Thanh Thản Nhiên (Danlambao) - Hàng năm mỗi nước luôn có các đại lễ cho dân chúng tưởng nhớ như mùa Giáng Sinh, Phật Đản, mùa Vu Lan hay lễ Phục Sinh. Mọi người nô nức chuẩn bị và vui mừng đôi ba tuần. Trái lại, mùa "Đi tù" của các chiến binh bại trận bắt đầu thi hành sau ngày đại tang mất nước không lâu. Các loa của phường, khóm ra rả suốt ngày. Đến tối truyền hình đưa tin liên tiếp lệnh của Ủy ban Quân quản Thành phố bảo tất cả mọi thành phần quân dân cán chính phải chuẩn bị đi học tập trong mười ngày. Giới báo chí văn nghệ cũng chung số phận. Càng nổi tiếng càng mau đứng trong danh sách "phản động" chống phá nên phải "mời" qúi vị vào tù sớm nếu không mau chân lánh nạn. Đấy là mùa đen tối nhất của dân miền Nam, làm khủng hoảng tinh thần người trong cuộc lẫn ngoài cuộc đau buồn não ruột. Một đàng thì hân hoan chào mừng, đàng tỉ tê rên xiết đếm từng ngày.
Sao Chúa sống lại ai cũng vui mừng? Còn tù nhân đi không biết ngày về thì không vui? Ta vô tư thì không phải con người hoặc kẻ đó có trái tim sắt đá. Nhưng nhạc sĩ TCS còn nghĩ cảm sâu xa hơn khi ông hiểu "ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau" Chúng còn biết buồn khi không gần kề huống chi con người. Hai hình ảnh vui, buồn luôn đi ngược chiều dù rằng ta vẫn nói "vui buồn có nhau". Trong trận đá banh, hễ anh thắng thì phe kia phải thua chớ hai bên không thắng một lượt gọi là huề. Nhưng cũng không được, phải "đá" tiếp. Cả hai ngang ngửa nhau vẫn đá phạt đền để lãnh cúp vàng chớ!
Chồng tôi bị thương nặng giải ngũ sớm nên không vướng tù còn anh rể phải cải tạo ba năm. Bà chị long đong như lục bình trôi theo nước lớn, nước ròng vì chồng là trung úy ngành CTCT. Súng ngừng nổ bom đạn ngưng rơi, người dân phải vui mừng khôn xiết? Thưa không, vẫn có những tiếng súng rời rạc mà tiếng nổ của nó làm bể tan lồng ngực của người bại trận kiêu hùng, bất khuất. Anh linh các vị anh hùng vì nước quên mình thề rằng "thà chết chứ không đầu hàng" là Trung tá Nguyễn Văn Long thuộc lực lượng Cảnh sát Quốc Gia, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu tướng Phạm văn Phú, Chuẩn tướng Lê văn Hưng, Chuẩn tường Lê Nguyên Vỹ và Chuẩn tướng Trần văn Hai. Bên dân sự có ông Bộ Trưởng Ngoại giao Trần Chánh Thành đã uống thuốc quá liều để quyên sinh. Những gương tuẫn tiết nầy quân đội và đồng bào đều ngậm ngùi không quên. Riêng tôi xin phép nhắc lại để lòng mình thêm giây phút thương tiếc, ghi ơn các tướng lãnh cho thế hệ sanh sau ngày Quốc tang thêm chất liệu đấu tranh chống cộng. Mọi người nghe dặn dò “chỉ đem ít đồ dùng cá nhân và lương thực trong mười ngày" hoặc một tháng hay một năm" tùy "tù nhân" học thấy tiến bộ thì được ra sớm. Tuy nhiên, các chú bác và đàn anh bị cai tù đánh đập tàn nhẫn đã ngã gục hoặc sắp mất nên chúng tha cho về. Các nhân sĩ bị CS đày đọa đến chết gồm các ông:
- 1976: Luật sư Trần Văn Tuyên, thi bá Vũ Hoàng Chương
- 1978: Đại tá sử gia Phạm Văn Sơn.
- 1979: Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn.
- 1980: Nhà văn Hồ Hữu Tường.
Khi bị giam ở Yên Bái thi sĩ Thanh Tâm Tuyền có viết mấy câu thơ “Đầm mình trong hạnh của ẩn mặt. Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu. Dò dẫm lối về đêm tối mịt. Sông xa núi thẩm quê nhà đâu?"
Cộng sản ban hành Nghị quyết 297-CP ngày 11/11 1977 thẳng tay đàn áp các tôn giáo. Đức TGM Nguyễn Kim Điền bị cs bức tử tại nhà thương Saint- Paul (Sài Gòn) vào tối 8/6/1988. Một nữ y tá theo lệnh cấp trên đã chích thuốc độc giết chết vị TGM giáo phận Huế. CS không chấp nhận làm xét nghiệm tử thi để xác nhận tên độc dược.(*)
Bộ đội giải phóng lo vơ vét đồ Mỹ Ngụy chở về Bắc. Các Tướng, Tá còn kẹt ở lại lặng lẽ sắp hàng vào tù. Anh rể tôi sợ bận lòng bên vợ nên mang có túi vải nhỏ gọn nhẹ, cần nhất là giấy tờ tùy thân của mình chớ thức ăn không quan tâm, còn thật thà tin tưởng “chỉ đi mười ngày", xách nhiều mệt mỏi. Tôi không có mặt để chứng kiến cảnh buồn rầu chia tay hơn Lan và Điệp vì ở đây "Lan" đã mang bầu rồi. Nếu thấy chắc khóc trước vì tội nghiệp. Nghe má tôi kể xong, bà yên lặng chẳng khóc còn tôi lại mau nước mắt. Hay tại ba má tôi khóc nhiều vì các con, hết gái tới trai sắp bước vào tuổi bị đi nghĩa vụ, phải suy tính bằng mọi giá lo đi chui mới được, cho nên nước mắt bà đã cạn?
Trước ngày mất nước không bao lâu hai chị em tôi phải tìm kế sanh nhai. Sách vở không còn hấp dẫn nữa. Tôi không thích tà tà sánh vai đi ngang "con đường Duy Tân cây dài bóng mát" hay trốn qua thư viện cho tịnh tâm gạo bài. Tôi phải phụ gánh vác việc nhà. Anh chị mình vui chưa bao lâu phải câm nín giấu cái buồn riêng, không ai dám thốt ra lời. Anh sợ nói lời buồn sẽ ảnh hưởng đến thai nhi đang tượng hình trong bụng mẹ. Không là thầy bói tôi đoán bụng người khác… sai chăng? Mấy ông tướng số hay giảng giải dài dòng, lý luận cao siêu theo cõi trên hay cõi vô hình nào đó để lượm tiền quẻ. Tôi chỉ dựa vào tâm lý anh chị theo triết học chút chút. Nhưng thôi ở đây không phải giờ triết, giờ của giáo sư Trần Bích Lan (thi sĩ Nguyên Sa). Thầy thừa biết giờ nầy chán và buồn ngủ nên cố tìm thí dụ tếu để đem vào môn học. Cử chỉ, nét mặt thầy ra sao tôi nhớ như in. Thầy nói dí dỏm mà rất tự nhiên, tỉnh tuồng, trong lớp ít kẻ cười vì lười, riêng tôi lại siêng... cười thán phục lối pha trò của thầy. Nhưng giờ triết của giáo sư, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương mới là chán vì thầy chỉ biết… buồn! Cười sao nổi khi thầy chuyên sáng tác những bản nhạc da diết:
"Lạnh lùng sương rơi heo may,
buồn ngơ ngác bóng chim bay,
Mây tím giăng sầu khắp nơi,
Ngày đi chiều mang sầu tới,
Làn sương chiều thu lả lơi,
Tiếng mưa rơi đều trên lối
Chiều về gieo thương với nhớ
Lòng người lữ thứ bơ vơ
Nghe lá hoa rụng xác xơ..."
Thế đó nhạc PMC diễn tả nào là "lạnh lùng" rồi "buồn, sầu" đi tới "thương với nhớ". Ai tình cảm lai láng mà bây giờ lại sống đời tha hương nữa, ôi chao "nhớ ơi là nhớ đến bất tận". Trong giờ thầy dạy, thầy không đem nhạc ra hát lai rai để chúng tôi bớt căng thẳng đầu óc vì những bài tâm lý học khô khan, trừu tượng. Thầy muốn chúng tôi phải nhồi nhét món ăn nuốt không vô nầy để đi thi.
Giờ đây tôi không thích buồn thương theo thầy nữa mà chỉ buồn với mùa Quốc tang, mùa "đi tù" của các anh chiến sĩ ngày xưa. Cho tôi được đồng cảm với nỗi buồn đó "hát nữa đi Hương hát điệu nhạc buồn, điệu nhạc quê hương. Hát nữa đi Hương hát lại bài ca tiễn anh lên đường. Hát kể quê hương núi rừng đầy hoa bỗng thành chiến trường. Đồng tan hoang nên lúa ngại đơm bông, thuyền ham đi nên nước còn trông mong khiến cả đêm thâu tiếng em rầu rầu." (Hương ca vô tận của NS Trầm Tử Thiêng)
Thật đúng vậy "Tiễn anh lên đường" không chỉ riêng gia đình tôi. Mỗi anh lính lên đường đi tù là có bao nhiêu người thân đưa mắt xót xa theo dõi, hy vọng hỏi "bao giờ trở về"? Ta mượn tạm câu trả lời của Phạm Duy rằng là "xin trả lời mai mốt anh về". Ông Phạm Duy rất sành tâm lý hơn ai hết, ông biết rút ngắn thời gian không cho quá lâu sợ người vợ, người yêu mỏi mòn trông đợi chỉ là "mai với mốt" thôi. Nó còn cận kề hơn Ủy ban nhân dân Thành phố nói "mười ngày"! Trước khi lệnh học tập chính thức ban hành, ngày nào anh tôi cũng đạp xe vào cơ quan để dò tin nóng hổi. Trăm lần như một vợ lo lắng khi anh trở về:
- Có gì mới không anh?
- Chưa có gì hết!
Anh bám sát tin tức còn hơn theo dõi ngày nào sắp tận thế. Phường, xã hay cơ quan ra chỉ thị gì anh thi hành răm rắp còn hơn nghe lời cha mẹ.
Nhưng không thể ngồi than thở mãi! Chúng tôi người trong Nam linh cảm mình đang bị cửa tù bên ngoài từng bước xiết chặt, không kể nhà tù nhỏ hẹp mà các anh sắp sửa đi vào. Ai cũng chạy rong để dò tìm đường vượt biên, càng nán lại lâu càng nguy hiểm. Chị mình đang bụng mang dạ chửa, ba má tôi bao thầu kêu con gái về nuôi kề cận để ông bà lo thay vì ngược lại.
Bầu trời Sài Gòn nhìn đâu cũng thấy một màu ảm đạm, thê lương khi các anh vào tù. Không khí quá yên tĩnh. Nhà nhà đều cửa đóng then cài kín mít, mọi người sợ đủ thứ, khác hẳn cảnh nhộn nhịp khi xưa. Cửa hàng càng lớn đồ sộ lại càng đóng vĩnh viễn, một là bị đánh tư sản, hai là chủ nhân đang dọn đường đi chui. Hàng quán nho nhỏ bắt buộc mở đón khách mua lai vãng, chỉ mở he hé cầm chừng vì "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".
Đi chợ trên đường về, tình cờ tôi chứng kiến hàng đoàn xe nhà binh chở các anh di chuyển trong đường phố để đưa ra Bắc, vào khám Chí Hòa, bà con lặng lẽ giơ tay vẫy chào, tôi đứng chết lặng nước mắt tuôn chảy, không có ai tôi sẽ khóc lớn cho nhẹ người. Tâm trạng các anh ngồi trong xe chắc cũng như chúng tôi bên ngoài. Xin bạn đọc tha thứ khi tôi không muốn khơi lại vết dao đâm một cách tỉ mỉ, vì càng đi sâu vào vấn đề thì người viết thấy mình não nuột trước nhứt và không biết "nỗi xót xa tôi để nơi nào"? Dần dà nhà nước cách mạng không đủ sức nuôi và dạy những tù nhân "khó dạy". Học sao được khi kẻ ngu dạy người khôn. Các anh chỉ mỉm cười khinh bỉ ngồi nghe chúng "lên lớp". Họ cho gia đình đi thăm nuôi để tiếp tế lương thực nuôi sống các anh, để tiếp tục hành hạ trả thù vì chúng không đủ cơm nuôi tù nhân.
Bà chủ hảng dệt lớn ở Thủ Đức người cùng quê ngoại thương cho tôi vào làm ở phòng thương vụ đặt trụ sở gần Bến Chương Dương Sài Gòn. Nước mất bà bỏ đi, văn phòng dời hết về Thủ Đức thành xí nghiệp dệt Quốc doanh. Những giờ nghỉ ăn trưa, tôi tranh thủ đi kiếm các loại rau nhất là rau dền cho bà bầu ăn đặng có sữa cho con bú mà nhà cũng có cơm rau đạm bạc lây lất. Tôi thay mặt anh rể săn sóc chị mình để phụ ba mẹ còn bầy con nhỏ. Trong hãng khi tới ngày bán nhu yếu phẩm cho công nhân, tôi canh ai bỏ và bán ra trích lương tháng của mình đi mua lại hết để trong gia đình xài và ăn uống có dinh dưỡng một chút. Chị sanh con đầu lòng chồng thì đi tù thật thương người nằm ổ.
Và thời gian mười ngày hay mười tháng, mười năm của tù cải tạo đến hồi kết thế nào, người có thân nhân trong hoàn cảnh đó đều nắm vững vì mình là nhân vật chánh, phụ đã góp mặt trong phim "Mùa đi tù" nầy.
(*) Trích: Ái Hữu luật khoa.com