Cái lò - Dân Làm Báo

Cái lò

Konrad Bercovici * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch
- Ngày trước có một người rất giàu và lại có lòng thương người. Khi ông mất, ông để lại nhiều vàng cho người em để người em tùy ý xử dụng, và ủy thác cho người em thêm một số vàng nữa để giúp đỡ người nghèo khó. Ông dặn dò trong di chúc:

“Em hãy xây một ngôi nhà lớn và đặt một cái lò lớn trong nhà và nhớ thường xuyên đốt lò. Ngoài cửa em treo một tấm bảng viết bằng sơn đỏ những lời sau: ‘Những ai nghèo khó, xin hãy bước vào đây để sưởi ấm; những ai đói, xin hãy bước vào đây để dùng bát rượu ấm và bánh mỳ.’ Đây sẽ là tượng đài của anh. Anh không muốn em dựng bia trên mộ anh. Cát bụi trở về cát bụi, nhưng linh hồn anh sẽ sống mãi trong lòng tri ân của người nghèo. “

Ông thanh thản qua đời. Họ chôn cất ông dưới một gốc cây tại một nơi vắng vẻ.

Rồi người em thuê thợ nề và thợ mộc xây một cái nhà lớn bằng đá, như lời anh dặn trong di chúc. Khi ngôi nhà làm xong người em gọi một người thợ sơn đến sơn những chữ thật lớn màu đỏ để từ rất xa người ta cũng nhìn thấy lời của người anh viết: “Những ai nghèo khó, xin hãy bước vào đây để sưởi ấm; những ai đói, xin hãy bước vào đây để dùng bát rượu ấm và bánh mỳ.”

Mọi người ai ai cũng đều khâm phục nghĩa cử này và nhiều người giàu khác lập sẵn di chúc để giúp đỡ người nghèo, để họ sống mãi trong lòng tri ân của người nghèo.

Ngày hôm sau, khi cái lò lớn được đặt trong nhà, người em của người quá cố mở toang cửa nhà mới để mời những người giàu vào dự tiệc. Tất cả mọi người trong bữa tiệc đều ca tụng người quá cố đã có lòng hảo tâm đối với người nghèo.

Vào ngày thứ ba, họ mở cửa nhà ra để đón người nghèo vào. Năm ấy ngẫu nhiên xảy ra nạn dịch châu chấu ăn sạch lúa trên đồng, đến nỗi có rất nhiều người lâm vào cảnh đói kém phải tha phương cầu thực. Họ đi ngang qua tấm bảng màu đỏ liền ghé vào để sưởi ấm và ăn uống, và dù lúc ấy bao đau khổ chất chứa trong lòng, họ vẫn bày tỏ lòng biết ơn đối với người quá cố.

Nhiều bát rượu và nhiều ổ bánh mỳ đã được mang ra cho người nghèo dùng. Nhưng người em tham lam chỉ muốn giữ lại mọi thứ cho riêng mình, cho nên ngày đêm thường nghĩ cách làm sao mà vẫn làm đúng theo di chúc của anh và theo tấm bảng ngoài cửa nhưng không phải cho người nghèo bánh mỳ và rượu nữa. Người em đọc lại di chúc và quỷ xui khiến ông cứ nghĩ về cái từ “lò”, và con quỷ trong lòng ông nói: “Lò -lò-lò sẽ cứu ông.”

Lòng tham càng khiến cho người em thêm sáng suốt cho nên sáng hôm sau ông dậy sớm và đốt lò rực cháy rồi đóng hết tất cả cửa và cửa sổ lại. Khi người nghèo vào sưởi ấm họ lại phải chạy ra khỏi nhà ngay vì quá nóng, cho nên thay vì biết ơn họ lại nguyền rủa người quá cố đã xảo quyệt dụ họ vào nhà, chỉ để tra tấn họ bằng sức nóng trong phòng. Họ vẫn chưa nếm rượu và chưa chạm vào bánh mỳ.

Người nghèo nói với nhau:

“Chẳng lẽ chúng ta bị trừng phạt chỉ vì châu chấu ăn hết lúa của chúng ta hay sao?”

Từ đấy người ta gọi ngôi nhà ấy là “Nhà của Quỷ”. Người lang thang thà chịu lạnh cóng ở ngoài đồng tuyết phủ, người nghèo thà chết đói trong túp lều của mình, chứ họ không lấy bánh mỳ. Một ngày nọ, một đứa bé kêu lên: “Hãy nhìn kìa! Hãy nhìn tấm bảng đi! những chữ đỏ được viết bằng máu đấy.”

Từ đấy người đời lãng quên nấm mồ hiu quạnh của một con người có lòng thương người.

Trên một con đường vắng vẻ có một ngôi nhà, nơi người nghèo không dám bước vào, và có quỷ đứng trên cái lò lớn trong nhà cứ cười vang mãi. Và mỗi khi người ta hỏi tại sao nó cười quỷ liền nhe răng đáp: “Đây là cái nhà tốt nhất mà con người đã từng xây cho ta ở.”

Nguồn: Dịch từ tác phẩm tiếng Anh “Crimes of Charity” của tác giả Konrad Bercovici, nhà xuất bản Alfred A. Knoff, năm 1917, trang 3-5.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo