Nguyễn Xuân Nghĩa (Danlambao) - Văn nghệ sĩ (VNS) nhận biết cuộc sống bằng cảm tính nhiều hơn lý tính. Họ không chịu mở rộng hiểu biết sang triết học - một loại kiến thức cần thiết cho văn học (ngay cả hiện nay, rất nhiều tác phẩm triết học có giá trị đã được dịch và in thoải mái tại VN, mà nhiều người cũng không chịu tìm đọc). Bắt đầu từ công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập cho quốc gia, nhiều VNS đã tham dự bằng nhận chân chính xác về cả lý tính và cảm tính. Thời kỳ này, hầu hết VNS đã tản cư ra khỏi vùng chiếm đóng của thực dân Pháp, nhiều người gia nhập hàng ngũ Việt Minh, tích cực tham gia kháng chiến. Có người đã hy sinh như Nam Cao. Họ đã dùng rất hữu hiệu công cụ là tâm hồn tự do và giàu cảm xúc của mình để cổ vũ cho cuộc kháng chiến giành độc lập qua những tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực Văn học Nghệ thuật. Ai không muốn xung vào bộ đội khi đọc bài thơ “Tây tiến” của Quang Dũng?:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành...
Hoặc cảm nhận tinh thần hy sinh, chịu đựng mất mát cá nhân vì lòng yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam trong cái đau xót mà vô cùng lãng mạn của thơ Hữu Loan:
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Mẹ tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối...
Tuy nhiên cùng với thời gian, lòng yêu nước, sự hy sinh của lớp VNS thời kỳ chống thực dân Pháp đã bị đánh cắp. Một lớp VNS đương thời, sau này đã bị tổ chức Việt Minh, sau hiện nguyên hình là đảng CSVN tuyên truyền, lừa bịp dẫn đến hệ lụy là họ bị triệt tiêu hoàn toàn lý tính, triệt tiêu lý tưởng Chân-Thiện-Mỹ khi dùng ngòi bút. Họ trở thành những kẻ tuyên truyền, lừa bịp nhân dân tài ba hơn ĐCS (đỏ hơn cả đảng). Họ đã thành một công cụ cực ký hữu dụng, nguy hiểm của đảng CS độc tài. Nhiều người trong số họ đã hô hào bắn giết thật nhiều trong cải cách ruộng đất, đánh thật hăng trong nội chiến Bắc-Nam - với mỹ từ giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc - để xây dựng một hình thái xã hội không tưởng, bất công là chủ nghĩa CS. Đặc biệt trong số này có Tố Hữu, một bút nô cực kỳ hung hãn trong những bài thơ cổ võ bạo lực nhằm vào nhân dân và nô lệ nước ngoài, (sau này thành một nhân vật chính trị “ăn hại đái khai” trong những năm cuối 80, đầu 20 của thế kỷ trước:)
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt
Ngay những ca từ dưới đây trong bài quốc ca của Văn Cao ta cũng thấy rợn người, vì cái bạo lực mà nó cổ võ:
Thề phanh thây, uống máu quân thù
Tiến mau ra sa trường...
Tuy nhiên... Cái may cho nền thơ ca nước nhà và một phần nào cứu vớt danh dự cho VNS, ngay thời gian này đã xuất hiện nhiều VNS tỉnh giấc sớm... Sớm nhất có thể kể đến nhóm Nhân văn giai phẩm, với những bài thơ, câu thơ thức tỉnh:
Tôi ra đường không thấy phố thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa dưới hàng cờ đỏ
...
Vào đời
tất cả
chỉ có vé: đồng hạng
mọi thứ đặc quyền đều
sặc sụa bất công...
(Trần Dần)
Anh công an nơi ngã tư đường phố
Chỉ đường cho
xe chạy
xe dừng
Rất cần cho luật giao thông
Nhưng đem bục công an đặt giữa trái tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
Theo luật lệ đi đường nhà nước
Có thể gây nhiều đau xót
ngoài đời
(Lê Đạt)
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chìu
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
(Phùng Quán)
Sau thời kỳ khai sáng văn chương và tư tưởng của giới VNS lần thứ nhất bị đàn áp, hầu như VNS chấp nhận sáng tác cho đảng hoặc chịu bị bịt miệng, trốn tránh vào những đề tài an toàn, hoặc bỏ viết. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, biên kịch... vì muốn mua cái danh hão: nhà văn, nhà thơ đã bán linh hồn cho quỷ. Có thể coi đa số các VNS thời XHCN vì mù quáng đã trở thành tội đồ của dân tộc. Thời gian này những người không nằm trong tầng lớp cung đình, tránh được tiếng bút nô lại để lộ ra một đức tính nữa: Sự hèn nhát. Thấy đau khổ của đồng loại không mủi lòng, thấy việc thiện mà không làm. Họ trốn trong những bài thơ ca ngợi tình yêu, phong cảnh, đạo đức chung chung hoặc biến thành những nhà báo viết những bài lá cải... Vì cái hèn, họ là loại VNS đáng thương hơn đáng ghét.
Tuy nhiên, cái hèn của họ dần ít đi, sự cam đảm của họ lớn dần theo sự thất vọng của họ vào ĐCS, và như ta đã thấy những năm gần đây họ đã không kêu gào cho ĐCS như trước nữa. Đặc biệt một nhóm văn nghệ sĩ đã tách ra khỏi đám VNS làng nhàng, đã lột xác:
Đảng là cái ranh giới mỏng manh như sợi tóc
Giữa chính nghĩa và gian tà, giữa trung thành và phản phúc
...
Ta cứ tưởng đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ
Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao!
...
Ta đã nhìn thấy những vết bùn trên đỉnh chín tầng cao
(Việt Phương)
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...
(Chế Lan Viên)
Và Nguyễn Duy:
Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma
ma quái - ma cô - ma tà - ma mãnh...
quỉ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài
Đêm huyền hoặc
dựng tóc gáy thấy lòng toang hoác
mắt ai xanh lè lạnh toát lửa ma trơi
...
Xứ sở linh thiêng
sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác
đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh
Giấy rách mất lề
tượng Phật khóc Đức Tin lưu lạc
Thiện - Ác nhập nhằng
Công Lý nổi lênh phênh
...
Xứ sở thông minh
sao thật lắm trẻ con thất học
lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương
Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt
tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp
tuổi thơ bay như lá ngã tư đường
Bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng
mở mắt... bóng nhân tài thất thểu
...
Xứ sở thật thà
sao thật lắm thứ điếm
điếm biệt thự - điếm chợ - điếm vườn...
Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
Vật giá tăng
vì hạ giá linh hồn
...
Vâng - đã có một thời hùng vĩ lắm
hùng vĩ đau thương hùng vĩ máu xương
mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm
Vâng - một thời không thể nào phủ nhận
tất cả trôi xuôi - cấm lội ngược dòng
Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
ợ lên nhồn nhột cả tim gan.
Khi hai hiểm họa lớn đang hàng ngày đè nặng lên vận mệnh Tổ Quốc và đời sống nhân dân. Nhà thơ Nguyễn Viện dồn dập nêu câu hỏi:
1. Quốc hội Việt Nam người Tàu hay người Việt?
2. Chính phủ Việt Nam người Tàu hay người Việt?
3. Báo chí và Truyền hình Việt Nam quan tâm đến cái gì nhất:
A- Bóng đá?
B- Sexy show Hoàng Thùy Linh, Yến Vi?
C- Tàu chiếm Hoàng Sa & Trường Sa?
...
Sự tỉnh ngộ của họ rất tác dụng. Họ là tầng lớp biết sử dụng ngôn ngữ, biết sử dựng ký tự... Tiếng nói của họ vang xa hơn, thấm vào lòng người sâu hơn, không kém gì những nhà chính trị phản tỉnh. Chúng ta cảm phục, tôn vinh những VNS dũng cảm như Dương Thu Hương, Nguyên Ngọc, Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Lập và nhiều VNS khác nữa... Đồng thời khuyến khích, trông chờ những VNS còn lại. Mong ngày càng nhiều VNS dùng khả năng trời phú để khai dân trí, chấn dân khí, đóng góp vào công cuộc dân chủ hóa đất nước mà rồi sớm muộn cũng nhất định thành công.
Nhân viết về văn nghệ sĩ xin có mấy câu tặng nhà văn Nguyễn Quang Lập:
Hôm qua ở phía bên kia
Hôm nay trở giáo vượt sang bên này
Những đêm giấc ngủ không đầy
Những chiều bạc tóc nhìn mây, nhìn trời
Lột xác đau lắm ai ơi!
Lột xong trắng bụng thì chơi hết mình
Nghệ An- Hà Tĩnh có gần?
Không cho, tôi cũng xí phần QUÊ CHOA
Đầu tháng 12 năm 2014