LaoDai Lao (Danlambao) - ...Nhiệm kỳ tới, các đồng chí lươn chạch này chưa được chỉ ra sai phạm thì sẽ tiếp tục cầm lái đất nước. Nguyễn Xuân Phúc có hai khả năng, Tổng bí thư hoặc tiếp tục Thủ tướng. Vương Đình Huệ không để yên nhưng khó đọ được với hai ông anh là Nguyễn Xuân Phúc và Trương Hòa Bình đều sẵn sàng cho vị trí Thủ tướng. Liệu ai sẽ làm lãnh đạo Việt Nam thời gian tới nhưng dù là ai thì cũng là loại lươn trạch mà thôi...
*
Đầu nhiệm kỳ, Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc nhanh chóng xác định một số định hướng lớn với 2 mục tiêu:
Một là, làm ngược lại, thay đổi và không kế thừa các công việc dang dở của Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Điển hình nhất là việc đề xuất và trình Quốc hội khoá XIV tại kỳ họp thứ 2 thông qua chủ trương dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (Dự án) mà Chính phủ và Quốc hội nhiệm kỳ trước đã thông qua. Việc này được giải thích là mặc dù Công nghệ hạt nhân của Liên bang Nga và Nhật Bản dự kiến sử dụng cho các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đều là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và có mức độ an toàn rất cao nên hoàn toàn yên tâm. Việc dừng thực hiện Dự án không phải với lý do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế Việt Nam thời điểm 2016.
Cụ thể, tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư dự án, dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng dự kiến sẽ tăng cường trong thời gian tới và đặc biệt là tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành sản xuất điện từ các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua. Mặt khác, Việt Nam đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như nguồn vốn để giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra.
Khi bỏ dự án điện hạt nhân, tổng công suất điện của Việt Nam suy giảm đáng kể, trong khi đó, than đã khai thác gần cạn kiệt, trên biển không có mỏ dầu hay khí nào được đưa vào khai thác (do Trung Quốc phá trên biển Đông), Việt Nam phải đền bù hàng tỷ USD cho các công ty khí đốt nước ngoài khi không bảo đảm được an ninh an toàn cho hoạt động dầu khí, điều này làm cho sản lượng điện càng thiếu hụt nghiêm trọng, Chính phủ của Xuân Phúc lập tức ban hành chính sách phát triển điện tái tạo,chủ yếu là năng lượng mặt trời với ưu đãi lớn tạo nên làn sóng điện mặt trời và các công ty sân sau của Phúc thâu tóm toàn bộ các dự án điện mặt trời nhưng quên mất rằng điện mặt trời không phải thế mạnh tự nhiên của Việt Nam, khó khăn về môi trường khi thải ra đống acquy hay pin năng lượng... và đến nay thì nhà máy điện mặt trời quá nhiều dẫn đến không phát triển kịp hạ tầng truyền tải, Phúc lại cho chủ trương khuyến khích ai cũng có thể làm truyền tải, lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia cũng mặc, đây là cách quản lý kiểu tùy tiện, thể hiện tầm nhìn ngắn hạn. Chính phủ chỉ hô hào và hứa xuông theo kiểu dân túy, không có tư duy kỹ trị nên cả nhiệm kỳ mà tổng sơ đồ điện VIII không thể ra được vì ngành năng lượng nói chung và điện nói riêng phải có sự am hiểu mới có thể quản lý, hoạch định chiến lược.
Khi bị thúc ép bởi Bộ Chính trị phải nhanh chóng có kế hoạch an ninh năng lượng trong đó cần phê duyệt tổng sơ đồ điện VIII thì Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thấy năng lượng mặt trời dù nhiều nhưng điều kiện tự nhiên không có nên sản lượng thấp, nhiệt điện thì bị dư luận phản đối do lo ngại ô nhiễm (dù những quốc gia lớn như Mỹ nhiệt điện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng công suất phát), Thủ tướng “hô hào” Nguyễn Xuân Phúc lại "ý đảng lòng dân” thuận lòng dư luận, giảm bớt nhiệt điện và bù vào khoản thiếu là kiến nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận được truyền thông chính thống đưa ra thăm dò và định hướng dư luận.
Nhìn lại Chính phủ lươn lẹo, luồn lách như thế thì làm sao Việt Nam có một kế hoạch dài hơi cho phát triển, cả nhiệm kỳ loay hoay không có được chính sách nào có tầm chiến lược, không có công trình tầm cỡ quốc gia được khởi công hay đưa vào vận hành. Nguyên nhân tại sao?
Câu trả lời là vướng mục tiêu thứ hai, mục tiêu tiêu diệt phe cánh và phủ nhận thành quả của Nguyễn Tấn Dũng. Trong định hướng giai đoạn 2011-2015, Việt Nam và Chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng có mục tiêu hòa nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới nhưng Việt Nam cần chủ động, tự chủ tự lực có ngành công nghiệp thiết yếu phục vụ nhu cầu trong nước trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, Trung Quốc chưa bao giờ dừng nhòm ngó Việt Nam. Thực hiện nghị quyết Trung ương và Bộ Chính trị về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, mũi nhọn Bộ trưởng Đinh La Thăng đã làm khá tốt, Việt Nam có được hạ tầng giao thông khá đồng bộ và hiện đại, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn bao giờ hết. Nhưng các sai sót của Thăng trong thời kỳ làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí đã đặt dấu chấm hết mọi thành quả, công sức của Thăng, khiến Thăng vướng tù tội. Cố tình làm sai thì tù tội là điều không tránh khỏi. Trong số 12 dự án thua lỗ yếu kém ngành công thương có nhiều dự án Thăng và Trịnh Xuân Thanh đã không thực hiện được mục tiêu của Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Dự án gang thép Thái nguyên hay Nhà máy Sơ sợi Đình Vũ, Nhiệt điện Thái Bình 2 đều trong mục tiêu Việt Nam tự mình đảm bảo an ninh năng lượng, tự chủ ngành công nghiệp khai khoáng, cơ khí và chế tạo, dệt may, giảm dần ngoại tệ chi cho nhập khẩu và đến nay, dưới sự điều hành của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì Việt Nam vẫn là quốc gia gia công xuất khẩu, không thể tự sản xuất được mặt hàng nào dù là cái thìa đến vải may mặc, cái kim sợi chỉ đến các cúc áo cũng phải nhập khẩu.
Nhưng có lẽ lãng phí và đau xót hơn là nhiều dự án lớn, là chương trình mục tiêu quốc gia có thể khắc phục, đưa vào hoạt động thì Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lại không dám đứng ra giải quyết dù thành lập cả Ban chỉ đạo quốc gia do Vương Đình Huệ làm Trưởng ban. Điều này còn lãng phí hơn nhiều lần khi Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẽ cho giải thể, phá sản, coi như bỏ đi các dự án đang dang dở. Chính phủ né tránh như vậy, nói không đi đôi với làm như vậy thì có thể hiểu là con lươn, con trạch như Tổng bí thư Phú Trọng nói không?
Nhiệm kỳ tới, các đồng chí lươn chạch này chưa được chỉ ra sai phạm thì sẽ tiếp tục cầm lái đất nước. Nguyễn Xuân Phúc có hai khả năng, Tổng bí thư hoặc tiếp tục Thủ tướng. Vương Đình Huệ không để yên nhưng khó đọ được với hai ông anh là Nguyễn Xuân Phúc và Trương Hòa Bình đều sẵn sàng cho vị trí Thủ tướng. Liệu ai sẽ làm lãnh đạo Việt Nam thời gian tới nhưng dù là ai thì cũng là loại lươn chạch mà thôi.
09.07.2020