Phạm Trần (Danlambao) - Báo chí suy thoái tư tưởng, cán bộ mơ hồ chệch hướng và đảng viên không thèm đọc Nghị quyết để thi hành là những chứng tật báo hiệu Đảng đang mất lãnh đạo từ trên xuống dưới.
Kết luận như thế không nóng vội, hay thiếu cơ sở mà tìm thấy từ những bài viết hay lời nói của Lãnh đạo trước Đại hội đảng bộ các cấp địa phương,từ tháng 4/2020 đến trước ngày 30/6/2020 để chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII vào tháng 01/2021.
Trước - sau vẫn vậy
Trong số những Lãnh đạo nói nhiều về khuyết tật của cán bộ, đảng viên, sau Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, không ai khác hơn là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Ông Thưởng, 49 tuổi, là người cầm đầu bộ máy tuyên truyền và chỉ huy báo chí nên ông phải làm hết sức để bảo vệ Đảng và hô hào kiên trì Chủ nghĩa Mac-Lenin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh.
Vì vậy, mỗi câu nói hay dòng chữ của ông Thưởng về tình hình tuyên truyền xuống cấp, hay những chứng hư tật xấu của cán bộ, đảng viên là có thật chứ không vô căn cứ hay thổi phồng để dọa nạt. Do đó hậu quả của khuyết tật là nghiêm trọng, đau xót và ray rứt cho đảng chứ không chỉ nói cho xong việc, nhất là khi ông Thưởng đã phải nói đi nói lại nhiều lần mà cán bộ, đảng viên không những vẫn trơ ra như đá mà có người còn vi phạm nghiêm trọng hơn.
Bằng chứng này đã được người cầm đầu Tuyên giáo nêu ra trong bài viết “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí”, được phổ biến rộng rãi trên báo, đài và trong nội bộ từ ngày 05/12/2019.
Nội dung chính của bài viết là Báo chí phải do đảng lãnh đạo. Cơ quan chủ quản (chủ báo), Tổng Biên tập vá cán bộ báo chí phải phục vụ quyền lợi của đảng. Nhưng trong nhiều năm, đã có nhiều báo và nhiều người làm báo, không muốn để cho đảng nắm đầu và kiểm soát dạ dầy. Họ đã tìm mọi cách lách luật để kiếm ăn thêm, ngoài trợ cấp của đảng.
Do đó ông Thưởng đã chỉ trích: "Không ít cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích và chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, thậm chí còn có sản phẩm báo chí sai định hướng chính trị, tư tưởng, gây tác hại cho đời sống xã hội, vi phạm chỉ đạo, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm suy giảm uy tín, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với báo chí."
Như vậy là cán bộ làm báo đã quay lưng lại với đảng rồi còn gì nữa? Nhưng số “không ít” là bao nhiêu, trong tổng số “868 cơ quan báo chí in, 66 đài phát thanh, truyền hình, một hãng thông tấn quốc gia và hơn 20 nghìn nhà báo được cấp Thẻ Nhà báo”, theo số thống kê chính thức?
Đâu chỉ có vậy vì, theo ông Thưởng còn có: "Một số cơ quan báo chí đưa thông tin theo lối “giật gân, câu khách”, phiến diện, thiếu chân thực, khách quan, làm dư luận hiểu chưa đúng, thậm chí có cái nhìn phiến diện, sai lệch vấn đề. Một số cơ quan báo chí chưa quan tâm đến việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước. Có cơ quan báo chí chỉ quan tâm khai thác các vụ việc tiêu cực, chưa quan tâm đến tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, thiếu hài hòa giữa “xây” và “chống”. Khuynh hướng “thương mại hóa” hoặc để tư nhân đứng sau thao túng có xu hướng gia tăng cần phải được nhận diện, cảnh báo và có giải pháp ngăn chặn."
Ô hay, như thế là loạn cào cào rồi. Trên bảo dưới không nghe rồi còn gì nữa mà than. Báo chí đã được quy định là “tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước” mà dám cả gan “chưa quan tâm đến việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước” thì nguy to rồi. Rõ ràng họ muốn nói: chống thù địch là chuyện của đảng.
Vì vậy, ông Võ Văn Thưởng mới bực tức nói trắng ra: "Cá biệt còn có cơ quan báo chí, nhà báo thiếu trách nhiệm chính trị, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Người đứng đầu một số cơ quan báo chí buông lỏng quản lý nội dung thông tin, quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, chỉ coi trọng chức năng giải trí, thị hiếu tầm thường mà xem nhẹ chức năng chính trị - tư tưởng, định hướng văn hóa, thẩm mỹ, thậm chí lợi dụng báo chí để mưu lợi cá nhân chí”.
Chuyện năm 2018 - 2017
Đó là chuyện của năm 2019. Nhưng tại Hội nghị báo chí toàn quốc, tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, tổ chức chiều 28-12-2018, ông Thưởng cũng đã mỉa mai: "Thực tế không ít cơ quan báo chí lại câu view đăng thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp thay thế. Cùng với đó là việc hù dọa, tống tiền gây sức ép với doanh nghiệp làm quảng cáo, hỗ trợ, hợp tác truyền thông.
"Nhiều phóng viên bị đồng nghiệp ta thán, bị xã hội vừa sợ vừa khinh miệt bằng những từ như "phóng viên đếm tầng", "phóng viên IS", ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự những người làm báo chân chính.
Tư duy, cách làm đó không giải quyết căn cơ đến kinh tế báo chí và trái tôn chỉ mục đích ảnh hưởng tiêu cực đến nội dung, uy tín, sứ mệnh thiêng liêng của báo chí cách mạng, là nguyên nhân cơ bản xuất hiện tình trạng đưa ra các sản phẩm báo chí thiếu tầm văn hóa trong thời gian qua…công chúng và dư luận bức xúc trước tình trạng ngày càng có nhiều hơn những sai phạm nghiệp vụ có chủ ý. Thậm chí có những vụ theo đặt hàng của nhà báo và cơ quan báo chí.”
Ông Thưởng còn nói thẳng: "Đây là những hành vi trục lợi, lợi ích nhóm, tham nhũng trong một bộ phận những người làm báo. Vì vậy, Hội Nhà báo Việt Nam phải đấu tranh chống những nhà báo cào bàn phím, xào nấu tin bài, áp đặt suy nghĩ chủ quan, dựng các nhân vật hư cấu.
Công nghệ thông tin phát triển, một số nhà báo không đến hiện trường, không đi thực tế mà ngồi chat xào nấu tin bài, viết bài thông qua đặt hàng, sai sót về nghiệp vụ không thể chấp nhận được."
Vậy tình hình báo chí năm 2017 có khá hơn không?
Ông Võ Văn Thưởng nói tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018: "Biểu hiện rõ nhất là tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích, vi phạm giấy phép hoạt động ở một số báo, trang thông tin điện tử; khuynh hướng giật gân câu khách, đưa thông tin thiếu nhạy cảm chính trị; dễ dãi trong trích nguồn, hiện tượng "xào" lại tin bài còn tương đối phổ biến… Bên cạnh đó, còn nhiều tin bài thiếu tính nhân văn."
Vẫn theo tiết lộ của ông Thường thì: "Năm 2017 là năm mà số phóng viên báo chí bị xử lý hình sự, bắt quả tang khi nhận tiền, khi vòi vĩnh nhiều hơn mọi năm. Điều này làm cho những người làm báo chân chính đau lòng và cũng đặt ra cho người làm báo cần phải đấu tranh không để con sâu làm rầu nồi canh, làm cho hình ảnh báo chí xấu đi trong mắt xã hội."
Với tình hình báo Đảng cà cán bộ làm báo nát như tương như thế, nên trong bài viết ngày 05/12/2019, ông Võ Văn Thưởng đã ra lệnh:
1-“Báo chí phải giữ vững bản lĩnh chính trị, thực hiện nghiêm trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, trau dồi đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
2.-“Đối với các cơ quan báo chí, công tác xây dựng Đảng góp phần bảo đảm nguyên tắc bất di bất dịch là luôn luôn giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, truyền thông…”
3.- “Các cơ quan báo chí phải coi trọng công tác tư tưởng, lý luận. Trên cơ sở bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước…”
4.- “Các cơ quan báo chí phải thể hiện rõ vai trò tiên phong, chủ lực trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa...”
5.- “Đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ những người làm báo; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tâm lý ngại học tập nghị quyết, tâm lý thỏa mãn bằng lòng với trình độ, thiếu nhiệt huyết phấn đấu, ảo tưởng quyền lực.”
Có lẽ không ít đảng viên đang tồn tại một suy nghĩ ngấm ngầm bất thành văn và cùng nhau đối phó “đi học cho đủ người, họ điểm danh đấy”, hoặc “khi nào điểm danh nháy máy nhé”, hoặc “nhớ giơ tay hộ nhé”, hoặc “nhớ ghi tên hộ nhé”,… Tất cả những biểu hiện này là do ý thức đối phó trong việc tham gia học tập nghị quyết.
Học hành cái gì?
Nhưng khi nói về việc học Nghị quyết của đảng viên thì có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Chính ông Võ Văn Thưởng đã có lần nói rằng: "Nhiều cuộc học nghị quyết tôi quan sát được tỷ lệ không nhỏ ngồi dưới xem iPad, iPhone, đọc tin, nhắn tin.”
Nhưng Tác giả Trần Phú Dũng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) còn quan sát nhiều trò, nhiều kiểu học Nghị quyết trớ trêu và lãng phí khác trong bài viết trên Tạp chí Xây dựng Đảng ngày 31/10/2019: "Bản thân tôi cũng đã có lần đứng trên bục với vai trò thuyết trình, dẫn dắt một vài chuyên đề sinh hoạt đảng, có đứng ở trên nhìn xuống dưới mới thấy rõ những biểu hiện về ý thức học tập nghị quyết của nhiều đảng viên.”
Ông Dũng kể: "Dãy bàn ở trên thông thường được bố trí cho những vị đại biểu, những người giữ chức vụ lãnh đạo đơn vị, nhưng ngay cả dãy bàn này nhiều khi trước mặt đại biểu là những tập tài liệu được coi là phải giải quyết ngay, hoặc là bàn luận công chuyện với lãnh đạo đồng cấp khác, hoặc là gọi điện điều hành công việc ở cơ quan mà ít chú ý, lắng nghe đến báo cáo viên đang truyền đạt nghị quyết. Lãnh đạo đã vậy, thì cấp dưới sẽ ra sao?”
Hỏi như thế rồi ông tự trả lời: "Những dãy bàn kế tiếp sẽ thuộc về đối tượng lãnh đạo cấp thấp hơn. Ở phân khúc này thì thường xuyên biểu hiện qua những câu chuyện thì thầm, hàn huyên với nhau, ít có biểu hiện lắng nghe nghị quyết. Những câu chuyện về chủ đề về ship hàng, về giúp việc, về làm đẹp, về du lịch, giảm cân theo phương pháp luyện tập yoga - fitness, về ứng xử mẹ chồng, nàng dâu, hoặc uống bia ở đâu ngon mà không bị đau đầu,… trở nên hấp dẫn trong những buổi học nghị quyết.”
Thế rồi sao nữa? Hãy nghe ông Dũng kể tiếp: "Một trạng thái khác của lớp học thường phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0 đó là mỗi người một máy điện thoại thông minh, hầu như mọi màn hình đều ở trạng thái kết nối in-tơ-net bật sáng. Chưa có một khảo sát, đánh giá bằng con số cụ thể nhưng dám chắc rằng đến 50 % số người khi tham gia học nghị quyết đều có tham gia sử dụng điện thoại cho mục đích giải trí thông qua mạng xã hội.
Và cũng thứ tự theo đúng thứ bậc rõ ràng, xa xa những hàng ghế cuối cùng là những người hay ngủ, hoặc có ý định ra về sớm, làm việc riêng,… đều lựa chọn những vị trí phù hợp này để thực hiện các mục đích cá nhân của mình một cách thuận tiện và lặng lẽ.
Ngoài ra, còn rất nhiều biểu hiện như đi muộn, về sớm, ra vào giữa giờ, nghe nói chuyện điện thoại… diễn ra thường xuyên trong mỗi đợt học tập nghị quyết của Đảng.”
Cuối cùng, ông Trần Phú Dũng đã đề nghị chua chát: "Cần đổi mới và thiết kế lại, tránh tình trạng 100% đảng viên đã viết đầy đủ thu hoạch nhưng bản thu hoạch được sao chép của nhau, thay tên đổi họ và in, gửi nộp ban tổ chức, gây lãng phí tài chính, ngân sách của đơn vị."
Nhưng ngân sách là tiền thuế của dân, là công sức lao động của mọi người chứ đâu phải là tiền chùa hay tiền của bá tánh công quả cho Nhà nước tiêu hoang?
Tiêu tiền của dân mà học hành ma mãnh như thế thì có đáng bị xử tội không? Nhưng tại sao cán bộ, đảng viên đã chán học Nghị quyết như thế mà chưa thấy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói gì?
Hay là ông đã phải đầu hàng trước cao trào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên? -/-
(12/019)