Ngàn Hương (Danlambao) - Trong cuộc họp chính phủ với Ủy ban TVQH vào hôm 16 tháng 9, chính phủ đề xuất Uỷ ban TVQH ban hành nghị quyết hỗ trợ DN, người dân khó khăn do dịch cúm Tàu trước ngày 1/10.
Giải trình trước Ủy ban TVQH, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay ngân sách rất khó khăn, ngân sách trung ương "gần như không còn đồng nào".
Theo ông Phớc, hàng chục ngàn chiến sĩ, công an đang phòng chống dịch phía Nam, đặc biệt tại Bình Dương, Đồng Nai nhưng không còn ngân sách hỗ trợ, giờ chỉ chờ vào tiết kiệm chi, và khoảng 14.620 tỉ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự toán thì mới chi được(1).
Khó khăn trăm bề:
Trong khi ngân sách cạn kiệt, thì chính phủ lại trình QH giảm các nguồn thu, như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch cúm Tàu gây ra.
Đồng thời tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm thuế nhập khẩu với nhiều nhóm mặt hàng; giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, nếu tính tổng thể trong năm 2021, tổng giá trị thực hiện các giải pháp hỗ trợ về tài khoản cho người dân và doanh nghiệp lên đến 140 ngàn tỷ đồng.
"Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở 23 tỉnh thành, DN đang cực kỳ khó khăn, số thu thuế hiện giảm gần 50% và tới đây còn giảm nữa".
Trước đó, ngày 14/9, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị kiểm toán việc sử dụng ngân sách phòng, chống dịch cúm Tàu.
Dư luận cho rằng nếu kiểm toán việc sử dụng ngân sách cho công tác chống dịch, thì cũng nên kiểm toán việc thành Hồ tổ chức phun xịt khử độc toàn thành phố là đúng hay sai. Vì trước đó WHO đã cảnh báo rằng việc xịt bao trùm cả nơi công cộng là không có hiệu quả (có tin nói là tốn 1500 tỉ đồng).
Thế nhưng người ta vẫn làm cho bằng được.
Chỉ đến khi thành Hồ phun xịt xong, thì ngày 02/8, bộ y tế mới ra chỉ thị rằng: “Không phun khử khuẩn ngoài trời, vào người trong bất cứ tình huống nào”. Quá là tài tình.
Về việc xét nghiệm đại tra toàn dân tại Hà Nội hiện nay.
Báo Lao Động ngày 16/9 có bài “Thông tin mới về tiến độ xét nghiệm, tiêm vaccine COVID-19 của Hà Nội”.
Bài báo viết: “Xét nghiệm hơn 4,1 triệu mẫu, phát hiện 23 ca dương tính"(2).
Như vậy là tỷ lệ nhiễm cúm Tàu tại HN vào thời điểm này là 0,00068%.
Việc xét nghiệm đại trà có tác dụng không?
Trả lời đài RFI tiếng Việt ngày 24/8, Bác sĩ Phan Xuân Trung nói rằng, đề nghị chính quyền, thay vì xét nghiệm đại trà, cần ưu tiên trước hết bảo vệ các nhóm có nguy cao, như người già, người có bệnh nền.
Bs Trung nói: “Có lý thuyết cho rằng cần phải "bóc tách" các F0 ra khỏi cộng đồng, để cho các F0 đó đừng có lây lan nữa. Tuy nhiên, điều đó đúng trong giai đoạn đầu, còn giai đoạn sau này, khi sự lây lan đó quá mãnh liệt, quá dữ, như "một cơn cháy rừng có gió", thì sức người không thể ngăn cản được. Việc lây lan đã xảy ra rất nhiều. Tất nhiên khi lây lan nhiều sẽ dẫn đến tử vong nhiều, và gần như người ta – vì đang hoảng loạn trước con số lây nhiễm – vẫn giữ ý tưởng là phải "bóc tách" những người bị nhiễm ra"(3).
Chi phí cho việc xét nghiệm đại trà này là bao nhiêu?
Báo Lao Động ra ngày 23/6/2021 cho biết: “Quy định về giá test nhanh COVID-19 hiện nay vẫn áp dụng mức giá chung là 238.000 đồng/mẫu."
Vậy nếu Hà Nội xét nghiệm cho 7 triệu người thì sẽ tốn số tiền là 1.666 tỉ (một ngàn sáu trăm sáu mươi sáu tỉ).
Trong khi ngân sách nhà nước cạn kiệt, đời sống nhân dân gặp khó khăn, thì những con kền kền lại mập lên. Đó là việc hạch sách những mặt hàng nào là thiết yếu để được qua chốt. Là việc Hà Nội thay giấy đi đường xoành xoạch, 2 tháng thay đến 4 lần. Ngoài ra những con kền kền còn giàu lên nhờ vào việc móc nối chạy cò, như có cấp giấy đi đường, cò chạy xe có luồng xanh, cò vào bệnh viện. Thậm chí là cò hỏa táng trước Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.
Vì vậy có người dân đã nhận xét rằng, người dân thì mong hết CT16 để làm ăn, nhưng cán bộ lại mong CT16 kéo dài để… kiếm ăn.
Việc ngân sách cạn kiệt là điều đương nhiên. Gần 70% trong hơn 21.000 doanh nghiệp được khảo sát đã đóng cửa, phần lớn vì chuỗi cung ứng đứt gãy. Người dân mất việc làm, không có tiền ăn chứ nói gì đến đóng thuế? Dịch cúm Tàu đã tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực, trong đó du lịch, hàng không, dệt may, điện tử, nông thuỷ sản… trong đó du lịch là ngành chịu tác động nặng nề nhất do hạn chế đường bay quốc tế và nội địa.
Câu hỏi đặt ra là việc thành Hồ, nơi đóng góp lớn nhất cho ngân sách quốc gia, nay phong tỏa lâu dài (đến nay đã 70 ngày), liệu có tác dụng ngăn chặn lây nhiễm hay không. Vì mỗi ngày vẫn có dăm bảy ngàn ca lây nhiễm mới?
Tóm lại cách cách chống dịch cực đoan và phản khoa học hiện nay chỉ làm khổ dân, ngân sách cạn kiệt. Nhưng chỉ làm giàu cho một nhóm mà thôi.
Phải chăng việc cho báo chí tung hê về ngân sách cạn kiệt là để biện minh cho cách điều hành yếu kém của chính phủ đương nhiệm, hoặc lấy lý do để in thêm tiền hoặc vay nợ?
Phải chăng bàn tay của nhóm lợi ích đã phát huy tác dụng tối đa trong việc khuynh đảo những chủ trương chính sách đề ra trong thời gian nhà nước và nhân dân VN phải gồng mình gánh chịu những tác hại do cúm Tàu gây ra. Và đã làm tổn thất rất lớn về kinh tế, đời sống và tính mạng người dân trong thời gian qua?
Chú thích: