báo

Những thông điệp gởi đi từ vùng biển nhiễm độc: trung tâm đầu não buôn người

James Pearson (Reuter) * Mẹ Nấm (Danlambao) lược dịch - Quảng cáo xuất khẩu lao động, tìm kiếm việc làm, du học... của các công ty được đặt rải rác ở vùng nông thôn các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Hàng ngàn người bị thu hút bởi viễn cảnh của một cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài mỗi năm, nhưng nhiều người theo con đường đi chui - thông qua những kẻ buôn lậu và đôi khi là những chuyến đi nguy hiểm bằng đường biển và đường bộ.

Hiện tượng này hiện đang trở thành tâm điểm sau khi 39 thi thể được phát hiện trong một chiếc xe tải bên ngoài Luân Đôn vào tuần trước. 

Nhiều người lo ngại nạn nhân là người Việt từ Nghệ An và Hà Tĩnh, những vùng trồng lúa ở miền Bắc Trung Bộ.

Thiếu triển vọng việc làm, được chính quyền khuyến khích, được các băng nhóm chuyển lậu người tiếp cận, thảm họa môi trường và áp lực của chính quyền đối với các cộng đồng tôn giáo địa phương là các yếu tố đằng sau làn sóng di dân.

"Hầu như tất cả mọi người ở đây đều có người thân ở nước ngoài", ông Bùi Mặc, cháu trai của ông Bùi Phan Thắng, người bị lo sợ sẽ nằm trong số những người chết trong container. "Hầu hết tất cả các hộ gia đình đều có người ra nước ngoài. Người già ở lại nhưng người trẻ phải tìm cách làm việc ở nước ngoài vì khó kiếm việc ở nhà". 

Nhiều vùng nông thôn nghèo khó ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã rơi vào tuyệt vọng với mối lo ngại rằng những người thân yêu bị mất tích nằm trong số những người đã chết trong thảm kịch.

Ưu tiên "xuất khẩu" lao động

Đối với đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam, ích lợi của xuất khẩu lao động khá rõ ràng. Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành một quyết định để thúc đẩy xuất khẩu lao động trong tháng 9 này.

"Xuất khẩu lao động là ưu tiên hàng đầu của Đảng và là chương trình phát triển kinh tế quốc gia để khuyến khích việc làm, giảm nghèo, phát triển sự nghiệp và gia tăng thu nhập cho người dân," Quyết định số 274/2009/NQ-HDND viết.

GDP bình quân đầu người ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đều thấp hơn mức trung bình quốc gia là 2,540 USD. Năm ngoái, người dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh có thu nhập bình quân là 1,636 USD và 2,217 USD.

Nhưng kiều hối đổ từ nước ngoài về đã giúp trang trải tình trạng này. Chỉ riêng Nghệ An tiếp nhận 255 triệu USD/năm, theo truyền thông nhà nước.

"Xuất khẩu lao động là một giải pháp cho thất nghiệp", ông Nguyễn Quang Phú, Phó chủ tịch xã Thanh Lộc, huyện Cần Lộc, nói với Reuters. "Việc chuyển tiền đã giúp cải thiện cuộc sống của người dân ở đây".

Bất chấp lợi thế kinh tế, thảm kịch đã phơi bày giới hạn về khả năng của Đảng Cộng sản trong việc quản lý dòng người rời quê hương.

Cộng đồng Công giáo lớn mạnh và băng nhóm buôn bán người là hai yếu tố khiến đảng cầm quyền tại Hà Nội nhức đầu.

Một thảm hoạ nhiễm độc khiến ngư trường bị đầu độc ba năm trước là động lực di tản ra nước ngoài.

Những băng đảng 

Trong số những người từng lên đường từ Nghệ An đi tìm việc ở nước ngoài là Chủ tịch khai sáng đảng Cộng sản Hồ Chí Minh.

Tỷ phú đầu tiên của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng, đã đến Liên Xô cũ vào những năm 1990 trước khi quay trở lại để xây dựng tập đoàn Vingroup VIC.HM của mình. Nguồn gốc của ông là ở Hà Tĩnh.

"Người dân từ các tỉnh này có lịch sử lâu dài ra nước ngoài để kiếm tiền gửi về, đặc biệt là trong suốt thời gian chương trình xuất khẩu lao động sang các nước thuộc khối Xô Viết cũ. Sau nhiều thập kỷ, mọi người tin rằng đó là cách duy nhất để thành công và hỗ trợ gia đình chuyển tiền" - Mimi Vu, một người ủng hộ chống buôn người độc lập ở Hồ Thành phố Chí Minh nói. 

Mặc dù không thể thống kê, nhưng người dân địa phương và các tay trùm buôn người tin rằng nhiều người ra đi với sự giúp đỡ của các băng đảng buôn lậu ở Việt Nam, những người buộc nợ gia đình hàng ngàn đô la để có được suất đi nước ngoài.

Nạn buôn người đến Anh đã tồn tại trong một thời gian dài và Cục Cảnh sát Điều tra về Tội phạm Luân Đôn đã liên lạc đến Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, để phối hợp giải quyết và xử lý các vấn đề khác với cảnh sát Việt Nam.

Trong một ý kiến ​​được công bố vào tháng trước, Đại sứ Anh tại Việt Nam, Gareth Ward, đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc tin vào những lời hứa của các băng đảng.

"Họ không phải là bạn bè. Họ là tội phạm."

Nguồn nước nhiễm độc 

Thảm hoạ môi trường đã cản trở các cơ hội việc làm tại địa phương. Bị kẹt giữa những bãi cát mỏng và những đàn trâu đắm mình trong cánh đồng lúa, những ống khói của nhà máy thép Formosa đã thống trị một phần tỉnh Hà Tĩnh. 

Nhà máy thép, thuộc sở hữu của Công ty Nhựa Formosa Đài Loan trong năm 2016 đã bị Hà Nội đổ lỗi gây ra một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất của Việt Nam khi rò rỉ hóa chất ở vùng nước ven biển khiến các cuộc biểu tình lan rộng và gây thiệt hại đến sinh kế cuả người dân. 

"Chúng tôi quyết định để chồng tôi đi làm việc ở nước ngoài vào năm 2016, khi sự cố Formosa xảy ra," Anna Nguyễn cho biết, chồng cô đã rời Việt Nam và đi theo đường chuyển lậu người vào Ukraine, Pháp và sau đó vào Anh làm việc trong một tiệm nail.

"Chúng tôi sợ sự ô nhiễm sẽ đe dọa sức khỏe và tương lai, nên chúng tôi liều. Nhưng giờ cuộc sống khó khăn quá," cô cho biết.

Tờ báo chính thức của tỉnh Hà Tĩnh cho biết rằng tháng trước có hơn 40.000 người rời tỉnh hàng năm để làm việc ở nơi khác, bao gồm cả ở nước ngoài.

Linh mục

Giống như Anna Nguyễn, nhiều người bị nghi ngờ là đã chết trong thảm kịch đều có mang tên thánh Công giáo.

Khu vực Bắc trung bộ Việt Nam nằm rải rác với các cụm cộng đồng Công giáo nhỏ, tồn tại từ cuộc chinh phục của Pháp

Theo truyền thông nhà nước, Nghệ An là nơi cư trú của 280.000 người Công giáo, và có 149.000 người sống ở Hà Tĩnh.

Trong một buổi lễ tưởng niệm đặc biệt được tổ chức tại nhà thờ Công giáo Mỹ Khánh ở Yên Thành, tỉnh Nghệ An, vào tối thứ Bảy, cha Anthony Đặng Hữu Nam chỉ ra rằng ô nhiễm, những khó khăn xã hội và thiên tai như lũ lụt và hạn hán là nguyên nhân chính của làn sóng người di cư gần đây nhất của khu vực này.

Những bài giảng thẳng thắn và những lời chỉ trích chính phủ Việt Nam đã khiến cả ông và nhà thờ bị chú ý, công an theo dõi. Đây cũng là một yếu tố khác khuyến khích một số người tìm kiếm một cuộc sống mới ở vùng đất khác.

"Tại sao nhiều người Việt Nam phải trả nhiều tiền chỉ để chết?", Linh mục Nam nói trong buổi lễ.

"Tại sao lại như vậy, mặc dù Việt Nam không còn chiến tranh nữa, rất nhiều người buộc phải rời đi để đến một vùng đất khác?"

(Viết bởi James Pearson; Chỉnh sửa bởi Matthew Tostevin và Mike Collett-White) 

Nguồn:


Lược dịch:




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo