Xếp loại thi đua ở trại giam, một hình thức nhận hối lộ công khai của cai tù cộng sản - Dân Làm Báo

Xếp loại thi đua ở trại giam, một hình thức nhận hối lộ công khai của cai tù cộng sản

Mẹ Nấm (Danlambao) - Hôm nay nhân việc mẹ của em Trần Hoàng Phúc chia sẻ Thông báo chấp hành án phạt tù của em từ Trại giam An Phước, Quỳnh viết lại chuyện này. 

Phúc bị cai tù xếp loại kém, điều này đồng nghĩa với việc em sẽ không bao giờ được giảm án. Đây chính là sự kiên cường, thái độ tranh đấu rất rõ ràng của một bạn sinh viên trẻ, ngay trong môi trường khắc nghiệt nhất là nhà tù.

Trong trại giam, việc công an nhận hối lộ là chuyện hết sức bình thường, nó trở thành thủ tục "đầu tiên" mà mỗi người tù phải thực hiện muốn nguyện vọng của mình được lắng nghe như xin nghỉ bệnh, xin đi viện, xin nhận thuốc do gia đình gửi vào, xin thăm gặp riêng...

Không có tiền miễn nói chuyện!

Có ở trong trại giam mới biết, đồng tiền có sức mạnh vô biên lắm. 

Một trong những hình thức nhận hối lộ công khai của công an ở trại giam, chính là đường dây xét duyệt thi đua mỗi quý cho tù nhân, bởi đây chính là kết quả căn cứ để quyết định mức giảm án khi đến thời hạn. 

Có 4 tiêu chuẩn chấp hành án phạt tù.

1. Nhận rõ tội lỗi, ăn năn hối cải; tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Trung thực khai báo, tố giác tội phạm, cung cấp thông tin về hành vi phạm tội của người khác mà mình biết.

2. Nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật, bản án, quyết định của Tòa án; Nội quy, quy định của trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi sai phạm; thực hiện nếp sống kỷ luật, trật tự, văn minh; không có thái độ, lời nói, việc làm tiêu cực, gây chia rẽ, mất đoàn kết và ảnh hưởng xấu đến phạm nhân khác.

3. Tích cực, tự giác, gương mẫu trong lao động, học nghề, tham gia đầy đủ ngày công, lao động có kỷ luật, có năng suất, chất lượng, hoàn thành chỉ tiêu, định mức lao động; thực hiện tốt yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường; có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua trong phạm nhân.

4. Tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của mình và của người khác; có ý thức giúp đỡ phạm nhân khác cùng rèn luyện, học tập tiến bộ và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. 

Đa phần các tù nhân chính trị đều bị xếp loại kém vì ngay từ tiêu chuẩn đầu đã không đáp ứng được. 

Còn nhớ năm 2018, lần đầu bị chuyển ra Thanh Hoá, Quỳnh vốn nhẹ nhàng nên khi công an quản giáo đưa đơn tự đánh giá bản thân, Quỳnh rất hăng hái nhận luôn để viết. Ai cũng phấn khởi vì nghĩ chắc Quỳnh suy nghĩ kỹ rồi nên quyết định quay đầu là bờ.

Quỳnh ngồi rất nghiêm trang, suy nghĩ rất nghiêm trọng và bắt đầu đặt bút viết.

- Tiêu chuẩn 1: tôi không có tội!

- Tiêu chuẩn 2: tôi chấp hành nội quy trại giam rất nghiêm túc, không chống đối, hợp tác với cán bộ trại giam, hoà nhã thân thiện với những người xung quanh, tôn trọng người khác.

- Tiêu chuẩn 3: tôi không thể hoàn thành vì cán bộ trại giam không để tôi đi lao động ngoài khu giam giữ như các phạm nhân khác. Việc đưa giấy vàng mã vào trong khu sinh hoạt của tôi là không đúng với quy định pháp luật, khu làm việc và khu ở phải tách biệt với nhau, và vì lý do tín ngưỡng tôi không nhận công việc này. Hơn nữa, cả xã hội đã ủng hộ chuyện không đốt vàng mã để tiết kiệm nên tôi giữ quan điểm nói không với hình thức lao động này.

- Tiêu chuẩn 4: tôi luôn có ý thức về việc giúp đỡ người khác nhận định đúng vấn đề trên tinh thần tôn trọng luật pháp.

- Kết quả tự đánh giá: xếp loại TỐT. 

Sau khi bản tự đánh giá này được gửi đi, không bao giờ Quỳnh được gọi ra để viết thêm cái gì tương tự như vậy nữa. Các bạn tù ở chung nghe kể lại nội dung Quỳnh đã viết đều sửng sốt, vì trước đó các bạn nghĩ rằng Quỳnh sẽ viết theo gợi ý mà các bạn gợi ý. 

Sẽ có bạn hỏi rằng, tại sao phải ngồi viết, mình không có tội mắc gì phải viết?!

Quỳnh xác định, tất cả các giấy tờ hồ sơ khi ở trong trại giam, ít nhiều nó sẽ là một phần lịch sử, là bút tích là bằng chứng mình khẳng định lập trường của mình mọi nơi, mọi lúc, nên Quỳnh viết. Còn ai đọc có cảm giác ra sao, là chuyện của họ. Đây là thái độ, là lựa chọn thể hiện quan điểm chính trị ở mọi nơi, mọi lúc. 

Với các tù nhân bình thường, để được xếp loại khá, loại tốt là cả một quá trình. Ngoài việc tuân thủ làm theo chỉ đạo của quản giáo, đội trưởng bất chấp lý lẽ thì thủ tục đầu tiên là chuyện phải có. Có các mức giá được đưa ra cụ thể tuỳ theo hạng khá tốt. Và người nhà bên ngoài nếu có điều kiện sẽ chuẩn bị để lót tay cho công an. Với những người không có tiền, không có người thân thì sao? Họ sẽ nhận làm tất cả các công việc có thể kiếm ra tiền như giặt giũ, mua bán, trao đổi hàng hoá bên ngoài.. để kiếm tiền đưa cho công an. Và họ sẽ tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh của công an. Những người này thường sẽ nhận được mệnh lệnh để "săn sóc" các tù nhân chính trị kỹ càng, kèm cặp rất sát sao. 

Mặc dù có quy định cấm sử dụng tiền mặt trong trại giam, nhưng tiền vẫn xuất hiện ở nhiều nơi. Dịp Tết Mậu Tuất, Quỳnh thơ thẩn ngoài sân, nhìn thấy cảnh tù nhân nhét tiền mừng tuổi vào túi công an rất hài hước.

Công an không thích tù nhân chính trị vì họ không làm ăn được mà lại còn hay bị bóc tẩy, bắt bẻ.

Tiền ở đâu ra nếu không phải do công an đưa vào? Đường dây đổi tiền với tỉ lệ 1 triệu còn 700 ngàn hay ít hơn khi đến tay người tù do ai tạo điều kiện?!

Khi có chiến dịch lục soát, kiểm buồng giam, tiền do công an này cho đưa vô sẽ bị công an khác thu ra, lập biên bản và rao giảng đạo đức với tù nhân.

Tất cả các tiêu chí đánh giá quá trình chấp hành án đều được quy thành tiền nên mới có câu chuyện người đi trước dạy người đi sau cách làm luật, chạy mức giảm khi vào các mốc như kỷ niệm 30/4, quốc khánh 2/9, giảm án 22/12... 

Đọc những dòng mà chị Út viết khi hay tin con mình nhận kết quả kém, Quỳnh tin rằng em Trần Hoàng Phúc sẽ không bao giờ thấy cô đơn. 

"Mẹ hiểu sự đấu tranh đòi quyền lợi của con không ngừng nghỉ tại đây! Con hãy làm những gì mà luật pháp không cấm, làm những gì mà con thấy cần và hợp với lẽ phải! Và trên mọi nẻo đường con đi, mẹ và gia đình luôn luôn là hậu phương vững chắc cho con!

Nhớ và thương con!" 

Một mùa xuân nữa lại về, cầu chúc bình an cho tất cả những người mẹ, người chị, người em phải xa con, xa em, xa anh chị...

Cầu chúc an lành cho những người tù kiên trung đang trong nơi khắc nghiệt.

Cầu chúc cho tất cả chúng ta thêm vững chí, kiên cường! 

* Trần Hoàng Phúc là sinh viên đại học luật ở Sài Gòn. Anh là thành viên chương trình Sáng Kiến Thủ Lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) do Tổng Thống Mỹ Barack Obama khởi xướng. Vào 07/2017 Trần Hoàng Phúc bị công an bắt giam với cáo buộc trợ giúp kỹ thuật cho hai nhà hoạt động Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển. Đầu năm 2018, toà án cộng sản kết án anh 6 năm tù, và giam anh nhà tù An Phước, tỉnh Bình Dương. 

18.1.2020

-->


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo