Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Kỷ niệm 45 năm Quốc Hận 1975-2020 và nhân đọc được bài viết "Chuyện cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975" của giáo sư Trần Gia Phụng trên trang mạng Dân Làm Báo, xin mạn phép được bổ sung thêm một vài chi tiết lịch sử trong mong muốn góp sức làm sáng tỏ phần nào cho chân lịch sử Việt Nam cận đại nói chung và về câu chuyện cổng Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975 nói riêng.
***
Lịch sử theo cách viết của Việt Cộng chỉ là một chuỗi các sự kiện luôn được "đẽo gọt" và "chế tạo" nhằm mục đích tuyên truyền, phục vụ cho lợi ích và nhu cầu chính trị của đảng cộng sản Việt Nam theo từng giai đoạn hoạt động của nó. Hoàn toàn không có được phần trăm nào có thể tạm coi là sự thật trong các bộ sách lịch sử của Việt Cộng. Chuyện xưa là các anh hùng cuội Lê Văn Tám, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn... đều là sản phẩm tưởng tượng của những bộ óc bần cố nông, nên nhanh chóng lộ rõ cái "láo không có căn" và khó thuyết phục người nghe. Chuyện mới là chiếc xe tank nào của Bắc Việt là chiếc đầu tiên vào Dinh Độc Lập trong sáng ngày 30/4/1975 tuy không phải là sự "giả tưởng: nhưng dưới sự trình bày của các nhà viết sử cộng sản cũng đã trở nên bất nhất, khi này, khi khác, bởi thói tật tuyên truyền ưa vẽ lại lịch sử theo ý đảng.
Với bản chất đầu phục, nô lệ đàn anh Liên Xô, Trung Cộng tới mức khiếp nhược, phải tính toán chi ly từng chút một khi đu dây giữa Moscow và Bắc Kinh, lồng trong tâm thế xu phụ, nhỏ nhen, tráo trở và sẵn sàng ăn cháo đá bát tùy giai đoạn, bên cạnh thói huênh hoang muốn biến một mâm cổ được dọn sẵn đưa lên tận miệng, thành một chiến thắng long trời lở đất của "anh bộ đội cụ Hồ" và để giải quyết những tranh chấp hư danh giữa các nhân vật có liên quan đang ở trên tuyến đầu vào lúc hỗn loạn đó, cụ thể là sự tranh giành công lao giữa bộ binh và thiết giáp Bắc Việt, đã khiến cho một sự kiện lịch sử tương đối rõ ràng là cuộc chiếm đóng Dinh Độc Lập bởi xe tăng cộng sản diễn ra như thế nào đã trở thành quá rối rắm, khi Hà Nội nhào nặn ra chuyện xe tăng số 843 của Bùi Quang Thận và xe tăng số 390 của Vũ Đăng Toàn ủi sập cổng Dinh Độc Lập và chiếm phủ Tổng thống Ngụy đầy tính "sử thi" như một dấu chấm hết chiến tranh đầy lẫm liệt dưới sự lãnh đạo quang vinh của "đảng ta".
Một nữa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nữa sự thật thì không thể là sự thật và thói Nhổ rồi Liếm và Liếm rồi Nhổ trong quá trình "giết sử: của bọn văn nô cộng sản luôn là một "chân lý không hề thay đổi". Do đó nhân 45 năm kỷ niệm ngày VNCH bị bức tử, xin được thử tóm lược lại hoàn cảnh và diễn tiến khả tín nhất về sự kiện này qua lời kể của một số nhân chứng tại chỗ để viết lại cho đúng với thực tế hơn.
1. Sơ lược hoạt động tác chiến của lữ đoàn 203 xe tăng Bắc Việt trên hướng đông nam Sài Gòn cuối tháng 4/1975.
Lữ đoàn 203 xe tăng do Trung tá bắc quân Nguyễn Tất Tài làm lữ đoàn trưởng và Trung tá bắc quân Bùi Văn Tùng làm chính ủy là đơn vị xung kích chính được phối thuộc trong đội hình quân đoàn 2 bắc quân có trách nhiệm tiến đánh ở phía đông nam Sài Gòn. Lữ đoàn 203 xe tăng có 4 tiểu đoàn tác chiến thuộc dụng, có cấp số trang bị 101 xe tăng loại T.54, T.59, thiết giáp lội nước PT.76, thiết giáp PT.85 và thiết giáp chở quân BTR.50 cơ hữu. Trong các trận đánh từ Huế - Đà Nẵng vào đến Sài Gòn đã có tổng cộng 43 chiến cụ các loại của lữ đoàn bị phá hủy, nên quân đoàn 2 phải bổ sung cho lữ đoàn 203 thêm tiểu đoàn 5 thiết giáp của trung đoàn xe tăng 574, nhằm duy trì tổng số phương tiện cơ giới chiến đấu thực tế của lữ đoàn 203 lên 81 trang bị, gồm 46 xe tăng, 34 thiết giáp và 1 xe kéo (1).
Sáng 30/4 mũi tiền kích của quân đoàn 2 bắc quân gồm trung đoàn 66/304 phối hợp với tiểu đoàn 1/203 xe tăng tiến đánh cầu Tân Cảng, đang do tiểu đoàn 12 Dù nam quân phòng thủ. Giao tranh nỗ ra rất dữ dội. Hai đại đội 2 và 3/1/203 xe tăng là hai đơn vị chủ công vượt cầu bị quân Dù chận đánh quyết liệt, gây tổn thất nặng, với 3 xe tăng bị bắn cháy tại chỗ và Ngô Văn Nhỡ, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, lữ đoàn 203 xe tăng tử thương (2). Lực lượng bắc quân bị chận đứng hoàn toàn, không thể vượt được qua bờ tây cầu Tân Cảng.
Khi có lệnh buông súng, giải chiến của Tổng thống Dương Văn Minh lúc 10 giờ 15 phút sáng cùng ngày, tiểu đoàn 12 Dù tuy đã gắn 2.000 kg chất nỗ TNT nhưng quyết định không phá sập cầu Tân Cảng như kế hoạch tiên liệu mà tự tan hàng, rời khu trách nhiệm lúc gần giữa trưa ngày 30/4/1975 (3).
Do hai đại đội 2 và 3 của tiểu đoàn 1/203 xe tăng đều đã bị tổn thất nặng, không còn khả năng tác chiến, đại đội 4/1/203 xe tăng của Bùi Quang Thận đang làm trừ bị với 7 xe tăng loại T.54 và T.59 được lệnh lên thay thế làm nhiệm vụ mở đường cho mũi tiền kích quân đoàn 2. Tuy nhiên do xe tăng T.54 số 380 bị bắn hư hại nặng trong trận đánh trước đó tại huấn khu Long Thành, vũ khí chính bất khiển dụng, trưởng xa, xạ thủ chính đều thương vong, xa đội chỉ còn hai người, nên tách khỏi đơn vị lui ra phía sau và đại đội 4/1/203 còn 6 xe tăng khiển dụng mới vượt qua cầu Tân Cảng tiến về phía Thị Nghè.
Tại khu vực cầu Thị Nghè - Thảo Cầm Viên có 2 chiến xa hạng nhẹ M.41 của nam quân phòng thủ ở đài phát thanh ra nghênh cản tại ngã tư Hồng Thập Tự - Nguyễn Bỉnh Khiêm, bắn cháy loại ra khỏi vòng chiến 2 xe tăng T.59 số 307 và số 866, chỉ có trưởng xa 866 là Lê Tiến Hùng bị trọng thương, được người dân trong vùng đưa đi bệnh viện Sùng Chính cấp cứu mới sống sót. Tuy nhiên nhờ có lợi thế kỹ thuật là loại xe tăng hạng nặng hơn, các xe tăng còn lại của đại đội 4/1/203 đã nhanh chóng bắn cháy 2 chiến xa M.41 lẻ loi để tiếp tục thẳng tiến về Dinh Độc Lập.
2. Diễn tiến thực tiễn từ Thảo Cầm Viên đến Dinh Độc Lập
Lữ đoàn 203 xe tăng bắc quân không có bản đồ nội đô Sài Gòn phân phối cho các xe tăng tham chiến, chỉ phổ biến khẩu lệnh hướng dẩn tính từ cầu Thị Nghè xe tăng bắc quân phải lần lượt vượt qua 6 ngã tư, tới ngã tư thứ 7 (tức ngã tư Hồng Thập Tự - Công Lý) quẹo trái thì sẽ đến Dinh Độc Lập, nên từ Thảo Cầm Viên 4 xe tăng của đại đội 4/1 đã di hành hàng dọc trên đường Hồng Thập Tự, theo thứ tự xe tăng số 879 của Bùi Đức Mai đi đầu, kế tiếp là xe tăng số 843 của Bùi Quang Thận, tới xe tăng số 390 của Vũ Đăng
Toàn và đoạn hậu là xe tăng số 844 của Vũ Văn Giáo.
Do cách xác định mục tiêu quá đơn giản, trong khi các trưởng xa đều không nắm vững lộ trình thực địa, nên dù không còn bị bất kỳ một sự kháng cự nào, các xe tăng của đại đội 4/1/203 bắc quân vẫn không thể liên thủ hợp đoàn tiến chiếm mục tiêu cùng lúc, phải lần lượt đến Dinh Độc Lập từ các hướng khác nhau, do đã có nhiều xe bị lạc đường riêng lẻ. Xe tăng của Bùi Đức Mai đi đúng hướng dẫn. Xe tăng của Bùi Quang Thận rẽ trái sớm lạc qua đường Pasteur, phải nhờ dân chỉ đường ra đại lộ Thống Nhất để rẻ phải đến Dinh Độc Lập. Xe tăng của Vũ Đăng Toàn thì xuống quá sâu tới đường Công chúa Huyền Trân, cũng phải hỏi đường để lui lại đường Hồng Thập Tự, rẻ phải vào đường Công Lý và đến Dinh Độc Lập.
Tại Dinh Độc Lập, các cánh cổng chính, phụ đi vào sân dinh đều được mở ra sẵn. Cũng không có những binh sĩ canh gác như thông lệ do liên đoàn liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống của Trung tá Võ Ngọc Lân đã giải giới theo lệnh Tổng thống Dương Văn Minh lúc 11 giờ sáng. Các trang bị vũ khí đều gom chất đống cạnh hồ nước ngoài sân cỏ (4).
Xe tank số 879 của Bùi Đức Mai là chiếc đơn độc đầu tiên chạy ào vào cổng chính, leo lên sân cỏ trước dinh, nên phải bắn chỉ thiên vài loạt thượng liên 12,7 li thị uy và trấn an tinh thần cho xa đội (4 & 5). Xe tank T.54 số 843 của Bùi Quang Thận từ đại lộ Thống Nhất chạy vào cổng phụ bên trái để yểm trợ, nhưng do cổng hẹp, tốc độ cao, tay lái nặng và hướng đi xéo một góc hơn 40 độ, nên đã bị kẹt lại bên ngoài. Bùi Quang Thận ra khỏi xe gỡ lấy lá cờ CPCMLT treo trên xe và chạy bộ vào dinh. Xe tăng 843 lùi ra, chỉnh lại hướng mới đi tiếp được qua cổng phụ, đồng lúc đó chiếc thứ ba là loại xe tăng T.59 số 390 của Vũ Đăng Toàn vừa đến mục tiêu từ ngã tư Hồng Thập Tự - Công Lý và ở cánh trái xe tăng 843, thấy xe 843 đang kẹt bên ngoài nên đã lao nhanh qua cổng chính chạy vào dinh, nhưng vì mũi xe ép quá sát vào trụ cổng trái đã phá hư bản lề cánh cổng chính bên trái và xô cánh cổng bật ngã sang một bên.
Các phóng viên nhiếp ảnh và ký giả quốc tế đang có mặt trong khuôn viên Dinh Độc Lập như Francoise Demulder và Jean Claude Labbe của Pháp, Neil Davis của Úc và Borries Gallasch của Đức, lúc này mới rời chổ ẩn núp để quay phim và chụp hình. Ở phía bên này sân cỏ và từ con đường trước cánh trái mặt tiền của dinh, phóng viên Francoise Demulder may mắn chụp được loạt ảnh đúng thời điểm xe tăng 843 đang kẹt bên ngoài và Bùi Quang Thận đang cầm cờ chuẩn bị chạy vào (hình số 1), xe tăng số 390 đang ép ngã cánh cổng khi vượt qua cổng chính và xe tăng 843 đang chỉnh hướng chạy vào dinh theo cổng phụ (hình số 2). Riêng xe tăng số 844 của Vũ Văn Giáo vì vượt qua cổng dinh sau đó khá lâu khi tình thế đã bớt căng thẳng nên những cán binh tùng thiết đã ngồi hẳn bên ngoài xe (hình số 3).
Hai chiếc xe tăng đến sau vòng sang hai bên chiếc thứ nhất và tất cả dừng lại ngay trước mặt tiền của Dinh Độc Lập. Khoảng 20 - 30 phát súng khác đã được bắn lên (4). Bùi Quang Thận cầm lá cờ của CPCMLT chạy bộ vào tới được sinh viên nằm vùng Nguyễn Hữu Thái hướng dẩn đường lên sân thượng Dinh Độc Lập và treo cờ CPCMLT lên lúc 12 giờ 15 trưa ngày 30/4/1975.
Hình số 1: Xe tăng 843 đang bị kẹt ở cổng phụ và Bùi Quang Thận cầm cờ chuẩn bị chạy bộ vào Dinh Độc Lập (Photo by Francoise Demulder, 1975).
Hình số 2: Xe tăng số 843 đang chỉnh hướng đi vào, trong khi xe tăng số 390 vừa ép ngã cánh cổng chính và Bùi Quang Thận cầm cờ mới bắt đầu chạy qua sân cỏ Dinh Độc Lập (Photo by Francoise Demulder, 1975).
Hình số 3: Xe tăng số 844 đang vượt qua cổng Dinh Độc Lập với một số cán binh ngồi hẳn trên nóc xe (Photo by Francoise Demulder, 1975).
3/ Nhận xét và giải thích
- Các tin tức chính thức của Hà Nội (dù đôi khi có trái ngược nhau), nhưng đều cho rằng xe tăng T.54 số 843 của Bùi Quang Thận, hoặc xe tăng T.59 số 390 của Vũ Đăng Toàn, chính là một trong số hai xe tăng bắc quân đầu tiên vào tới nội vi khuôn viên Dinh Độc Lập.
Khẳng định này không hợp lý. Trên nguyên tắc và với thực tế bố trí đội hình hành quân theo hàng dọc, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu của bất kỳ đơn vị tác chiến nào - ở đây là đơn vị xe tăng, thì xe tăng của đại đội trưởng (Bùi Quang Thận), hoặc xe tăng của chính trị viên đại đội (Vũ Đăng Toàn), thường không thể ở vị trí dẫn đầu đoàn xung kích, ít ra cũng phải có 1 - 2 xe tăng đảm nhiệm vai trò khinh kỵ tiền phong. Do đó khi các xe tăng số 307 và 866 đã bị tiêu diệt tại cầu Thị Nghè, thì xe tăng số 879 của Bùi Đức Mai là đáp ứng thỏa đáng nhất cho nhiệm vụ mở đường, đi đúng hướng dẫn và mới là xe tăng đầu tiên vào Dinh Độc Lập (như ghi nhận của Trần Mai Hạnh). Đồng thời do tới sớm nhất một mình, thiếu sự phối hợp yểm trợ, nên... lạnh cẳng buộc xe 879 đã phải bắn vài loạt đạn 12,7 li uy hiếp để lấy tinh thần (như ghi nhận của Borries Gallasch).
- Các tin tức của Hà Nội cũng đều cho rằng những cánh cổng Dinh Độc Lập đều đóng, (vài tài liệu còn hoang tưởng hơn khi cho rằng hàng rào và cổng Dinh Độc Lập đều có truyền điện cao thế?) khiến các xe tăng bắc quân phải húc đổ cổng khi tràn vào dinh. Đây chỉ là lối khoa trương, vẽ vời thêm râu ria cho tư thế hùng dũng của "quân đội nhân dân". Ngoài xác nhận cổng Dinh Độc Lập hoàn toàn mở ra của các nhân chứng tại chỗ Nhan Hữu Hậu, Borries Gallasch, chi tiết cổng Dinh Độc Lập đóng và việc mô tả xe tăng bắc quân phải húc đổ cánh cổng đang đóng, cũng hoàn toàn không hợp lý về mặt thực tiễn trên thực địa.
Nếu cổng đóng và khóa chặt, thì với sức húc và tốc độ tối đa của các khối sắt thép nặng 40 tấn như T.54 và T.59, ít nhất cũng sẽ phá đổ luôn các trụ cổng, cánh cổng, cùng một đoạn hàng rào của Dinh Độc Lập.
Nếu cổng đóng thì trước khi mũi xe tăng húc được cánh cổng, nòng đại bác 100 li nhô dài ra phía trước, phải lọt vào các khe gióng sắt, kéo xé toạc bản lề và sẽ "treo" luôn cánh cổng vào thân súng, không thể “dẫm “lên cánh cổng, như các sản phẩm dàn dựng, tuyên truyền của thông tấn xã Hà Nội thực hiện sau ngày 1/5/1975.
- Chiếc xe tăng xe tăng kém may mắn số 879 bị xóa tên trong lịch sử (Hình số 4) và chiếc xe tăng số 390 suýt bị bỏ quên (Hình số 5), đều là nạn nhân của thói quan liêu, bàn giấy và bản chất theo gió bỏ buồm của nhiều giới chức chỉ huy bắc quân đang ở tuyến sau, cũng như tâm thế huênh hoang, chụp giựt và "nghe hơi nồi chõ" của đám phóng viên thông tấn xã Hà Nội đi theo đoàn quân.
...Theo Trung tá Bùi Văn Tùng, khi biết Bùi Quang Thận cắm cờ, mọi người đều suy ra Thận cắm cờ thì xe 843 phải là xe vào trước. Khi về tập trung tại Long Bình (ngày 1/5/1975), dù xe 390 có báo cáo húc đổ cổng dinh, nhưng báo chí đã (lỡ) nói là xe 843, nên xa đội 390 cũng cho qua. Về sau do vụ ai cắm cờ đã khá bầm dập (do tranh chấp giữa bộ binh là trung đoàn 66 với Đại úy Phạm Xuân Thệ, về sau được thăng cấp lên đến Trung tướng, tư lệnh quân đoàn 2, tư lệnh quân khu 1, với bộ chỉ huy lữ đoàn 203 xe tăng, mà tất cả các cấp liên hệ như Nguyễn Tất Tài, Bùi Văn Tùng, đều lần lượt giải ngũ với cấp bậc Đại tá, trong đó Bùi Quang Thận tuy khi giải ngũ lên tới cấp Đại tá, nhưng cũng chỉ được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng võ trang sau khi đã qua đời hai năm), nên nhiều người suy nghĩ cãi chính làm chi cho thêm phức tạp. Kế tiếp là Việt Nam xảy ra xung đột với Trung Cộng, mà chiếc 390 lại là T.59 do Trung Cộng viện trợ, trong khi chiếc 843 là T.54 do Liên Xô viện trợ, nên càng không có ai bận tâm tới việc phải làm rõ sự kiện này (..). Trong những năm tiếp theo xe tăng số 390 tiếp tục phải đánh nhau ở Cambodia và trên biên giới phía bắc, xa đội cũ cũng đều lần lượt giải ngũ (trong thập niên 80), lầm lũi mưu sinh và không có ý khơi lại sự việc để tìm kiếm vinh quang. Khi coi phim tài liệu, thấy cảnh Bùi Quang Thận cầm một lá cờ rất to, loại cờ không có trong các chiếc xe tăng đã tiến vào Dinh Độc Lập trong ngày 30/4, Thiếu úy Lê Văn Phượng (đại đội phó kỹ thuật đại đội 4/1/203) đã phải tặc lưỡi cho rằng lịch sử đôi khi chỉ được làm bằng báo chí... (Huy Đức - Trương Huy San, Bên thắng cuộc, 2012).
Xe tăng T.54B số 843 được tung hô và công nhận là báu vật bảo tàng năm 1979. Xe tăng T.59 còn may mắn trở về cuối thập niên 90, đúng vào lúc nhà nước cộng sản Hà Nội đang có nhu cầu cấp thiết phải hàn gắn và níu kéo lại mối quan hệ đầu phục đàn anh Bắc Kinh, nên loại T.59 mới được khôi phục lại giá trị và vai trò của xe tăng 390 mới được xiễn dương, mới được cho sánh vai cùng xe tăng 843 của ông anh cả Xô Viết để làm báu vật bảo tàng của quân đội năm 2011.
Chiếc xe tăng 879 hẩm hiu hoàn toàn không còn được nhắc tới. Nó đã đi trước cột mốc lịch sử dưới nhản quan của đảng một bước, nên có lẽ nó đã là đống sắt vụn ở đâu đó, bởi vì sau đó không lâu lữ đoàn 203 xe tăng còn phải tiếp tục tham gia vào hai cuộc chiến tranh biên giới diễn ra trong năm 1979.
Hình số 4: Xe tăng số 879 và xa đội khi đã vào trong sân cỏ Dinh Độc Lập (Photo by Jean Claude Labbe, 1975).
Ghi chú:
(1) Thượng tướng bắc quân Nguyễn Hữu An, Nguyễn Tư Đương chấp bút, Chiến trường mới, 2002, Đại tá bắc quân Đào Văn Xuân, Nước mắt dành cho ngày gặp mặt, 2011.
(2) Đại tá bắc quân Nguyễn Khắc Nguyệt, Hành trình đến Dinh Độc Lập, 2008.
(3) Thiếu tá Nguyễn Văn Nghiêm, tiểu đoàn trưởng 12 Dù, Nhân chứng, dẩn bởi Ngy Thanh, Người thua cuộc đọc bên thắng cuộc, 2013.
(4) Borries Gallasch, Sài Gòn - Hochiminh City: The Zero Hour (Reportage on the End of the Việt Nam War), 1975, Thiếu tá Nhan Hữu Hậu, trưởng khối an ninh phủ Thủ tướng, Sài Gòn trong cơn hấp hối 30/4/1975, 2011.
(5) Trần Mai Hạnh, phóng viên thông tấn xã Hà Nội, Tiến vào phủ Tổng thống Ngụy, Báo Nhân Dân số 7668, ngày 2/5/1975.
08/2018, sửa chữa bổ sung 04/2020.