Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Thủ Tướng Phạm minh Chính phải đối mặt với đợt 4 đại dịch ngay sau khi nhận chức, ông ra sức hô hào “chống dịch như chống giặc” để hoàn thành mục tiêu kép “chống dịch & phát triển Kinh Tế”. Thực tế thì hàng ngũ Ba Đình chỉ quen “hô khẩu hiệu”, và rất “bợm” cách “đóng cửa ăn mày”. Cả hai “mưu kế” của Ba Đình lại không hiệu nghiệm với con CoVid, biến chủng Delta. Từ ngày phong tỏa Sài Gòn và các Tỉnh miền Nam, ngày nào cũng có thêm từ 10 đến 12 ngàn người lây bệnh. Sau 4 tháng vật vã trong vô vọng, mục tiêu kép “phá sản”. Hàng trăm ngàn công ty đóng cửa, hàng chục triệu dân thất nghiệp, nạn đói đe dọa nhiều Tỉnh, Thành. Muốn cứu “hầu bao” mỗi ngày một teo tóp, Ba Đình ngả sang khuynh hướng hô hào sống chung với con Delta, mà ngay trước đó từng là “con giặc”. Đồng thời công bố chiến dịch “ăn xin” cả trong và ngoài nước.
Ngày 01/9, Bộ Y tế kêu gọi các tổ chức, nhà khoa học trong ngoài nước thuộc lĩnh vực Y Tế giúp tìm ra giải pháp chống dịch, nhằm sớm đưa Việt Nam trở lại bình thường.
Ngày 06/9, Giáo sư Nguyễn văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Australia hiến kế: việc làm test đại trà cho mọi đối tượng sẽ dẫn đến việc thu được kết quả dương tính giả và âm tính giả cao, không bảo đảm đạt được mục tiêu bóc tách chính xác các F0. Do đó, GS Tuấn khuyến cáo “Không nên xét nghiệm Covid đại trà, vì là một chiến lược rất tốn kém trong lúc hiệu quả đem lại không cao”. [1]
Ngày 06/9, chính quyền thành phố Hà Nội ra lệnh từ ngày 6/9 đến 12/ 9 sẽ xét nghiệm toàn bộ 100% dân chúng trong thành phố.
Ngày 07/9, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân Nguyện Quốc hội, tuyên bố trên công luận qua tường thuật của Truyền Thông rằng, “biện pháp chống dịch lóng ngóng của chính quyền Hà Nội đã khiến người dân cảm thấy "rất bức xúc", và mang lại nguy cơ lây lan dịch bệnh. Họ Lưu gọi việc Hà Nội đặt mục tiêu xét nghiệm toàn dân trong một tuần là "hoang đường”. [2]
Ngày 8/9, Bộ Y tế đề nghị Sài Gòn, Hà Nội và 21 tỉnh thành thần tốc xét nghiệm COVID-19 cho toàn dân thuộc mỗi địa phương.
Ngày 09/9, “làm ngơ” mọi ý kiến đóng góp của các giới, Thủ Tướng Phạm minh Chính nhắc lại quyết định từ hôm 22/8 về việc xét nghiệm Covid cho toàn dân. Đồng thời ấn định rõ thời hạn trước ngày 15/9, các địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách phải hoàn thành xét nghiệm Covid-19.
Cách chống Covid của Ba Đình bị chính các “đồng chí” cho là “hoang đường”. Dân chúng thì bảo “kế sách bị phá sản”. Giới Y-Tế chuyên ngành “không đồng tình”. Nhưng mọi góp ý đều bị Ba Đình “bỏ qua”.
Ngày 10/9, Ba Đình ra quyết định mở chiến dịch “móc túi” quy mô, cả trong và ngoài nước:
- Trong nước vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên phạm vi toàn quốc ủng hộ mỗi người ít nhất một ngày lương cho công tác phòng chống dịch.
- Lập chương trình “Triệu trái tim hướng về Tổ quốc” để có thể huy động nhiều hơn nữa “túi tiền” của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho chủ trương “sống chung với con giặc Delta”. [3]
Theo số liệu cập nhật của Ban Quản lý Quỹ vắc-xin phòng COVID-19, tới chiều 24/8, quỹ đã nhận được hơn 8.635 tỷ đồng yểm trợ từ trên 526.000 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Quỹ đã chi tổng cộng 282 tỷ đồng. Số tiền chưa mua Vaccine còn lại là 8.353 tỷ đồng tiếp tục được gửi tại 4 ngân hàng thương mại lớn và Ngân Hàng Nhà Nước với mức lãi suất 3-3,3% tùy theo kỳ hạn.
Báo Nhà Nước nói, Ban quản lý Quỹ Vaccine xác nhận là, gởi tiền chưa dùng trong nhà băng giúp quản lý chặt chẽ, hiệu quả số tiền của dân chúng ủng hộ. Thì ra do nạn cán bộ “ăn cắp như rươi” nên canh coi cẩn thận chứ không phải là “đóng cửa đi ăn mày”.
Sáng 11/9, phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với các địa phương: Hà Nội, Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính [4] nhấn mạnh, tư tưởng "Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả, thì không mất hàng triệu đồng cho chống dịch, nhất là sự mất mát về tinh thần và tính mạng của người dân".
Việc Nội Các Phạm minh Chính dùng tiền dân chúng đóng góp cho mục đích mua vaccine ngăn dịch lây lan đem gởi ngân hàng lấy lãi, là minh chứng Nhà Nước “nói một đường, làm một nẻo”.
Cách thức điều hành về tài chánh của Nhà Nước khiến dư luận rất ngạc nhiên, khi Quỹ Vaccine còn dư trên 8.353 ty đồng gởi nhà băng, mà ngày 17/8 Nhà Nước lại “đánh tiếng” qua Quốc Hội để mượn Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội số tiền 89.141 tỷ đồng nói là cho các địa phương tiêm vắc xin Covid-19 hoặc hỗ trợ để bảo đảm cuộc sống cho công nhân lao động. Đề nghị này đã bị Chủ Tịch Quốc Hội Vương đinh Huệ chống đối.
Đài BBC hôm 12/9 tường thuật, những nỗ lực của Việt nam đưa công nghệ 4.0 cài đặt trong điện thoại của dân nhằm kiểm soát CoVid “có vẻ gây ra nhiều thất vọng hơn là sự hài lòng”. Vì các ứng dụng (app) của Nhà Nước đưa ra làm mất thông tin và dữ liệu lưu trữ trong điện thoại của người dùng. [5]
Dân chúng kêu gọi Ba Đình xây dựng kế sách lâu dài, ngưng ngay lệnh “bế quan toả cảng”. Các giải pháp Nhà Nước đưa ra chống dịch đã thất bại. Ngay cả năng lực điều tiết thị trường, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm cũng yếu kém; làm cho hư thối hàng ngàn tấn nông sản tại các nông trại trong khi thành thị đói ăn. Ngày 20/8 Nhà Nước đã xuất 130.175,67 tấn gạo trong kho Dự Trữ Quốc Gia, nhưng chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu cứu đói cho cả chục triệu dân trong đại dịch COVID-19... Thực tế quá rõ ràng, nhưng Nhà Nước không thừa nhận sai lầm, yếu kém của mình. Cứ nhìn quyết định “giải nhiệm” Phó Thủ Tướng Vũ đức Đam trong khi đang thị sát công tác chống dịch tại Miền Nam, thì đủ biết bộ khung chống dịch thượng tầng đã “rệu rã” từ rất lâu trước đó”.
Vài ngày trước, Cộng Đồng Doanh Nghiệp Âu Châu (EuroCham) yêu cầu Thủ Tướng Chính tìm ra lộ trình “thoát phong tỏa”. Sớm thay đổi các hạn chế Covid-19 để doanh nghiệp châu Âu có thể kinh doanh bình thường. Các doanh nghiệp EU tại Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ sửa mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” đang khiến hầu hết doanh nghiệp khó khăn.
Chủ tịch EuroCham Alain Cany phát biểu trong thông cáo: “Không có gì che dấu rằng đợt bùng phát thứ 4 này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh. Chỉ số Môi trường Kinh doanh EuroCham hiện đang ghi nhận tâm lý thấp nhất trong hơn một thập niên.”
“Nếu tình trạng phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể cân nhắc chuyển đi các nơi khác trong khu vực.”
Báo Nhà Nước nói là, EuroCham thông báo 18% doanh nghiệp EU tại Việt Nam đã chuyển đơn đặt hàng sang nước khác, 16% đang được cân nhắc, nhưng chưa doanh nghiệp châu Âu nào rời Việt Nam.
Tại buổi gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, theo tường thuật của báo Nhà Nước, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp EU và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép.
Với Doanh Nghiệp trong nước, Báo Thanh Niên dẫn lời ông Huỳnh Văn Sơn, giám đốc một công ty ở Sài Gòn nói trong cuộc họp với nhà cầm quyền địa phương: “Kiệt sức rồi, không thể chịu đựng thêm được nữa. Hầu hết các doanh nghiệp hiện coi như đã chết lâm sàng. Không phải do sức doanh nghiệp kém mà môi trường hiện nay là môi trường bất động.”
Ông Sơn nói thẳng ra một điều tất cả đều biết là thành phố Sài Gòn “có quy mô kinh tế, quy mô dân số lớn nhất Việt Nam, sức ảnh hưởng và tác động vô cùng lớn. Sài Gòn đóng cửa nghĩa là các hoạt động kinh tế coi như đóng băng. Nếu cứ để đất khô cằn thì cái cây ắt phải chết".
Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VNEconomy) hôm Chủ nhật 12/9 dẫn báo cáo “Tình hình doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19” cho hay: “Lý do khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời nhiều nhất, là do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, tỷ lệ này chiếm tới 35.4%. Dịch vụ vận tải, logistics, “xương sống” của chuỗi cung ứng gặp nhiều ách tắc, mong manh dễ vỡ hơn bao giờ hết.”
Người cầm đầu Tổng Công Ty Cổ Phần May 10, ông Thân việt Đức than vãn, công ty quốc doanh này có khoảng 12,000 công nhân có cơ sở sản xuất tại 7 tỉnh, thành đang khốn đốn vì các lệnh chống dịch COVID-19 của nhà cầm quyền sở tại, thi hành mỗi nơi một kiểu ngược nhau. Vì vậy, nơi thì cho mở cửa hoạt động theo nguyên tắc “3 tại chỗ”, trong khi nơi thì phải đóng cửa.
Theo IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng Purchasing Managers Index (PMI) Việt Nam đã giảm còn 40,2 điểm trong tháng 8 so với 45,1 điểm của tháng 7. Thực tế này chứng minh khu vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm mạnh kể từ tháng 4/2020. Đến nay, các điều kiện kinh doanh đã giảm không ngừng trong thời gian 16 tháng. [6]
Tính đến ngày 3 Tháng Chín, khoảng 3,500 doanh nghiệp lớn nhỏ đã cùng ký một điện thư “kêu cứu” tới nhà cầm quyền trung ương. Đầu năm ngoái khi dịch mới bùng phát, quan quyền của chế độ dự báo dịch chỉ kéo dài từ 3 tháng tới 6 tháng. Đến nay đã gần hai năm cả nước lâm vào hoàn cảnh sản xuất chịu thiệt hại nặng nề nhất do chi phi tăng cao và đứt gẫy chuỗi cung ứng. Cuối năm nay chưa chắc đã kiểm soát được dịch chưa, bởi vì Việt Nam vẫn là quốc gia có tỷ lệ dân số được chích ngừa đủ hai mũi vaccine thấp nhất vùng Đông Nam Á. Cho đến ngày 15/9 số người nhiễm Covid thống kê được trên toàn quốc đã ở mức 645.640 ca, số tử vong là 16.186.
Dù các đảng viên cộng sản chỉ biết “còn đảng còn mình”, không màng gì đến dân sinh, nhưng doanh nhân Việt nam đã có tầm nhìn rộng rãi rồi, không thể cam chịu quay về “nền kinh tế vỉa hè” của thời bao cấp, hay nền “kinh tế ăn sương” trong thập kỷ trước.
15 September
Tham khảo: