Quân sự hoá Biển Đông của Trung quốc: Ba nhóm đối tượng chủ đích - Dân Làm Báo

Quân sự hoá Biển Đông của Trung quốc: Ba nhóm đối tượng chủ đích

KUIK Cheng-Chwee * Biên dịch: Vũ Ngọc Yên (Danlambao) - Nếu "quân sự hóa" được hiểu là một hành động huy động các lợi thế quân sự để theo đuổi các mục tiêu chiến lược bao quát hơn, thì tất cả những tác nhân của các cuộc tranh chấp ở Biển Đông đều đang can dự vào một số cách quân sự hóa. Chiến lược quân sự hóa Trung Quốc phản ánh ba nhóm đối tượng chủ đích: Hoa Kỳ (mục tiêu chính), các nước trong khu vực (mục tiêu phụ) và công luận trong nước. Sự lo ngại của Bắc Kinh về việc chỉnh hướng chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ và phán quyết của Toà trọng tài đã thôi thúc Trung quốc một cách nghịch lý tăng cường các hoạt động quân sự.

Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, thuật ngữ “quân sự hóa” bên cạnh tính “quyết đoán” và “hiếu chiến” được nêu ra như là một phạm trù mới nhất dùng trong các bài thuyết trình và các cuộc tranh luận ngoại giao. Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực đã cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông qua việc bố trí tên lửa, radar và các công cụ quân sự khác trên các đảo chiếm đóng trong các khu vực tranh chấp.

Nhưng mặt khác, Trung Quốc lại quy trách nhiệm các chiến dịch tự do hàng hải của Hoa Kỳ (FONOP) và các hoạt động quân sự khác của Hoa Kỳ với các đối tác của mình là nguồn chính gây ra những căng thẳng khu vực và xem đó là những “hành động khiêu khích”, “phá hoại sự ổn định khu vực” cũng như “tác hại lợi ích an ninh của các quốc gia duyên hải”. Các chiến đấu cơ Trung Quốc đáp xuống một hòn đảo tranh chấp vào tháng 2 năm 2016 và những tin tức mới nhất về Trung Quốc đang xúc tiến xây dựng một căn cứ hạt nhân ngoài biển đầu tiên vào thời điểm Washington tiến hành nhiều cuộc tuần tra FON và trù bị sẽ làm như vậy cùng với các nước khác trong khu vực, đã hâm nóng thêm các lời đổ lỗi cho nhau là thủ phạm của việc quân sự hóa Biển Đông. Thực sự ai làm gì và đang tiến hành quân sự hóa các khu vực tranh chấp, sẽ phụ thuộc vào cách đinh nghĩa thuật ngữ ”quân sự hóa”.

Bài tiểu luận này định nghĩa “quân sự hóa” là một động thái có tính toán của một tác nhân nhà nước sẽ tận dụng một lợi điểm quân sự nào đó, hành động và sắp xếp ở khu vực tranh chấp như một phương tiện để đạt những mục tiêu chính trị và chiến lược bao quát hơn. Những động thái này có thể là hình thức chiếm đóng, xây dựng các cơ sở quân sự, huy động quân đội, phô trương sức mạnh quân sự, thao diễn các cuộc tập trận, biểu dương đối tác quốc phòng với các thế lực khác, hoặc biểu dương một liên minh có nhiều năng lực hơn trong phạm vi tranh chấp. Các bước có thể được thực hiện đơn phương, song phương hoặc đa phương nhằm kiểm soát, thống trị, phòng thủ, răn đe, phủ nhận, khoa trương và thương thảo để đạt lợi ích trước mắt hoặc lâu dài.

Qua định nghĩa này, tất cả các tác nhân chủ chốt của tranh chấp Biển Đông thực tế đều can dự vào quân sự hóa bằng cách này hay cách khác, dù ở các mức độ khác biệt. Chúng bao gồm không chỉ các bên có yêu sách chủ quyền (Trung Quốc, Phi Luật Tân, Mã Lai, Việt Nam, Brunei và Đài Loan), mà còn cả các cường quốc và một số quốc gia không có yêu sách. Tuy nhiên, các động thái quân sự hóa của Trung Quốc là tạo nhiều quan ngại và bị chỉ trích nhiều nhất. Điều này không có gì ngạc nhiên cả.

Mặc dù các hành động quân sự của Trung Quốc tương đối mới gần đây và ít cố thủ hơn so với sự hiện diện quân sự mạnh mẽ lâu đời của Mỹ ở vùng biển Á châu, nhưng các hoạt động quân sự hóa của cường quốc đang đang trỗi dậy trong những năm qua đã gia tăng liên tục ở phạm vi lớn nhất (so sánh với các nước trong khu vực) cường độ nhanh nhất và đưa tới nhiều hệ quả lớn cho trật tự khu vực hiện hữu.

Các hoạt động quân sự hóa và sự quyết tâm thực thi của Trung Quốc ở Biển Đông từ năm 2009 đang gây hoang mang cho hai lý do.

Thứ nhất, đây là một sự đảo ngược chính sách ngoại giao ve vãn của Trung Quốc ở Đông Nam Á, từng thể hiện qua cách tham gia tích cực các diễn đàn đa phương và can dự xây dựng vào tiến trình hội nhập khu vực trong giai đoạn 1996-2007. Cao điểm của chính sách ve vãn là việc Bắc Kinh đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002, gia nhập hiệp ước không xâm lược của ASEAN và Hiệp ước Hữu nghị-Hợp tác (TAC) năm 2003. Hợp tác và Thân tình là những tiêu chí chính trong suốt thời gian này. Hành vi quyết đoán hiện tại của Trung Quốc là một sự tương phản rõ ràng và thay đổi cách tiếp cận trước đây.

Thứ hai, chiến lược quân sự hóa của Trung Quốc mâu thuẫn với quan điểm diễn biến ôn hoà và chính sách ngoại giao láng giềng (zhoubian waijiao) của Chủ tịch nước Tập Cận Bình (Xi Jinping). Tại một hội nghị cán bộ cao cấp ở Bắc Kinh vào tháng 10 năm 2013, Tập đã nhấn mạnh cụm từ qin-cheng-hui-rong - thành tâm-chân thật-lợi ích hỗ tương và bao quát - như những nguyên tắc chỉ đạo chiến lược của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Tuy nhiên các hành động ngày càng mạnh bạo của Bắc Kinh ở trong các vùng biển đã không tương hợp với bốn nguyên tắc này nên đưa ra những tín hiệu tiêu cực chuyển đến các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực. Thực tế trong vài năm qua có ​​một xu hướng được xác định: Trung Quốc càng quyết đoán thì càng có nhiều nước trong khu vực muốn đối tác mạnh hơn với Hoa Kỳ và các cường quốc khác.

Vì vậy, dư luận ngạc nhiên tại sao Trung Quốc lại trở nên quyết đoán mạnh bạo bất chấp chính sách can dự quyến rũ trước đó và sách lược ngoại giao láng giềng của Tập. Tại sao Trung Quốc theo đuổi quân sự hóa âm ỷ ở Biển Đông mặc dù biết rõ đường lối cứng rắn như vậy sẽ thúc ép một số nước trong khu vực về mặt quân sự tiến gần tới Mỹ? Và chiến lược quân sự hóa tiếp diễn có thể phá hoại sáng kiến “Vành đai và con đường” của Tập nhắm vào Đông Nam Á, một trong những khu vực được ưu tiên.

Bài viết lý giải rằng bước ngoặt quyết tâm thực hiện quân sự hoá của Trung Quốc bị thúc đẩy cũng như giới hạn bởi yếu tố cấu trúc (ngoại vi) và nội địa. Mô hình, cường độ và mức độ quân sự hóa của Bắc Kinh trong các khu vực tranh chấp phản ánh ba nhóm đối tượng chủ đích: Hoa Kỳ (mục tiêu chính), các quốc gia khu vực yếu hơn (mục tiêu phụ), dân chúng và giới tinh hoa trong nước (Công luận tối hậu). Trong những tháng qua, Bắc Kinh ngày càng lo ngại về áp lực cơ cấu vì sự chỉnh hướng chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ và phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực trong vụ kiện của Phi luật tân về Biển Đông. Sự bứt rứt gia tăng này đã hối thúc Trung Quốc đẩy nhanh các hoạt động quân sự hóa trong khu vực.

Mô hình và cường độ quân sự hoá

Các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông được ghi nhận qua ba đặc điểm. Thứ nhất, về mặt chiến thuật, các động thái quân sự của Trung Quốc được tiến hành cùng với các hoạt động phi quân sự hoặc bán quân sự. Thứ hai, về mặt mục tiêu, các hành động quân sự hóa của Trung Quốc có chủ đích tạo ra một chiến lược fait accompli (việc đã rồi) trong vùng tranh chấp mà không gây ra phản ứng chống đối của toàn khu vực. Thứ ba, về mặt thời điểm và cường độ, các động thái quân sự đơn phương của Trung Quốc nhằm thực hiện các yêu sách phần lớn có tính cách phản ứng - đôi khi phòng ngự đối với các diễn biến ngoại vi được xem là mục tiêu của Trung Quốc, đặc biệt các diễn biến có liên hệ với Hoa Kỳ. Cường độ ở giai đoạn đầu chậm rãi nhưng từ đầu năm 2016 tăng tốc.

Về mặt vận hành, các hành động quân sự hóa của Trung Quốc là một phần của bước ngoặt tiến hành rộng lớn hơn kể từ năm 2009; tuy nhiên, chúng không phải là những phần sớm nhất mà cũng không phải là phần bao quát nhất tạo nên quyết tâm thực hiện của cường quốc đang trỗi dậy ở Biển Đông. Cách hành xử chủ yếu là pha trộn các biện pháp phi quân sự và bán quân sự như thành lập phố Tam (Sa Sansha) thuộc tỉnh Hải Nam, thực thi lệnh cấm đánh cá đối với tàu nước ngoài, tuần tra hàng hải của lực lượng bảo vệ bờ biển, sử dụng tàu truy lùng phạm pháp để ngăn chặn các cuộc thăm dò địa chấn của các quốc gia có yêu sách chủ quyền khác cũng như tìm cách đe dọa các công ty dầu khí nước ngoài được sự ủy nhiệm của các chính quyền có yêu sách chủ quyền khác thực hiện khảo sát trên biển và thăm dò hydrô-carbon. Nói chung trước tiên dùng biện pháp phi quân sự và bán quân sự mở đường và tạo tiền đề cho các biện pháp quân sự sau đó. Các bước sau sẽ bổ sung và tăng cường chức năng dự định của các bước khởi đầu (ví dụ: huy động các tàu hàng hải và tiến hành các cuộc tập trận ở các khu vực tranh chấp).

Mô hình vận hành này được triển khai sau khi Tập lên nắm quyền vào năm 2013. Dưới ban lãnh đạo mới, Trung Quốc đã thực hiện phối hợp một loạt các biện pháp để củng cố các yêu sách của mình trong các khu vực của đường chín đoạn đang tranh cãi. Trung Quốc đặt các giàn khoan dầu ở gần Hoàng Sa, xúc tiến các dự án cải tạo đất và đảo cũng như xây dựng phi đạo, hải đăng, doanh trại, cảng và các cơ sở khác trên các tiền đồn ngoài khơi, trong khi tiếp tục cho tàu bảo vệ bờ biển (được hộ tống bởi các tàu hải quân) đến nhiều nơi khác nhau trong khu vực tranh chấp. Theo sau những hoạt động này là một chuỗi các biện pháp phòng vệ quân sự: Điều các tàu hải quân đến vùng cực nam của Trường Sa và các khu vực khác, bố trí tên lửa đất đối không (surface-to-air missiles) và lượng lớn chiến đấu cơ đến đảo Woody (vùng đất lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa), lắp đặt hệ thống radar tần số cao trên nhiều thực thể, trong số đó có rạn Cuarteron Reef ở Trường Sa, thực hiện cuộc hạ cánh đầu tiên của phản lực cơ quân sự xuống một đảo nhân tạo (Fiery Cross Reef trong chuỗi Trường Sa)và gần đây, có kế hoạch thiết lập các nhà máy điện nguyên tử trên biển để cung cấp điện ổn định cho các giàn khoan dầu và các đảo nhân tạo mới. Hầu hết các động thái này diễn ra vào nửa đầu năm 2016, vài tháng trước khi có phán quyết của Toà trọng tài.

Thông qua việc thực hiện song song các biện pháp phi quân sự, bán quân sự và các hoạt động quân sự hóa có chọn lọc, Trung Quốc muốn đạt được mục tiêu chiến lược: Biến đổi vùng hoạt động và tạo ra một thực tế mới ở Biển Đông không có khả năng bị đảo ngược.

Các động thái của Trung Quốc đã bị nhiều chỉ trích và làm gia tăng căng thẳng khiến nhiều nước yếu hơn tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng mạnh mẽ hơn với Mỹ và các cường quốc khác cũng như thúc ép Hải quân Hoa Kỳ tiến hành liên tiếp ba cuộc tuần tra tự do giao thông hàng hải (FONOP) vào vùng biển tranh chấp kể từ tháng 10 năm 2015. Và trong cuộc tuần tra cuối vào ngày 10 tháng 5 năm 2016, tàu khu trục USS William P Lawrence đã đi vào phạm vi 12 hải lý của rạn Fiery Cross Reef do Trung Quốc chiếm đóng. Tuy nhiên các hoạt động quân sự leo thang của Trung Quốc cho đến nay đã không dẫn đến việc hình thành một mặt trận thống nhất toàn khu vực chống lại các hành động quyết đoán của gã khổng lổ. Điều này được giải thích có lẽ một phần do cách thức tiến hành từng bước và chọn lọc của Bắc Kinh, gọi là chiến lược cắt lát xúc xích salami và một phần Trung Quốc sử dụng chính sách tài trợ phát triển kinh tế và trấn an ngoại giao như tiếp tục thương thảo với các quốc gia ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông cũng như phát huy sáng kiến ​​Vành đai - Con đường ở các khu vực khác trên thế giới.

Cuối cùng về phương diện thời điểm, một số động thái quân sự hóa của Trung Quốc, đặc biệt là những động thái gần đây đã diễn ra sau khi Hoa Kỳ và các nước trong khu vực đã có các bước tăng cường hợp tác (song phương hoặc đa phương) nhằm chống lại Trung Quốc. Ví dụ, việc triển khai các bệ phóng tên lửa và hệ thống radar gần đây của Trung Quốc trên đảo Woody được nhận xét chung là phản ứng của Bắc Kinh trước Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Mỹ-ASEAN tại Sunnylands vào tháng 2 năm 2016. Theo quan điểm của Bắc Kinh động thái quyết đoán của họ chỉ là phản ứng tương đương hoặc mạnh hơn những hoạt động tiến hành của các nước yêu sách khác và Hoa Kỳ. Nhưng trong mắt của các bên có yêu sách và nhiều quốc gia khác thì các động thái của Bắc Kinh là dấu hiệu của dã tâm tiềm ẩn và hành vi hiếu chiến của một cường quốc trỗi dậy.

Mục tiêu và các đối tượng

Mô hình, tốc độ và mức độ quân sự hóa của Trung Quốc, như đã trình bày, phản ánh ba nhóm đối tượng chủ đích của chính sách Biển Đông ở Bắc Kinh. Mục tiêu chính là Hoa Kỳ, mục tiêu thứ yếu là các quốc gia yếu hơn trong khu vực (đặc biệt là các quốc gia có yêu sách) và đối tượng cuối cùng của Trung Quốc là công luận Trung quốc bao gồm dân chúng và giới tinh hoa nội địa.

Đối với Trung quốc, chiến lược quân sự hoá nhằm đáp ứng các chức năng khác biệt của các nhóm đối tượng chủ đích. Diễn giải một cách khác là việc quân sự hóa có chọn lọc - trong phạm vi và tốc độ sẽ có bản chất dị biệt và tầm quan trọng khác nhau đối với lợi ích của giới tinh hoa trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền ở mọi cấp độ khác nhau. Các hoạt động quân sự hóa chú tâm vào các tác nhân bên ngoài là nhằm biểu dương quyết tâm địa chính trị của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ, phủ nhận năng lực thao diễn quân sự của Hoa Kỳ ở vùng biển gần Trung quốc cũng như phô trương sự răn đe đối với mọi tác nhân trong khu vực; Nói tóm lại, quân sự hoá được sử dụng như một đòn bẩy thương thảo cho định vị quyền lực dài hạn.

Đối với công luận trong nước, các tiến trình quân sự hoá nhắm truyền đạt hình ảnh ĐCSTQ là người bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc (weiquan) đáng tin cậy và là người phát huy sự canh tân Trung Quốc. Nói chung đó là con đường chính danh của chủ nghĩa dân tộc làm mạnh uy quyền của giới tinh hoa đang đứng trước nhiều thách thức trong nước. Các tác động của các chức năng ngoại vi và nội địa sẽ củng cố hỗ tương cho mục tiêu cuối cùng là duy trì sự cai trị của Đảng Cộng sản.

Hoa Kỳ rõ ràng là mục tiêu chính của quân sự hóa Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc nhất thiết phải đẩy Mỹ ra khỏi Châu Á về mặt quân sự hay ngăn chặn Mỹ tiếp tục các chiến dịch FONOP trong vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh nhận ra rằng họ không thể đạt được một trong hai mục tiêu này. Trên thực tế, Bắc Kinh có lẽ đã thừa nhận một số dạng hiện diện của Hoa Kỳ cũng nằm trong lợi ích của Trung Quốc và sự ổn định khu vực.

Những điều Trung Quốc dựa trên mô hình và cường độ quân sự hóa đang theo đuổi trong khu vực tranh chấp trong những năm qua là những phương tiện đáp ứng ba mục tiêu liên kết nhau.

Thứ nhất, Trung Quốc muốn thể hiện một quyết đoán tương đối bao quát hơn để bảo vệ những gì Bắc Kinh xem là lợi ích chủ quyền và lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này mang ý nghĩa quan trọng cho uy quyền và uy tín của ĐCSTQ ở trong nước. Đối với giới tinh hoa của ĐCSTQ cầm quyền, những lợi ích hiện hữu này còn mang tính cốt yếu hơn so với cái ”quyền lợi quốc gia” mà Hoa Kỳ từng tuyên bố trong các tranh chấp nên Trung Quốc sẽ luôn hành xử quyết đoán mạnh bạo hơn trong vùng biển Á châu.

Thứ hai, dựa trên quyết tâm, Trung Quốc đã đưa ra tín hiệu cho Washington biết rằng Bắc Kinh sẽ không bị đe doạ cũng như ngăn chặn bởi các đối tác quân sự gia tăng của Hoa Kỳ với các quốc gia chung quanh Trung Quốc.

Thứ ba, sự tồn tại thể lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, chỉ có thể bị ngưng hoặc lùi hại, một khi Hoa Kỳ thể hiện năng lực quân sự. Đây là một kịch bản không thể xảy ra nếu xét về lợi ích bất đối xứng của hai cường quốc, chi phí cấu trúc không thể chấp nhận và những rủi ro kéo theo trong cuộc xung đột vũ trang như vậy. Trung Quốc muốn Hoa Kỳ nhận ra thực tế vị thế địa chiến lược của Trung Quốc đã được củng cố ở Á châu như một đòn bẩy cho những cuộc thương thảo giữa các đại cường.

Trung Quốc luôn kiềm chế, thận trọng theo đuổi những mục tiêu và mọi lúc tránh xung đột trực tiếp với siêu cường. Ví dụ, trong chiến dịch FONOP gần đây của Hoa Kỳ tại Fiery Cross Reef, Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách huy động chiến đấu cơ và tàu hải quân theo dõi tàu chiến Mỹ, mà không có hành động đối đầu dẫn đến xung đột trực tiếp với nhau. Các mục tiêu thứ yếu của quân sự hóa của Trung Quốc là nhằm vào các nước yếu trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia có yêu sách công khai dùng lá bài Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc. Thông qua các hành động ngày càng quyết đoán và các biện pháp phòng vệ quân sự, Bắc Kinh muốn báo hiệu cho các nước trong khu vực biết là sự đối tác mạnh với Hoa Kỳ và các nước sẽ không cản trở được Trung Quốc bảo vệ lợi ích ở Biển Đông, chứ nói gì đến ngăn chặn.

Bắc Kinh gần đây nói rằng những chỉ trích chống Trung Quốc về Biển Đông sẽ bị lực phản hồi giống như một lò xo xoắn ốc. Hải quân Trung Quốc đã thao diễn các cuộc tập trận thường niên từ ngày 8 đến 9 tháng 5 năm 2016 tại Biển Đông nhằm phô trương sức mạnh quân sự của mình ở khu vực tranh chấp. Thông qua chiến lược quân sự hóa, Trung Quốc tìm cách ngăn chặn các nước trong khu vực liên kết thành liên minh chống Bắc Kinh hay có lập trường gây tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc. Quân sự hoá đối với dân chúng và thành phần chính trị ưu tú trong nước không chỉ đáp ứng mệnh lệnh chính danh dân tộc, động viên sự năng động của giới lãnh đạo mà còn cân bằng lợi ích của nhiều thành phần trong nền chính trị Trung Quốc.

Phương hướng và mức độ tập trung quyền lực của Tập kể từ khi ông nổi lên trên chính trường Trung Quốc có thể không phải là một dấu hiệu của kẻ mạnh mà là một chỉ dấu cho mức độ của những thách thức và những vấn nạn phân hoá, chia rẽ và đấu đá trong hệ thống mà ban lãnh đạo đảng, nhà nước đang trực diện.

Các yếu tố động lực (và giới hạn)

Bên cạnh áp lực cơ cấu xuất phát từ mối quan hệ không chắc chắn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, chính các yếu tố nội chính, đặc biệt là sự bất ổn chính trị gia tăng và chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy đã thúc đẩy (và hạn chế) bước ngoặt quyết đoán của Trung Quốc cũng như quân sự hóa trong vùng biển tranh chấp.

Những tác động kinh tế xã hội của các chương trình cải cách và phát triển kéo dài hàng thập kỷ kể từ những năm 1970 - nối kết với các vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng - đã đưa ra nhiều thách thức chính trị ngày càng lớn mạnh cho giới tinh hoa cầm quyền của ĐCSTQ. Những thách thức này bao gồm bất an xã hội, các cuộc phản kháng công cộng, các tranh chấp trung ương- địa phương, tham nhũng, xáo trộn chính trị, cũng như khoảng cách phát triển giữa các thành phố duyên hải và nội địa. Hàng trăm ngàn vụ xô sát của quần chúng (qunti shijian) là dấu hiệu cho thấy sự xói mòn niềm tin và tính chính danh của chính quyền. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã trở nên rất nhạy cảm với những lời chỉ trích công khai dưạ trên nền tảng của chủ nghĩa dân túy, dân tộc.

Đối với giới tinh hoa câm quyền, viện dẫn và kêu gọi tình cảm dân tộc như một con đường chính danh chính trị là điều quan trọng. Vì Biển Đông được coi là sân sau hàng hải (ao nhà) của Trung Quốc, điều này càng đòi hỏi chính quyền ĐCSTQ phải có những hành động cứng rắn hơn để tăng cường niềm tin của một người bảo vệ lợi ích Trung Quốc, hoặc tối thiểu phải tránh bị coi là quá nhu nhược trong việc bảo vệ các chủ quyền đất nước. Mệnh lệnh dân tộc chủ nghĩa được biểu hiện qua sự tham gia ngày càng đông đảo của nhiều tác nhân địa phương và phi nhà nước mà quan điểm và hành động của những tác nhân này rất có ảnh hưởng đến các chính sách Biển Đông của chính quyền.

Những tác nhân đa dạng này không chỉ bao gồm các cơ quan hành chính và thực thi như Cơ quan Đại dương Nhà nước (State Oceanic Administration), Chỉ huy thi hành Luật Thủy sản và Cục Cảnh sát Hàng hải, mà còn có cả quân đội, chính quyền tỉnh và địa phương, các công ty năng lượng, doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia và nhà nghiên cứu, ngư nhân, cư dân mạng và các phương tiện truyền thông. Trong số các tác nhân mới này, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) nói riêng đã chọn cách tiếp cận ngày càng tích cực và quyết đoán đối với các vấn đề hàng hải. Bên cạnh nỗ lực ảnh hưởng vào công luận thông qua các tuyên bố chính thức và không chính thức trên các phương tiện truyền thông, mạng internet và hội thảo, PLA cũng tìm cách định hình một chính sách hàng hải của Trung Quốc thông qua việc giả định một cơ chế kiểm soát độc lập đối với một số khía cạnh vận hành sự hiện diện quân đội Trung Quốc, cung cấp đào tạo cho các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải và thực hiện các cuộc tập trận chung ở Biển Đông.

Sự tham gia ngày càng tăng của các tác nhân khác nhau đã tạo ra sự đa diện lợi ích, triển vọng và hoạt động, nhưng cũng đưa đến vấn đề thẩm quyền bị phân tán trong Chính sách hàng hải của Trung Quốc.

Mỗi cơ quan tìm cách diễn giải và bảo vệ quyền hàng hải của Trung Quốc xét theo lợi ích tổ chức của chính họ. Vì vậy, chính quyền Bắc Kinh luôn gặp khó khăn trong việc phối hợp hành động của các tác nhân khác nhau.

Một mâu thuẫn có chủ ý

Chính sách Biển Đông của Tập nổi bật với một mâu thuẫn có chủ ý: đưa ra một cây gậy cứng (và tìm cách biến nó thành một loại bình thường), nhưng đồng thời tìm cách hạn chế phạm vi và tác động của sự quyết đoán bằng cách bổ sung một loạt biện pháp cà rốt kinh tế và vật chất cho các nước trong khu vực. Mâu thuẫn này - cũng như mức độ và cường độ quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông - là kết quả của những nỗ lực của giới tinh hoa ĐCSTQ tạo sự cân bằng của hai con đường cạnh tranh: chính danh hoá năng lực thực hiện và chính danh hóa chủ nghĩa dân tộc - trong bối cảnh của thách thức kép từ bất ổn nội chính và áp lực cơ cấu gia tăng vào chế độ.

Về mặt cơ cấu, áp lực của các hoạt động cân bằng của Hoa Kỳ gia tăng dọc theo duyên hải, liên kết với Nhật ở vùng biển Hoa Đông và một số các quốc gia nhỏ hơn ở Biển Đông - đã đào sâu tâm thức bị bao vây của Bắc Kinh. Trước những sức ép ngày càng phát triển như vậy, giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc đã nhận định rằng cách tiếp cận chính để giảm áp lực từ trên xuống - có thể kéo dài một thời gian - là thông qua các nguyên tắc ngoại giao và kinh tế địa lý hơn là phương cách quân sự. Do đó, Trung Quốc đã nỗ lực phát huy mối quan hệ các nước lớn kiểu mới, (xinxing daguo guanxi) để củng cố hoà bình và ổn định với mọi cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ. Chiến lược toàn cầu này thực hiện song song với chiến lược ngoại giao khu vực và tới năm 2014 được đưa vào sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (yidai yilu). Sáng kiến ​​chủ trương thay đổi bối cảnh kinh tế địa lý và địa chính trị xung quanh Trung Quốc thông qua một loạt các sáng kiến ​​kết nối khu vực để kiến tạo lại trật tự an ninh lâu dài ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Mặc dù có quyết tâm tăng cường mối quan hệ láng giềng, Trung Quốc của Tập Cận Bình vẫn khẳng định yêu sách chủ quyền của mình bằng cách đẩy mạnh các dự án cải tạo và mở rộng các đảo nhân tạo tại bảy địa điểm trong khu vực tranh chấp kể từ năm 2014 để thiết lập một thực tế mới ở tâm điểm hàng hải của biển Á châu. Sự tương tác giữa các lực đẩy cơ cấu và nhu cầu trong nước đã thúc ép và hạn chế phạm vi, cường độ và mức độ của sự thay đổi quyết đoán của Trung Quốc trong chính sách Biển Đông. Vì các vấn đề nội bộ gia tăng và các điều kiện của môi trường bên ngoài thay đổi, Trung Quốc đã tìm cách cải thiện mối bang giao với Mỹ và đồng thời định hình lại trật tự khu vực Châu Á và cung cấp hàng ngoài khu vực thông qua sự kết nối sâu sắc hơn. Nỗ lực của Trung Quốc hội nhập hơn nữa vào các khu vực được động viên từ nhận thức tất yếu của lãnh đạo ĐCSTQ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, một mục tiêu trung tâm để duy trì tính chính danh của đảng.

Trong mắt giới tinh hoa, các mục tiêu khác của sáng kiến​​ Vành đai và Con đường - như cải thiện các mối quan hệ thương mại và đầu tư bằng xây dựng đường sắt xuyên lục địa, đường cao tốc, đường ống dẫn năng lượng, cảng và khu công nghiệp giữa Trung Quốc và các quốc gia trong các khu vực ngoại vi, khu vực Đông Nam, Nam, Trung và Tây Á - được dự kiến ​​sẽ phục vụ một loạt mục đích tăng cường lẫn nhau.

Tất cả sẽ bao gồm: bù đắp những thuyên giảm của mậu dịch, đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ và châu Âu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng cách mở rộng liên kết kinh tế với các khu vực gần hơn về mặt địa lý; - đáp ứng nhu cầu thặng dư sản xuất của các ngành công nghiệp thép và xi măng để cân bằng lại sự phát triển của chính mình thông qua kết nối các khu vực phía tây kém phát triển và các tỉnh trung tâm với Châu Âu và phần còn lại của Châu Á; - tăng cường an toàn năng lượng bằng cách đa dạng hóa các nguồn năng lượng, đường vận chuyển và khai thác tài nguyên; - thúc đẩy khu vực hoá, quốc tế hoá và phát huy các mối quan hệ phụ thuộc của khu vực đồng Nhân dân với các nước ngoại vi.

Kết luận

Tóm lại, nhu cầu chính trị trong nước đã buộc Trung Quốc phải hành xử khôn khéo trong việc bảo vệ chủ quyền (weiquan) và duy trì ổn định (weiwen). Giới tinh hoa chính trị Trung Quốc bị áp lực tìm sự cân bằng tốt nhất cho sự dung hoà các biện pháp chính trị.

Ở Biển Đông, Trung Quốc đã chọn biện pháp chủ yếu dựa vào lực lượng bảo vệ bờ biển và các cơ quan thực thi pháp luật dân sự, thay vì các lực lượng hải quân, để khẳng định lợi ích của mình. Trung Quốc tiếp tục chiếm đoạt các đảo và xây dựng các căn cứ quân sự ở các khu vực đang tranh chấp mà không gây ra sự đối đầu trực tiếp. Kết quả cuối cùng mà Bắc Kinh muốn đạt là cách hành xử không gây ra phản ứng dữ dội trong toàn khu vực dẫn đến bất ổn môi trường khu vực và làm suy yếu các nỗ lực chính danh thực hiện. Bắc Kinh đã tìm cách bù đắp các tác động tiêu cực của các biện pháp quyết đoán của mình bằng các nỗ lực trấn an và khích lệ.

Thông qua các tiến trình hợp tác và hội nhập đang diễn ra, Trung Quốc muốn chuyển hoá quan hệ với các quốc gia có yêu sách và các nước láng giềng thành quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, lưỡng lợi và an ninh chung. Sự sinh động này có thể sẽ tồn tại trong những năm tới, một phần vì sự bất an liên quan đến mối bang giao Mỹ-Trung và phần khác do những thách thức trong nước mà các nhà lãnh đạo chính quyền và nhà nước Trung Quốc đang đối đầu.


(KUIK Cheng-Chwee là Giáo sư về Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia Malaysia và là nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Malaysia)

Nguồn: KUIK Cheng-Chwee, China’s “Militarisation” in the South China Sea: Three Target Audiences, East Asian Policy April/June 2016


Biên dịch:




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo