Việt Nam: Lây nhiễm cộng đồng từ đâu, khi nào? - Dân Làm Báo

Việt Nam: Lây nhiễm cộng đồng từ đâu, khi nào?

Mẹ Nấm (Danlambao) - Sáng ngày 1/04, Bộ Y tế Việt Nam công bố thêm 5 ca nhiễm mới, trong đó có 1 ca được xác định là lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, qua suốt một quá trình theo dõi dịch bệnh, nếu ai quan sát kỹ sẽ thấy cách công bố thông tin, đánh số thứ tự ca nhiễm của Việt Nam có vấn đề từ ngay ca 86 và 87, hai điều dưỡng của bệnh viện Bạch Mai.
Bắt đầu từ ca nhiễm 209 mới được công bố trong ngày 1/04, bệnh nhân nữ 55 tuổi, ở tại Long Biên, Hà Nội, hiện đang nấu ăn tại Công ty Xăng dầu Khu vực I. Từ ngày 18/3 đến ngày 24/3, bệnh nhân có tiếp xúc gần với ca bệnh 163. 

- Bệnh nhân 163 là người chăm sóc cho ca nhiễm 161. 

- Bệnh nhân 161 là người nằm cùng phòng với bệnh nhân 133 cùng nằm tại Phòng điều trị Tự nguyện, Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 17-22/3/2020 . 

- Bệnh nhân 133 ở Tân Phong, Lai Châu trong tháng 3/2020 có đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị bệnh và ngày 22/3/2020 trở về nhà tại tỉnh Lai Châu. 

Vậy bệnh nhân 133 lây từ đâu nếu không phải là lây từ bên trong Bệnh viên Bạch Mai? 

Ngày 22/3 bệnh nhân số 133 rời Bạch Mai về Lai Châu, Bộ Y tế công bố 2 ca nhiễm 86 và 87, đây là 2 nữ điều dưỡng làm việc tại bệnh viện. 

Ca nhiễm 86 được xét nghiệm sau khi ca nhiễm thứ 87 dương tính. Theo lẽ thường, ca nào xét nghiệm dương tính trước thì phải đánh số thứ tự trước sau mới đúng, tại sao ở đây lại có chuyện xét nghiệm 87 dương tính trước, tra lại lịch sử dịch tễ rồi mới đưa ca 86 đi cách ly và xét nghiệm? Ai chỉ đạo việc hoán đổi số thứ tự ca nhiễm này? Vì lý do gì?

Điểm phức tạp nhất là xác định nguồn lây nhiễm của ca 86. Bởi với lịch sử đi lại từ Hà Nội – Sài Gòn - Côn Đảo chưa rõ bệnh nhân này bị nhiễm bệnh trong quá trình di chuyển hay từ bệnh viện. 

Nếu lây từ bênh viện thì việc Bạch Mai trở thành ổ dịch phải xác định trách nhiệm từ đâu? 

Nếu ai đó nói rằng, Bộ Y tế minh bạch, kiểm soát, làm tốt dịch bệnh thì tôi mong hãy nhìn lại các mốc thời gian: 

- Ngày 4/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói “1 tuần nữa không có ca nhiễm mới sẽ tuyên bố hết dịch”

- Ngày 6/3 phát hiện ca nhiễm thứ 17 bệnh nhân đi từ Anh về. Mọi sự chú ý dồn hết vào ca nhiễm 17 và 21 là hai bệnh nhân trên chuyến bay VN54 từ Anh về Nội Bài. Tất cả đều là các ca nhiễm ngoại nhập.

Trong khi đó, ngày 6/3, ca bệnh số 86 đi nghỉ cùng gia đình tại Côn Đảo, Vũng Tàu, theo hành trình Hà Nội - Sài Gòn (chuyến bay VN 7209) và Sài Gòn - Côn Đảo (VN 8059). 

- Ngày 8/3, bệnh nhân bay ra Hà Nội (không nhớ rõ chuyến bay). 

Nếu xác định có lây nhiễm cộng đồng, lây nhiễm bên trong bệnh viện đây chính là thời điểm mà Bộ Y tế lựa chọn các ca ngoại nhập, các ca nhiễm trên máy bay để làm nhẹ trách nhiệm trong việc lây nhiễm nội địa như ca 86 và 87. 

Cách làm này rất giống những gì diễn ra ở Trung Quốc, số ca nhiễm mới trong nội địa không công bố, chủ yếu đổ dồn về các ca ngoại nhập. 

Có khá nhiều lời khen ngợi nhà cầm quyền CSVN chống dịch tốt qua các con số, quả thật chỉ số 16 được bảo vệ với quyết tâm chính trị cao độ đẹp như mơ! 

Nhưng thực tế chứng minh lại khác, kiểm dịch và kiểm duyệt luôn đi đôi với nhau trong các chỉ đạo của trung ương. Hãy nhìn vào danh sách công bố ca nhiễm ngày 18 và 19/3 để thấy cách mà Bộ Y tế cố tình sàng lọc ca nhiễm khi công bố. Các chỉ số được kiểm soát khá kỹ với mục đích dàn trải đều ra để đồ thị ca nhiễm mới không tăng đột ngột. Đây là kiểu thống kê lừa đảo! 

Phơi nhiễm, lây nhiễm cộng đồng tại Việt Nam bắt đầu từ khi nào, Bộ Y tế, hay nói chính xác hơn Bộ Chính trị còn nợ người dân một câu trả lời. 

Xin cầu nguyện và chúc bình an cho nhau, đặc biệt là cho các nhân viên y tế dù ở bất cứ nơi đâu. Họ chính là những người đang ở tuyến đầu của trận chiến chống lại đại dịch do virus Vũ Hán gây ra.

1.04.2020




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo