Chết thay cho ai? - Dân Làm Báo

Chết thay cho ai?


Nạn nhân

Gồm 2 người: Nguyễn Thị Ánh Hồng, sinh năm 1985 (23 tuổi), nhân viên Bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An và Nguyễn Thị Thu Vân, sinh năm 1987 (21 tuổi), cũng là nhân viên Bưu điện Cầu Voi. Cả hai đều ngụ tại Bưu điện Cầu Voi.

Các nghi phạm

Tại thời điểm 13/01/2008 hôm xảy ra vụ án, nạn nhân Ánh Hồng đang có mối quan hệ tình cảm với nhiều người đàn ông: Nguyễn Mi Sol (người yêu cũ), Nguyễn Văn Nghị (người yêu mới) và một kĩ sư tên Trung (bạn mới quen). Chưa kể Trần Văn Chiến và Nguyễn Tuấn Anh cũng đang theo đuổi Hồng.

-Nguyễn Mi Sol sinh năm 1980 làm nghề thợ bạc. Hồng và Sol yêu nhau và từng có dự định kết hôn nhưng bị hai gia đình ngăn cản, tuy nhiên cả hai vẫn sống như vợ chồng. 

Nguyễn Mi Sol thời điểm trước khi vụ án xảy ra đang làm việc ở Sài Gòn, cuối tuần thường về thăm Hồng. Mỗi lần về thăm Hồng, Sol đều ngủ lại với Hồng ngay tại Bưu điện Cầu Voi.

-Nguyễn Mi Sol có bạn là Nguyễn Văn Nghị, sinh năm 1979, quê Tiền Giang nhưng tạm trú và làm việc tại tiệm vàng Long An, chính là người sau này trở thành người yêu mới của Hồng. Theo một nhân chứng, tối hôm xảy ra vụ án, Sol cũng về Cầu Voi nhưng không vào bưu điện thăm Hồng vì biết có Nghị ở đó.

Theo một số nguồn tin từ nước ngoài, Nguyễn Văn Nghị là cháu của cựu phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Quê quán của Nghị trùng khớp với lời khai của nhân chứng Nguyễn Thị Phượng, người bán trái cây ở chợ Cầu Voi. Hôm xẩy ra án mạng, nạn nhân Thu Vân có ghé qua hàng chị Phượng mua trái cây bằng tiền của người bạn trai Ánh Hồng quê Tiền Giang đưa cho Vân đi mua trái cây mang về.

Nguyễn Thị Ánh Hồng sau khi yêu Nguyễn Văn Nghị vẫn qua lại với Sol nên mối quan hệ giữa Nghị và Sol bị sứt mẻ, vì ghen tuông nên cả hai thường xuyên cãi vã hung hãn. Theo lời khai của Sol và các nhân chứng khác thì Nghị nghiện ma túy. 

Vào đêm xảy ra vụ án, người dân địa phương thấy Nghị đi xe máy đến Bưu điện Cầu Voi gặp Hồng và Vân. Tuy nhiên, kể từ 20 giờ 10 phút đêm đó, Nghị khai là đang uống cà phê với bạn tại một quán cà phê khu vực Cầu Voi và được chủ quán cà phê xác nhận thời gian.

Sau khi vụ án xảy ra khoảng một năm, 2009, Nghị đã rời khỏi Long An và hồ sơ của Nguyễn Văn Nghị được rút đưa vào hồ sơ AK của Bộ Công an, đây là tài liệu mật và không ai được truy cứu.

- Ngoài Nghị, Sol, còn có Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1981, thợ bạc tiệm vàng Kim Long gần khu vực Bưu điện Cầu Voi. Tuấn Anh đang theo đuổi Ánh Hồng. Vào đêm xảy ra án mạng, Tuấn Anh cũng có ghé Bưu cục Cầu Voi và gặp gỡ Hồng.

-Tương tự như Tuấn Anh là Trần Văn Chiến, sinh năm 1980, thợ bạc. Chiến cũng đang theo đuổi Hồng và tối hôm xảy ra án mạng, Chiến cũng có mặt tại bưu điện Cầu Voi để trò chuyện với Hồng.

-Lại thêm một tình tiết được Nguyễn Văn Nghị khai ra là Hồng vừa mới quen một kỹ sư tên Trung. Trung đang thi công công trình tại Long An. Nghị khai khi tới Bưu điện Cầu Voi đêm xảy ra án mạng đã thấy Trung đang ngồi nói chuyện với Hồng trước rồi.

Tóm lại, nạn nhân Nguyễn thị Ánh Hồng đã có rất nhiều quan hệ nam nữ cùng lúc gồm Sol, Nghị, Chiến, Tuấn Anh và Trung. Đêm trước khi Ánh Hồng bị giết thì đã có 4 trong 5 người đàn ông, Nghị-Chiến-Tuấn Anh- Trung đều ghé vào Bưu cục để gặp cô (Sol có đến nhưng không vào). Nhưng kẻ bị kết án lại là Hồ Duy Hải.

Hồ Duy Hải

Hồ Duy Hải, sinh năm 1985, con trai của bà Nguyễn Thị Loan ngụ tại Long An. Bà Nguyễn Thị Loan đi lao động ở Đài Loan từ năm 2004 đến năm 2007, lương bà mỗi tháng 15 triệu đồng, bà gửi về cho 2 con là Duy Hải và Thu Thủy 10 triệu đồng. Cha mẹ Hải chia tay nhau từ khi hai anh em Hải còn nhỏ. Hai anh em Hải được mẹ và dì nuôi dưỡng.

Nhà Hải cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2 km, Lúc đầu Hải quen biết với Vân, sau đó thông qua Vân, Hải quen Ánh Hồng.

Theo cơ quan điều tra thì Hồ Duy Hải trước thời điểm gây án đang nợ 15 triệu đồng tiền ghi đề, cá cược bóng đá, nên sau lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường, công an xem đây như là động cơ giết người để cướp tài sản.

Các nhân chứng quan trọng:

1.Đinh Vũ Thường, người tới Bưu điện Cầu Voi gọi điện thoại về nhà vào buổi tối 13/01/2008 xảy ra án mạng lúc 19 giờ 30.

2. Nguyễn Thị Phượng, người bán trái cây ở Cầu Voi.

3. Nguyễn Văn Thu, tham gia dọn dẹp hiện trường vụ án.

4.Võ Văn Hùng, tham gia dọn dẹp hiện trường vụ án.

5.Nguyễn Văn Vàng, tham gia dọn dẹp hiện trường vụ án.

6.Nguyễn Tuấn Ngọc, tham gia dọn dẹp hiện trường vụ án.

Lời khai của các nhân chứng

-Nguyễn Thị Phượng (người bán trái cây): Vân đi mua trái cây dùng tiền do bạn trai của Hồng đưa và nói người đó quê Tiền Giang (Nguyễn văn Nghị)

-Đinh Vũ Thường khai có tới Bưu điện Cầu Voi và gọi điện từ máy điện thoại của bưu điện này vào lúc 19 giờ 39 phút. Thời gian đầu 2008, Thường khai thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện lúc 19 giờ 39 phút. Nhưng 3 năm sau, vào năm 2011 Thường lại đổi ý là "chỉ nhìn thấy một thanh niên, và không thể nhận diện được".

-Các nhân chứng khác như Thu, Hùng,Vàng, Ngọc đều là người thu dọn hiện trường.Theo lời khai của bốn người này, lúc họ dọn dẹp hiện trường thì phát hiện một con dao còn mới và sạch nhét sau tấm bảng treo trên tường. Họ đã báo cho công an xã và huyện nhưng được lệnh phải đốt bỏ. Bốn người dọn dẹp này đã dùng con dao này để cạo vết máu trên nền gạch rồi mang đi đốt bỏ nó. Hôm sau, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Long An lại cho tìm kiếm con dao của hung thủ do nhóm bốn người dọn dẹp hiện trường hôm qua phát hiện rồi mang đốt, nhưng không tìm lại được, cho dù phần lưỡi dao bằng kim loại?

Lời khai của Hồ Duy Hải

Trong bài báo "Vụ giết hai nhân viên Bưu điện Cầu Voi, Long An: Hung thủ giết người để lấy tiền cờ bạc" của nhà báo Hoa Hạ trên báo Cần Thơ hôm 24/03/2008, nhà báo cho biết Hồ Duy Hải đã nhận tội giết Hồng là để lấy tiền, vàng ăn chơi, cờ bạc, cá độ bóng đá, và giết luôn cả Vân vì Vân biết quá rõ sự có mặt của Hải tối hôm đó.

Nhưng sau đó, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm năm 2008 và phiên tòa xét xử phúc thẩm năm 2009, Hồ Duy Hải lại phủ nhận và kêu oan.

Thành phần điều tra:

- Lê Thành Trung, người khám nghiệm hiện trường và tử thi vào ngày 14/01/2008.

- Thượng tá Phạm Văn Tiến, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Long An, người ký lệnh bắt khẩn cấp Hồ Duy Hải vào chiều ngày 24/03/2008 thì nay đã qua đời.

- Nguyễn Thanh Hải, công an điều tra tỉnh Long An, đã qua đời. 

- Huỳnh Văn Minh, công an viên tỉnh Long An, đã qua đời. 

Có điều gì đó bất thường là 4 công an tham gia điều tra mà sau đó hết 3 công an đã “bị” cho qua đời?

Quá trình xét xử

-Ngày 01/12/20008 Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử sơ thẩm vụ án Hồ Duy Hải tuyên án tử hình 

-Ngày 28/04/2009 Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tại TP HCM y án tòa sơ thẩm, tuyên án tử hình. 

-Chiều ngày 08/05/2020 phiên Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải kết thúc, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện KSND tối cao. Tòa thấy không cần hủy án để điều tra lại, dựa theo Hồ sơ do cấp thẩm quyền bên dưới gửi lên:

"Khoảng 19 giờ ngày 13/01/2008, Hồ Duy Hải tới Bưu điện Cầu Voi và vào nói chuyện với Ánh Hồng. Khoảng 20 giờ 30, Hồ Duy Hải vì muốn quan hệ tình dục với Hồng nên đã đưa tiền cho Vân đi mua trái cây. Sau khi Vân đã ra ngoài, Hồ Duy Hải kéo Hồng vào giường thì bị Hồng đạp mạnh vào người khiến Hải bay vào tường. Hải tức giận bóp cổ Hồng, lấy thớt đập vào mặt, rồi lấy dao cắt cổ Hồng. Sau khi Vân đi mua trái cây về, vì sợ bị phát hiện nên Hải đã rình sẵn và sát hại luôn cả Vân. Sau khi gây án, Hải mở tủ lấy 1.4 triệu đồng và khoảng 40-50 sim card, điện thoại di động Nokia, dây chuyền và bông tai của các nạn nhân về nhà cất giấu. Hôm sau, Hồ Duy Hải lên TP HCM bán một số nữ trang được 3,7 triệu đồng. Sau hơn 2 tháng điều tra, chiều ngày 21/03/2008, cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Long An ký lệnh bắt khẩn cấp Hồ Duy Hải.

Ngày 21/03/ 2008, ông Nguyễn Văn Thu (nhân chứng tham gia dọn dẹp hiện trường vụ án) đã ra chợ mua một con dao khác để thay thế cho con dao gây án đã bị đốt bỏ theo lệnh công an xã hồi 2 tháng trước. Tương tự, hôm 24/03/2008, nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu (bạn của hai nạn nhân Hồng và Vân) đã đi mua một thớt gỗ giống như hung khí về giao nộp theo yêu cầu của cơ quan điều tra. 

Ngày 11/04/2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Long An nhận được giám định từ Phòng Kỹ thuật hình sự ghi rõ: "Các dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án, không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón tay in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải".

Từ 2009 đến 2019, Hồ Duy Hải đã nhiều lần đệ đơn lên các đời Chủ tịch nước như Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng xin tạm hoãn thi hành án, chính vì vậy, Hồ Duy Hải tạm thời đến nay vẫn chưa bị hành hình.

Tháng 3/2018 Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) cũng có kiến nghị với 25.000 chữ ký kêu gọi VN hủy bỏ án tử hình cho Hồ Duy Hải, cũng như vào tháng 10/2019, Tổng thư ký Ân xá Quốc Tế Na Uy John Peder Egenaes gửi thư đính kèm theo chữ ký của 25.543 người Na Uy tham gia kêu gọi hủy án tử hình cho Hồ Duy Hải.

Kết luận

Có rất nhiều ý kiến từ các luật sư, các Đại biểu Quốc hội:

"Tôi thấy hồ sơ còn quá nhiều vấn đề chưa được làm rõ."

"Tôi là người đã nghiên cứu rất sâu về hồ sơ này, nên tôi có cơ sở để tin rằng hung thủ thật sự không phải là Hồ Duy Hải, ít nhất là theo kết quả điều tra đến thời điểm hiện nay."

"Dù với niềm tin nội tâm của tôi Hải là thủ phạm. Tuy nhiên, từ hàng loạt sai sót trong quá trình điều tra, chúng ta như cầm gậy đập vào chân mình. Vì gian dối, đưa các chứng cứ giả, mới dẫn đến vụ án càng thêm phức tạp.”

Một vụ án mà khi đọc lại các chi tiết từ báo chí cũng như các cơ quan điều tra đưa ra đã khiến cộng đồng trong và ngoài nước vô cùng bất bình vì kết luận của cơ quan điều tra còn vô số thiếu sót, mâu thuẫn, vô căn cứ, cũng như cách giải quyết của Chánh án Nguyễn Hòa Bình lại đầy “lấp liếm” và “cố tình bao che”, giống như là bản án bỏ túi đã định sẵn, phiên tòa mở ra tất cả chỉ là hình thức. Còn rất nhiều nghi vấn vẫn chưa được điều tra tận gốc:

-Tại sao ngay lúc ban đầu tìm ra con dao gây án thì côn an xã bắt phải mang thủ tiêu và hai tháng sau lại ra chợ mua dao mới, thớt mới về làm chứng cớ?

-Tại sao Nguyễn Văn Nghị lại được rút tên ra khỏi vụ án và đến nay hoàn toàn biệt tích?

-Tại sao 3 trong 4 công an điều tra vụ án lúc ban đầu lại liên tục đột tử? 

-Tại sao dấu tay tại hiện trường hoàn toàn khác với dấu tay của Hồ Duy Hải mà công an lại không dám cho truy lùng thủ phạm? Hay vì thủ phạm là con cháu của cán cộm nên được bao che?

Qua 3 phiên tòa, Hồ Duy Hải đã bị xem như tử tù, nhưng vẫn còn cái phao cuối cùng là làm đơn xin ân xá hay đặc xá từ Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ngoài ra nên vận động thêm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, để làm mạnh thêm tiếng nói ủng hộ cho việc ân giảm này. Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình sẽ chuyển thành tù chung thân, theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật Hình sự. 

“Có thể” Nguyễn Phú Trọng sẽ ký lệnh ân xá, không phải để tránh chuyện xử phạt oan sai mà chỉ vì qua đó, Trọng và ĐCS sẽ khôi phục lại phần nào niềm tin trong nhân dân vốn từ lâu đã không còn tin tưởng vào hệ thống tư pháp của nhà sản.

Chú thích

10/05/2020



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo