Suy nghĩ về một lời hứa của bộ trưởng - Dân Làm Báo

Suy nghĩ về một lời hứa của bộ trưởng

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (SGTT.VN) - Hơn hai tháng trôi qua, kể từ ngày bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) lên tiếng nhận trách nhiệm về việc tìm hiểu nguyên nhân và xử lý các vụ xe bỗng dưng bốc cháy, câu trả lời cụ thể đến nay vẫn chưa có. Trong khi đó, nạn cháy xe vẫn tiếp diễn, thậm chí còn lan rộng từ khu vực xe máy cá nhân và ôtô nhỏ đến các xe chở khách, và chưa cho thấy có dấu hiệu dừng lại.

“Từ năm 2012, ngành giao thông sẽ chịu trách nhiệm về các vụ cháy nổ xe. Việc các cơ quan chức năng chưa có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm trong các vụ cháy, nổ xe ôtô thời gian vừa qua là một khoảng trống về pháp luật”

(Bộ trưởng bộ GTVT Đinh La Thăng nói tại buổi họp báo về kết quả thực hiện nhiệm vụ 2011 của bộ GTVT, ngày 3.1.2012)
Đáng nói là hiện tượng cháy xe chỉ mới được ghi nhận cách nay không lâu và chỉ gia tăng mật độ trong thời gian gần đây. Chắc chắn, đó là một hiện tượng không bình thường, cũng không ngẫu nhiên. Vấn đề nữa là không chỉ ở Việt Nam mà ở mọi xứ sở trên thế giới này đều có người dân đi xe máy, ôtô, xe khách. Liệu hiện tượng cháy xe chỉ xảy ra ở Việt Nam hay cũng xảy ra ở tất cả các nước và đang trở thành vấn nạn toàn cầu? Nếu xe có thể bốc cháy ở mọi nơi, thì nhà chức trách, người dân ở các nước khác đã đối phó như thế nào và hiệu quả ra sao?

Có thể bộ trưởng bận rộn với quá nhiều việc, không thể tập trung dồn sự quan tâm cho một vấn đề cụ thể. Bản thân vấn đề hẳn cũng rắc rối, phức tạp hơn người ta tưởng, cần được dành cho nhiều thời gian hơn, nhiều công sức, phương tiện thích hợp để làm rõ. Vả lại, mọi lời hứa đều không chắc thành hiện thực, dù đó có là lời hứa chắc nịch, được đưa ra một cách nghiêm chỉnh và trang trọng nhân danh nhà chức trách công. Đơn giản, những yếu tố không lường trước có thể xuất hiện, khiến một việc được dự kiến lúc đầu có vẻ như rất dễ được thực hiện bỗng trở nên khó khăn, thậm chí không khả thi nữa. Cần tỉnh táo đánh giá việc thực hiện lời hứa của một người và trong nhiều trường hợp, cần phải thông cảm cho người đã hứa về việc đã chưa, thậm chí không giữ được lời hứa của mình. 

Hơn hai tháng trôi qua, kể từ ngày bộ trưởng GTVT lên tiếng nhận trách nhiệm về việc tìm hiểu nguyên nhân và xử lý các vụ xe bỗng dưng bốc cháy, câu trả lời cụ thể vẫn chưa có. Trong khi đó, nạn cháy xe vẫn tiếp diễn. Ảnh: TTXVN

Dẫu sao, để người dân, đúng hơn là người đi xe được yên lòng, cơ quan chức năng nên có những động thái thích hợp cho thấy sự mẫn cán, tích cực, tận tuỵ của các vị trí chuyên môn trong việc thực thi lời cam kết của người đứng đầu ngành. 

Chẳng hạn, có thể thành lập một nhóm công tác đặc biệt, kiểu như ban chuyên án, chuyên thu thập và phân tích thông tin về các vụ cháy xe, từ đó xác định bản chất, căn nguyên của sự việc, rồi suy nghĩ tìm kiếm giải pháp khắc phục. Dường như một nhóm công tác như thế cũng đã được thành lập và đã, đang hoạt động; nhưng công việc của nhóm tiến triển ra sao thì xã hội không nắm bắt được.

Trong bối cảnh nạn cháy xe đang diễn biến ngoài tầm kiểm soát, người dân rất hoang mang và cứ nơm nớp lo, không biết liệu một ngày nào đó chính mình sẽ là người gặp nạn. Để người dân cảm thấy có được chỗ dựa trong một không gian sống nhiều rủi ro, nhà chức trách không chỉ tổ chức nhóm công tác chuyên môn mà còn phải công khai hoạt động của nhóm ấy, để cho người dân thấy thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chức năng bảo đảm cuộc sống bình yên và an toàn cho cộng đồng, cho mỗi thành viên của cộng đồng. 

Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2011, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy xe, trong đó có 50 vụ cháy xe ôtô, 39 vụ cháy xe máy làm hai người chết, hai người bị thương.
Rõ hơn, liên quan đến nạn xe cháy, nên dành một góc nào đó trong website chính thức của cơ quan chức năng để công bố và cập nhật các thông tin về các hoạt động tác nghiệp nhằm truy tầm nguyên nhân cháy xe, về kết quả sơ bộ, các nghi vấn, giả thuyết... Góc thông tin đó đồng thời cũng phải được coi là nơi giao tiếp giữa người dân và cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp một người dân thường nào đó là nạn nhân trực tiếp, là người chứng kiến, nói chung là người nắm bắt được thông tin có ích liên quan và đáng tin cậy, người này có thể qua cổng giao tiếp ấy liên lạc kịp thời với người có trách nhiệm để trình báo về những gì mình thấy, biết. Việc làm đó sẽ có tác dụng hỗ trợ cho cơ quan chức năng trong quá trình củng cố nguồn thông tin cần thiết cho việc điều tra, xử lý chính xác và có hiệu quả. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo