Phạm Trần (Danlambao) - Nghe chuyện “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của đảng Cộng sản Việt Nam thì có nhét đầy tai cũng không vô.
Có muôn vàn lý do, nhưng cốt lõi là nhân dân đã chán Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Cộng sản của ông Hồ đến tận mang tai. Kế đến là tình trạng cán bộ càng giữ quyền cao chức trọng thì càng mất đạo đức, sa đọa và tham nhũng hành dân nên bàn dân thiên hạ phát chán, chả ai còn hồ hởi phấn khởi thực hiện phương châm “cán bộ đi trước làng nước theo sau” nữa.
Thay vào đó họ bảo cán bộ ngày nay chỉ biết: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Do đó, sau 16 năm tiêu phí không biết bao nhiêu tiền thuế của dân để học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm mà đến nay việc “học Bác” vẫn như nước đổ đầu vịt.
Công tác học tập làm theo ông Hồ do Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (bây giờ là Ban Tuyên giáo Trung ương) đề xuất từ tháng 8 năm 2005 tại khóa đảng IX thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh với mục đích: "Góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.”
Nhưng đến năm 2020 ông Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận: "Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như Báo cáo đã nêu. Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.”
(Trích Diễn văn tại tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, ngày 12-12/2020)
Vẫn theo ông Trọng thì: ”Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao còn thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; việc thực thi pháp luật nói chung và các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng nói riêng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm.”
Ông Nguyễn Phú Trọng còn chứng minh: "Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.”
Cũng theo thống kê chính thức thì: "Từ năm 2011-2017, toàn Đảng kết nạp hơn 1,4 triệu đảng viên, nhưng trong giai đoạn này cũng có gần 51.000 đảng viên bị sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên, trong đó gần 12.500 đảng viên bị kỷ luật khai trừ.”
Như vậy rõ ràng cán bộ, đảng viên đã bỏ ngoài tai những điều Bác dặn trong Di Chúc, theo đó: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.” (Di chúc ngày 10 tháng 5 năm 1969)
Vì vậy, trong Kết luận đưa ra ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị nói việc học tập còn “bộc lộ nhiều hạn chế” như:
-Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa quyết liệt, chưa kịp thời, chưa sát thực tế; một số người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, còn thụ động, trông chờ, ỷ lại, thiếu sáng tạo trong triển khai thực hiện Chỉ thị.
--Việc tu dưỡng, rèn luyện, làm theo Bác, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt người đứng đầu chưa thường xuyên; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật.
--Việc thực hiện Chỉ thị 05 gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết các khâu đột phá, các vấn đề cấp bách, bức xúc còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.
(Chú thích: Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh)
--Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc còn bị động, kết quả chưa cao. Việc phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác chưa kịp thời, thiếu sức thuyết phục.
--Công tác đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ; tự phê bình và phê bình có nơi, có lúc còn hình thức; tình trạng thiếu tự giác nhận khuyết điểm, đổ lỗi, nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi.
Do đó, trong số các biện pháp sửa sai, Bộ Chính trị đã yêu cầu đảng viên: ”- Cần phải quán triệt, tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên.
-Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
-Kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
-Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; phê phán, xử lý nghiêm những việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền.
-Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng nghỉ, không bị tác động bởi bất cứ tổ chức, cá nhân có hành vi không lành mạnh nào.
Sự thật trước mắt
Đọc qua những việc phải làm để chỉnh đốn hàng ngũ của đảng CSVN thì thấy tuy có thiện chí, chị thị rõ ràng nhưng khi hành động thì vẫn “nhạt như nước lã ao bèo”. Chẳng những cán bộ không phê mà còn bỏ ngoài tai để “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi”
Bằng chứng tuy công tác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa IX, tháng 8/2005, nhưng mọi chuyện vẫn như “nước đổ lá khoai”.
Nên biết chuyện “học hoài không vô” về Bác đã có từ khóa đảng X (thời Nông Đức Mạnh), khi Bộ Chính trị phải ban hành Chỉ thị 06-CT/TW để nhắc nhở về “Tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đến khóa đảng XI, khi ông Nguyễn Phú Trọng lên cầm quyền, lại có thêm Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI ngày 14/5/2011. Sang khóa đảng XII, lại ban hành Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016. Bây giờ, qua khóa đảng XIII, cũng vẫn dưới quyền ông Trọng, Bộ Chính trị lại đưa ra Kết luận ngày 18/5/2021 về việc "tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Như vậy sau hơn 16 năm, lần nào Bộ Chính trị, cơ chế lãnh đạo cao nhất của đảng, cũng chỉ nhắc lại mỗi chuyện “học Bác” mà vẫn chưa thông!
Nhưng tại sao?
Hãy đọc giải thích của báo Nhân Dân, cơ quan thông tin chính thức của Trung ương đảng CSVN: "Việc Bộ Chính trị các khóa X, XI, XII liên tục ban hành các chỉ thị chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chứng tỏ tầm quan trọng của công tác này, là yếu tố quan trọng nhằm đẩy lùi những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi hiện nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn còn mang tính hình thức. Tại nhiều chi bộ, thường thì trước khi bắt đầu các nội dung cuộc họp, một đảng viên (được phân công từ trước) đứng lên đọc một bài viết do mình sưu tầm về Bác Hồ, rồi chi bộ chuyển sang các nội dung sinh hoạt khác. Rất ít chi bộ dành thời gian cho các đảng viên phân tích, thảo luận qua bài viết đó, từng đảng viên có suy nghĩ gì, rút ra được bài học gì; bản thân mình còn thấy khiếm khuyết gì, phải học tập Bác như thế nào để xứng đáng là người đảng viên... Hình thức tổ chức đơn điệu, lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy làm cho nội dung sinh hoạt chi bộ, nhất là nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của các chi bộ thiếu hấp dẫn, hiệu quả học tập không cao…” (Nhân Dân, ngày 21-11-2016)
Vì học Bác chỉ là “hình thức” làm cho xong để báo cáo nên bản lĩnh yếu kém của đảng viên đã lộ ra, theo đó: ”Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hóa về phẩm chất đạo đức, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng chưa cao. Chất lượng sinh hoạt đảng, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu, thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên nhiều nơi thiếu nền nếp, chưa trở thành ý thức tự giác. Chưa đạt hiệu quả cao trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; chưa phân định rõ vai trò lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân; thực hiện kiểm soát quyền lực chưa tốt. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” chậm được thể chế hóa một cách đồng bộ. Còn nhiều bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội, để nhiều vụ việc tồn đọng, sai phạm kéo dài, chậm được xử lý, gây bức xúc trong nhân dân…. Tình trạng tham nhũng, quan liêu, mất đoàn kết nội bộ, vừa vi phạm quyền làm chủ của dân, vừa không giữ đúng kỷ cương, phép nước xảy ra ở nhiều nơi, có nơi nghiêm trọng." (theo Ban Tuyên giáo Tỉnh Nam Định, ngày 23/03/2020)
Bài viết không chỉ phản ảnh tình trạng ở địa phương Nam Định mà là bức tranh ở nhiều nơi khác là hậu qủa tất yếu của công tác “học Bác chỉ để ngoài tai’.
Bằng chứng còn được chứng minh ở Thanh Hóa: "Trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế, như: Một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa cụ thể hóa được yêu cầu, nhiệm vụ nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành những nhiệm vụ cụ thể, sát thực với chức năng, nhiệm vụ và tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị. Nội dung đăng ký tu dưỡng còn chung chung, có biểu hiện sao chép, chưa sát với chủ đề hằng năm, chưa gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao.Trách nhiệm nêu gương của một số cán bộ chủ chốt, người đứng đầu chưa cao làm ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị và hình ảnh của tỉnh. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa được nhiều; nội dung sinh hoạt chưa cụ thể, phương pháp, hình thức tổ chức chưa phong phú, hấp dẫn, chưa tạo được chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên….Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tự giác, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có biểu hiện hình thức trong học tập và đăng ký làm theo Bác để đối phó với tổ chức.” (theo Trường chính trị Thanh Hóa, ngày 08/02/2021)
Đấy là chuyện “học không nên nết” của người lớn, còn đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCSHCM), đội ngũ kế thừa của đảng thì sao?
Trước hết, đã có lần ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh cáo đã có một bộ phận không nhỏ Thanh niên ngày nay không có lý tưởng, và nhiều người đã “nhạt đảng, xa đoàn”. (Diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày 11/12/2017.)
Chuyện này cũng không bất thường vì thực tế đã được anh Vũ Tiến Tiệp, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương Đoàn (TNCSHCM) nói ra tại một diễn đàn: ”Hiện nay một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, thiếu lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Các kết quả điều tra xã hội học cũng cho thấy, còn một bộ phận thanh niên không tha thiết phấn đấu vào Đảng, không muốn tham gia sinh hoạt Đoàn, thờ ơ về chính trị, không quan tâm và không muốn tham gia sinh hoạt Đoàn, thờ ơ về chính trị, thâm chí có những biểu hiện bất mãn, nhận thức lệch lạc, dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động.” (theo báo Tiền Phong online ngày 26/08/2019)
Trong khi một bài viết trên báo Nhân Dân, ngày 24-02-2013 còn bổ sung: ”Thực hiện chức năng là trường học XHCN của thanh niên, tổ chức Đoàn Thanh niên luôn coi việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên là một yêu cầu, nhiệm vụ công tác quan trọng, đặt ra thường xuyên, liên tục đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên còn lệch lạc, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, ích kỷ, đua đòi, xa hoa lãng phí, sùng bái thần tượng thái quá, ít quan tâm cộng đồng và những người chung quanh. Một bộ phận thanh, thiếu niên thiếu ý thức rèn luyện, không tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đội, các phong trào và hoạt động tập thể do nhà trường, địa phương tổ chức; lười học tập, lao động, không dám đấu tranh với sai trái, tiêu cực, thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, ích kỷ, bất hiếu với cha mẹ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu quan tâm đến tình hình đất nước; một bộ phận thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.”
Cuối cùng, hãy cùng đọc phát biểu của Đảng viên trẻ Ngân Thị Hoàng Yến, Đại học Sư phạm tỉnh Cao Bằng cho biết: "Mặt trái của kinh tế thị trường, những thách thức của hội nhập kinh tế thế giới, đặc biệt những âm mưu thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch đang tác động mạnh mẽ đến thanh niên, khiến cho không ít người chạy theo lối sống thực dụng, sa ngã, hư hỏng, xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, có thái độ thờ ơ, bàng quan trước các sự kiện kinh tế, chính trị của đất nước. Một số thanh niên mơ hồ về bản chất, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Điều nguy hiểm hiện nay là đã xuất hiện một bộ phận thanh niên tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, chạy theo lợi ích vật chất, coi đồng tiền là trên hết. Cá biệt có một số thanh niên phạm vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Nhiều vụ án được khám phá trong thời gian gần đây cho thấy tỷ lệ phạm tội trong thanh niên có chiều hướng gia tăng.”
(Trích trang thông tin điện tử Trung ương đoàn TNCS Ho Chi Minh, ngày 27/08/2019)
Như vậy rõ ràng Thanh niên cũng đã suy thoái và suy nhược dưới thời Cộng sản cai trị ở Việt Nam. Vậy đảng CSVN có trách nhiệm gì không?
Tất nhiên phải có vì đảng cai trị một mình, mọi việc từ nhỏ tới lớn đều do đảng cầm quyền độc tài quyết định. Như ông Hồ từng nói: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó.”
Nhưng đảng chỉ lo vun xới và chi tiền nuôi ăn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tổ chức này có khoảng 6,4 triệu Đoàn viên trên tổng số khoảng 23,6 triệu thanh niên Việt Nam (từ 16 - 30 tuổi).
Tổ chức này không đại diện cho tất cả Thanh niên Việt Nam mà chỉ là một tập hợp đặc quyền của con ông cháu cha để được đào tạo thành “đội dự bị tin cậy của Đảng”. Đảng chi biết giáo dục lớp Thanh niên này “vừa hồng vừa chuyên”, dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh, để làm tay sai ho đảng và để tiếp tục thi hành chính sách cai trị ngồi mát ăn bát vàng trên đầu nhân dân.
Mặt trái của tình trạng nhiều lớp Thanh niên “nhạt đảng, xa đoàn” và không có lý tưởng, không tha thiết với trách nhiệm vinh dự là “tiền đồ của Tổ quốc” vì Thanh niên cũng đã chán Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Cộng sản lỗi thời của ông Hồ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ cũng chán luôn những lời “Bác dậy” dành riêng cho Thanh niên, trong đó có câu nói: "Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu đến chừng nào.”
Lý do vì khi nghe đảng nhắc nhở Thanh niên về lời khuyên này thì họ cũng thấy những kẻ to mồm với câu nói đó lại nuốt lời “Bác dậy” mau hơn ai hết.
Đó là lý do tại sao ngày nay trong dân gian đã có câu: “Bác ơi, Cháu học không vô”. -/-
(05/021)