Thảo Ngọc (Danlambao) - Truyền thống bốn ngàn năm lịch sử của dân tộc VN là lòng yêu nước nồng nàn, là truyền thống anh hùng bất khuất chống giặc ngoại xâm, là ý chí độc lập và tự cường, là tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi gặp hoạn nạn v.v... Chứ không phải từ chiến thắng của một trận bóng đá.
Trong cuộc sống hiện nay, thể thao nói chung và bóng đá nói riêng chỉ là một phần, nhưng không phải là tất cả. Có những người đam mê đến mất ăn mất ngủ, nhưng cũng có những người dửng dưng không thích.
Tóm lại: Bóng đá chỉ mà một môn thể thao giải trí mà thôi. Không nên gắn chính trị vào tuyên truyền trong đó.
Vậy mà có những người muốn coi môn bóng đá là “quốc túy quốc hồn”, muốn tôn nó lên trên những giá trị nhân bản và đạo đức truyền thống của dân tộc.
Báo Tuổi Trẻ ra hôm 10/6/2021 có bài: “Trả lời FIFA, Trọng Hoàng nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng hiện thực hóa giấc mơ của cả dân tộc”.
Theo đó, Trọng Hoàng nói: "Được chơi ở World Cup là giấc mơ của người Việt Nam chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi sẽ thi đấu với quyết tâm để hiện thực hóa ước mơ của cả dân tộc"(1).
Trước đó, sau trận đấu giữ đội tuyển VN thắng đội tuyên Indonesia, trong thư khen, Thủ tướng Phạm Minh Chính viết: "Chiến thắng này… được hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc".
Nên biết rằng vai trò của HLV chiếm trên 50% trong mỗi trận đấu. Nếu không thì bỏ cả đống tiền ra thuê HLV ngoại làm gì?
Nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt không phải được “hun đúc” từ những trận cầu, mà là cả một quá trình phấn đấu và tích lũy tuyền thống của dân tộc đó. Trong đó phải được thể hiện ở những giá trị nhân bản qua văn hóa ứng xử và đạo đức xã hội.
Từ khi bóng đá chưa du nhập vào đất nước này, thì dân tộc Việt đã bao lần anh dũng bất khuất chống giặc ngoại xâm. Qua một ngàn năm Bắc thuộc, dân tộc Việt không bị đồng hóa, mà vẫn giữ được những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của mình.
Những vị anh hùng làm nên những chiến công hiển hách, tô thắm lịch sử dân tộc, như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi… chắc chắn cũng không biết bóng đá là gì.
Nên biết rằng, bóng đá các nước Đông Nam Á được xem là “vùng trũng”, là “ao làng” của bóng đá thế giới.
Để đi đến World Cup 2022, các đội châu Á phải đấu 4 vòng, để giành 4,5 suất tham dự. Nếu vào được vòng 3, đội VN sẽ gặp các đội mạnh của châu lục, thì cơ may lọt vào vòng 4 là rất khó, chưa nói đến việc giành một trong 4,5 suất dự World Cup.
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nền bóng đá hàng đầu châu lục. Họ đã giành được rất nhiều vinh quang trong các giải đấu lớn. Thế nhưng chưa bao giờ họ đặt vinh quang của dân tộc họ dưới đôi chân các cầu thủ.
Nếu một dân tộc bị ru ngủ bới những trận bóng đá đẳng cấp “ao làng”, để quên đi những bất công và nỗi đau của người dân, thì vinh quang của dân tộc đó sẽ đi về đâu? Phải chăng yêu bóng đá là yêu nước?
Tổng thống Pháp Macron trong buổi chiêu đãi mừng đội tuyển Pháp vô địch World Cup 2018 trở về, ông đã cảm ơn các tuyển thủ. Ông chẳng gắn dân tộc, quốc gia hay đảng phái chính trị nào mà làm nên thành công đó.
Khi CTN lại lấy tiền thuế dân tặng cho đội bóng 2 tỷ, mà lại đi xin tiền dân để mua vắc xin, đập vỡ từng con heo đất của trẻ con, và gom từng giỏ trứng của cụ già gần trăm tuổi, thì vinh quang nỗi gì.
Khi đạo đức xã hội ngày càng suy đồi, học sinh đánh nhau hàng ngày trong lớp, trẻ con ăn ve sầu thay cơm, bênh nhân mỗi giường nằm 2, 3 người, thậm chí phải chui cả dưới gầm giường, khi trung bình mỗi ngày có 257 người tử vong vì ung thư, thì vinh quang cái nỗi gì.
Khi mỗi năm có hơn 150.000 người ra nước ngoài làm cu li bán sức lao động nuôi thân. Và mỗi năm có hàng ngàn cô gái “tung hoành khắp khu vực” hành nghề mại dâm, thì vinh quang cái mỗi gì.
Nếu như đội VN có lọt vào trong số 32 đội bóng tham dự World Cup 2022, thì đó cũng chỉ là niềm vui của những người hâm mộ mà thôi.
Lịch sử của một dân tộc không bao giờ, và sẽ chẳng bao giờ được quyết định từ những trận đá bóng. Dù có vô địch thế giới thì cũng thế thôi.
Chú thích: