Trần Mai Trung (Danlambao) - Cuối tháng 8-1944, quân đội đồng minh Mỹ, Anh, Pháp tiến vào Paris trong giai đoạn cuối của đệ nhị thế chiến. Họ được hàng trăm ngàn người dân Thủ đô đứng hai bên đường chào đón, ôm hôn, tặng hoa. Mấy tháng sau, mấy năm sau, hầu hết người dân vẫn tiếp tục sống ở Paris để xây dựng lại thành phố.
Cuối tháng 4-1975, quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn, hàng trăm ngàn người Miền Nam chạy tránh xa. Đa số người dân lo âu nhìn đoàn quân, không biết có giống đoàn quân đã giải phóng Huế vào Tết Mậu Thân năm 1968. Mấy tháng sau, mấy năm sau, chính quyền cộng sản (CS) ép buộc 832.000 người dân phải rời Sài Gòn đi các vùng "kinh tế mới" đất cày lên sỏi đá. 2.164.000 người dân Việt Nam không chịu đựng nổi chế độ cộng sản cũng rời quê hương đi tị nạn ở nước khác. (1)
Đảng CS Liên Xô muốn phát triển chủ nghĩa CS trên thế giới, đảng CS Trung Quốc muốn phát triển chủ nghĩa CS ra châu Á, đảng CS Việt Nam có nhiệm vụ phát triển chủ nghĩa CS ở Đông Dương. Nếu kêu gọi thanh niên đi đánh nhau để phát triển chủ nghĩa CS thì không ai đi, nên đảng CSVN đưa ra khẩu hiệu giải phóng Miền Nam để lường gạt thanh niên Miền Bắc đi ra chiến trường.
Đảng CS vẽ ra người dân Miền Nam nghèo khổ, bị ngoại bang kềm kẹp, để tuyên truyền thanh niên Miền Bắc vào đánh Miền Nam, ép buộc người dân Miền Bắc thắt lưng buộc bụng để nuôi chiến tranh. Thật ra thì người dân Miền Nam có cuộc sống khá hơn người dân Miền Bắc, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở Miền Nam là của người Việt Nam. Như các nước mới giành lại độc lập, chính quyền VNCH bị ảnh hưởng của Hoa Kỳ về quân sự, kinh tế, cũng như chính quyền VNDCCH ở Miền Bắc bị ảnh hưởng của Liên Xô, Trung Quốc về quân sự, kinh tế, ý thức hệ CS. Đúng ra hai Miền nên lo xây dựng đất nước để tự chủ, tự cường hơn là đánh nhau.
Trước năm 1975, người dân Miền Nam có đời sống kinh tế đầy đủ hơn người dân Miền Bắc. Miền Nam có nền giáo dục Việt Nam, nhân bản, khác với Miền Bắc có nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Thầy cô Miền Nam dạy học sinh yêu đất nước và thương đồng bào, thầy cô Miền Bắc dạy học sinh yêu đảng và phân chia nhân dân thành nhiều giai cấp. Về văn hóa, báo chí thì Miền Nam có một số tự do, văn nghệ sĩ sáng tác theo cảm nghĩ của mình, ở Miền Bắc thì đảng CS lãnh đạo tất cả, văn nghệ sĩ sáng tác theo đường lối của đảng.
Hai triệu thanh niên Miền Bắc mang súng đạn vào giải phóng Miền Nam, một triệu thanh niên Miền Nam vào quân đội chiến đấu bảo vệ Miền Nam tự do. Cuộc chiến kéo dài 20 năm, mấy triệu người VN bị chết, bị thương tật. Miền Bắc muốn giải phóng Miền Nam nhưng người Miền Nam không muốn bị giải phóng. Người dân Miền Nam muốn thống nhất trong hòa bình chứ không muốn bị áp đặt bằng chiến tranh, muốn giữ gìn những tự do, nhân phẩm đang có, không muốn bị người khác đến cướp đi, không muốn bị cai trị bởi một đảng độc tài.
Khi quân đội Bắc Việt tấn công Quảng Trị, nhiều người dân bỏ tất cả để chạy vào Huế. Khi quân đội Bắc Việt tấn công Huế, nhiều người dân bỏ nhà cửa để chạy vào Đà Nẵng, có lúc số dân các nơi chạy về Đà Nẵng tị nạn cộng sản lên tới cả triệu người. Khi quân đội VNCH "di tản chiến thuật" khỏi Kontum, Pleiku, hầu hết người dân bỏ thành phố đi theo về vùng quốc gia. Biết là đường đi gian khổ mà vẫn đi vì dân chúng không muốn bị giải phóng.
Năm 1970, bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, vận động quyên tiền từ thiện để xây một bệnh viện cho dân nghèo. Tháng 8-1970, đặt viên đá đầu tiên. Một năm sau, bệnh viện Vì Dân được khánh thành vào ngày 4-9-1971 và bắt đầu hoạt động với 400 giường bệnh. Người dân vào khám chữa được miễn phí, không trả tiền viện phí và các loại thuốc thông dụng.
Sau 30-4-1975, chính quyền CS ra quyết định số 07/QĐ75, giải phóng bệnh viện Vì Dân ra khỏi tay dân nghèo, đổi tên là bệnh viện Thống Nhất, giành riêng cho cán bộ cao cấp và trung cấp.
Giám đốc bệnh viện là Đại tá Nguyễn Thiện Thành của quân đội Bắc Việt. Thành có con trai là Nguyễn Thiện Nhân, sau này làm Bí thư thành ủy Hồ Chí Minh. Cuối năm 2020, Nhân lợi dụng chức vụ lấy tên cha đặt cho một con đường ở thành Hồ. Một ngày không xa, Việt Nam sẽ có dân chủ, người dân sẽ đặt tên con đường là tên của người xây bệnh viện chứ không phải là tên của kẻ cướp bệnh viện.
Người dân mất bệnh viện là một thí dụ của bị giải phóng. Sau 30-4-1975, hàng triệu gia đình bị mất nhà, mất đất, mất sự sum họp gia đình khi cha anh bị bắt vào tù cải tạo, khi con em chạy đi tị nạn ở nước khác. Tuổi trẻ Miền Nam bị mất sự bình đẳng trong cơ hội học hành và làm việc. Đạo lý biến mất khi trẻ em bị huấn luyện phải yêu bác Hồ nào đó hơn là yêu cha mẹ mình.
Bị giải phóng là mất tự do. Trước kia người dân có quyền phát hành sách báo, bây giờ đảng CS độc quyền tất cả cơ quan truyền thông. Trước kia Miền Nam có nhiều đảng phái, bây giờ chỉ có 1 đảng cộng sản. Trước kia người dân có quyền phê bình chế độ Cộng hòa, bây giờ phê bình chế độ Cộng sản thì bị xem là chống nhà nước, bị bắt vào tù.
Người dân bị giải phóng là bị mất nhiều thứ, người cầm đầu giải phóng thì được lợi nhiều thứ. Thời kỳ đầu, tất cả ruộng đất thuộc về Hợp tác xã (HTX), tức là của đảng CS bởi vì đảng độc quyền chỉ định đảng viên điều hành HTX. Sau cải tạo công thương nghiệp thì đảng CS là ông chủ các hãng xưởng vì đảng độc quyền chỉ định đảng viên làm lãnh đạo các hãng xưởng. Ngày nay, đảng CS là ông chủ tất cả đất đai ở Việt Nam, nhân dân mang tiếng làm chủ nhưng chỉ được thuê đất, đảng có quyền nói đảng viên ra quyết định thâu hồi đất bất cứ lúc nào.
Đảng CS bày ra chiến tranh giải phóng, người dân bị lợi dụng xương máu để thay đổi ông chủ củ bằng ông chủ mới là đảng CS sở hữu tất cả. Làm chủ đất đai, ngân hàng chưa đủ lòng tham, đảng còn muốn làm chủ tư tưởng của người dân, mọi người chỉ được khen đảng tốt chứ không được chê đảng xấu. Người dân bị tuyên truyền để suy nghĩ theo định hướng của tuyên giáo đảng, xem cương lĩnh đảng quan trọng hơn Hiến pháp Việt Nam, đặt đảng cộng sản lên trên Tổ quốc Việt Nam, quân đội trung với đảng trước rồi mới trung với nước sau.
30 tháng 4, kẻ ác lên ngôi. Người dân Miền Nam bị giải phóng, bị cướp đi nhiều giá trị tinh thần và vật chất. Với lịch sử hơn 4.000 năm, người Việt Nam sẽ lấy lại tự do, công bằng, đạo lý dân tộc cho nước Việt Nam, người dân sẽ lấy lại những gì bị mất.
Tháng 4, 2021
(1) Ôn lại một số đặc điểm trong lịch sử tị nạn Việt Nam từ 1975. Giáo sư Lê Xuân Khoa.