Hạn mặn ở ĐBSCL - Sự hủy diệt sức sống của miền Nam trù phú - Dân Làm Báo

Hạn mặn ở ĐBSCL - Sự hủy diệt sức sống của miền Nam trù phú

Mẹ Nấm (Danlambao) - Tháng 2/2020, tin tức về hạn hán, mặn xâm nhập tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) lại tràn ngập khắp mặt báo. Người dân điêu đứng vì thiếu nước sinh hoạt, cây trái chết khô. Nhiều phương án chống mặn lại được đưa lên mặt báo như lần đầu ngập mặn. Cụm từ “lịch sử” lại được sử dụng khi nước mặn quay về xâm chiếm ruộng vườn như đã từng trong năm 2015-2016. Người dân, như thường lệ cũng chỉ biết chép miệng, tắc lưỡi thở dài, tiếp tục cắn răng sống chung với mặn như đã từng sống chung với lũ cộng sản bao năm qua.

Sông cạn là chủ đề không mới

Mekong cạn dòng đã được nhắc tới từ nhiều năm trước. Tổ chức Khí tượng Thế giới và Chương trình Môi sinh Liên Hiệp Quốc (United Nations Environment Programme) thành lập Ủy ban Liên Chính Phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) trong đó có 195 quốc gia thành viên đã từng đưa ra lời cảnh báo Những vùng châu thổ rất dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, do nước biển dâng, do biến đổi dòng chảy, đồng thời với những chấn động qua quá trình sử dụng đất đai, do chính con người gây ra trong lưu vực”. Các vùng châu thổ chính là nơi được phù sa từ các con sông bồi đắp, trong đó có khu vực ĐBSCL của Việt Nam. 

Sự tàn phá thiên nhiên, khai thác cạn kiệt tài nguyên trên Trái Đất của loài người đã đến lúc nhận lấy hậu quả. Đây là chuyện mà không một quốc gia nào có thể tránh khỏi. Tuy nhiên với những quốc gia biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, biết dừng lại trước khi quá muộn thì mọi chính sách phát triển kể từ khi có nguy cơ cảnh báo về sự nổi giận của thiên nhiên đều chú trọng đến môi trường. 

Trung cộng - với giấc mơ bá quyền của nhà cầm quyền Bắc Kinh không và chưa bao giờ đặt lợi ích của nhân loại lên trên tham vọng của mình. Việc khởi công xây dựng hàng chục đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong là một trong những nguyên nhân chính khiến thế giới bận tâm tới kẻ hủy diệt mang tên Trung Quốc. Kẻ hủy diệt này có đủ tiền và lực, nắm trong tay điểm yếu của các nhà lãnh đạo thuộc các quốc gia trong khu vực Mekong, đủ để thao túng, chi phối, điều hành. 

Biến đổi khí hậu cũng là một lý do được nhắc đến, và không một quốc gia nào có thể tránh né nguyên nhân này. 

Vấn đề còn lại, Việt Nam, quốc gia nằm ở hạ lưu Mekong đã chuẩn bị như thế nào trong suốt hơn chục năm qua?

“Mặn lịch sử”, “lụt lịch sử”, “hạn lịch sử”... Cụm từ lịch sử được sử dụng khéo léo như một chu kỳ của thiên nhiên, và mọi tội lỗi như thường lệ sẽ được đổ tại “ông trời”. Nhưng những gì diễn ra khu vực ĐBSCL không phải chỉ do “biến đổi khí hậu” - hay nói cách khác không phải tự trời. Đây là kết quả của những chính sách do con người tạo nên. 

Chủ trương khai thác cát vô tội vạ từ các lòng sông đã dẫn tới việc sụt lún, sạt lở. Có rất nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo, nhưng mọi thứ dường như đã quá muộn. Chỉ đến khi hàng chục km đường, hàng trăm căn nhà đổ nhào xuống sông thì chính sách khai thác, xuất khẩu cát mới được chú trọng. 

Năm 2020, nước láng giềng Lào sẽ khởi công xây dựng đập thủy điện Luang Phabang trong tháng 4 tới. Tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) trong năm 2019 đã từng đánh giá “Dự án thủy điện Luang Prabang sẽ làm trầm trọng hơn những tác động môi trường mà ĐBSCL đang phải đối mặt. Trong đó, suy giảm trầm tích khiến cho đồng bằng không được kiến tạo, xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn, mùa lũ về muộn, thiếu nước, người dân phải khai thác nước ngầm để sử dụng. Việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đe dọa đến sinh kế, đẩy nhanh quá trình di cư và khiến cho toàn vùng trở nên suy thoái, tan rã trước cơn khát năng lượng trên dòng chính sông Mê Kông.” 

Đây là lời cảnh báo muộn màng, bởi từ năm 2007 (tức là 12 năm trước) Biên bản Ghi nhớ về dự án thủy điện Luang Prabang đã được lãnh đạo hai nước Việt-Lào ký kết.

Theo nhận định của Nhà văn Ngô Thế Vinh, người gắn bó nhiều năm với dòng sông Mekong qua các tác phẩm “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng”, “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” thì việc ký kết không thuần chỉ là trao đổi dịch vụ giữa hai bên” nhưng có một ý nghĩa chiến lược lớn lao hơn một con đập rất nhiều: đó là Việt Nam đã bật tín hiệu đèn xanh đối với toàn chuỗi 9 con đập dòng chính trên sông Mekong của Lào. Chính phủ Lào đã rất khôn ngoan hiểu rõ rằng từ nay 2007, mọi phản đối của Việt Nam nếu có cũng chỉ là chiếu lệ; và giới am hiểu tình hình lưu vực sông Mekong đã thấy rõ một Hà Nội bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, và đã bị khuất phục và quy hàng trước chiến lược thủy điện của Lào”. 

Đến năm 2020, người dân Việt Nam chỉ biết cắn răng chịu đựng vì lời giải thích “Nếu Việt Nam không thể cấm việc xây dựng thủy điện ở Lào, thì nên chủ động tham gia yêu cầu họ từ khâu thiết kế đến quy trình vận hành...” Đây kiểu dọn đường dư luận cho chính sách đầu tư của đảng và nhà nước CSVN. Bởi trong dự án thủy điện Luang Phabang, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) sẽ tham gia góp vốn 38%, phía Lào góp 25% và các đối tác khác góp 37%.”

Có thể thấy cảnh báo của các chuyên gia rằng “Dự án thủy điện Luang Prabang sẽ làm trầm trọng hơn những tác động môi trường mà ĐBSCL đang phải đối mặt. không hề được lưu tâm. 

Lợi ích kinh tế, làm sao quản lý được miếng bánh lợi ích khiến các chính sách đầu tư của CS Việt Nam vào dự án thủy điện tại Lào sẽ góp phần làm cho ĐBSCL trở nên suy thoái. Tuy nhiên, hệ thống tuyên truyền như thường lệ đã được sử dụng để giải thích hợp lệ rằng Việt Nam phải đầu tư để kiểm soát. 

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, là nơi lưu trữ những giá trị văn hóa của miền Nam. Hay nói một cách khác đây là khu vực không chỉ tạo ra lương thực mà còn lưu giữ sức sống tiềm tàng của phương Nam. Nhưng thực tế suốt từ năm 1975 đến nay, vùng đất này có nhận được sự đầu tư, bảo vệ tương ứng với những giá trị đã mang lại hay không? Người dân miền Nam chân chất, nếu chọn nghề nông, ruộng vườn thì quanh năm trông mùa nước nổi, ngóng từng con lũ về. Trong suy nghĩ của nhiều người dân, mặn là trời, hạn là do biến đổi khí hậu. Và cứ như thế họ tin rằng chính phủ đang ra sức bảo vệ dân.

Đảng và nhà cầm quyền CSVN làm gì ngoài việc ra nghị quyết và chỉ thị? 

Ngày 14/8/2012. Bộ Chính trị đảng CSVN đã có Kết luận số 28-KL/TW “Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời kỳ 2011 - 2020”. Theo đó, phương hướng, mục tiêu đến năm 2020 được xác định là: “Xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững. Hình thành cơ cấu hệ thống đê điều, cống đập ngăn mặn, ứng phó với nước biển dâng và tác động của thượng nguồn sông Mê Kông...”. 

Thực tế ra sao? 

Năm 2016, những cánh đồng chết khô, đàn trâu bò chết khát, nước sạch đắt như vàng, nước biển tràn tới cửa nhà, cuộc sống của người dân các vùng ĐBSCL bị đảo lộn hoàn toàn; sản xuất nông nghiệp bị tàn phá bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Thiệt hại nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua ước tính lên tới hơn 15.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thời kỳ đó là ông Cao Đức Phát thừa nhận, ngoài thiệt hại về lúa, cây ăn quả, hoa màu, thủy sản, chăn nuôi,... đời sống của người dân cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do thiếu nước sạch. Ông Phát dẫn chứng, ở Hà Nội nước sạch chỉ có 5.000 đồng/m3 nhưng ở Bến Tre, người dân đang phải mua nước sinh hoạt với giá 60.000-80.000 đồng/m3. Các trường học, khách sạn, bệnh viện cũng không có nước sạch, nhiều nơi còn phải dùng nước mặn loãng để làm nước sinh hoạt hàng ngày.”

Ruộng vườn khô cháy? Chính phủ có chính sách đưa con em miền Tây xuất khẩu lao động nước ngoài. Và đây là “điểm sáng mà chính phủ công bố như một giải pháp đầy sáng tạo.”  

Tháng 2/2020, khi hạn hán bắt đầu, hung thần mang tên “hạn mặn” quay trở lại sau 5 năm kể từ 2015, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã phát biểu Đưa con em Đồng Tháp sang lao động nước ngoài là một điểm sáng” tại buổi thăm và làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp ngày 20-2.

Làn sóng di cư của người dân ĐBSCL không phải mới bắt đầu, số liệu thống kê cho thấy trong năm 2018, đã có 1,7 triệu người di cư khỏi đồng bằng Sông Cửu Long do biến đổi khí hậu. Trước đó, các cô dâu Việt sang Đài Loan, sang Hàn Quốc trở thành “trào lưu”. Con số thống kê cho thấy người ta không thể sinh sống, không thể thấy tương lai ở vùng đất mình đã sinh ra lớn lên. Và kế hoạch “đưa con em sang nước ngoài” trở thành giải pháp dễ dàng nhất mà các nhà lãnh đạo, quy hoạch chiến lược cho miền Tây lựa chọn? Ở không được thì đi! 

Quan sát chính sách đầu tư phát triển của cả nước Việt Nam trong nhiều năm qua, người ta sẽ tự hỏi tại sao có sự khác biệt trong việc xây dựng phát triển hạ tầng giữa miền Nam và miền Bắc? Hàng chục ngàn tỷ được đổ ra để xây dựng các tuyến đường cao tốc tại miền Bắc Việt Nam, trong khi đó người dân miền Tây mòn mỏi chờ đợi cao tốc. 

Năm 2018, báo Tuổi Trẻ có bài viếtSao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?. Một bạn đọc đã comment: “Người dân trong Nam cứ đi một vòng ra miền Bắc sẽ cảm thấy ngạc nhiên và thương cho miền Nam. Vì sẽ nhìn thấy ngoài miền Bắc từ Quảng Bình đổ ra Hà Nội: đường sá rất rộng rãi, xa lộ rất tốt. Trong khi ở miền Nam, từ Quảng Trị đến Cà Mau đường rất nhỏ hẹp, không được trùng tu trông rất nhếch nhác. Từ đó sẽ hiểu ra: miền Bắc cai trị miền Nam.” Báo Tuổi Trẻ đã bị đình chỉ 3 tháng vì nguyên nhân này.

Mãi đến tháng 2/2020, thông tin Đồng bằng sông Cửu Long đang được quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. Dự án xây dựng 2 tuyến cao tốc ở miền Tây hơn 67.400 tỉ đồng được nhắc tới. Trong khi cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài gần 60 km, có tổng mức đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng đã sớm đưa vào hoạt động từ 2018 dù nhu cầu không cấp thiết bằng khu vực ĐBSCL. Vân Đồn được đầu tư vì đã được quy hoạch sẵn trở thành đặc khu liệu có phải là lý do hay không?

Con số thống kê từ đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam trong phóng sự phát ngày 4/03/2020 cho thấy cả nước có gần 1.000 km đường cao tốc, thì Sài Gòn và các tỉnh phía Nam hiện có chưa đầy 100 km, mặc dù khu vực này là vùng kinh tế trọng điểm. Số liệu năm 2017, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp trên 50% sản lượng gạo cho quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và 74% lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước. Một vùng đất ngọt lành của quốc gia giờ đây phải nhận một cái kết mặn chát. 

Kế hoạch chống hạn, chống mặn sau 5 năm chuẩn bị nghe rất vĩ mô bây giờ là xây hồ, giữ ao, đào giếng làng và kêu gọi toàn dân chung tay cùng chính phủ giữ nước ngọt. Đây chính là cam kết đồng hành và thực tế phát triển ở khu vực ĐBSCL theo hướng tốt nhất mà các lãnh đạo Việt Nam có thể nghĩ ra? 

Tháng 3/2020, 7 năm sau khi Bộ Chính trị ra Kết luận số 28-KL/TW, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chi cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau mỗi tỉnh 70 tỉ đồng để ứng phó với tình trạng hạn, mặn.

Nếu năm 2016, người dân mua nước ngọt với giá 60.000-80.000 đồng/m3 thì 4 năm sau, giá nước ngọt khi được đưa về đến nhà tại đây đang ở mức 300.000 đồng/m3. Hàng chục vườn sầu riêng đến mùa trổ bông, chuẩn bị kết trái đã phải chặt bỏ. Người dân miền Tây vốn chân chất hiền lành, có lẽ sẽ tiếp tục vô tư nghĩ rằng hạn hán, hạn mặn là do ông trời, theo chu kỳ. Bởi họ nghe đài, đọc báo và bị thuyết phục bởi các định nghĩa liên quan đến lịch sử.

ĐBSCL cứ như một đứa con bị hắt hủi, đến khi thấy đói thấy khát thì được cho ăn, cho uống và khi đã tạm no, vượt qua cơn đói, đứa con ấy sẽ tiếp tục mang ơn kẻ đã bỏ đói mình. 

Bao nhiêu ngôi nhà đã sạt lở, bao nhiêu tấc đường đã trôi tuột xuống sông và bao nhiêu nước mắt đã đổ ra... Cuối cùng chỉ có ông trời phải chịu trách nhiệm. Không một ai dám chỉ ra rằng sự yếu kém, chính sách phát triển không công bằng, hay nghĩ xa hơn phải chăng việc để ĐBSCL chết dần chính là một kịch bản đã có sẵn.

Có mấy người nhận ra thực tế việc thiếu hụt đầu tư, nghiêm túc trong chiến lược phát triển kinh tế cho khu vực ĐBSCL suốt hàng chục năm qua, cộng với sự tham lam của các tập đoàn kinh tế, chính sách khai thác thiên nhiên đến cạn kiệt là nguyên nhân chủ yếu khiến ĐBSCL điêu đứng như ngày hôm nay. 

Điều đáng phải suy nghĩ nhất trong khi ĐBSCL phơi mình đón hạn mặn đó chính là sự ngắc ngoải của một vùng đất. Không chỉ là chuyện cứu lúa, chống mặn, tập thích nghi. Miền Tây đang chết dần vì thiếu vun dưỡng, thiếu đầu tư. Một vùng đất chết đồng nghĩa với việc các giá trị văn hóa sẽ bị tiêu hủy theo. Nói một cách khác, sức sống trù phú, những giá trị làm nên sự khác biệt của vùng đất phương Nam đang bị hủy diệt một cách có chủ đích. 

10.03.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo