Tại sao coronavirus có thể đe dọa nền kinh tế Hoa Kỳ hơn cả Trung Quốc - Dân Làm Báo

Tại sao coronavirus có thể đe dọa nền kinh tế Hoa Kỳ hơn cả Trung Quốc

Austan Goolsbee - CTV Danlambao lược dịch - Sau một loạt các trường hợp tử vong, thị trường chứng khoán giảm đến đau tim và biện pháp cắt giảm khẩn cấp mức phần trăm tiền lời bởi Cục Dự trữ Liên bang, có lý do để chúng ta lo ngại về tác động tối hậu của coronavirus đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.

Nơi đầu tiên để giải mã dĩ nhiên là Trung Quốc, quốc gia có sự lây nhiễm rộng rãi nhất. Tin tức đã trở nên tồi tệ với những cái chết, những khu vực cách ly và biểu đồ kinh tế có vẻ như một đường phẳng, mặc dù số lượng các trường hợp mới đã bắt đầu giảm.

Các nền kinh tế tiên tiến như Hoa Kỳ hầu như không tránh khỏi những tác động trên. Cùng lúc, một sự bùng phát rộng rãi của dịch có thể còn tồi tệ hơn đối với nền kinh tế của các quốc gia này so với ở Trung Quốc. Đó là bởi vì các ngành dịch vụ giao tiếp trực diện có xu hướng thống trị các nền kinh tế ở các nước thu nhập cao nhiều hơn so với Trung Quốc. Loại hình kinh doanh này sẽ gặp khó khăn khi người dân sợ hãi và tránh giao tiếp. Nếu học sinh không đến trường, dân chúng ngừng đi du lịch và không tham dự các chương trình thể thao, không đi đến những cơ sở tập thể dục hoặc văn phòng nha sĩ, hậu quả kinh tế sẽ tồi tệ hơn.

Theo một ý nghĩa nào đó, hệ quả của vi khuẩn đối với kinh tế tương đương với hệ quả đối với sức khoẻ con người. Giống như căn bệnh gây ra mối đe dọa đặc biệt cho bệnh nhân lớn tuổi, nó có thể đặc biệt nguy hiểm đối với các nền kinh tế trưởng thành hơn.

Điều này không phải để giảm thiểu mức độ thiệt hại đang lan rộng mà căn dịch gây ra và đang phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Với sự thiếu hụt tất cả mọi thứ, từ phụ tùng ô tô đến những loại thuốc thông dụng cũng như sự chậm trễ sản xuất trong những mặt hàng như iPhone và Diet Coke, rất nhiều thiệt hại đang đến từ việc đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc. Những thiệt hại đó đã khiến các ngân hàng trung ương và các nhà phân tích tài chính đề cập đến tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu trong những tháng tới.

Cũng không phải để giảm khả năng Hoa Kỳ sẽ tránh được những ảnh hưởng xấu nhất. Các nỗ lực khoa học và y tế công cộng có thể hạn chế sự lây lan của vi-rút hoặc nhanh chóng tìm ra phương pháp điều trị hoặc vắc-xin. Thời tiết ấm áp hơn của mùa hè có thể làm chậm sự lây lan của coronavirus như thường xảy ra với bệnh cúm theo mùa. Nhiều thứ có thể ngăn chặn một ổ dịch lớn như ở Trung Quốc.

Nhưng điều muốn nói lên là một ổ dịch tương đương ở Hoa Kỳ có thể tác động tồi tệ hơn lên nền kinh tế.

Về mặt cơ bản, một số yếu tố ảnh hưởng tiêu cực lên Hoa Kỳ. Nhà cầm quyền độc tài Trung Quốc có thể cách ly toàn bộ thành phố hoặc ra lệnh cấm dân ra đường nhưng đây là một điều khó có thể tưởng tượng xảy ra ở Mỹ. Điều này mang lại lợi thế cho Trung Quốc trong việc làm chậm sự lây lan của dịch. Ngoài ra, một phần lớn người lao động Mỹ thiếu ngày nghỉ ốm và hàng triệu người thiếu bảo hiểm y tế. Vì vậy người dân có thể ít ở nhà hoặc được chăm sóc y tế đúng cách. Bên cạnh đó, 41% dân số Trung Quốc sống bên ngoài khu vực thành thị, hơn hai lần thị phần tại Hoa Kỳ. Bệnh thường lây lan nhanh hơn ở khu vực thành thị.

Ngoài ra còn có một sự khác biệt cơ bản trong cấu trúc kinh tế: Khi mọi người bớt tương tác với người khác vì sợ bệnh tật, những điều họ ngừng làm sẽ thường xuyên ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp lớn hơn ở Hoa Kỳ.

Cân nhắc đi du lịch. Người Mỹ trung bình có ba chuyến bay một năm; người Trung Quốc trung bình ít hơn - chỉ nửa chuyến bay. Và thảm họa dịch xảy ra trên du thuyền Diamond Princess đã khiến nhiều người trì hoãn dự định du lịch trên biển. Chỉ riêng sự việc xảy ra đối với du thuyền này đã có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 3,5% lượng du khách của Hoa Kỳ, nơi có khoảng 11,5 triệu hành khách mỗi năm, so với chỉ 0,17% của Trung Quốc - khoảng 2,3 triệu hành khách.

Mọi người có thể ngừng tham dự các sự kiện thể thao ở Mỹ. Thậm chí đã có những lời kêu gọi Liên đoàn Bóng rổ Đại học của Mỹ tổ chức vòng tranh March Madness mà không có khán giả. Thể thao là một doanh nghiệp lớn ở Hoa Kỳ. Dân Mỹ chi tiêu cho các sự kiện thể thao gấp 10 lần so với Trung Quốc.

Và nếu 60 triệu người Mỹ ngừng chi 19 tỷ đô la mỗi năm cho cơ sở tập thể dục thì đó sẽ là một vấn đề lớn hơn nhiều so với việc 6,6 triệu người dân Trung Quốc ngừng chi 6 tỷ đô la cho việc chi trả các phòng tập thể dục hiện nay.

Và đó chỉ là một sự khởi đầu. Ai muốn đến nha sĩ hay bệnh viện trong khi dịch bệnh bùng phát nếu chuyến thăm không cần thiết? Chi tiêu y tế chiếm 17% nền kinh tế Hoa Kỳ - nhiều hơn gấp ba lần tỷ lệ chi tiêu ở Trung Quốc.

Tất nhiên, không phải lĩnh vực dịch vụ nào của Hoa Kỳ cũng lớn hơn ở Trung Quốc. Thí dụ như dịch vụ bán lẻ và nhà hàng của 2 nước thì tương đương với nhau nếu tính theo tỉ lệ GNP.

Nhưng trên hết là việc Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều vào lãnh vực phục vụ (services) hơn Trung Quốc. Mặt khác, về nông nghiệp, một lĩnh vực không có nhiều tương tác giữa người và người và do đó ít bị tổn hại khi người dân giảm thiểu sự tiếp cận, thì Trung Quốc nhiều gấp 10 lần so với Hoa Kỳ.

Vì vậy, với những cuộc thảo luận về cú sốc "cung" (supply) đối với chuỗi cung cấp toàn cầu bởi sự bùng phát của coronavirus, chúng có thể phải lo sợ nhiều hơn từ một cú sốc đã lỗi thời: cú sốc "cầu" (demand) về nhu cầu tiêu thụ khi mọi người không ra đường. Một đại dịch coronavirus ở Hoa Kỳ có thể giống như một cơn bão tuyết lớn làm ngưng trệ hầu hết các hoạt động kinh tế và tương tác xã hội chỉ hồi phục sau khi tuyết được dọn sạch. Nhưng coronavirus có thể là một cơn đại bão tuyết tấn công cả nước và kéo dài trong nhiều tháng.

Vì vậy, hãy rửa tay đầy đủ trong 20 giây và thể hiện một số thông cảm hơn cho những người bị cách ly ở Trung Quốc và các nơi khác. Bởi vì đại dịch có thể tồi tệ hơn rất nhiều nếu nó lây lan nhanh chóng ở Hoa Kỳ.

Austan Goolsbee, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Chicago, là cố vấn cho Tổng thống Barack Obama. Theo dõi tác giả trên Twitter: @austan_goolsbee

Nguồn:

Lược dịch:




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo