Kết luận giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải là âm mưu rửa mặt cho đảng? - Dân Làm Báo

Kết luận giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải là âm mưu rửa mặt cho đảng?

Hồ Phú Bông (Danlambao) - Không thể nào đọc kỹ hết được vô số phản ứng về kết luận của Tòa Tối cao, y án hai phiên tòa cấp dưới, tử hình ông Hồ Duy Hải.

Dư luận đa số tin ông Hồ Duy Hải bị án oan. Còn hung thủ chính có gốc gác lớn nên đã được giàn dựng để thoát tội. Số ít hơn bán tín bán nghi, tin ông Hồ Duy Hải có thể là hung thủ nhưng họ phản ứng vì cơ quan điều tra có quá nhiều sai phạm nghiêm trọng. Mà đã sai phạm thì phải điều tra lại.

Tôi chưa thấy phản ứng của số người tin ông Hồ Duy Hải đúng là hung thủ.

Vì thế, cứ cho ông Hồ Duy Hải đúng là hung thủ, tôi vẫn không thể chấp nhận kết luận của Tòa Tối cao. Vì với những “sai sót” (Tòa xác nhận) thì tại sao không trả hồ sơ để điều tra lại “không còn sai sót”? Rồi sẽ xử lại, vẫn y án? Nếu làm như thế có thể uy tín ngành tư pháp được cứu vớt chút đỉnh. Tư pháp được cứu vớt, chế độ cũng được “ăn theo”.

Vấn đề thật đơn giản nhưng tại sao Tòa Tối cao không thấy hoặc không thể làm?

Ngành tư pháp, với kết luận vừa rồi, vốn đã bị nghi ngờ càng bị nghi ngờ hơn. Nên, nếu tin về cái gọi là “độc lập tư pháp” thì hãy tin câu chuyện về “anh hùng Lê Văn Tám” hoặc chuyện “Bác Hồ không có vợ, con”!

Nhưng 17 Thẩm phán, họ là ai? Trước hết, 16 người là thuộc cấp của ông Chủ tọa Nguyễn Hòa Bình. Kế đến, đều cùng là đảng viên. Kế tiếp nữa, đảng viên đương nhiên phải thi hành lệnh của đảng!

Thử nhìn 9 vị Toà Tối cao của Mỹ. Mỗi vị được Tổng thống đương nhiệm đề cử. Tổng thống thuộc đảng nào thường đề cử vị thẩm phán “có khuynh hướng” thiên về đảng của mình, điền vào ghế trống vì một lý do nào đó. Do đó vị được đề cử bị đảng đối lập cật vấn rất gay gắt, nhiều câu hỏi hóc búa về đời tư, kể cả nhân chứng sống trực tiếp ra làm chứng về những việc vị đó từng làm. Thử hỏi một ứng cử viên phải ngồi trước ủy ban Thượng viện chịu cật vấn suốt tuần lễ như vậy, sau đó mới bỏ phiếu, sẽ thấy mức độ độc lập của Tòa Tối cao ra sao!

Hơn thế nữa, Tòa Tối cao không quá ít người, vì ít người phán quyết dễ bị nhiều sai số. Cũng không quá đông, vì “chín người mười ý”, tranh cãi bất tận. Lịch sử phán quyết Tòa Tối cao của Mỹ có số phiếu 5/4 rất nhiều. Không có chuyện phiếu áp đảo. Điều nầy xác nhận tính cách độc lập của thẩm phán.

Nhưng Tòa Tối cao VN vừa rồi có tới 17 vị, bàn cãi chưa tới 3 ngày một vụ án có quá nhiều uẩn khúc mà mẹ của bị can đã có cả ngàn đơn kêu cứu khắp nơi, đằng đẵng suốt 12 năm. Thế nhưng, khôi hài ở chỗ là họ “nhất trí” kết luận.

Với thể chế Dân chủ Tự do Tam quyền phân lập thì, có thể nói mà không sợ sai, là không bao giờ có cái gọi là “nhất trí”. Điều mà người miền Nam rất ngỡ ngàng từ sau 1975, khi hai tiếng “nhất trí” nằm ngay ở cửa miệng cán bộ. Cái gì cũng “nhất trí”. Thế mà vẫn chưa đủ, lại còn có thêm “nhất trí cao” nữa!

Kết luận của Tòa Tối cao vừa rồi, với sự “nhất trí” kỳ quái, làm dư luận nghi ngờ là có toan tính ở cấp cao nhất. Bổn phận của 17 đảng viên thẩm phán là dọn đường để ông đảng trưởng có dịp thể hiện tính “khoan hồng nhân đạo”...(?) nếu tử tù làm đơn xin giảm án. Dùng kịch bản như vậy là đảng mong xóa bớt được bộ mặt bất nhân, bất nghĩa của chính họ. Ví dụ như xóa bớt được hình ảnh xác cụ Lê Đình Kình bị xử tử, bắn trực tiếp ngay tim, nát đầu gối tại giường cụ ngủ, đã thế lại còn bị mổ bụng... do 3000 lính tấn công vào xã Đồng Tâm nửa khuya, cận ngày Tết, muốn xóa sổ luôn con cháu cụ.

Phải chăng đảng dùng phiên tòa hình sự với mong muốn nêu trên? Nếu đúng thế thì dư luận thật sáng suốt, đã bóc mẽ được ngay với vô số nghi vấn mà không một ai đương chức ở bất cứ cấp nào dám đứng ra trả lời.

Với chế độ cộng sản thì mọi việc đều rất mù mờ. Vì chỉ có mù mờ họ mới có thể lấp liếm giải thích mọi chuyện.

Có điều chắc chắn là: Không còn ai tin đảng! Không còn ai tin vào hệ thống pháp luật VN!

(9/5/2020)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo