Lê Thiên (Danlambao) - Đại đa số người dân Miền Nam Việt Nam bùi ngùi trước tin Bà Christine Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân của cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu lìa đời tại San Diego, California, Hoa Kỳ vào sáng Thứ Sáu ngày 15 tháng 10, 2021, hưởng thọ 91 tuổi. Hôm nay, 15/11/2021, đúng một tháng ngày bà Thiệu (Mai Anh) lìa đời, chúng tôi hân hạnh thu góp một số nhận định về bà như là một tưởng niệm đối với bà và công lao của bà.
Sơ lược về công trình “VÌ DÂN”
Bà Mai Anh sinh năm 1931. Là phu nhân của vị Tổng thống VNCH (1967 – 1975), bà được mọi người coi là Đệ Nhất Phu Nhân của quốc gia. Nhưng người trong nước cũng quen gọi bà là Bà Thiệu, bà Nguyễn Văn Thiệu.
Khi tướng Nguyễn Văn Thiệu lên cầm quyền lãnh đạo đất nước (VNCH), bà Thiệu đã ước mong xây một bệnh viện cho người nghèo. Ước mong ấy biến thành hiện thực khi một Bệnh viện mới được khởi công xây cất năm 1969, rồi khánh thành ngày 04/9/1971 và được đưa vào hoạt động ngay dưới danh xưng BỆNH VIỆN VÌ DÂN (BVVD) mặc dầu mọi thứ trang thiết bị, kể cả các y cụ đều còn ở dang phôi thai, thiếu thốn.
BVVD tọa lạc tại một góc Ngã Ba Ông Tạ thuộc Ngã Tư Bảy Hiền, Sài Gòn. Nhiều cư dân trong khu vực đã được chữa trị miễn phí nên dân quanh vùng gọi đó là “Bệnh viện Bà Thiệu” hay “Nhà thương Bà Thiệu”, một cơ sở y tế rộng lớn, hiện đại với 400 giường bệnh.
Tuy tiến trình xây cất và trang bị, nhất là y cụ còn thiếu thốn như đã nêu trên, BVVD vẫn được yêu cầu đi vào hoạt động như mọi bệnh viện khác trong thành phố, mà trọng trách điều hành đầu tiên được trao cho Bác sĩ Phạm Ngọc Tỏa trong tư cách là Giám đốc tiên khởi với một đội ngũ y bác sĩ hùng hậu cả về kiến thức lẫn tay nghề chuyên môn kiệt xuất cùng tinh thần “lương y như từ mẫu” đối với mọi thành phần bệnh nhân đến với bệnh viện. Trong khi đó, nguồn tài chánh vẫn còn loay hoay trông chờ vào các mạnh thường quân cả trong nước lẫn nước ngoài, nhưng Hội đồng Quản trị tuyệt đối tránh “đụng tới” ngân sách nhà nước, ngân quỹ quốc gia.
Trong bản tường thuật của mình (Sự hình thành Bệnh viện Vì Dân), Bác sĩ Phạm Ngọc Tỏa chia sẻ (1): “Khoảng đầu năm 1969, Đại tá Võ Văn Cầm, Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống có mời tôi lên nói là Bà Nguyễn Văn Thiệu muốn thành lập một bệnh viện tư làm việc thiện với danh nghĩa Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Phụng Sự Xã Hội, ông bà Tổng Thống thấy tôi có kinh nghiệm trong việc thành lập Bệnh Viện Trưng Vương cho Hội Bảo Trợ Gia Đình Binh Sĩ năm 1967, nên muốn tôi tham gia vào việc này”.
Bs Phạm Ngọc Tỏa cho biết, để bắt đầu công trình, một Ủy Ban xây cất được hình thành:
- Đại Tá Võ Văn Cầm, Chánh Văn Phòng phủ Tổng Thống, Chủ Tịch
- Ô. Nguyễn Đình Xướng, Tổng Thư Ký phủ TT, Ủy viên
- BS. Phạm Ngọc Tỏa, Bộ Y Tế, Ủy viên
- Kiến Trúc Sư Nguyễn văn Chuyên, phủ TT, Ủy viên
Riêng KTS Trần Đình Quyền vốn tu nghiệp về ngành xây cất bệnh viện vừa ở Mỹ mới về Sài Gòn thì được mời giúp thực hiện họa đồ kiến trúc.
Cũng theo Bs Phạm Ngọc Tỏa, BVVD là một “bệnh viện tư trực thuộc Hội Phụ Nữ Phụng Sự Xã Hội (PNPSXH), dành 25% số giường cho bệnh nhân nghèo (gia đình tiểu công chức, gia đình hạ sĩ quan và binh sĩ, gia đình nghèo có giấy chứng nhận của khu phố) được giảm phí hay miễn phí tùy trường hợp do sự cứu xét và quyết định của Ban Xã Hội (Hội PNPSXH) hàng ngày tới BVVD làm việc. Bệnh nhân nghèo được săn sóc, ăn uống như bệnh nhân hạng trả tiền, chỉ có khác là hưởng thuốc miễn phí do Bộ Y Tế hay các tổ chức thiện nguyện biếu tặng và nằm phòng 4 giường.”
Bs Tỏa cũng cho biết “Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị (HĐQT) chính là Chủ Tịch Hội PNPSXH tức là bà Nguyễn Văn Thiệu. Các thành viên của HDQT đều là hội viên của Hội PNPSXH.”
Riêng Bs Phạm Ngọc Tỏa là Giám Đốc Bệnh Viện có hai Phụ tá: một Phụ tá Kỹ Thuật (Bác sĩ Lê Phước Thiện) và một Phụ tá Hành Chánh (Trung tá Hành chánh Quân Y Phạm văn Sinh). Các Bác sĩ Bệnh viện hoạt động trong lãnh vực chuyên môn y tế của mình, không hề lệ thuộc hay chịu bất kỳ áp lực nào từ Hội Đồng Quản Trị hay Hội PNPSXH của Bà Nguyễn Văn Thiệu hay chịu sự khống chế hay dòm ngó bởi thế lực nào khác.
Nhận xét về Bà Thiệu và về Bệnh viện VÌ DÂN
Về các ý kiến mới nhất gắn vai trò của bà Thiệu với công trình y tế công này, ông Nguyễn Kỳ Phong phân tích với BBC: "Bà Thiệu mất đi, được nhiều người nhắc đến không phải như một đệ nhất phu nhân, mà như là một người đã có công xây dựng một bệnh viện miễn phí lớn bậc nhất của Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ - Bệnh Viện Vì Dân."
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đề cập đến BVVD như sau (2):
"Còn bà [Nguyễn Văn Thiệu] thì hay nói đến Bệnh Viện Vì Dân. Đối với bà thì đây là một niềm vui lớn và nó còn ghi dấu ấn trong tâm trí. Đây cũng là một di sản quý hóa mà bà để lại cho người dân, nhất là những người nghèo.”
Ts Hưng xác nhận: “Chúng tôi đã có dịp tới thăm nhà thương này và thấy nó được xây cất theo tiêu chuẩn quốc tế, được trang bị rất hiện đại, với 400 giường bệnh. Người khám bệnh và chữa bệnh luôn được miễn phí. Các bác sĩ, y sĩ, y tá được chọn lọc cẩn thận. Ngoài ra, lại còn những sinh viên y, dược, xung phong làm việc từ thiện."
Cũng theo Tiến sĩ Hưng, "Bà [Thiệu] kể là sở dĩ nảy ra ý muốn xây một bệnh viện là vì bà hay vào nhà thương Chợ Rẫy thăm bệnh nhân. Nhiều khi thấy hai người phải chen chúc nhau nằm trên một cái giường nhỏ, làm bà hết sức mủi lòng. Vì vậy đã bỏ ra nhiều công sức đi vận động để xây nhà thương như là một bước đầu để cải thiện nền y tế Việt Nam."
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nêu rõ: "Tài trợ cho bệnh viện này hoàn toàn không dính dáng gì đến ngân sách quốc gia mà do sự đóng góp của những cơ quan từ thiện, những người có hảo tâm trong nước cũng như ngoại giao đoàn. Bà nói tới sự đóng góp đặc biệt của bốn tòa Tòa Đại sứ: Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và Hà Lan. Bà đi vận động xây nhà thương là do sự đam mê công tác xã hội, hoàn toàn không có mục đích chính trị như một số người đồn thổi."
Ông Hoàng Đức Nhã, cựu tổng trưởng Thông Tin Dân Vận Chiêu Hồi VNCH và là em họ của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nói với báo Người Việt: "Điều đáng trân trọng nhất là bà tham gia rất nhiều công tác xã hội, trong đó đáng nhớ là bà chủ xướng việc xây dựng Bệnh Viện Vì Dân để phục vụ người dân tại Sài Gòn vào năm 1971 đồng thời chăm lo cho Trường Quốc Gia Nghĩa Tử nhằm nuôi dưỡng con cái của các tử sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hoà."
Ông Nguyễn Kỳ Phong lại nhận xét: "Những người thân cận với bà Thiệu nói dù là vợ của tổng thống, nhưng bà thích phục vụ những vấn đề xã hội hơn. Có lẽ nhiều người nhớ về bà Nguyễn Văn Thiệu như là người lập ra bênh viện Vì Dân hơn là một đệ nhất phu nhân."
Dù có những cái nhìn, những quan điểm khác nhau về công trình này, nhiều người Việt, khi nhớ lại, vẫn xem BVVD là một dấu ấn đẹp trong lịch sử Việt Nam.
Tận cùng thói lưu manh của CSVN
Bệnh viện Vì Dân – dấu ấn lịch sử một thời Việt Nam Công Hòa đến nay vẫn còn sờ sờ dù nay nó đang là một bệnh viện đã bị cướp đoạt, bị đổi tên, bị sử dụng sai mục đích.
Thật vậy, sau 30/4/1975, Bệnh viện Vì Dân chẳng những mất tên “vì dân” mà còn bị đoạt luôn mục tiêu “vì dân”, không còn vì dân nữa, mà là vì quan và cho quan mà thôi với cái tên Bệnh viện Thống nhất, một tên gọi mang tính khoa trương, hô hào chính trị chẳng nhằm nhò gì tới tinh thần và mục đích được đề ra từ thuở ban đầu khi nó được thành lập và được đưa vào sử dụng.
Mặt khác, không những triệt tiêu cái tên gọi và cái mục tiêu vì dân của bênh viện, người ta còn trắng trợn cướp đoạt quyền khai sáng, quyền xây dựng bệnh viện, quyền tạo cho nó một bản lãnh, một uy lực về mục tiêu “vì dân”. Nói thẳng là ăn cướp ngang ngược kiểu giang hồ hảo hớn.
Cụ thể, ngay ở lời mở đầu, bài báo của CSVN nêu trên khẳng định chắc nịch rằng “Tiền thân của Bệnh viện Thống Nhất là Bệnh viện K71 Quân Giải phóng Miền Nam.” Rồi lại hô hào tiếp: "Đơn vị K71 - tiền thân của Bệnh viện Thống Nhất - rất xứng đáng được tặng Huân chương Quân công hạng nhì với rất nhiều kỳ tích…”.
Suốt từ đầu đến cuối bài báo, không hề có một chữ, một từ nào nói lên “Lịch sử hình thành…” của cái gọi là “Bệnh viện Thống Nhất” nhưng tựa đề này vẫn được nêu ở bài báo khiến người ta không khỏi hụt hẫng! Danh hiệu “Vì Dân” gắn liền với “Bệnh viện” để chỉ rõ mục tiêu Vì dân của một “Nhà thương”, tại sao lại bị thủ tiêu, nghiền nát tàn nhẫn phũ phàng đến vậy?
Người ta có thể ma mãnh ém đi cái tư cách tiền thân đích thực của Bệnh viện Vì Dân đối với cái gọi là Bệnh viện Thống Nhất thời sau 30/4/1975, đừng hòng ém nhẹm ý hướng và bước chân Vì Dân đã in sâu vào tâm khảm của mọi thành phần người dân Sài Gòn cũng như của cả Miền Nam Việt Nam. VÌ DÂN đã từng là thương hiệu, từng là Nhãn Hiệu Cầu Chứng cho một Nhà Thương, một Bệnh viện! Dẫu có đào một cái hố thật sâu, sâu tới tầng sâu thẩm của địa ngục, người ta không thể nào xóa đi dấu vết BỆNH VIỆN VÌ DÂN đã in sâu trong lòng dân. Điều oái oăm là khi người ta cố tình xóa đi tư cách BỆNH VIỆN VÌ DÂN thì cái tên Bệnh Viện Thống Nhất vẫn không thể nào phủ lấp dòng chữ BỆNH VIỆN VÌ DÂN còn in trên tấm ảnh cũ mà tác giả bài báo của truyền thông CS “vô tình” trưng ra ngay bên dưới bài báo trích dẫn trên.
Vậy mà bên dưới tấm ảnh, người ta vẫn trơ trẽn ghi: “Bệnh viện Thống Nhất trước năm 1975”! Lưu manh chưa?
Bệnh viện Thống Nhất trước năm 1975 (?)
Chúng tôi mạn phép ghi nhận xét của Ts Lê Học Lãnh Vân (3) từ bài viết “Bà Thiệu” của ông trên Văn Việt ngày 13/11/2021 (http://vanviet.info/van/b-thieu/) như sau:
“Trong mười năm ông Thiệu cầm quyền, bệnh viện Vì Dân được xây lên. Nếu so sánh với gần bốn chục năm sau ngày Thống Nhất, trong khi dân chúng ngày càng đông, hai người bệnh nằm chung một giường, thậm chí nằm trên băng ca ngoài hành lang trong điều kiện nhớp nháp, mà chưa có một bệnh viện được xây mới nào dành cho dân và có cùng tầm cỡ, chắc nhiều người nhớ bà Thiệu!”
Bệnh viện Vì dân… sẽ có ngày trở lại Vì Dân
Ts Lê Học Lãnh Vân nhìn nhận mình “xuất thân Miền Nam, tôi […] nhớ lại những tung tin xa gần rằng ông bà Thiệu tham nhũng! Những tung tin không có bằng chứng về các phi vụ gạo, ma tuý dính líu tới hai ông bà… Có người còn gọi bà là ‘con mẹ Thiệu’”! Ông Lê Học Lãnh Vân còn nêu rõ: “Chế độ mới xã hội chủ nghĩa truyền giảng trong những buổi học chính trị rằng ông Thiệu ra đi đem theo mười sáu tấn vàng làm nghèo đất nước khiến dân chúng phải ăn cơm độn bo-bo. Việc rao truyền kéo dài hàng chục năm cho tới khi sự thật lộ ra rằng chính nhà nước mới đã tiêu dùng mười sáu tấn vàng kia!”
Tác giả bài báo cũng không ngần ngại vạch thẳng sự thật: “Không chỉ ông Thiệu, các nhân vật cao cấp trong chính quyền và quân đội cũ cũng chịu những lời buộc tội, trong đó có không ít lời không chứng cớ.” Rồi ông phàn nàn: “Tham nhũng là tội dễ buộc nhất. Có ai so sánh tài sản của các vị xuất thân chế độ cũ đó với vô số biệt phủ của quan chức cấp cao và thấp dọc ngang khắp đất nước hôm nay? Có ai so sánh những lời tố cáo không bằng chứng ngày đó với những đại án lò củi hôm nay mà số tiền người dân bị đánh cắp đã quá mức nhẫn tâm?”
Trở lại với “Bà Thiệu”, Ts Lê Học Lãnh Vân kết luận: “Cùng với nỗi ân hận là lòng mong mỏi bệnh viện Vì Dân, món quà những nhà hảo tâm tặng cho Dân, sẽ có ngày trở lại Vì Dân…”
Có lẽ không ít người dân Việt Nam vững niềm tin như Tiến sĩ Lê Học Lãnh Vân. Mong thay!
Chú thích:
(1) Vào những năm cuối đời, Bác sĩ Phạm Ngọc Tỏa từ Pháp sang định cư tại Hoa Kỳ với người con gái của ông ngụ tại Edison, New Jersey. Chúng tôi hân hạnh có cơ hội trực tiếp với Bs họ Phạm và đã cống hiến hai bài báo về ông trên Nguyệt san DĐGD hồi năm 2017 trước và sau khi Bác sĩ lìa đời.
(2) Ts Nguyễn Tiến Hưng - Một vài kỷ niệm về phu nhân Tổng Thống Thiệu, ngày 22/10/2021
(3) Lê Học Lãnh Vân - học giả (Tiến sĩ) có kinh nghiệm trong các lãnh vực Đào Tạo, Quản Lý Kinh Doanh, Lãnh Đạo Doanh Nghiệp. Ông cộng tác với nhiều cơ quan truyền thông với các đề tài về xã hội.