Phạm Trần (Danlambao) - Lãnh đạo Đảng và Nhà nước CSVN biết sợ Tầu là nhục, nhưng còn hơn nghe dân để mất Đảng.
Tư duy này đã rõ như ban ngày trong cách hành xử ngoại giao và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, cả trên đất liền và biển đảo, trước áp lực của Trung Cộng, của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam từ sau 1975.
Từ Thành Đô đến biển đông
Đầu tiên, phải kế đến cam kết Việt Nam không được nhắc lại cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm từ 1979 đến 1989 mỗi khi họp với phía Trung Cộng; Không tổ chức kỷ niệm cuộc chiến này.
Lệnh này được Lãnh đạo tối cao Trung Cộng, Đặng Tiểu Bình, giao cho Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Cộng Giang Trạch Dân để giao kèo với Đoàn Việt Nam, tại cuộc họp kín ở Thành Đô (Tứ Xuyên) năm 1990. Đây là một trong 2 điều kiện để hai nước nối lại bang giao bị gián đoàn vì cuộc chiến biện giới. Điều kiện kia là Việt Nam phải rút quân khỏi chiến trường Cao Miên để xúc tiến giải pháp chính trị cho nước này.
Đoàn Việt Nam khi ấy do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cầm đầu, cùng với sự có mặt của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười, và Cố vấn Phạm Văn Đồng.
Tuy nhiên đoàn Việt Nam đã vô cùng thất vọng khi Đặng Tiểu Bình tìm cách tránh gặp như kỳ vọng của phía Việt Nam.
Nạn nhân trực tiếp của Thỏa hiệp bí mật Thành Đô là Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương, Thân phụ của Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh), người đã bị Trung Cộng ép phía Việt Nam loại khỏi Đại hội đảng kỳ VII thời Tổng Bí thư Đỗ Mười, vì có thái độ chống Tầu
Thứ hai, Việt Nam không được nêu vấn đề Hoàng Sa, đã bị Trung Cộng chiếm ngày 19/01/1974, mỗi khi thảo luận về Biển Đông.
Cụ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, 103 tuổi, nguyên Đại sứ tại Trung Cộng từ 1974 đến 1987 là chứng nhân lịch sử của những “nỗi nhục” này trong quan hệ Việt-Trung.
Hai nguyên Tổng Bí thư đảng Lê Khả Phiêu (khóa VIII) và Nông Đức Mạnh (hai Khóa IX và X), những người có trách nhiệm ký và thi hành 3 Văn kiện:
- Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ, ký ngày 25/12/2000.
- Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ, ký 25/12/2000.
phải chịu chung trách nhiệm trước lịch sử cùng với Quốc hội, cơ quan đã nhắm mắt phê chuẩn mà không có bất cứ cuộc duyệt xét hay thảo luận nào, để cho những hệ lụy vẫn đang diễn ra ở Biển Đông.
Thứ ba, mặc cho Việt Nam tranh cãi, nhưng Lãnh đạo Trung Cộng gồm Đảng, Nhà nước và Quân đội vẫn khẳng định các bãi đá, đảo và vùng nước chung quanh là của tổ tiên họ để lại.
Thứ bốn, đảng và nhà nước CSVN cũng nói Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, nhưng lại không dám đánh hay kiện Trung Cộng ra Tòa án Quốc tế để:
1) Lấy lại Hoàng Sa.
2) Đòi bồi thường khi ngư dân Việt Nam bị tấn công (nhiều khi có người chết và bị mất tài sản); bị ngăn cấm đánh bắt ở Biển Đông;
3) Không dám dùng biện pháp Quân sự để ngăn cản hay chống Trung Cộng đã ngang nhiên đưa Tầu khảo sát dầu khi xâm nhập sâu vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 Hải lý (lối 370 cây số tính từ bờ biển), như đã xẩy ra trong vụ Hải Dương 981 (HD-981) năm 2014 (từ 2/5 đến 16/07/2014) và Hải Dương 8 (HD-8) ở bãi Tư Chính băm 2019 (từ ngày 3/7 đến 24/10/2019).
Miệng lưỡi lãnh đạo
Trong khi đó, tam đầu chế gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phù Nguyễn Xuân Phúc đã không dám chỉ trích đính danh Trung Cộng khi xẩy ra vụ Tư Chính.
Trong hàng Bộ trưởng, duy nhất chỉ có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoai giao Phạm Bình Minh đã công khai chí trích Trung Cộng 1 lần, tại Hội nghị cấp Bộ trường Ngoại giao ASEAN-Trung Cộng lần thứ 52 (AMM-52) ở Bangkok, Thái Lan ngày 31/7 (2019).
Ông Minh được trích lời đã bầy tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về hoạt động khảo sát của tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu hộ tống của Trung Hoa ở khu vực Bãi Tư Chính.
Ông cũng nói với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng, Vương Nghị rằng Trung Hoa đã “vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”
Tuy nhiên, sau đó, trong diễn văn ngày 28/09 (2019) tại Liên Hiệp Quốc, ông Minh lại tránh nói đến Trung Cộng, ngược lại ông chỉ nói chung chung, vô tội vạ rằng: "Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982)… Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982. Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982."
Nhưng “các bên liên quan” là những Quốc gia nào, ngoài Trung Cộng là nước duy nhất đã và đang “vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam”?
Đến lượt Đại tướng Bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch, cũng không khá hơn. Ông Tướng này cũng không dám nêu tên Trung Cộng là nước đã và đang gây ra bất ổn ở Biển Đông. Ông Lịch nói tại Diễn đàn Hương Sơn (Trung Cộng) ngày 21/10 (2019): "Tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, nếu không được xử lý tốt sẽ tác động đến hòa bình, ổn định tại khu vực, làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, cản trở những nỗ lực hợp tác của khu vực…. Vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích hợp pháp của mỗi nước với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng...”
Nhưng ai đã gây ra tình hình “phức tạp”, ngoài Trung Cộng? Tại sao không nói trắng ra cho thế giới biết ? Đoàn Quốc phòng Việt Nam, do tướng Lịch cầm đầu đã không dám bỏ phòng họp khi Thượng tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng, Ngụy Phượng Hòa tuyên bố thẳng thừng trước Hội nghị rằng: "Các đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư (ở biển Hoa Đông) là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không cho phép dù chỉ một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại bị lấy đi”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Cuộc họp cấp cao của Tổ chức ASEAN (The Association of South East Asia Nations, Hiệp hội các ước Đông Nam Á) tại Bangkok, Thái Lan ngày 03/11/ (2019).
Theo báo Chính phủ Việt Nam, trước hết ông Phúc đã “khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.”
Nhưng về vấn đề trên biển, Ông Phúc lại: "Đề nghị hai bên cùng kiểm soát tốt bất đồng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai nước; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định tại khu vực… xử lý tốt vấn đề nghề cá và ngư dân; đề nghị Trung Quốc tôn trọng các hoạt động kinh tế biển bình thường, phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam; khẳng định Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo theo luật pháp quốc tế…”
Toàn là những chuyện đầu môi, chót lưỡi viển vông không ăn nhập gì đến những hành động ngang ngược của Hải Dương 8 mà Trung Cộng đã gây ra cho Việt Nam ở bãi Tư Chính, mới chấm dứt 10 ngày trước đó (24/10 (2019).
Thái độ cúi đầu trước Lý Khắc Cường của ông Phúc không lạ, vì trước đó, vào ngày 21/10 (2019), Nguyễn Xuân Phúc cũng ấm ớ hội tề trong báo cáo trước Quốc hội rằng: "Tình hình biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao. Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng.”
Nhưng mà ai, ngoài Trung Cộng, đã “vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam”? Tại sao ông Phúc lại sợ không dám nói thẳng với Quốc hội và Quốc dân rằng Trung Cộng đã có những vi phạm nghiêm trọng ở Tư Chính?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ ú ớ Diễn văn khai mạc Quốc hội ngày 21/10 (2019). Bà nói: "Tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận khác... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta."
Vậy ai đã làm cho tình hình Biển Đông “phức tạp”, chẳng lẽ ma nó làm à?
Thậm chí, người đứng đầu Đảng và Nhà nước là ông Nguyễn Phú Trọng cũng không đả động gì đến chuyện bãi Tư Chính, khi HD-8 vẫn đang hoành hành trong khu vực.
Trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương đảng kỳ 11, ngày 13/10/2019, ông Trọng chỉ nói mấy chữ: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế.”
Trong khi Thông báo cuối cùng của Ban Chấp hành Trung ương cũng chỉ nói rập khuôn: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.”
Đến ngày 28/10 (2019), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ra trước Quốc hội báo cáo về tình hình ngoại giao năm 2019, trong đó có vấn đề Biển Đông. Nhưng Quốc hội lại họp kín. Nhân dân không biết ông Minh đã nói gì với Quốc hội. Báo chí đảng cũng nín thinh như gà mắc dây thun.
Như vậy thì còn trông mong gì ở Quốc hội, Cơ quan quyền lực cao nhất nước, nhưng lại là bù nhìn của Bộ Chính trị do ông Nguyễn Phú Trọng, một người thân Trung Cộng cầm đấu?
Cho đến khi Hải Dương 8 tự ý rút về nước ngày 14/10 (2019) vì đã hoàn tất kế hoạch, theo loan báo của Trung Cộng, không ai biết phía Việt Nam đã thi hành những biện pháp bảo vệ biển đảo ra sao.
Chỉ biết rằng, vào ngày 30/10 (2019), trước phiên họp toàn thể của Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn An Giang, đã tiết lộ: "Các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh kiên quyết, kiên trì, xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc. Do đó, cần có thêm những biện pháp mới.” (theo báo Thanh Niên Online, 30/10/2019)
Liệu ông Nguyễn Phú Trọng có sáng kiến gì mới không, hay ông cứ ì ra đấy để mặc kệ dân băn khoăn?
Mã Lai - Phi - Mỹ
Nhưng cũng rất lạ là khi các viên chức Việt Nam, nạn nhận trực tiếp và thường xuyên của Trung Cộng ở Biển Đông, đã níu lưỡi, không dám nêu tên Trung Cộng thì Ngoại trưởng Mã Lai (Malaysia) Saifuddin bin Abdullah đã nhấn mạnh tại cuộc họp của ASEAN vào ngày 2/11 (2019) tại Bangkok, Thái Lan: "Malaysia lo ngại sâu sắc về sự tồn tại của Cục Cảnh sát biển Trung Quốc” trong vùng biển của Mã Lai.
Về phần mình, Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte cũng nói vào tối ngày 2 tháng 11: “Tự do hàng hải ở Biển Đông là ưu tiên hàng đầu của ASEAN”. Ngày hôm sau, tại hội nghị cấp cao ASEAN, 3/11, ông Duterte đã nói thẳng trước mặt Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang): "Trung Quốc cần phải giảm bớt các hoạt động quân sự ở Biển Đông”. (theo báo Nhật, Nihon Keizai Shinbun (Tin tức kinh tế Nhật Bản, ngày 3/11 (2019)
Về phía Mỹ, Cố vấn an ninh Quốc gia Roberts O’Brien cũng công khai chỉ trích Trung Cộng đã xách nhiễu các nước nhỏ ở Biển Đông.
Ông O’sBrien nói trong diễn văn với các Đại biểu ASEAN: "Beijing has used intimidation to try to stop Asean nations from exploiting the offshore resources, blocking access to $2.5tn of oil and gas reserves alone,”
“The region has no interest in a new imperial era where a big country can rule others on a theory that might makes right.”
(Bắc Kinh đã sử dụng hình thức đe dọa để cố gắng ngăn chặn các quốc gia ASEAN khai thác tài nguyên ngoài khơi, ngăn chặn việc tiếp cận nguồn dự trữ dầu khí trị giá 2,5 nghìn tỷ đôla.”
“Khu vực này không hứng thú với một kỷ nguyên đế quốc mới, nơi một quốc gia lớn có thể cai trị những nước khác theo lý thuyết chân lý thuộc về kẻ mạnh.” (VOA tiếng Việt)
Như vậy, có phải hai ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khôn nhà dại chợ, hay hai ông cũng chỉ biết tuân lệnh cúi đầu trước Bắc Kinh để giữ Đảng, theo chỉ thị của ông Nguyễn Phú Trọng? -/-
(11/019)