Làm nhân sự cho tỉnh
Người dân Bình Thuận có những câu nói như thế này: “Nếu đi máy bay mà ném cục đá xuống đất thì thế nào cũng rơi trúng đất của Nguyễn Văn Đông”; “Công ty Hoàng Minh Thành”, “tỉnh Rạng Đông, thành phố Phan Thiết”...
Có lần Cựu chiến binh VMT chất vấn trực tiếp Bí thư tỉnh ủy đương nhiệm (lúc đó còn Phó): “Ông có nghe người ta đồn rằng: tỉnh Bình Thuận bây giờ là tỉnh RẠNG ĐÔNG? Vì sao họ ví von như vậy?”. Thì được ngài Phó bí thư trả lời: “Tôi có nghe tin đồn này. Là do tỉnh có ưu ái doanh nghiệp trong tỉnh (Rạng Đông) nên nhiều người ganh tị họ mới nói như vậy.”
Rạng Đông như thế nào mà được lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh ưu ái suốt trong một thời dài như vậy?. Điều này hoàn toàn không bất ngờ, nếu như biết được: Nguyễn Văn Đông là người làm nhân sự cho tỉnh (!?).
Câu “làm nhân sự cho tỉnh” được nhiều người nói, từ chuyện đồn thổi trong dân gian, đến các quan chức và cả có người Quảng Ngãi thân quen với Nguyễn Văn Đông cũng nói đã nghe Đông tự hào về điều này. Nguyễn Văn Đông có nói “là người làm nhân sự cho tỉnh” hay không? không rõ, nhưng nghiệm ra thì có cơ sở.
Ngược thời gian gần 20 năm trước, nội bộ tỉnh Bình Thuận đấu đá nhau, mất đoàn kết, Trung ương phải điều ông Nguyễn Ánh Minh về làm làm Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 4/2001-12/2005. Ông Nguyễn Ánh Minh đi lên từ phong trào đoàn ở huyện Bảo Lộc, làm Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng, giữa nhiệm kỳ ra Hà Nội là Phó ban Tổ chức Trung ương 9/1998-2/2001; là Ủy viên Trung ương đảng khóa VIII, IX. Ông Nguyễn Ánh Minh được cấp cho ngôi nhà ở ngã 3 Nguyễn Thiện Thuật - Điện Biên Phủ Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Dân Quảng Ngãi đi đâu cũng lập hội đồng hương, ở Sài Gòn cũng có đồng hương Quảng Ngãi gồm quan chức cấp cao và đại gia. Qua giới thiệu của những người đi trước, Nguyễn Văn Đông làm quen với Nguyễn Ánh Minh từ khi còn là Phó ban Tổ chức Trung ương.
Đến khi Nguyễn Ánh Minh về Bình Thuận làm Bí thư thì Nguyễn Văn Đông như là người thân quen trong nhà. Nguyễn Ánh Minh từ Trung ương điều về chưa biết nhiều hệ thống nhân sự đang mâu thuẫn nhau của tỉnh Bình Thuận, thì Nguyễn Văn Đông là một doanh nhân làm ăn ở Bình Thuận hơn 10 năm, đồng thời Nguyễn Văn Đông là đại biểu HĐND tỉnh (?) nên biết tường tận khá nhiều quan chức cấp huyện, tỉnh. Nguyễn Văn Đông thường tư vấn cho Nguyễn Ánh Minh về công tác nhân sự để có một đội ngũ lãnh đạo đoàn kết, thống nhất. Tùy từng người đã có công trạng gì với Rạng Đông mà Nguyễn Văn Đông sẽ nói chuyện theo hướng nào với “người anh em thân tình”.
Quan trường Việt Nam có câu “10 năm phấn đấu không bằng một lần cơ cấu” là có thật. Bước ngoặc của nhiều quan chức có khi chỉ cần một lần cơ cấu, thời cơ đến: chớp lấy, bức phá vươn lên. Tất nhiên không thể quên công ơn người bắt cầu, tác động.
Thế giới đã có “Lã Bất Vi buôn vua” thì Việt Nam cũng có không ít người buôn quan. Câu “người làm nhân sự cho tỉnh” bắt đầu nổi lên từ đó. Chuyện Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) chỉ vào mặt một Chủ tịch thành phố Đà Nẵng nói “tao sẽ cho mầy nghỉ việc” [3.1] là hoàn toàn có cơ sở.
Từ khi Nguyễn Ánh Minh làm Bí thư tỉnh ủy là bắt đầu tạo tiền lệ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận làm việc cho Công ty Rạng Đông. Tiếp theo đó, Công ty Rạng Đông còn có tên là “Công ty Hoàng Minh Thành” là ghép của 3 nhân vật quyền lực nhất tỉnh: “Hoàng” là nguyên Phó chủ tịch Lê Tú Hoàng, “Minh” là nguyên Bí thư Nguyễn Ánh Minh và “Thành” là Chủ tịch Huỳnh Tấn Thành. Sau này Nguyễn Văn Đông tham gia “làm nhân sự cho tỉnh” thì dư luận gọi tỉnh Bình Thuận là “tỉnh Rạng Đông”. Xem một đoạn đơn phản ảnh với lãnh đạo đảng, nhà nước của ông Lê Văn Hiền nguyên Ủy viên trung ương khóa 4, 5; Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải giai đoạn 1976-1986 mới thấy xót xa.
Trích Đơn phản ảnh của ông Lê Văn Hiền,
nguyên Ủy viên trung ương đảng khóa 4, 5; Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải.
Quay lại đầu bài viết, câu nói của ông Bí thư tỉnh ủy “...do tỉnh có uu ái doanh nghiệp trong tỉnh (Rạng Đông) nên nhiều người ganh tị họ...” là hoàn toàn dễ hiểu.
Mặc dù câu nói của ông quan đảng đầu tỉnh hoàn toàn sai: thứ nhất, ưu tiên đến mức lách luật, vi phạm pháp luật; thứ hai: không phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế theo quy luật thị trường giai đoạn mở cửa. Còn muốn biết tỉnh Bình Thuận “ưu ái” cho Rạng Đông như thế nào, thì kiểm tra hoàn toàn đơn giản:
- Thống kê các dự án đầu tư hạ tầng trong tỉnh Bình Thuận từ năm 2000 đến 2015, Rạng Đông chiếm bao nhiêu % so với các doanh nghiệp còn lại trong tỉnh / ngoài tỉnh;
- Rạng Đông đã thâu tóm hàng chục ngàn hecta đất Bình Thuận bằng cách nào?, ai giúp sức?. Trong đó số dự án theo phương thức BT (đổi đất lấy hạ tầng): tính giá công trình và giá đất như thế nào?
- Thanh tra Chính phủ về Bình Thuận công khai, cho phép người dân đến cung cấp thông tin, chỉ ra các sai phạm của Rạng Đông và trả lời cho dân.
Chính sách nhân sự
Người Quảng Ngãi có câu “gái có công, chồng chẳng phụ” được hiểu nôm na là người phụ nữ chăm chỉ, thủy chung thì chồng sẽ không bao giờ phụ bạc, được chồng nhớ công ơn. Nguyễn Văn Đông là người gốc Quảng Ngãi hơn 400 năm, nên rất biết điều trong chính sách “chiêu quan, đãi tướng” (thay thế cho “chiêu hiền, đãi sĩ”) còn hơn bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Xin đưa ra một số dẫn chứng chính sách nhân sự thực hiện của người “lanh mưu” Nguyễn Văn Đông ở “tỉnh Rạng Đông”:
1. Chính sách nhà ở
Cán bộ quan chức giúp đỡ, tạo thuận lợi cho Rạng Đông sẽ được tạo điều kiện mua đất nền với giá nội bộ (có người được tặng), muốn bán lại kiếm lời vài năm lương cũng được. Còn muốn làm nhà ở thì Rạng Đông sẽ hỗ trợ phần xây dựng, chi phí quyết toán vào các đơn vị trực thuộc.
2. Chính sách việc làm
Cán bộ ân tình với Nguyễn Văn Đông có người nhà như vợ (chồng), con chưa có việc làm thì được Rạng Đông bố trí công việc và thu nhập thỏa đáng. Không khó để thống kê vợ con các quan chức (ở UBND, Viện Kiểm sát, Công an...) đang nắm những vị trí quản lý cấp cao hoặc những vị trí nhà hạ của Rạng Đông.
3. Chính sách du lịch và hỗ trợ
Bình Thuận nghèo thường để doanh nghiệp "bao" quan chức đi nước ngoài nổi tiếng dư luận đến mức Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo.
Riêng Rạng Đông đã tài trợ cho gần 300 cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, thành phố, thị xã đến xã, phường đi tham quan du lịch các nước. Mỗi lần đến vài nước, mỗi năm có người được ưu ái đi vài ba lần.
Chuyện hỗ trợ bồi dưỡng định kỳ, đột xuất một số cá nhân, đơn vị được thực hiện đều đặn như quy định “đền ơn đáp nghĩa” đến mức mình thường.
Khi ở Bình Thuận chuyện đưa nhận phong bì là bình thường, nên “đã trả phong bì vẫn bị kỷ luật”[3.2] là chuyện cũng... rất bình thường!.
4. Chính sách thăng tiến
Những cán bộ có năng lực, tận tụy với Nguyễn Văn Đông thì được hưởng chính sách thăng tiến trong bộ máy nhà nước.
Có không ít cán bộ trong tỉnh Bình Thuận hiện nay, từ nhiều nhiệm kỳ trước được Nguyễn Văn Đông giới thiệu để thăng tiến. Nợ ân tình và quan hệ thân hữu như con domino họ lại có trách nhiệm thực hiện các đề xuất của “người anh hùng” để tạo ra những thế hệ kế thừa nối tiếp lãnh đạo cho “tỉnh Rạng Đông”.
Khác với các đại gia khác, đứng về một phía trong cuộc đấu đá đoạt quyền của quan chức, thì Nguyễn Văn Đông đều ra vẻ ủng hộ cả hai bên. Tuy nhiên, bên nào có khả năng thắng thì Đông ra mặt và thậm chí cùng chạy, bên nào lép vế hơn thì Đông tài trợ bí mật. Sau này bên thắng thì mang ơn, bên thua thì cũng là con nợ ân tình “há miệng mắc quai”.
5. Chính sách rủi ro
Những cán bộ nhà nước tận tụy với “tỉnh Rạng Đông” bị vướng vào pháp luật thì được Nguyễn Văn Đông cũng tận tình giúp đỡ để giảm thiểu sự trừng phạt của pháp luật. Trường hợp nghỉ việc, không thăng tiến được trong cuộc đưa quyền lực thì đầu quân cho Rạng Đông. Với những vị trí đặc quyền đặc lợi không thua khi làm nhà nước (chỉ là không thể tham những được). Không ít người nguyên là cán bộ viện kiểm sát, công an, công chức rời nhà nước là qua làm cho Tập đoàn Rạng Đông, thậm chí còn có cả “nguyên tướng công an” nữa!. Không khó để điều tra, xác minh.
6. Tạo bẫy
Doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt, thậm chí ép giảm lương người lao động, bớt xén vật tư thi công công trình, chẳng có chủ doanh nghiệp nào hào phóng đến mức mời bầy đàn quan chức đi nhậu, ăn chơi xả láng.
Để nắm thóp được quan chức, đề phòng chúng lật kèo, nhảy trước khi đắm thuyền, Nguyễn Văn Đông tạo những cái bẫy. Ngoài các khoản chi hối lộ được lưu trữ cẩn thận mà khi công bố thì cả hai bên đều chết. Chuyện đơn giản là lấy tình thân mời nhau đi nhậu và tâm sự như bạn bè. Đến khi uống đã rồi thì lắm chuyện để nói và bản năng con người cũng trỗi dậy khó mà ai kiềm chế được. Tùy đối tượng mà Nguyễn Văn Đông bố trí những điểm sinh hoạt. Một số tụ điểm Nguyễn Văn Đông hay sử dụng:
1) Nhà hàng Cô Thi trong hẻm đường Cao Thắng không có khách ngoài, chỉ dành cho cán bộ Toà án, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch đầu tư, Ủy ban tỉnh, Cán bộ hưu trí và bạn bè thân quen với Nguyễn Văn Đông.
2) Khách sạn Cà Ty: đặt phòng nhậu VIP và phòng ngủ có em gái chờ sẵn, những vụ này do Nguyễn Ngọc Phước - Phó Viện kiểm sát lo giúp. Ở đây tiếp khách VIP của tỉnh và đại gia từ nơi khác.
3) Nhà hàng Thủy Mộc khu Hùng Vương, ở đây có bồ ruột Nguyễn Văn Đông, luôn có phòng riêng và chỗ nghỉ ngơi dành cho các VIP đầu tỉnh ngại lộ mặt như Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng....
4) Nhà hàng Quán Quê, thường dùng đặc sản chồn hương hoặc rắn, là khách do Nguyễn Văn Đông và Nguyễn Ngọc Phước mời cán bộ các ngành, nhưng công an nhiều hơn,
5) Khách sạn Năm Châu ở Mũi Né, thường thì Nguyễn Văn Đông và vài ba người thân thiết nhậu ngay trước cửa phòng có chân dài phục vụ.
Tất cả các cuộc ăn nhậu xả láng đều được Rạng Đông thanh toán. Trong các cuộc nhậu đều có các em phục vụ tận tình và làm dịch vụ tới Z. Đặt biệt Nguyễn Văn Đông thường tặng thuốc kích dục cho cán bộ, kể cả hưu trí sử dụng; thuốc này do một người quê Quảng Ngãi sản xuất trong nước, cung cấp lần hàng ngàn viên cho Nguyễn Thị Lan Chuyên (là Phó TGĐ Rạng Đông và chị con bác ruột của Nguyễn Văn Đông).
Lẽ đời: khi con mồi đã sụp bẫy rồi thì chỉ có nước cúc cung tận tụy phục vụ cho ông chủ, nếu không muốn bị làm thịt.
7. Trừng phạt
Ngoài các chính sách khen thưởng, giải quyết rủi ro cho cán bộ nhà nước phục vụ cho Rạng Đông. Ông chủ Tập đoàn Rạng Đông cũng có một chính sách trừng phạt nghiêm khắc với những người không nghe theo người anh hùng; từ chuyện tác động để hạn chế phát triển, đến việc tạo ra vi phạm để pháp luật xử lý.
Đặc biệt những người từng được Nguyễn Văn Đông tin tưởng, có chuyện gì thì được Đông lo, nhưng nếu “phản lại” thì sẽ nhận hậu quả đích đáng, kể cả các trò “thí tốt”, “gắp lửa bỏ tay người”. Mà Công an Bình Thuận vốn nổi tiếng và kinh nghiệm từ quá trình tạo ra “kỳ án vườn điều” (Google search). Ông Phạm Phú Thạnh phần dưới đây sẽ là một ví dụ.
Những tấm gương
Tấm gương tốt hay xấu, nên noi theo hay không là tùy nhận thức từng người. Bài viết “những tấm gương” được xem như những ví dụ về chính sách nhân sự của người anh hừng Nguyễn Văn Đông thực hiện ở “tỉnh Rạng Đông”.
1. Ông Nguyễn Ánh Minh
(Xem lại Bài 2. Nhận diện nhóm lợi ích. Phần II.3. Trở thành Anh hùng)
Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Ánh Minh giai đoạn 2001-2005 là tấm gương để cán bộ cấp cao Bình Thuận noi theo: hãy giúp đỡ, bảo vệ cho Nguyễn Văn Đông; thì chiều ngược lại Nguyễn Văn Đông cũng sẽ xem còn hơn cả người anh em ruột thịt, thể hiện sự quan tâm, cung phụng đáp ứng nhu cầu cho cả gia đình đến trọn đời.
Nguyễn Ánh Minh lo cho Nguyễn Văn Đông trở thành anh hùng lao động, đại biều quốc hội, giới thiệu thiết lập quan hệ với lãnh đạo cấp cao đặc biệt là những người đồng hương Quảng Ngãi. Đồng thời với tư cách Bí thư tỉnh ủy ông Minh đã chỉ đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh tạo điều kiện tối đa cho Tập đoàn Rạng Đông.
Nguyễn Văn Đông đáp ứng tất cả yêu cầu gia đình Nguyễn Ánh Minh; chuyên đưa tiền, vàng vô kể, chuyện tặng nhà đất ở Bình Thuận cũng bình thường. Còn mua nhà ở thành phố Hồ Chí Minh không ít. Riêng hai ngôi nhà ở Quận 2 cho vợ và con gái Bí thư Nguyễn Ánh Minh là cô Ngọc ở cũng là quà tặng của Anh hùng Nguyễn Văn Đông. Các cơ quan chức năng có thể vào để kiểm tra rất đơn giản, ví dụ: cô con gái rượu tên Ngọc vừa có chồng là có người tặng nhà chúc mừng hạnh phúc!
2. Ông Hồ Duy Đấu
Ông Hồ Duy Đấu khi là Trưởng ban Quản lý dự án thành phố Phan Thiết đã tạo điều kiện tốt đa, tốt nhất cho Rạng Đông làm nhiều công trình ở thành phố Phan Thiết từ giai đoạn đầu Rạng Đông từ Tánh Linh chuyển ra Phan Phiết. Hồ Duy Đấu là một trong những quan chức có công lao lớn góp phần cho sự phát triển của Tập đoàn Rạng Đông ngày nay.
Đến khi ông Hồ Duy Đấu bị kỷ luật mất chức về làm dân, rồi gia đình gặp chuyện rủi ro con gái làm bầu số đề vỡ nợ, vợ uống thuốc sâu tự tử nên phải bán mấy cái nhà ở đường Trần Hưng Đạo để lo. Còn con trai hoang đua xe, gia đình khánh kiệt.
Được Nguyễn Văn Đông mở rộng vòng tay cưu mang giúp đỡ tận tình. Đông có cho Đấu 2 lô đất đối diện nhà khách Tỉnh ủy, nói Đấu lấy vật tư, nhân công của Rạng Đông làm nhà, nhưng Đấu vẫn chưa làm, hiện nay vẫn ở nhà đường Trần Hưng Đạo.
Giới thiệu dự án Rừng Mũi Né và Bến du thuyền 740 ha của Rạng Đông
Quan trọng là Nguyễn Văn Đông ủy quyền cho Hồ Duy Đấu thay mặt chuyển nhượng các dự án chiếm đất của Đông. Trong đó có dự án Rừng Mũi Né và Bến du thuyền, gồm quần thế dự án 740 ha, bao gồm đất trồng rừng và trồng cây lâu năm tổng chi phí đầu tư gần 300 tỷ.
Hồ Duy Đấu toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng dự án / doanh nghiệp chủ dự án của Nguyễn Văn Đông và kể cả cam kết bảo đảm “chạy được quy hoạch”: 01 Sân golf 36 lỗ, khu nghĩ dưỡng, điều trị bệnh và kinh doanh bất động sản, bao gồm xây dựng biệt thự, căn hộ, đất nền, để bán hoặc cho thuê. Nguyễn Văn Đông giao Hồ Duy Đấu bán giá sàn là 2.800 tỷ, bán cao hơn thì được hưởng, ngoài tỷ lệ % theo giá sàn, Hồ Duy Đấu đang chào giá 3.100 tỷ. Đã có người trả giá là 2.800 tỷ. Chỉ cần một thương vụ thành công là Hồ Duy Đấu kiếm hàng trăm tỷ.
Hồ Duy Đấu toàn quyền quyết định chuyển nhượng
dự án Rừng Mũi Né và Bến du thuyền 740 ha của Rạng Đông
Ông Hồ Duy Đấu là một ví dụ về “gái có công, chồng chẳng phụ...”.
3. Ông Phạm Phú Thạnh
Ngược thời gian 8 năm về trước, vào năm 2012 Vụ người Trung Quốc thu gom hàng trăm hecta đất ở Bình Thuận gây chấn động dư luận, có nguy cơ cho chủ quyền, an ninh quốc gia. Ban bí thư Trung ương, Thủ tướng chính phủ yêu cầu Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo. Các bạn tra Google từ khóa: "Trung Quốc thu gom đất ở Bình Thuận, 2012" để xem, qua một số bài viết còn lưu trên mạng[3.3], có thể tóm tắt vụ việc như sau.
Công ty TNHH Nguyên Long Sơn, thuộc Tập đoàn Nguyên Hinh, Trung Quốc, thông qua một người Việt Nam là ông Phạm Phú Thạnh sang nhượng 100 ha đất nông nghiệp (thực tế lên đến 160 ha) tại xã Hàm Chính và gần 50.000m2 cạnh QL1A thuộc xã Hàm Đức huyện Hàm Thuận Bắc. Doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành san lấp gần 1,2ha đất lúa sát Quốc lộ 1A chuẩn bị xây nhà xưởng, nhưng huyện không hay, tỉnh không biết. Vụ việc bị người dân tố cáo, đưa ra dư luận.
Một phần diện tích đất mua bán trái phép của Công ty Long Sơn san lấp,
xây tường rào. Ảnh: ANH TUẤN, nguồn nld.com.vn
Trong lúc phi vụ đang lùm xùm thì có 9 cán bộ cấp tỉnh, huyện sang Thâm Quyến, Trung Quốc để “học tập kinh nghiệm”, về nước các thành viên trong đoàn đã hướng dẫn công ty Trung Quốc làm đơn đề đạt nguyện vọng được đầu tư ở Bình Thuận vì đã lỡ “cầm đèn chạy trước ôtô”.
Vụ việc vỡ lở gây xôn xao dư luận, Trung ương yêu cầu báo cáo, buộc tỉnh Bình Thuận phải vào cuộc điều tra xử lý “nghiêm túc”. Kết quả:
- 9 cán bộ qua Trung Quốc bằng tiền Tàu là đúng quy trình và không có dấu hiệu tư lợi.
- Doanh nghiệp Trung Quốc bị thu hồi đăng ký kinh doanh.
- Ông Phạm Phú Thạnh hoàn trả tiền cho nhà đầu tư và bị xử phạt hành chính nhẹ nhàng.
- Còn các cá nhân, đơn vị của tỉnh tham gia bán đất “chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm”.
Vậy là xong!
Một vụ vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng nghiêm trọng, và đặt biệt có yếu tố nước ngoài. Cuối cùng thì chìm xuồng, không ai phải chịu trách nhiệm.
Nhưng nếu như ai đó chỉ cần xem “công văn báo cáo và đề nghị” của Công ty Nguyên Long Sơn gửi cho các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận thì sẽ hiểu vấn đề.
Trích công văn báo cáo và đề nghị của Cty Long Sơn gửi tỉnh Bình Thuận
Ông Phạm Phú Thạnh là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Rạng Đông thay mặt thực hiện phi vụ “bán đất” theo phương thức chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp có đất. Khi vụ việc vở lỡ, Nguyễn Văn Đông thông báo ông Phạm Phú Thạnh đã nghỉ việc ở Tập đoàn Rạng Đông, vậy là không có liên quan. Ông Phạm Phú Thạnh buộc phải trở thành “Lê Lai”.
Bước tiếp theo là “người anh hùng” sẽ chỉ đạo dàn xếp từ tỉnh ra trung ương và kết quả là chìm xuồng không để lại sóng dư luận. Những người dân, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh tố cáo vụ việc lúc đó đã đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng không ai trả lời:
i) Nếu ông Phạm Phú Thạnh không còn là Phó Tổng giám đốc Rạng Đông, nhưng dùng danh nghĩa, pháp nhân và chức vụ của Rạng Đông để giao dịch với Trung Quốc. Tại sao ông Nguyễn Văn Đông không tố cáo ông Phạm Phú Thạnh?
ii) Việc cấu kết bán đất cho người nước ngoài là vi phạm pháp luật hình sự nghiêm trọng, nhưng chỉ ở mức độ xử phạt hành chính là quá nhẹ. Có thế lực nào chạy, bảo kê không?
iii) Quan chức đi Trung Quốc bằng tiền của Công ty Trung Quốc đang thâu tóm đất đai, vi phạm pháp luật Việt Nam, lãnh đạo tỉnh không biết, nhưng lại cho rằng đúng quy trình. Thì đúng là chuyện khôi hài của bộ máy quản lý nhà nước tỉnh Bình Thuận?
iv) Dư luận nổi lên, Trung ương yêu cầu tỉnh Bình Thuận báo cáo vụ việc. Chẳng biết tỉnh Bình Thuận báo cáo thế nào, Trung ương cũng làm thinh luôn, không quan tâm nữa?.
***
Về phần ông Phạm Phú Thạnh trở thành “Lê Lai cứu chúa”, lẽ ra ông Thạnh phải “chết - im lặng tuyệt đối” như Lê Lai. Nhưng sau khi vụ việc lắng xuống, ông Phạm Phú Thạnh lại không chịu im lặng như Lê Lai. Có thế lực buộc ông Phạm Phú Thạnh phải im lặng tuyệt đối, vậy là vào khoảng cuối năm 2019, ông Thạnh biến mất!
Ông Phạm Phú Thạnh là một ví dụ về sự trừng phạt của người anh hùng, khi nào thực sự an toàn ông sẽ lên tiếng. Còn ông trùm đạo diễn vẫn yên vị lãnh đạo “tỉnh Rạng Đông”.
“Tỉnh Rạng Đông”
Dư luận tỉnh Bình Thuận nói “tỉnh Rạng Đông” không phải là không có cơ sở. Một bộ máy hành chính bao gồm 2 yếu tố:
1. Yếu tố nhân sự
Từ khi Nguyễn Ánh Minh làm Bí thư Bình Thuận đã tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Đông can thiệp vào hệ thống tổ chức chính quyền của Tỉnh:
- với cái danh, uy của một anh hùng lao động;
- với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh.
- và quan trọng hơn là bằng sức mạnh của đồng tiền với những chính sách đãi ngộ, bảo đảm của một đại gia.
2. Yếu tố đất đai
Ngoài đất đai được Tỉnh giao theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Nguyễn Văn Đông đưa đàn em thân tín thu mua gom đất trong dân của tỉnh Bình Thuận với giá rất rẻ, chỉ lấy sổ đỏ còn đất vẫn để người dân sử dụng bình thường. Đến thời cơ phù hợp thì lập dự án, (cũng có phương án đền bù), điều chỉnh quy hoạch, đẩy giá đất lên và chuyển nhượng hoặc đầu tư. Một số người không chịu chuyển nhượng thì bị cưỡng chế thu hồi cho việc thực hiện dự án.
Đến nay vẫn còn nhiều người khiếu nại bị cướp đất oan ức, anh hùng Nguyễn Văn Đông thách thức đến cơ quan nhà nước giải quyết!. thì cả bộ máy hành pháp, tư pháp của Bình Thuận lại thuộc “tỉnh Rạng Đông”. Ví dụ như ông Lê Chánh Thảo bị cả hệ thống cướp giao cho Rạng Đông 16.500 m2 đất tại Sealinks City Hàm Tiến, tố cáo nhiều năm trời!
Anh hùng, ĐBQH Nguyễn Văn Đông có bao nhiêu đất ở Bình Thuận? không ai thống kê được. Người nói 10 ngàn hecta, người nói 20 ngàn hecta đều là những con số không chính xác. Riêng đất cấp cho Tập đoàn Rạng Đông do các công ty thành viên đứng tên là đã hơn 10 ngàn hecta. Còn đất cá nhân đứng tên, đất đàn em của Đông mua lấy sổ đỏ nhưng chưa sang tên và người dân vẫn sử dụng thì nhiều vô kể. Chính vì vậy ở Bình Thuận người dân hay nói rằng “nếu đi máy bay mà ném cục đá xuống đất thì thế nào cũng rơi trúng đất của Nguyễn Văn Đông” - Tập đoàn Rạng Đông.
3. Thủ phủ “tỉnh Rạng Đông”
Nguyễn Văn Đông tập trung thu gom đất và đầu tư từ trung tâm thành phố Phan Thiết kéo dài đến Mũi Né. Anh hùng Nguyễn Văn Đông muốn ở đây có sân bay, cảng biển, hạ tầng và các dịch vụ của một thành phố hiện đại trong thành phố. Và chuyển trụ sở Tập đoàn Rạng Đông đến đây.
Kế hoạch dài hạn và ý đồ của người anh hùng như thế nào khó đoán được, nhưng trong sâu xa có liên quan đến đồn Mũi Né cùng với câu chuyện những chiến sĩ Việt Nam cộng hòa tử thủ đến người cuối cùng năm 1975...!?
Vĩ Thanh
Chuyên đề này chỉ tập trung viết về Sân Golf Phan Thiết mà hiện nay Chính phủ buộc phải cho thanh tra lần thứ hai để trả lời trước công luận. Để hiểu rõ bản chất dự án Sân Golf Phan Thiết chúng tôi phải trình sơ qua về ông chủ đầu tư, không đi sâu vào chi tiết những vấn đề không liên quan (nếu có dịp sẽ trình bày trong các bài viết khác).
Theo những gì đang công bố ra dư luận, thì dự án Sân Golf Phan Thiết có khả năng “đánh bùn sang ao” và cho lắng đọng là xong chuyện. Từ những sai lầm mang tính hệ thống, bản chất nhóm lợi ích chuyển thành lỗi nhỏ của một số cán bộ thừa hành [3.4] cở cấp tỉnh. Phần tiếp theo là một kế hoạch hoàn hảo, một “quả đấm thép”, đấm trực diện vào nhân dân Bình Thuận thông qua dự án Sân Golf Phan Thiết.
(Còn tiếp - Bài 4. Kế Hoạch Hoàn Hảo)
Ghi chú:
[3.1] “Tao sẽ cho mầy nghỉ việc”
[3.2] “Đã trả phong bì vẫn bị kỷ luật”
[3.3] Bài viết còn lưu trên mạng vụ Trung Quốc thu gom đất ở Bình Thuận, năm 2012:
- Vụ bán đất cho DN Trung Quốc: Đã được dàn dựng công phu
- Vụ người Trung Quốc "gom" đất ở Bình Thuận: Hé lộ nhiều sai phạm
- “Đại gia” bán đất cho DN Trung Quốc: Cần cơ quan điều tra vào cuộc? https://dantri.com.vn/kinh-doanh/dai-gia-ban-dat-cho-dn-trung-quoc-can-co-quan-dieu-tra-vao-cuoc-1342463272.htm
- "Đại gia" bán đất cho DN Trung Quốc: Tỉnh, huyện đều chưa nắm cụ thể
- Người Trung Quốc sang nhượng hơn 160ha đất ở Bình Thuận
- “Đại gia” bán đất: Chi hơn 120 triệu đồng mua vé máy bay cho cán bộ
- Vụ Công ty Trung Quốc "gom" đất: UBND tỉnh chỉ đạo xử lý gấp
- Người TQ mua cả trăm hecta đất Bình Thuận
- Công ty Trung Quốc "gom" đất ở Bình Thuận: Tỉnh và huyện đều không biết (?!)
Và Báo Tuổi trẻ và Pháp luật: Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết
Các bài đã đăng:
- Sân golf Phan Thiết - Bài 1. Thách thức lò ông Trọng
- Sân golf Phan Thiết - Bài 2. Nhận diện nhóm lợi ích
24.05.2020