Chris Humphrey and Bac Pham * Nhã Duy (Danlambao) dịch - Khi đạt được thỏa thuận mậu dịch với Châu Âu, nhà cầm quyền CS Việt Nam đang gấp rút sửa chữa danh tiếng của mình về vấn nhân quyền, vốn đã bị vấy bẩn bởi các báo cáo về tình trạng cưỡng bức lao động.
Một tù nhân cầm một cái búa gỗ khổng lồ và đập vào lớp bê tông dưới chân, làm việc trong bóng râm của một tòa nhà màu trắng đồ sộ mà các bạn tù của anh đang xây tại miền Nam Việt Nam.
Các công an mang đồng phục màu xanh lá đậm đứng xa giám sát những người đàn ông đang làm việc trong bộ đồ tù kẻ sọc xanh trắng bạc màu.
Không ai trong chuyến đi có thể nhớ mình từng thấy cảnh như vậy trước đó. Chuyến đi này bao gồm năm nhà báo nước ngoài và nhiều quan chức, đã đi qua vùng nông thôn Việt Nam nguyên sơ với những cánh đồng lúa xanh mượt trên đồi và trâu bò đứng dọc theo những con đường bụi bặm để đến thăm nhà tù Thủ Đức, từng là một trại tù cải tạo những người Nam Việt Nam.
Lời mời vì một lý do: một thỏa thuận mậu dịch Châu Âu mang vấn đề Việt Nam đối xử với hơn 100,000 người tù nhân ra sao được chiếu cố kỹ hơn.
Việt Nam đã có một bước quan trọng trong kế hoạch phục hồi kinh tế sau kỳ họp quốc hội đã phê chuẩn cả hai Thỏa ước tự do mậu dịch giữa Việt Nam và EU cùng Công ước 105 của Tổ Chức Lao Động Thế Giới (ILO), buộc nước này phải chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức, kể cả việc chống lại những nhà bất đồng chính kiến trong các nhà tù như Thủ Đức.
Sự dàn xếp kinh tế hứa hẹn rất nhiều lợi ích tài chính, bao gồm việc loại bỏ 99% thuế quan mậu dịch cho cả hai bên. Công ước ILO 105 là một trong tám thoả thuận lao động cơ bản mà Việt Nam cần thực hiện để đạt được thỏa thuận mậu dịch.
Trung tướng Hồ Thanh Đình, Giám đốc hệ thống trại giam tại Việt Nam đã kịch liệt phủ nhận mọi cáo buộc về việc tra tấn hay ngược đãi mang động cơ chính trị với các tù nhân đến đoàn khách mời, trước khi dẫn đầu chuyến đi vòng quanh Thủ Đức.
Nhà tù có 6,000 phạm nhân, trong đó có 150 người nước ngoài, là nơi từng giam giữ ca sĩ người Anh Gary Glitter bị kết án phạm tội tình dục.
Joe Hui, 63 tuổi mang quốc tịch Anh, người đang chịu án chung thân vì tội biển thủ khoảng 700,000 đô la từ chính phủ Việt Nam, là một trong những tù nhân được phép nói chuyện với các nhà báo. "Tôi nói với anh một cách trung thực là trong đây rất tốt... Tại Việt Nam, trong nhà tù này, nếu làm theo các thủ tục và tuân theo các cán bộ thì không có chuyện gì xảy ra"- ông ta nói.
"Tôi bị bệnh nên không cần phải đi làm. Bị huyết áp cao." Ông ta chỉ phàn nàn là muốn có nhiều thời gian ngoài trời để tập thể dục. "Ở trong phòng quá lâu, hết ngồi rồi ngủ, không tốt cho sức khỏe. Tôi xin một giờ, tôi nghĩ cũng phải chăng", ông ta nói.
Nhà cầm quyền CS Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích quốc tế về vấn đề nhân quyền.
Báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế vào tháng 5 năm 2019 cho biết có ít nhất là 128 tù nhân lương tâm bị giam giữ "trong điều kiện tệ hại, có chứng cứ bị tra tấn", thường xuyên không được giao tiếp với người thân và bị biệt giam.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết đến với cái tên là "Mẹ Nấm", là một trong những cựu tù nhân nổi tiếng nhất Việt Nam, đã bị kết án 10 năm vào năm 2017 vì đăng blog bị xem là chống đối nhà nước. "Ở nơi tôi bị giam, mỗi tù nhân phải làm việc mỗi ngày. Công an đã cố gắng yêu cầu tôi làm việc nhưng tôi đã từ chối", cô ta bảo, rồi nói thêm rằng cô đã không được phép kiểm tra sức khỏe hoặc cho băng vệ sinh trong tám tháng đầu và bị các tù nhân khác kiếm chuyện.
"Nhiều tù nhân tôi đã có cơ hội gặp gỡ... nếu các đơn đặt hàng bảo bạn phải hoàn tất 10 bộ quần áo mỗi ngày thì điều đó có nghĩa là bạn phải dành tối thiểu là chín tiếng làm việc cật lực", cô nói thêm.
"Các tù nhân không có cơ hội nghỉ ngơi hoặc một ngày nghỉ khi bị bịnh. Các tù nhân phải làm việc chăm chỉ để giảm án tù, nhưng tôi thì không làm vì tôi nói tôi sẽ ở tù cả 10 năm".
Quỳnh được thả vào tháng 10 năm 2018, ngay sau chuyến thăm cấp quốc gia của cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Jim Mattis và hiện đang sống lưu vong tại Mỹ.
Lao động trong tù không phải là bất hợp lệ, nhưng buộc tù nhân làm việc mà không được trả lương, hay bị hăm dọa hoặc có khả năng chịu phạt - chẳng hạn như mất sự giảm án - là trái với các công ước quốc tế.
Luật sư Lê Công Định, một cựu tù nhân nổi tiếng khác, đã bị kết án 5 năm vì âm mưu lật đổ chính quyền vào năm 2009. Năm 2013, anh được thả sau những gì mà anh ta cho là "áp lực của cộng đồng quốc tế". Anh ta nói, "Tất cả các tù nhân, kể cả những tù chính trị, bị buộc phải làm việc cật lực và không công. Các cán bộ nhà tù thường sử dụng lực lượng lao động của nhà tù để cung cấp dịch vụ hoặc thực hiện công việc sản xuất được các công ty trả tiền".
Minh Nguyễn, thuộc văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm đặt trụ sở tại Hà Nội nói, "Nói chung thì người ta có thể thấy bằng chứng về những nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện sự tôn trọng nhân quyền trong các trại tù Việt Nam, mặc dù các trại tù vẫn còn đang đối diện với nhiều thách thức". "Trên thực tế thì công việc là bổn phận như một yêu cầu bắt buộc để được xem xét hoãn án cùng các quyền lợi khác", ông nói.
"Các tù nhân có thể làm việc tám giờ trong năm ngày mỗi tuần. Họ có thể nhận thêm thực phẩm hoặc nếu năng suất của họ cao hơn chỉ tiêu sản xuất, họ có thể nhận tiền cho công việc phụ trội".
Trong một thông cáo báo chí của ILO, cơ quan LHQ đã ca ngợi Việt Nam cho việc đạt được "bước tiến bộ" mới trong Công ước 105, trong khi xác định rằng lao động cưỡng bức trại tù vẫn là "điều kiện duy nhất trên căn bản mà tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới được ủy nhiệm rõ ràng là cấm nhập cảng hàng hóa được sản xuất bằng cách sử dụng nó".
Phil Robertson, Phó Giám Đốc Cơ Quan Nhân quyền HRW khu vực Châu Á phát biểu, "Lao động cưỡng bức vẫn xảy ra tại các trại tù Việt Nam, ẩn sau toàn bộ hoạt động thiếu minh bạch và khó giải thích của các cơ sở đó". "Lao động cưỡng bức cũng xảy ra tại các trung tâm cai nghiện ma túy, nơi những người bị giam giữ không được đưa ra tòa nhưng vẫn bị giam giữ", ông nói. "Trong lĩnh vực việc làm thì còn thiếu những quy định hữu hiệu trong khu vực không hợp thức của hàng quán và tiểu thương nên lao động trẻ em và lao động cưỡng bức vẫn còn thấy trong các lĩnh vực đó".