S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) – Đảng thực chất chỉ là đảng cướp - Nguyễn Chí Thiện
CHXHCNVN, có lẽ, là nơi duy nhất mà danh tính của một cá nhân lại luôn kèm theo tuổi... đảng: Lê Khả Phiêu 71, Nguyễn Thị Bình 73, Lê Đình Kình 58...
Trong một xứ sở theo chế độ đảng trị thì thâm niên tuổi đảng quả là một thuộc tính rất đáng kể, và đáng nể. Chả thế mà vào ngày 26 tháng 8 năm 2019, tất cả cáo báo đài nhà nước đều hớn hở loan tin:
“Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã tới dự và trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tặng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Tham dự buổi lễ có các Ủy viên Bộ Chính trị, các lãnh đạo Văn phòng Tổng bí thư, các đồng chí Ủy viên Thường vụ Quân ủy…”
Đồng chí Lê Khả Phiêu được toàn Đảng ưu ái không chỉ vì đã từng giữ quyền cao chức trọng mà còn vì ông là một nhân vật kiệt xuất, đặc biệt trong lãnh vực sáng tạo. Ngoài việc cầm quân, ông còn cầm bút và là tác giả của tuyển tập Mênh Mông Tình Dân mà thiên hạ (đôi lúc) đọc nhầm thành Mênh Mông Tiền Dân.
Khác với vị TBT kế nhiệm (Nông Đức Mạnh) đồng chí Lê Khả Phiêu không trang trí nội thất bằng cách dát vàng. Tư thất của ông trưng bầy toàn những sản phẩm đậm đà bản chất văn hoá dân tộc (và đều là hàng độc) như tượng bác Hồ, trống đồng, ngà voi… khiến khách khứa đều phải trầm trồ hay ái ngại – tùy theo cách nhìn của từng người.
Lê Khả Phiêu còn có sáng kiến rất độc đáo (tuy hơi kém “mênh mông” chút xíu) là thiết lập một hệ thống tiêu tưới tự động – sprinkler system – trên sân thượng của tư thất để làm thành một vườn rau nhỏ, dành riêng cho bếp ăn của gia đình, để khỏi phải dùng chung rau (bẩn) với bàn dân thiên hạ. Bằng vào những kỳ tích này nên trong buổi “Lễ Trao Huy Hiệu 70 Năm Tuổi Đảng,” Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã không tiếc lời tán tụng công đức của người tiền nhiệm: “Chúng tôi luôn học tập ở đồng chí về phương pháp, tác phong làm việc sâu sát, cụ thể và hiệu quả.”
Với loại đảng viên ở cấp địa phương thì lễ lạc loại này (thường) giản dị hơn. FB Mạc Văn Trang thuật chuyện:
“Hai hôm nay về Bãi Cháy (Hạ Long) mừng Cụ lão thành Cách mạng 90 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, thân thiết trong gia đình. Cụ tham gia Cách mạng từ năm 16 tuổi, 20 tuổi (1949) đã vào Đảng CSVN. Con cháu cứ nhấn vào sự kiện Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, tổ chức cho hoành tráng, tưởng Cụ 90 tuổi, lú lẫn, lẩm cẩm rồi, thì làm gì Cụ cũng nghe… Nhưng mình để ý, Cụ quan tâm đến 90 năm tuổi đời hơn là 70 năm Huy hiệu Đảng…
Cụ bảo, chúng nó cứ bày ra, nhưng tôi không cho mời ai đương chức cả, chỉ mời anh em, con cháu, bạn bè thân thiết thôi, nhân 90 tuổi mà… Mình bảo, sự kiện 70 năm tự hào lắm chứ nhỉ? – Cụ tặc lưỡi, được 12 triệu…
Tôi về hưu, suốt bao nhiêu năm làm Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Dân phố, tham gia Mặt Trận, Hội người Cao tuổi… không bao giờ có phụ cấp, tất cả là ‘ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng’, tâm huyết, tận tụy…”
Mười hai triệu đồng VN, nếu qui ra Mỹ Kim, là tầm 700 đô la cho bẩy mươi năm năm “tâm huyết tận tụy.” Tính chi li hơn thì mỗi năm được một trăm, và mỗi ngày khoảng 25 xu Mỹ. Chả hiểu có đủ để mua một que kem?
Tuy thế, nếu bỏ chuyện tiền bạc qua một bên thì được như thế cũng qúi hoá lắm rồi. Là công dân của một quốc gia đã từng liên tiếp đánh thắng mấy đế quốc to mà ông cụ vẫn còn sống sót, với nguyên vẹn tứ chi hình hài, mãi đến tuổi 90 (tưởng) đã là điều vô cùng may mắn và hy hữu.
Sự may mắn hiếm hoi này khiến tôi không khỏi trạnh lòng nhớ đến một trường hợp (không may) khác, của một đảng viên cộng sản khác. Trong bản Tuyên Bố Lên Án Tội Ác Đồng Tâm có đoạn viết về nhân vật này như sau:
“Cụ Lê Đình Kình 84 tuổi đời, 58 tuổi đảng, một lão thành cách mạng của đảng cầm quyền, một nhân cách đẹp, một khí phách lớn, kiên cường, bền bỉ, vững tin vào luật pháp nhà nước, vững tin vào lẽ phải, vào nhân dân trong cuộc đấu tranh với quyền lực tham nhũng, một già làng được hầu hết người dân Đồng Tâm kính trọng, tin yêu. Con người như vậy đã bị giết hại và phanh xác quá rùng rợn: Khảo tra, đánh đập bầm dâp khắp thân già. Kề súng tận tim, tận não xả đạn. Mang xác đi mổ bụng, phanh thây…”
Tôi trộm nghĩ thêm rằng chính cái “nhân cách đẹp, một khí phách lớn, kiên cường, bền bỉ, vững tin vào luật pháp nhà nước, vững tin vào lẽ phải” của cụ Lê Đình Kình chính là nguyên nhân gây ra thảm nạn. Cái chết tàn bạo của nạn nhân, và mọi sự sách nhiễu cùng oan khuất mà thân nhân của ông đang phải ghánh chịu, cũng giúp cho tôi chợt hiểu ra thái độ nhận nại (hay nhẫn nhục) của nhiều đảng viên kỳ cựu khác từ nhiều thập niên qua.
Cụ Nguyễn Thị Bình, nhân vật đã nhận huy hiệu 70 tuổi đảng từ năm 2017, là một trường hợp điển hình. Theo Wikipedia: “Bà sinh năm 1927 là một nữ chính trị gia người Việt Nam. Bà nổi tiếng trên thế giới khi giữ cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968-1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định.”
Nhờ vào những “kỳ tích” thượng dẫn nên dù cả MTGPMN lẫn CPCMLT đều bị giải thể (sau khi miền Nam thất thủ) Nguyễn Thị Bình vẫn được cho ngồi vào một cái ghế súp – Phó Chủ Tịch Nước – và bà đã ngồi im thin thít cả chục năm trời (1992 đến 2002) không dám ho he hay hó hé gì ráo trọi.
Mãi cho đến khi cuối đời Nguyễn Thị Bình mới rón rén lập ra một cái quỹ văn hóa với kỳ vọng “hưng dân trí, chấn dân khí” nhưng cũng không tồn tại được lâu. Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 23/02/2019, ái ngại loan tin: “Bà Nguyễn Thị Bình - chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh - ký văn bản thông báo về việc quỹ này chấm dứt hoạt động từ ngày 20-2 vì một số điều kiện khách quan.”
Tuy (nguyên) PCTN không nói gì về những “điều kiện khách quan” này nhưng ai cũng hiểu rằng bà (lại) tiếp tục ngậm bồ hòn làm ngọt. Thế mới rõ Nguyễn Thị Bình là người trí thức và là kẻ thức thời, chứ cứ như nông dân Lê Đình Kình (“kiên cường, bền bỉ, vững tin vào luật pháp nhà nước, vững tin vào lẽ phải, vào nhân dân”) thì e khó thọ đến bây giờ, và chưa chắc đã được chết toàn thây.
Mà có riêng chi bà Bình, ông Thọ, ông Phát, bà Định… (và ngay cả đến ông Hồ) cũng đều chọn thái độ “thức thời” tương tự vì họ biết cái đảng (cướp) của mình rõ hơn ai hết. Chỉ có những thường dân ngây thơ như chúng ta thì vẫn cùng nhau lên tiếng “đòi hỏi phải truy tố những kẻ đã sát hại cụ Kình.” Làm sao có thể can thiệp vào chuyện trừng phạt đảng viên của một đảng cướp cho dù đây là “một vú án một tội ác trời không dung, đất không tha” chăng nữa? Công lý chỉ có thể được thực thi sau khi mọi người đều đã nhận diện được bọn cướp này, và quyết tâm đánh đuổi cho đến khi chúng ngã gục – bằng mọi giá.