Vũ Đông Hà (Danlambao) - Trong một thời gian 4 tháng ngắn ngủi, Bắc Kinh đã thuyết phục được hơn 1 tỉ dân Tàu, xây dựng được những bằng chứng tự tạo đối với dư luận thế giới để từng bước vừa xâm lược vừa xác định chủ quyền những vùng biển đảo của Việt Nam.
Kể từ ngày 18/6/2019, Tàu hải cảnh của Bắc Kinh tiến vào Bãi Tư Chính và sau đó, từ ngày 03/7/2019 tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 đã biến Bãi Tư Chính thành ao nhà của Trung Quốc. Trong mấy tháng liền, Hải Dương 8 hoạt động khảo sát tại vùng biển này một cách an nhiên tự tại, cố ý phát tín hiệu AIS để lộ diện dữ liệu theo dõi hàng hải nhằm khẳng định chủ quyền.
Cuối tháng 9/2019, Bắc Kinh xâm lược Biển Đông bằng giàn khoan và tàu cẩu lớn nhất của họ - Hải Dương Thạch Du 982 và Lam Kình.
Cùng lúc, vào ngày 18.09.2019 người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Cảnh Sảng thẳng thừng tuyên bố Việt Nam đã vi phạm những ký kết song phương với Trung Quốc và từ đó lên án Việt Nam đã xâm phạm quyền lợi của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính.
Mới đây, ngày 08.11.2019, từ Bãi Tư Chính, Cảnh Sảng mở rộng thêm địa bàn chiếm đóng và xâm lược bằng tuyên bố khẳng định quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc và lên án Việt Nam "chiếm đóng Nam Sa" (tức Trường Sa).
Tất cả diễn biến đã được các đạo diễn và xưởng phim từ Tử Cấm Thành trình chiếu cho dân Tàu với thông điệp rõ ràng đây là "vùng biển của ta" và sự hiện diện khai thác của Việt Nam với dàn khoan Hakuryu-5 của Nhật là hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Trước toàn bộ vụ việc kéo dài nhiều tháng, người đứng đầu đảng và nước là Nguyễn Phú Trọng im lặng. Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nín khe. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tự bịt mồm để nhởn nhơ với niềm sung sướng còn lâng lâng sau lần dung dăng dung dẻ bên cạnh Tập Cận Bình vào ngày 12 tháng 7.
Nguyễn Phú Trọng đã "bảo vệ chủ quyền một cách mềm mỏng" bằng cách vừa răn đe công dân Việt Nam bày tỏ lòng yêu nước vừa ra chỉ thị vu vơ: "Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra".
Nguyễn Thị Kim Ngân "bảo vệ chủ quyền một cách khéo léo" bằng cách cho nghị trình thảo luận về vấn đề biển Đông vào sọt rác.
Nguyễn Xuân Phúc "bảo vệ chủ quyền một cách khôn ngoan" bằng cách mê man tính lại chỉ số GPD để dân Việt Nam có cảm giác giàu hơn đồng thời ra chỉ thị khai triển Vân Đồn, Phú Quốc thành đặc khu, mở đường cho thiên triều chiếm đóng 99 năm khi Luật đặc khu chưa được thông qua.
"Mềm mỏng, khôn ngoan và khéo léo" bằng cách kiện Bắc Kinh ra toà án quốc tế như nhiều người dân yêu cầu dĩ nhiên đã đụng phải những con mắt cố tình mù loà, những đôi tai cố tình điếc đặc và những cái miệng cố tình tự khoá của tập đoàn buôn người bán nước.
Cơ quan chức năng duy nhất xuất hiện trong "Màn kịch Bãi Tư Chính giữa Bắc Kinh và Ba Đình" là cái mồm của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt cộng - Lê Thị Thu Hằng với bài phát thanh soạn sẵn: hết sức quan ngại, bác bỏ hoàn toàn, kiên quyết khẳng định. Ngư dân Việt Nam bị nạn thì cơ quan trách nhiệm thực hiện một chức năng duy nhất: xin và nhờ phía quân xâm lược cứu hộ dân Việt ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia. Các tướng lãnh thì kiên trì trung với đảng, hiếu với đô la, bám bờ, bám ghế, cầm micro, chỉ "súng miệng" vào "nước ngoài".
Từ hình ảnh của những con tàu hải cảnh, tàu khảo sát, giàn khoan, tuyên bố của phía Trung Quốc và sự im lặng của 3 tên đứng đầu bộ máy quyền lực tại Việt Nam, thử hỏi có gì đáng ngạc nhiên khi dân Tàu tin chắc Bãi Tư Chính, Trường Sa là của Trung Quốc và Việt Nam là quân xâm lược. Cũng không lấy gì làm ngạc nhiên nếu những người ngoại quốc bình thường có thể nghĩ rằng Biển Đông nói chung, Bãi Tư Chính, Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng đúng là vùng biển đảo của Trung Quốc mà Việt Nam đang tìm cách tạo sự tranh chấp!?
Chẳng có sự tranh chấp nào! Không có kiện tụng pháp lý nào! Và nhất định sẽ không có một nỗ lực bảo vệ chủ quyền thực sự nào khi mà các đời lãnh đạo đảng Việt cộng đã cùng với đảng Tàu cộng, tự tung tự tác cho mình là đại diện quốc gia, ký mật ước bán đất, bán đảo, bán biển cho Tàu cộng trong những văn kiện mà Cảnh Sảng gọi là thoả thuận song phương giữa 2 nước.
19.11.2019