Kỷ niệm cho đại hội ĐCSVN XIII - Dân Làm Báo

Kỷ niệm cho đại hội ĐCSVN XIII

Ngocđa (Danlambao) - Hiện Việt Nam có 3 vụ án được “quan tâm sâu sắc” bởi rất nhiều người Việt mọi giới trong và ngoài nước cũng như các chính khách, các tổ chức quốc tế ở những nước có nền Tư Pháp tiên tiến.

A. Kỳ án bưu điện Cầu Voi, ở Thủ Thừa, Long An; liên quan tới tử tù “Hồ Duy Hải”:

Theo Báo Sạch, Chiều 12/6, luật sư Trần Hồng Phong đã giải thích các quy định của pháp luật cho gia đình bị án Hồ Duy Hải về thủ tục tái thẩm và làm Đơn cung cấp tình tiết mới và đề nghị kháng nghị tái thẩm đối với vụ án kể trên.

Theo quy định, sau khi vụ án đã được xét xử, bản án đã có hiệu lực nếu phát hiện các tình tiết mới, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét đến thủ tục tái thẩm.

Trong đơn gửi đến các cơ quan tiến hành tố tụng tối cao như tòa án và Viện Viện kiểm sát, gia đình Hồ Duy Hải cũng gửi đơn này đến Ủy ban tư pháp của Quốc Hội và Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Bảy tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án mà chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét đó là:

1. Dấu hiệu hung thủ thuận tay trái. Trong khi đó tại các bản giám định pháp y, nạn nhân Hồng có vết thương ở cổ theo hướng từ TRÁI QUA PHẢI. Trong khi đó nạn nhân Vân có vết thương cũng trên cổ nhưng theo hướng ngược lại.

Thực nghiệm điều tra thì Hải cầm dao gây án bằng TAY PHẢI.

2. Nhân chứng Đinh Vũ Thường không nhìn thấy Hồ Duy Hải như kết luận điều tra của công an và cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân.

3. Cơ quan điều tra đã bỏ qua chi tiết nạn nhân Vân vẫn còn ở tiệm bán trái cây lúc 21g 01 phút.

4. Một thanh niên khác ở bưu điện Cầu Voi và 04 bút lục quan trọng bị rút khỏi vụ án. Đó là biên bản lấy lời khai của anh Đinh Văn Còi và Lê Thanh Trí. Các bút lục này được đánh số 139, 140, 141, 142.

5. Dấu hiệu đèn sáng, cửa mở ở lầu 1, điện cúp, cổng khép và Nguyễn Văn Nghị là ai.

6. Hồ Duy Hải liên tục kêu oan nhưng chưa bao giờ được xem xét.

7. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm Lê Quang Hùng có mặt tại buổi thực nghiệm hiện trường không thể đảm bảo tính khách quan, độc lập.

B. B. Vụ án tai nạn giao thông ở Thành phố Đồng Xoài, Bình Phước; liên quan đến bị án “Lương Hữu Phước” nhảy lầu tự sát ngay trong sân tòa án, sau khi tòa phúc thẩm tuyên y án “3 năm tù giam” ngày 29/5/2020.

Theo Báo Sạch, Ngày 12.6, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ tiến hành mở phiên tòa giám đốc thẩm xem xét lại nội dung bản án sơ thẩm (TAND TP Đồng Xoài) và phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước đối với ông Lương Hữu Phước, theo hướng hủy các án sơ và phúc thẩm để điều tra xem xét lại.

Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ ở Hoa Kỳ đã tường thuật và phân tích như sau:

Sáng ngày 29/5, không chấp nhận lời kêu oan của ông Phước cũng như yêu cầu làm rõ một số tình tiết, chứng cứ của vụ án của Luật sư Dương Vĩnh Tuyến, người bào chữa cho ông Phước, HĐXXPT đã tuyên bác kháng cáo của ông Phước, y án 3 năm tù đối với ông. Và sự việc kinh hoàng và bi thảm đã diễn ra.

Ngay sáng hôm sau, ngày 30/5, cho dù bản án phúc thẩm chưa được công bố, Ban tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Phước đã tổ chức họp báo về vụ án đã dẫn tới vụ tự sát của ông Phước với sự tham gia của Chánh án TAND tỉnh Phạm Thị Bích Thủy và HĐXXPT .

Thẩm phán Lê Hồng Hạnh, chủ tọa HĐXXPT, nói: "Trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm thì lỗi quan trọng nhất là lỗi trực tiếp gây nên cái chết cho nạn nhân. Lỗi của bị cáo ở đây là qua đường mà không quan sát, vi phạm khoản 2 điều 15 Luật Giao thông đường bộ (Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác). Ở phiên tòa bị cáo cho rằng có quan sát. Nhưng lời trình bày của anh Lâm Tươi và những người có mặt ở hiện trường thì đây là đoạn đường thẳng, tầm nhìn không bị che khuất”. Thẩm phán này nhấn mạnh: “Nếu bị cáo quan sát kỹ thì không thể có chuyện anh Lâm Tươi ở đâu nhảy ra để mà va chạm giao thông này được!”.

Trả lời câu hỏi liệu HĐXXPT có bỏ lọt hành vi phạm tội của ông Lâm Tươi, thẩm phán này nói: “Ông Lâm Tươi không có giấy phép lái xe, (cơ quan điều tra) không xác định được vận tốc, không lấn đường nên không khởi tố chứ không phải là bỏ lọt đối tượng vi phạm”. Vẫn theo thẩm phán này, “lỗi hành chính khác với lỗi để truy cứu trách nhiệm hình sự” và ông Lâm Tươi đã bị xử phạt hành chính vào ngày 22/8/2017 về lái xe mà không có giấy phép lái xe.

Kết thúc buổi họp báo, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước khẳng định việc xét xử vụ án của ông Lương Hữu Phước là “công tâm, đúng quy định của pháp luật”.

Thế nhưng, ngày 5/6, đúng một tuần sau cái chết tức tưởi của ông Phước, kết luận “chắc như đinh đóng cột” này của cơ quan tuyên truyền của ĐCSVN tỉnh Bình Phước đã bị Chánh án TAND Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đặt thành vấn đề với quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm trên cơ sở đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Nêu lý do “Trên cơ sở kết luận điều tra vụ án chưa đầy đủ, Tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm xét xử và quyết định về toàn bộ nội dung vụ án là chưa đủ căn cứ”, quyết định kháng nghị đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao này xử giám đốc thẩm theo hướng hủy các bản án sơ, phúc thẩm và giao Công an tỉnh Bình Phước điều tra lại vụ án (3).

Trước khi xem xét liệu công dân Lương Hữu Phước có thực sự bị oan khuất, tôi không thể không nhận xét về trình độ pháp luật của thẩm phán Lê Hồng Hạnh, người cầm chịch phiên tòa phúc thẩm.

Thẩm phán này nói: "Trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm thì lỗi quan trọng nhất là lỗi trực tiếp gây nên cái chết cho nạn nhân. Lỗi của bị cáo ở đây là qua đường mà không quan sát”.

Về nguyên tắc, khi nêu ra trước công luận những phạm trù học thuật thì người trình bày phải làm rõ nội hàm của những phạm trù đó. Do đó, việc thẩm phán Hạnh nêu “4 yếu tố cấu thành tội phạm” mà không một lời giải thích các yếu tố đó là gì rõ ràng là đánh đố, là coi thường công luận! Tuy nhiên, với tư cách là người phân tích án, tôi sẽ “lấp chỗ trống” mà thẩm phán Hạnh đã lập lờ để lại.

Trong khoa học hình sự, tội phạm được cấu thành bởi 4 yếu tố:

1/ Khách thể (quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ);

2/ Mặt khách quan (hành vi gây thiệt hại cho xã hội hay lỗi (4), hậu quả, quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, phương pháp, phương tiện, công cụ, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh thực hiện hành vi …);

3/ Chủ thể (người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, pháp nhân thương mại); 

4/ Mặt chủ quan (ý thức, động cơ và mục đích khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Ý thức bao gồm: cố ý (trực tiếp, gián tiếp), vô ý (quá tự tin, cẩu thả).

Như vậy, thiếu một trong 4 yếu tố kể trên thì không có tội phạm, đồng nghĩa lỗi hay mặt khách quan của tội phạm không hơn cũng không kém các yếu tố còn lại về tầm quan trọng trong việc xác định tội phạm. Thành thử so sánh của thẩm phán Hạnh là hoàn toàn khập khiễng, là “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” như cổ nhân đã nói.

Chưa hết, thẩm phán Hạnh còn nói: “lỗi hành chính khác với lỗi để truy cứu trách nhiệm hình sự”. Thực ra, hai lỗi hay hành vi này đều có cùng bản chất là gây thiệt hại cho xã hội. Chỉ có điều nếu hậu quả là nghiêm trọng theo quy định của luật pháp hình sự thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn không, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý theo thủ tục hành chính.

Những phát biểu trên của thẩm phán Hạnh bộc lộ thảm họa kiến thức pháp luật hay “kiến thức giả” ở người được gọi là “cầm cân nảy mực” ở chốn công đường này. Thế nên, HĐXXPT do thẩm phán này làm chủ tọa không kết án oan ông Lương Hữu Phước mới là lạ!

C. Vụ án “Đồng Tâm”; liên quan đến cái chết bị sát hại và mổ phanh thây của cụ “Lê Đình Kình”


Theo bản tin trên RFA - 2020-06-12:

"Công an Hà Nội ra Kết luận điều tra vụ Đồng Tâm nói cụ Kình chết do bị bắn hai phát vào lưng.

Hôm 12 tháng 6 năm 2020, các luật sư bào chữa cho các bị can trong vụ đụng độ giữa công an và người dân xảy ra ở xã Đồng Tâm vừa qua nhận được bản kết luận điều tra dài 47 trang của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội phát hành ngày 5 tháng 6 năm 2020.

Theo bản kết luận, cụ Lê Đình Kình tử vong trong vụ công an tấn công vào Thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 là bởi "mất máu tối cấp do tổn thương phổi, thủng quai động mạch chủ hậu quả của 2 vết thương do đạn bắn".

Việc 3 chiến sĩ cảnh sát cơ động tử vong dưới hố kỹ thuật của hai ngôi nhà cũng được kết luận là do "ngạt khí và cháy than hóa toàn thân do tác dụng của nhiệt mức độ rất nặng".

Vào chiều 12 tháng 6, Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho 3 bị can trong vụ án nhận xét về bản kết luận điều tra này như sau:

"Tôi đọc thì tôi thấy có mấy vấn đề là không có lý do để giải thích tại sao lực lượng công an lại đưa lực lượng vào tấn công thôn Hoành ở Đồng Tâm vào sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020 theo như các trường hợp của pháp luật quy định, đây là cái lý do thứ nhất.

Cái lý do thứ hai đó là ba trường hợp mà các cán bộ chiến sĩ công an hy sinh đều nói là bị thiêu thành than hết nhưng lại không thấy có giám định ADN, hay là bằng chứng khoa học nào để nói là cái phần còn lại để xác định đây là danh tính của ba người. Có nghĩa là cái căn cứ khoa học không thấy nêu ra.

Cái thứ ba nữa là là trường hợp ông Kình bị chết thì nói là bị bắn vào sau lưng nhưng nó lại không đúng với các hình ảnh đưa ở trên mạng là ông Kình bị bắn từ phía trước ngực vào tim ở phía bên trái đó là những thứ mà tôi thấy mâu thuẫn".

Cũng theo luật sư Sơn, thân chủ của ông là ông Bùi Viết Hiểu bị các vết thương thủng bụng, thủng chân nhưng trong kết luận điều tra thì cũng không xác định nguyên nhân vì sao.

Bản kết luận này nêu rõ, việc một số người ở Hà Nội, trong đó có bà Dư Thị Thành - vợ cụ Lê Đình Kình có đơn tố cáo và đề nghị khởi tố vụ án giết người là "không đúng sự thật".

Bên cạnh đó, công an Hà Nội cũng khẳng định việc mà họ cho là "tiêu diệt" cụ Lê Đình Kình và bắn bị thương ông Lê Đình Chức là "cần thiết và đúng quy định pháp luật".

Có tổng cộng 25 người bị Công an Hà Nội đề nghị truy tố về tội danh "Giết người" theo khoản 1 điều 123 Bộ luật hình sự gồm các ông bà: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, v.v...

Bốn người khác bị đề nghị truy tố theo tội danh “Chống người thi hành công vụ” gồm Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng.

Công an Hà Nội cũng đình chỉ điều tra đối với tội danh “Tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí."

Dân tộc Việt Nam đang đối diện với một nền Tư Pháp “kỳ lạ” nhất thế giới cùng với một ĐCS cầm quyền cái gì cũng nhất!

25.06.2020



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo